Tình huống pháp lý: Quy định pháp luật về mức bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động?
Tôi là công nhân của một Công ty dệt may tại thành phố X, giữa tôi và Công ty chỉ thỏa thuận việc làm bằng miệng. Vào tháng trước khi tôi đang làm việc thì bị tai nạn lao động kiến tôi bị đứt 3 đốt ngón tay của 2 ngón. Tôi có yêu cầu công ty phải hỗ trợ và bồi thường cho tôi nhưng công ty né tránh và cho rằng giữa tôi và công ty không có hợp đồng lao động nên công ty không chịu trách nhiệm. Vậy trong trường hợp này Công ty có phải hỗ trợ trợ cấp tai nạn lao động cho tôi hay không? Để khởi kiện ra Tòa án tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì?. Mong Quý Công ty Luật FDVN tư vấn. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Thứ nhất, Quy định pháp luật về tai nạn lao động.
Theo Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì:
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.”
Để xác định sự việc xảy ra với Anh/Chị là một tai nạn lao động cần làm rõ các vấn đề sau:
[1]. Khi bị tai nạn lao động Anh/Chị đang là người lao động của Công ty
Theo thông tin mà Anh/Chị cung cấp thì Anh/Chị làm việc tại Công ty theo thỏa thuận lao động bằng miệng và không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Mà pháp luật hiện hành tại Điều 15 Bộ luật lao động 2012 cho phép các bên giao kết hợp đồng bằng lời nói đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, đối với những công việc có thời hạn từ 03 tháng trở lên thì các bên phải giao kết bằng văn bản. Do đó, nếu Công ty không thừa nhận việc có tuyển dụng Anh/Chị vào làm người lao động thì Anh/Chị cần phải chứng minh việc lao động thực tế tại Công ty thông qua bản ghi âm, hình ảnh, video trích xuất từ camera, bất kỳ văn bản nào của Công ty mà chị còn lưu giữ hoặc lời làm chứng của những người lao động khác thể hiện Anh/Chị đang là người lao động tại Công ty.
[2]. Tai nạn của Anh/Chị gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động
Nếu Công ty không thừa nhận việc Anh/Chị bị tai nạn lao động do thực hiện công việc trong quá trình lao động thì Anh/Chị phải chứng minh. Để chứng minh được sự việc này chị có thể cung cấp các hình ảnh và video trích xuất từ camera hoặc lời làm chứng của những người lao động khác thể hiện chị bị tại nạn tại Công ty khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ hoặc theo kết luận của Biên bản điều tra tai nạn lao động.
Theo đó, khi Công ty thừa nhận hoặc Chị có cơ sở chứng minh giữa Anh/Chị và Công ty có giao kết hợp đồng lao động và tai nạn của Anh/Chị gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động thì Anh/Chị có quyền yêu cầu và Công ty có trách nhiệm chi trả các khoản bồi thường, trợ cấp và thực hiện các nghĩa vụ liên quan khác liên quan đến xử lý, giải quyết tai nạn lao động theo quy định pháp luật.
Thứ hai, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động theo quy định pháp luật
Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động có các trách nhiệm với người lao động theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
[1]. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
[2]. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
- a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
- b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
- c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
[3]. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
[4]. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
- a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
- b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Ví dụ: Anh/Chị bị tai nạn lao động, giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho Anh/Chị tính như sau:
Tbt = 1,5 + {(15 – 10) x 0,4} = 3,5 (tháng tiền lương).
Định kỳ, Anh/Chị giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho Anh/Chị là:
Tbt = 20 x 0,4 = 8.0 (tháng tiền lương).
[5]. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường tại nạn nêu tại khoản 4 nêu trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng. Cụ thể:
- Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên do tai nạn lao động;
- Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH hoặc tính theo công thức: Ttc = Tbt x 0,4.
Trong đó:
- Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
Ví dụ: Anh/Chị bị tai nạn lao động lần thứ nhất do Anh/Chị đã vi phạm quy định về an toàn lao động, không do lỗi của ai khác. Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động của Anh/Chị là 15% do vụ tai nạn này. Mức trợ cấp lần thứ nhất cho Anh/Chị là: Ttc = Tbt x 0,4 = 3,5 x 0,4 =1,4 (tháng tiền lương).
Lần tiếp theo Anh/Chị bị tai nạn khi đi từ nơi làm việc về nơi ở (được điều tra và xác định là thuộc trường hợp được trợ cấp tai nạn lao động). Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động do lần tai nạn này là 20%. Mức trợ cấp lần thứ hai cho Anh/Chị là: Ttc = Tbt x 0,4 = 5,5 x 0,4 = 2,2 (tháng tiền lương).
[6]. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
[7]. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
[8]. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
Lưu ý: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nêu trên là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
[9]. Trường hợp Anh/Chị thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho chị thì ngoài việc phải bồi thường như đã nêu trên, người sử dụng lao động còn phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Cụ thể tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
9.1. Trả phí khám giám định thương tật.
9.2. Với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần với mức như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
9.3. Với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
9.4. Chi trả phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hỉnh
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
9.5. Chi trả trợ cấp phục vụ:
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Thứ ba, về quyền khởi kiện dân sự yêu cầu Công ty thực hiện trách nhiệm với người lao động khi xảy ra tai nạn lao động
[1]. Công ty cố tình trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ thì Anh/Chị có quyền yêu cầu cơ quan có nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định tại Điều 200 Bộ luật lao động 2012 đó là:
- Hòa giải viên lao động;
- Tòa án nhân dân.
Giữa Anh/Chị và công ty đang có phát sinh tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và doanh nghiệp, đối chiếu với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012 thì thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động không phải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Do đó, Anh/Chị có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết buộc Công ty phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động do bị tai nạn lao động như đã phân tích ở trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Và thủ tục khởi kiện như sau:
[2]. Tòa án có thẩm quyền:
Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty có trụ sở hoặc nơi Anh/Chị cư trú (Theo điểm a Điều 32, điểm c Khoản 1 Điều 35 và điểm d Khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
[3]. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Giấy tờ nhân thân của Anh/Chị;
- Các tài liệu chứng cứ chứng minh giữa Anh/Chị và Công ty có thỏa thuận về việc làm và Anh/Chị bị tai nạn lao động khi đang làm công việc, nhiệm vụ được giao bởi Công ty;
- Các giấy tờ khám, chữa vết thương tại cơ sở y tế;
- Giấy chứng nhận thương tích nơi đã cấp cứu, điều trị cho Anh/Chị cấp theo quy định của Bộ Y tế;
- Biên lai phí, lệ phí điều trị và các chi phí có liên quan khác;
- Biên bản điều tra tai nạn lao động nếu có;
- Giấy ủy quyền trong trường hợp Anh/Chị ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án.
[4]. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết: là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà Chị cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Theo Khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động 2012).
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/