Chuyên gia pháp lý kiến nghị các cơ quan Trung ương cần vào cuộc để làm rõ việc tỉnh Quảng Nam đổi 105 ha đất cho Công ty Bách Đạt An để lấy 1,9 km đường.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng việc UBND tỉnh Quảng Nam đổi 105 ha đất ở thị xã Điện Bàn cho Công ty CP Bách Đạt An làm 1,9 km đường có nhiều bất thường và cần được xem xét lại.
Giao 105 ha đất không qua đấu giá
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh này giao cho Công ty CP Bách Đạt An làm 1,9 km đường liên tỉnh thông qua đấu thầu, đúng quy trình.
Theo hồ sơ, năm 2015 tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty CP Bách Đạt An (có trụ sở tại Đà Nẵng) thực hiện dự án đường nối ĐT603A với tuyến ĐT607 (ở thị xã Điện Bàn, lý trình Km 2+487,7 – Km 4+378,85) theo hình thức BT (đối tác công tư) – đổi đất lấy hạ tầng.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở KH-ĐT cho biết dự án này được hình thành dựa trên nhu cầu, đề xuất của nhà đầu tư và sự thống nhất của địa phương liên quan.
Phối cảnh dự án Khu đô thị 7B do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư. |
Ông Phong cho rằng dự án làm 1,9 km đường được thẩm định, phê duyệt đúng quy định của Nghị định 15/2015, ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đổi lại, tỉnh Quảng Nam giao cho nhà đầu tư 6 khu đất với tổng diện tích khoảng 105 ha. Các cơ quan chức năng tỉnh đã giao cho chủ đầu tư 47,45 ha đất (tại 3 khu vực khác nhau).
Công ty CP Bách Đạt An đã nộp hơn 50,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tỉnh Quảng Nam đang tạm dừng giao 3 khu đất còn lại cho chủ đầu tư vì phải chờ các cơ quan chức năng thẩm định, áp dụng giá đất mới cho phù hợp với thị trường.
Báo cáo số 349 của Sở KH-ĐT cũng thể hiện địa phương giao 105 ha đất cho Công ty CP Bách Đạt An không qua đấu thầu. Sở này lý giải việc giao đất cho chủ đầu tư là căn cứ theo các quy định tại Điều 43, Nghị định 15/2015 của Chính phủ.
“Tỉnh Quảng Nam hoàn trả vốn đầu tư cho Công ty CP Bách Đạt An bằng quỹ đất (giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng đất của các dự án được giao) theo nguyên tắc ngang giá. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần tiền chênh lệch vào ngân sách”, báo cáo của Sở KH-ĐT nêu.
Cần xem xét lại
Trao đổi với Zing.vn, ông Võ Hồng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết mặc dù Công ty CP Bách Đạt An trúng thầu làm 1,9 km đường nhưng khi giao đất thì nhất định phải qua đấu giá.
Theo ông, chủ trương đầu tư theo hình thức BT không phải là mới. Tuy nhiên, do quá trình triển khai thiếu chặt chẽ, một số dự án thiếu công khai, minh bạch nên tạo dư luận không tốt.
Vị này cho biết thêm vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao quỹ đất giao cho nhà đầu tư phải xác định được đơn giá đất là bao nhiêu, có tổ chức đấu giá, đấu thầu không? Theo ông Hồng, quỹ đất ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó là quỹ đất tự nhiên chứ không phải là “miếng đất sạch”, đã giải phóng mặt bằng.
Dự án đường nối ĐT 603A với tuyến ĐT607. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
“Nếu là đất sạch thì phải đấu giá”, ông Hồng nói và cho biết tỉnh Quảng Nam giao đất cho nhà đầu tư có cả đất dân cư hiện hữu, đất sản xuất và một phần đất sạch.
“Khoảng đất nào sạch thì dứt khoát phải đấu giá. Còn khu đất nào có giải tỏa đền bù, sắp xếp dân cư hoặc tái định cư tại chỗ, hoặc là chỉnh trang đô thị thì phải được đặt ra trong dự án tổng thể để tránh nhập nhằng”, ông Võ Hồng nói.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm thời gian qua thông qua việc giám sát, cơ quan này đã phát hiện những “bất thường” trong vụ việc này. “Cơ quan chức năng đang thanh tra và khi có kết quả, chúng tôi sẽ công khai cho báo chí”, ông Hồng nói.
Cùng quan điểm, luật sư Lê Cao cho biết từ khi Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014), các quy định về giao dự án đầu tư công, giao đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT đã có những thay đổi khác trước.
“Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn có những quy định chặt chẽ hơn để tránh việc lợi dụng chủ trương đầu tư công để sử dụng đất với giá rẻ, làm thất thu tiền của Nhà nước”, luật sư Cao nói.
Luật sư Lê Cao cũng cảm thấy “kỳ lạ” khi tỉnh Quảng Nam chỉ làm 1,9 km đường nhưng đổi cho doanh nghiệp đến 105 ha đất.
Viện dẫn Điều 118, Luật Đất đai 2013, luật sư Lê Cao nhận định việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng ở Điện Bàn phải đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
“Nếu khi đã đưa ra đấu giá mà không có người tham gia hoặc đấu giá không thành thì tỉnh Quảng Nam mới được giao đất cho doanh nghiệp mà không qua đấu giá. Tỉnh này không đấu giá mà giao đất cho chủ đầu tư là có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai”, luật sư Lê Cao nói.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từ năm 2003 đến 2018, địa phương có 144 dự án BT. Trong đó, khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (diện tích 2.700 ha) có 79 dự án, các địa phương còn lại có 65 dự án. Từ ngày 1/1/2018, tỉnh Quảng Nam đã dừng toàn bộ các dự án BT theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Tỉnh Quảng Nam giao hơn 100 ha đất ở thị xã Điện Bàn (chấm đỏ) cho Công ty CP Bách Đạt An. Ảnh: Google Maps. |
Bài của: news.zing.vn