Hôn nhân không chỉ là quan hệ giữa hai cá nhân mà còn là một trong những yếu tố cơ bản góp phần duy trì và phát triển xã hội. Thực tế cho thấy so với nam giới, phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều thách thức và tổn thương hơn trong cuộc sống đặc biệt là khi ly hôn. Ly hôn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định tinh thần và kinh tế của người phụ nữ. Trong bối cảnh này, việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong vụ án ly hôn trở nên cực kỳ cần thiết. Thực tiễn xã hội và các quy định pháp luật ở Việt Nam cho thấy, việc công nhận và bảo hộ quyền lợi của phụ nữ, người mẹ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta, như được quy định trong Điều 36 của Hiến pháp 2013. Và để cụ thể hóa nguyên tắc này, Luật hôn nhân gia đình 2014 đã có những quy định chi tiết liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn.
Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về quyền yêu cầu ly hôn: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.” Ly hôn không nhất định phải có sự đồng ý từ hai phía, khi có nhu cầu ly hôn, người vợ vẫn có thể tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn mà không cần sự đồng ý của người chồng.
Bên cạnh đó việc bảo vệ quyền lợi người phụ nữ được thể hiện rõ hơn bởi quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong một số trường hợp đặc biệt, tại Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tế mà còn là một biện pháp mở rộng hơn để đảm bảo trách nhiệm của người chồng đối với người vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, sự hiện diện và sự hỗ trợ của người chồng đối với người phụ nữ và trẻ nhỏ là một điều tất yếu. Ngoài ra, việc ly hôn trong thời gian này có thể đặt ra những gánh nặng tinh thần lớn cho người phụ nữ, không chỉ làm giảm khả năng mang thai và làm mẹ một cách an toàn, mà còn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến cuộc sống vật chất và tinh thần của trẻ nhỏ. Do đó, việc hạn chế quyền xin ly hôn của người chồng trong giai đoạn này là một biện pháp nhân văn có tác động lớn đến thực tiễn. Thêm một điểm sáng của quy tắc này là việc hạn chế quyền ly hôn này không áp dụng cho trường hợp người nộp đơn ly hôn là người vợ, người vợ vẫn có quyền tự do lựa chọn và yêu cầu ly hôn khi cảm thấy đời sống hôn nhân không thể kéo dài.
Quyền khởi kiện vụ án ly hôn không chỉ được giới hạn trong phạm vi của các đương sự (vợ và chồng), những người thân thích của đương sự theo Khoản 3, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình mà còn mở rộng ra cho các cơ quan chuyên môn khác đặc biệt là Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam. Theo pháp luật hiện hành về tố tụng dân sự, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam được phép khởi kiện vụ án ly hôn trong một số tình huống cụ thể. Điều 187, BLTTDS có quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”. Điều này cho thấy, pháp luật Việt Nam rất ưu tiên bảo vệ người phụ nữ.
Thứ hai, quyền được tính công sức ngang với lao động có thu nhập khi phân chia tài sản
Khi ly hôn, người phụ nữ được bảo đảm cả quyền đối với tài sản chung của vợ chồng và quyền đối với tài sản riêng của mình. Tòa án giải quyết việc chia tài sản của vợ chồng theo nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng giữa vợ và chồng đối với tài sản chung cũng như tài sản riêng của vợ chồng. Tuy nhiên, để đảm bảo việc phân chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện công bằng, phù hợp với thực tế, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia.
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo khoản 1, Điều 29 Luật HN&GĐ và điểm b, khoản 4, Điều 7, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP thì “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”
Theo đó nếu người vợ ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái, không tham gia sản xuất và tạo ra nguồn thu nhập từ xã hội cho gia đình, vẫn sẽ được xem xét như lao động có thu nhập đóng góp công sức vào việc tạo lập khối tài sản chung. Đây chính là những quy định để đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới trong quyền đối với tài sản chung. Quy định này phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân tại Việt Nam, khi mà ở Việt Nam còn tồn tại nhiều gia đình kiểu mẫu với người chồng đóng vai trò đi làm kiếm tiền còn người vợ ở nhà nội trợ, và xã hội áp đặt cho người phụ nữ nội trợ với hình ảnh phụ thuộc tài chính vào chồng. Tuy nhiên thực tiễn đời sống hôn nhân trong trường hợp này, việc người chồng tạo ra thu nhập của cần có sự hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ của người vợ trong công việc chăm sóc con cái, gia đình. Do vậy, tài sản mà một người chồng tạo ra không chỉ thuộc về riêng người đó mà còn là công sức đóng góp của người vợ trong mối quan hệ hôn nhân. Có thể thấy được, quy định về việc xem xét công sức cho người ở nhà chăm sóc con cái không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của người đi làm là một quy định bám sát thực tiễn, và phù hợp với tình hình văn hóa xã hội Việt Nam.
Thứ ba, ưu tiên quyền nuôi con của phụ nữ sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Theo khoản 3 Điều 81 Luật HN&GĐ: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.” Như vậy, khi ly hôn, đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác. Việc ưu tiên cho người mẹ có quyền nuôi con dưới 3 tuổi phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về thực tế xã hội, bảo đảm lợi ích của cả người mẹ và trẻ em. Trong giai đoạn này, vai trò của người mẹ vẫn còn quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là sự phát triển về thể chất. Do đó, việc giao trực tiếp cho người mẹ nuôi dưỡng trẻ dưới 3 tuổi là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho phụ nữ cũng như trẻ em trong các vụ án ly hôn có tranh chấp về quyền nuôi con.
Thứ tư, bảo đảm quyền được lưu cư
Theo điều 63 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Quyền lợi này bảo đảm cư trú cho cả vợ và chồng dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, vợ và chồng đều có quyền như nhau.
Tuy nhiên trong thực tế, theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, người phụ nữ thường chuyển đến sinh sống và làm vợ, dâu tại nhà của người chồng, và trong nhiều trường hợp, ngôi nhà đó thường là tài sản của bố hoặc mẹ chồng, khiến người vợ trở nên yếu thế khi ly hôn. Họ không có nơi ở mới và thậm chí không thể quay về nhà của bố mẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, việc tòa án bảo đảm quyền lợi lưu cư cho người phụ nữ là quy định hết sức nhân văn và ý nghĩa.
Từ những phân tích trên, rõ ràng thấy rằng pháp luật Việt Nam đã đặt ra những quy định cụ thể để bảo vệ đúng mực lợi ích hợp pháp của phụ nữ khi họ phải đối mặt với việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân. Bảo đảm quyền của phụ nữ sau khi ly hôn không chỉ là kết quả của sự tiến bộ trong vấn đề giới, mà còn là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển và nhận thức cao hơn về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Ngoài ra, bảo đảm quyền của phụ nữ sau khi ly hôn cũng là nền tảng để phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong sự phát triển quốc gia. Bảo đảm quyền của phụ nữ sau khi ly hôn không chỉ đơn thuần là một vấn đề pháp lý mà còn là một cam kết về sự công bằng và tiến bộ của xã hội. Các quy định pháp luật nhằm hỗ trợ phụ nữ sau khi ly hôn không chỉ giúp họ có cuộc sống ổn định và bình đẳng mà còn góp phần vào việc xây dựng một xã hội dân chủ và văn minh, nơi mà mọi người đều được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Theo Thảo Nguyên – Luật sư FDVN
………………….
Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn