Tình huống pháp lý: Quy định pháp luật về tỷ lệ phụ cấp độc hại đối với Người lao động
Tôi hiện đang là công nhân xử lý nước thải tại thành phố Đà Nẵng, công việc của tôi được phụ cấp độc hại, nhưng tôi thắc mắc là tỷ lệ hưởng phụ cấp độc hại do các bên thỏa thuận hay pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể hay không? Mong Quý Công ty có thể tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
[1]. Trường hợp Anh/Chị làm việc trong Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng thang, bảng lương, phụ cấp và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu có quy định như sau: “ Công ty rà soát phân loại điều kiện lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm: Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.”
Như vậy, nếu Anh/Chị là Người lao động trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và đang làm một trong những ngành nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm Ban hành kèm Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH thì tùy vào điều kiện nặng nhọc của Công việc, Anh/Chị sẽ được hưởng mức phụ cấp từ 5%-10% hoặc từ 7%-15% mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
[2]. Trường hợp Anh/Chị làm việc tại những nơi khác
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm nào quy định cụ thể tỷ lệ phụ cấp độc hại cho người lao động (trừ Người lao động làm trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu nêu trên), nhưng Điều 102 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.”
Bên cạnh đó, điểm c Khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tiền lương cũng nêu rõ:
“Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.”
Do đó, nếu Anh/Chị làm việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại sẽ căn cứ theo sự thỏa thuận giữa Anh/Chị và người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động nhưng phải cao hơn ít nhất 5%; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/