Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Quy trình nộp đơn Bảo hộ sáng chế

Quy trình nộp đơn Bảo hộ sáng chế

Tình huống pháp lý: Luật sư cho tôi hỏi, hiện tại tôi vừa sáng chế ra quy trình sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh gút từ các thảo mộc từ thiên nhiên. Xin hỏi quy trình nộp đơn bảo hộ sáng chế sẽ diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Có tính mới; b) Có trình độ sáng tạo; c) Có khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Có tính mới; b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Để tiến hành đăng nộp đơn đăng ký bảo hộ Sáng chế cần thực hiện một số bước như sau:

Thứ nhất: Tiến hành tra cứu trước khi dự định đăng ký bảo hộ sáng chế

Trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT, khách hàng sẽ tiến hành tra cứu về khả năng đăng ký của sáng chế, việc tra cứu này là một thủ tục không bắt buộc nhưng tra cứu sẽ giúp ta xác định được sáng chế có đáp ứng được yêu cầu bảo hộ hay không, từ đó sẽ quyết định việc có nộp hay không nộp đơn đăng ký

Một là, Tra cứu sáng chế trên cơ sở dữ liệu wipopublish

Hai là, Cơ sở dữ liệu của Viện Khoa học SHTT IPPLATFORM

Thứ hai: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế

Hồ sơ gồm có:

– Tờ khai đăng ký sáng chế (02 bản theo mẫu phụ lục I Nghị định 65/2023 NĐ/CP);

– Bản mô tả sáng chế (02 bản bằng tiếng Việt, bao gồm cả hình vẽ, nếu có), bao gồm các nội dung sau:

+ Tên sáng chế;

+ Lĩnh vực sử dụng sáng chế;

+ Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế;

+ Bản chất kỹ thuật của sáng chế;

+ Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế;

+ Ví dụ thực hiện sáng chế;

+ Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được.

– Tóm tắt sáng chế (không quá 150 từ).

Tóm tắt sáng chế không được vượt quá 150 từ

Phải được tách thành trang riêng biệt

Không buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn mà có thể bổ sung sau đó.

– Yêu cầu bảo hộ: dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế:

Tách thành riêng sau phần mô tả

Trình bày ngắn gọn, rõ ràng và phù hợp với phần mô tả, hình vẽ (cần làm rõ dấu hiệu mới của sáng chế yêu cầu bảo hộ).

– Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nếu nộp thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (không cần công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự)

– Thông tin Đơn sáng chế: Tên, quốc tịch và địa chỉ của Chủ đơn và Tác giả sáng chế.

Một số lưu ý khi kê khai các giấy tờ, hồ sơ:

– Mọi giấy tờ trong đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt nếu là tài liệu làm bằng ngôn ngữ khác;

– Giấy tờ trong hồ sơ đăng ký sáng chế được trình bày theo chiều dọc (trừ hình vẽ, sơ đồ có thể tình bày chiều ngang hoặc chiều dọc đều được);

– Mỗi loại tài liệu nếu có nhiều trang thì phải đánh số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập ở mỗi trang;

– Tài liệu trình bày rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sữa chữa

– Từ ngữ sử dụng trong đơn phải là ngôn ngữ phổ thông;

– Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Thứ ba: Nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại cục SHTT

Hồ sơ bảo hộ sáng chế nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu điện đến trụ sở chính Cục Sở hữu trí tuệ hoặc 2 Văn phòng đai diện của Cục SHTT, cụ thể:

– Trụ sở Hà Nội: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

– Văn phòng đại diện thành phố Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

– Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Lưu ý: Nếu nộp hồ sơ đăng ký sáng chế qua bưu diện thì người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện và photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

Thứ tư: Xem xét hồ sơ

 Thẩm định hình thức

  • Thời hạn: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
  • Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ.

Nếu đơn đăng ký của khách hàng đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.

Nếu đơn đăng ký của khách hàng không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị khách hàng sửa đổi. Khách hàng tiến hành sửa đổi theo yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ.

Thẩm định nội dung sáng chế

Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung: 02 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế. Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, không có yêu cầu thẩm định thì đơn được coi như đã rút tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.

Thẩm định nội dung là đánh giá khả năng được bảo hộ của sáng chế nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ. Thời gian thẩm định nội dung là 18 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Thứ năm: Tra cứu sau khi tiến hành đăng ký sáng chế tại Cục SHTT

Tra cứu sau đăng kí còn có thể là tra cứu hành vi xâm phạm quyền

Còn được biết đến như tra cứu “quyền sử dụng sáng chế” hay “quyền tự do sử dụng sáng chế” hoặc “được phép sử dụng sáng chế”, việc tra cứu này được thực hiện để xác định liệu có sáng chế nào chưa hết hạn (vẫn còn hiệu lực) bị xâm phạm quyền bởi sản phẩm mới bất kỳ được tung ra thị trường hoặc bởi việc khai thác theo các khác sáng chế liên quan hay không. Bằng việc tra cứu này, một Bên bất kỳ sẽ được “phép sử dụng sáng chế” để sản xuất, sử dụng, bán hay nhập khẩu một sản phẩm có chứa sáng chế. Việc tra cứu sẽ bao gồm việc tìm hiểu tất cả yêu cầu bảo hộ của các bằng độc quyền sáng chế có liên quan đang có hiệu lực để xác định phạm vi bảo hộ nhằm tránh xâm phạm quyền của chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế bất kỳ đang có hiệu lực. Để đánh giá khả năng xâm phạm quyền, cũng cần phải nghiên cứu tất cả các điểm yêu cầu bảo hộ của các đơn đăng ký sáng chế đã được công bố trước đó. Do đó, việc thực hiện các tra cứu định kỳ ở giai đoạn bắt đầu cải tiến kỹ thuật, phát triển sản phẩm hay đưa sản phẩm ra thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các sáng chế có liên quan và kịp thời biết được tình trạng pháp lý của chúng, tránh được các hành vi xâm phạm quyền.

Thứ sáu: Lưu ý sau khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế thành công tại Cục SHTT.

Nếu Sáng chế đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn bảo hộ: Chuyên viên ra Công văn dự định cấp văn bằng và nộp lệ phí. Nếu Sáng chế không đáp ứng một trong các tiêu chuẩn bảo hộ: Chuyên viên ra Công văn thông báo kết quả thẩm định nội dung (nội dung nêu rõ lý do chưa đáp ứng).

Khi nhận được Công văn thông báo dự định cấp văn bằng và nộp lệ phí tức là Sáng chế của bạn đã đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định. Sau đây cần đóng phí Cấp văn bằng tại Cục SHTT để chuyên viên xử lý nốt các giai đoạn nội bộ còn lại như lấy số bằng, in bằng, đăng bạ, công bố quyết định cấp văn bằng,……

Quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế được coi là hoàn tất khi sáng chế của Quý vị được cấp Bằng độc quyền sáng chế và được ghi vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Lưu ý: Khi đã nhận được thông báo dự định cấp bằng và nộp lệ phí thì trong thời gian khách hàng phải tiến hành nộp lệ phí để tránh trường hợp quá thời gian quy định sẽ không được cấp bằng bảo hộ sáng chế

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.

Võ Thị Thu Hà – Công ty Luật Hợp danh FDVN

………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan