Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HOÃN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ – NHỮNG BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HOÃN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ – NHỮNG BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ

Khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức, cá nhân được thi hành án có thể làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự thi hành án. Tuy nhiên, để đảm bảo vụ việc được xem xét cẩn trọng, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước, của công dân thì trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật, Cơ quan thi hành án dân sự được quyền ra quyết định hoãn thi hành án dân sự. Bài viết giới thiệu các quy định của pháp luật về hoãn thi hành án dân sự, những bất cập và đề xuất kiến nghị.

1Bản án, quyết định được thi hành

Theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số số 64/2014/QH13 (Luật THADS), những bản án, quyết định sau được thi hành:a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;

e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;

g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

1.1. Bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành án

Theo quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định “Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”

Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

Do đó, Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án trong trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị đồng thời không có người vắng mặt. Trường hợp có người vắng mặt hoặc Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời gian có hiệu lực nhiều hơn 30 ngày, phụ thuộc vào ngày người có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

1.2.Quy định đối với bản án phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 6 Điều 313 BLTTDS năm 2015 thì Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Do đó, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực thi hành ngay.

1.3.Trách nhiệm của Tòa án

Tòa án phải giải thích về quyền yêu cầu, nghĩa vụ và thời hiệu thi hành án cho đương sự trong Bản án, quyết định. Cụ thể Điều 26 của Luật THADS quy định: Khi ra bản án, quyết định, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Tòa án đã ra bản án cũng đồng thời phải cấp bản án cho đương sự và Cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Bộ Luật này.

2Hoãn thi hành đối với bản án dân sự có hiệu lực pháp luật

Căn cứ hoãn: Theo quy định tại Điều 48 Luật THADS và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì căn cứ hoãn thi hành án dân sự cần được phân biệt bởi hai trường hợp như sau:

2.1. Trường hợp thứ nhất: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn chủ yếu vì lý do khách quan như: Khi người phải thi hành án bị ốm nặng, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án; Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án; Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết …

Luật không quy định thời hạn hoãn đối với quyết định hoãn của Thủ trưởng cơ quant hi hành án dân sự trong những trường hợp này

2.2. Trường hợp thứ hai: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.

Đối với trường hợp này Luật quy định rõ về thời điểm tiếp nhận yêu cầu cũng như thời hạn hoãn:

– Thời điểm tiếp nhận yêu cầu chia làm hai mốc cụ thể:

+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn Ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế.

+ Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp này được hiểu là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn hoặc không.

– Số lần yêu cầu hoãn: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhấn dân cấp cao và Viện kiểm sát tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

Thời hạn hoãn: Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

3. Những bất cập trong hoãn thi hành án dân sự

-Bất cập giữa quy định của pháp luật về thời hạn xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và thi hành án dân sự.

Điều 2 Luật THADS quy định, bản án có hiệu lực pháp luật là có hiệu lực thi hành án. Tại Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22 tháng 02 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ban hành Quy trình, quy định việc phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành án dân sự thì việc thụ lý thi hành án và các bước triển khai thực hiện đến thời điểm ra quyết định thi hành án tổng cộng chỉ từ 7 đến 12 ngày.

Theo quy định tại Điều 334 BLTTDS 2015, thời hạn kháng nghị theo thủ tục gíam đốc thẩm là 05 năm nếu trong vòng 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đương sự đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm nhưng sau khi hết thời hạn 03 năm đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghj và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luâ theo quy định tại khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó..

Khi các đương sự (bên bị thi hành án) nhận được bản án để khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm thì bên được thi hành án cũng đồng thời có bản án để yêu cầu được thi hành án. Vì thủ tục xem xét giám đốc thẩm thì cần phải tuân theo trình tự nhất định. Theo điểm đ khoản 1 Điều 15 Quyết định số 625/QĐ-CA ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân thì thừi hạn xem xét đơn của người có thẩm quyền đối với Vụ việc có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án  không quá 06 tháng và 25 ngày do quá trình tiếp nhận và xử lý đơn, rút hồ sơ quy định tại Quy chế này (trên thực tế thường mất nhiều thời gian hơn) nên trong một số trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự đã có quyết định thi hành bản án và thực hiện việc thi hành án, thậm chí có những vụ đã cưỡng chế thi hành án rồi mới có Công văn yêu cầu hoãn của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

– Bất cập trong việc ràng buộc thực hiện thẩm quyền yêu cầu hoãn

Tại khoản 1 Điều 332 BLTTDS năm 2015:  Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Điều 48 Luật THADS quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

Theo các quy định này, người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu hoãn để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Điều này được hiểu rằng, chỉ khi có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì người có thẩm quyền kháng nghị bản án có hiệu lực của Tòa án mới có công văn yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật cho phép thời hạn nộp đơn yêu cầu giám đốc thẩm của công dân là “…ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đương sự đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm” (Điều 334 BLTTDS 2015). Trong khoảng thời gian 3 năm đó đương sự có thể nộp đơn bất cứ thời điểm nào, giả sử đến 2 năm 9 tháng đương sự mới nộp đơn thì đến thời điểm người có thẩm quyền quyết định rằng: có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì có thể vụ án đã được thi hành do đó quy định về hoãn thi hành án dân sự của pháp luật không được thực hiện trọn vẹn cũng như quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức không được đảm bảo.

4. Đề xuất, kiến nghị

Để việc hoãn thi hành bản án dân sự phát huy đúng bản chất của quy định này là nhằm đảm bảo vụ việc được xem xét thận trọng, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước, của công dân và nhằm hạn chế hậu quả không thể khắc phục được khi vụ án đã được thi hành án, tác giả có những đề xuất sau:

Một là: Nên sửa đổi bổ sung Điều 2 của Luật THADS theo hướng: Những bản án, quyết định được thi hành là những Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;trường hợp có đơn khiêu nại giám đốc thẩm thì phải có văn bản thông báo của người có thẩm quyền kháng nghị xác định vụ việc không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm (văn bản này đồng thời là công văn trả lời đối với đơn khiếu nại Giám đốc thẩm của đương sự).

Hai làCần có quy định giới hạn về mặt thời gian cụ thể đối với việc nộp đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm của đương sự. Mặc dù giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là hiện nay BLTTDS đang để ngỏ khoảng thời gian này, vì vậy có thể hiểu là đương sự có thể được nộp bất cứ thời điểm nào trong vòng 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Điều này dẫn đến mâu thuẫn với các quy định về hoãn thi hành án tại Điều 48 Luật THADS, trong khi điều kiện, thủ tục về hoãn là tương đối khắt khe, chỉ hoãn trong thời hạn 3 tháng và được quy định trong Luật THADS. Theo chúng tôi nên giữ lại thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 284 Luật số 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004 như sau: “Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị …”

  Ba là: Từ những phân tích trên và xuất phát từ thực tiễn những khó khăn, bất câp khi cơ quan thi hành án dân sự Bộ tư pháp vừa ra quyết định thi hành án vừa tổ chức thực hiện; Nhằm đảm bảo quy định về hoãn thi hành án được phát huy triệt để, đồng thời để rà soát, hạn chế tối đa những vụ án tuyên không rõ ràng, án khó thi hành, đảm bảo thống nhất trong triển khai thực hiện, nên sửa đổi Luật THADS theo hướng chuyển thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự từ Cơ quan thi hành án dân sự Bộ Tư pháp sang Tòa án. Tòa án ra quyết định thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện việc thi hành án dân sự.

NGÔ XUÂN BÁCH & NGUYỄN THANH TÚ– Thẩm tra viên, Vụ GĐKT 2, TANDTC 

NGUỒN: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-hoan-thi-hanh-an-dan-su-nhung-bat-cap-va-kien-nghi/HJ4t7GUNf.html 

Bài viết liên quan