Cuốn sách được PGS.TS Trần Văn Nam, là Chủ biên, đồng tác giả của sách gửi file pdf trực tiếp đến LUẬT SƯ FDVN để chia sẻ đến đông đảo độc giả đam mê nghiên cứu pháp luật, đặc biệt là pháp luật về quyền tác giả hiện nay.
Tập thể tác giả của cuốn sách gồm: (1. PGS.TS. Trần Văn Nam 2. PGS.TS. Trần Văn Hải 3. PGS.TS. Đoàn Đức Lương 4. PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy 5. TS. Nguyễn Hợp Toàn 6. TS. Phạm Hồng Quất 7. ThS. Nguyễn Anh Tú 8. ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh 9. ThS. Trần Thị Hồng Nhung 10. CVC. Tô Văn Long)
Một lần nữa, FDVN trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Văn Nam và các đồng tác giả về tấm lòng và tâm huyết chia sẻ để lan tỏa kiến thức của các tác giả cuốn sách đến với cộng đồng.
Cũng qua đây, chúng tôi trân trọng cảm các tác giả của các tác phẩm, tài liệu, ấn phẩm về luật và liên quan đến pháp luật đã âm thầm chia sẻ cho chúng tôi các tài liệu ý nghĩa để chia sẻ đến cộng đồng những người hành nghề luật. Sự chia sẻ của các quý tác giả, những người tạo ra giá trị tri thức là vô cùng đáng trân trọng để chúng ta tiếp tục sứ mệnh chia sẻ, lan tỏa tri thức của mình …
Một lần nữa, xin trân trọng biết ơn.
…
Nội dung sách và các tài liệu được chia sẻ thể hiện quan điểm của tác giả, không phải là quan điểm của các luật sư của FDVN, chúng tôi tự sao chép và lưu trữ với mục đích nghiên cứu học tập và phi thương mại, chúng tôi phản đối việc sử dụng sách, tài liệu này cho mục đích thương mại.
…
LỜI GIỚI THIỆU
Khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, đồng thời bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là chính sách nhất quán của Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã khẳng định “làm tốt công tác bảo vệ bản quyền tác giả” để phát triển sự nghiệp văn học – nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, hầu hết các quan hệ xã hội về quyền tác giả, quyền liên quan đã được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, những quy định này phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo tiền đề cho sự hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả của quá trình bảo hộ và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc đến chương trình máy tính. Trong môi trường kỹ thuật số, sản phẩm ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh, chương trình máy tính, xuất bản là các lĩnh vực bị xâm hại nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó
có nguyên nhân về quản lý nhà nước. Do vậy, nghiên cứu pháp luật về quyền tác giả, thực trạng quản lý nhà nước bằng pháp luật về quyền tác giả và việc đề xuất một số giải pháp tăng cường thực thi quyền tác giả ở Việt Nam có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Cuốn sách “Quyền tác giả ở Việt Nam: Pháp luật và thực thi” do Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản được biên soạn bởi tập thể tác giả là các nghiên cứu viên, giảng viên, chuyên gia sở hữu trí tuệ giàu kinh nghiệm đến từ Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Khoa Luật – Đại học Huế; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội; Cục Phát triển Doanh nghiệp và Thị trường Khoa học công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hy vọng cuốn sách là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với cán bộ, công chức cũng như độc giả từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và sinh viên, học sinh quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và mong nhận được những ý kiến đóng góp để các tác giả tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cuốn sách này trong lần tái bản.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hà Nội, tháng 12 năm 2014
NHÀ XUẤT BẢN TƯ PHÁP
Link sách pdf: QUYỀN TÁC GIẢ Ở VIỆT NAM PHÁP LUẬT VÀ THỰC THI