Qua theo dõi một số vụ án hinh sự và quá trinh làm việc thì nhận thấy hiện nay nổi lên một hiện tượng ngày càng phổ biến, đó là một số người đứng tên thay, làm giám đốc giùm, cũng như người đại diện theo pháp luật cho Doanh nghiệp của người khác. Vì những lợi ích trước mắt mà rất nhiều người chưa nhận thấy được những rủi ro pháp lý đứng đằng sau những khoản phi, khoản tiền trả công mà mình nhận được. Việc đứng tên thay để đăng ký kinh doanh, rõ ràng là hoạt động không minh bạch, không chính danh, vậy nên những rủi ro là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Muôn vàn lý do cho việc mượn danh
Trong vụ án mà Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân xét xử liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), trong phần xét hỏi bà Vũ Thị Hoan thì làm rõ được sự việc rằng, bà Hoan chỉ là giám đốc “bù nhìn”, được ông Hệ nhờ đứng tên thành lập Công ty.[1]
Bà Hoan làm giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc đều làm theo chỉ đạo, điều hành của ông Hệ, và chính từ việc là “bù nhìn”, bà Hoan và Công ty mà bà đang đứng tên trở thành công cụ cho ông Hệ thực hiện các hành vi sai phạm.
Việc thành lập và nhờ đứng tên trên Công ty này, cũng chỉ nhằm mục đích tạo “vỏ bọc” cho sự khách quan rằng có một doanh nghiệp độc lập, không có mối liên kết nào tới cá nhân ông Hệ đang tiến hành các hoạt động hợp tác kinh doanh.
Điều này cũng rất dễ thấy trong các hoạt động đấu thầu, khi xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp được thành lập, tham gia dự thầu với mục đích là để “trượt thầu”. Theo đó, có một Doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng đã từng đấu 35 gói thầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nhưng vẫn chưa thắng gói thầu nào, có đơn vị mua hồ sơ dự thầu rất nhiều gói thầu nhưng lại không tham gia đấu thầu.[2]
Việc các bên không có năng lực, nhưng lại tham gia mua hồ sơ dự thầu cũng chỉ nhằm mục đích “chiếm suất” mua hồ sơ, và khi vào tham gia đấu thầu thì tìm lý do để “được loại”. Chính điều này đang làm méo mó thị trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang ngày càng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Đơn cử như Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng; bỏ quy định về việc yêu cầu doanh nghiệp phải Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý
doanh nghiệp,….
Thủ tục đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được chuyển từ hồ sơ giấy sang đăng ký online; thời gian cấp giấy được rút ngắn chỉ còn 03 ngày, trong khi đó, trước đây tại Luật Doanh nghiệp 2005 thì thời gian là 05 ngày.
Tuy pháp luật có sự thay đổi, tạo cơ chế mở nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn muốn hoạt động kinh doanh, nhưng lại không tự mình đứng tên mà nhờ người khác đứng tên giùm để thành lập doanh nghiệp, làm người đại diện theo pháp luật. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vẫn điều hành trực tiếp. Có thể, việc nhờ người khác đứng tên giùm, khi có những rủi ro phát sinh thì nhà đầu tư sẽ chối bỏ được trách nhiệm và hạn chế tổn thất cho mình. Nhưng cũng có những lý do mà nhà đầu tư phải nhờ người khác đứng tên giùm là vì để rút ngắn thời gian và hưởng sự ưu đãi.
Đơn cử, để doanh nghiệp được thành lập, được phép hoạt động thì nhà đầu tư trong nước chỉ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, với những tờ khai, biểu mẫu rất đơn giản, như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên/cổ đông sáng lập; Bản sao một số giấy tờ tùy thân,…
Trong khi đó, với nhà đầu tư nước ngoài để doanh nghiệp được phép hoạt động thì ngoài những giấy tờ như nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài còn phải có “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Do vậy, phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư, sau đó mới tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.[3] Như vậy, chỉ riêng việc xin thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã có sự khác biệt.
Rồi việc, đối với nhà đầu tư trong nước với phần vốn điều lệ thì nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm, tự thực hiện việc góp vốn. Có nghĩa rằng, nhà nước không quản lý bắt buộc ở giai đoạn đầu khi nhà đầu tư xin đăng ký thành lập doanh nghiệp, không kiểm tra việc nhà đầu tư có góp đủ số vốn cam kết hay không. Nếu xảy ra các sự việc liên quan đến vốn điều lệ, thì nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm.[4]
Trong khi đó, với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính, lúc đó mới được cơ quan nhà nước cấp phép đầu tư, cho phép hoạt động.[5] Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn, trong khi đó nhà đầu tư trong nước thì không bị giới hạn. Thể hiện cụ thể, tại khoản 3 Điều 22 Luật Đầu tư 2014, có quy định như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Và rất nhiều lý do khác nữa dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài muốn mượn tên của người Việt Nam để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Mục đích để rút ngắn thời gian, tránh thực hiện các thủ tục kéo dài, né tránh các rào cản, và khi có sự việc xảy ra thì cũng nhanh chóng rút lui.
Miếng mồi ngon đi kèm với rủi ro
Việc một người không đầu tư, không có góp vốn, không có mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng lại đứng tên thay để đăng ký, thành lập doanh nghiệp và chịu sự điều hành của một người khác, thì rõ ràng người đứng tên là “con rối”, những rủi ro đầu tiên xuất hiện thì người này phải gánh chịu.
Đối với người đứng tên giùm, thì do họ phải thực hiện công việc thay cho người khác, nên thông thường sẽ được người nhờ đứng tên cho trả phí, cho hưởng một khoản lợi ích vật chất nhất định. Do đứng tên thay, về thực quyền người đứng giùm không có, họ sẽ chịu sự điều hành, quản lý từ người nhờ đứng tên. Thông thường các bên sẽ thực hiện việc ủy quyền để chuyển giao quyền, hoạt động kinh doanh và rủi ro phát sinh.
Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Do vậy, việc ủy quyền không làm miễn trừ trách nhiệm của bên ủy quyền (người đứng tên giùm) và nếu có phát sinh giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện thì bên ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm.[6]
Do vậy, nếu bên nhờ đứng tên, thông qua các thủ thuật, sức ép đã buộc người đứng tên thực hiện việc ủy quyền. Khi thực hiện các giao dịch, nếu có phát sinh nợ nần, rủi ro, bỏ trốn thì người đứng tên giùm sẽ phải chịu thực hiện nghĩa vụ với các bên thứ ba, do người đứng tên giùm là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp thì người đứng tên giùm còn phải chịu trách nhiệm trong hoạt động của doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước, đại diện doanh nghiệp tham gia tố tụng, giải quyết tranh chấp,… Bởi nhà nước không thể gọi một doanh nghiệp lên để giải quyết, và phải yêu cầu người đại diện của doanh nghiệp lên để giải quyết. Mối quan hệ giữa người đại diện pháp luật doanh nghiệp với doanh nghiệp là mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Doanh nghiệp thực hiện giao dịch thông qua đại diện là người đại diện hợp pháp của mình.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng đã có những quy định mới, mở rộng phạm vi để xử lý hành vi vi phạm, có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh như Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,..[7]
Theo quy định tại khoản 2, Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Do vậy, nếu có xảy ra hành vi vi phạm thì người đứng tên giùm cũng gánh chịu những rủi ro về pháp lý mà không có loại trừ trách nhiệm của cá nhân.
Trong khi đó, với những người nhờ đứng tên giùm, nếu không có bằng chứng, chứng cứ nào khác về mặt pháp lý, họ không được ghi nhận là chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông của Công ty. Vậy nên, khi có rủi ro phát sinh rất khó để xử lý các hành vi vi phạm của những cá nhân này, mặc dù trên thực tế họ chính là người đầu tư vào doanh nghiệp.
Cơ chế xử lý chưa đủ sức răn đe
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng những hoạt động liên quan đến việc đứng tên giùm vẫn diễn ra thường xuyên. Bởi lẽ nhu cầu, mục đích vẫn luôn hiện hữu, thường trực và việc phát hiện rất khó khăn, cũng như chế tài xử lý không đủ mạnh.
Theo đó, hiện nay trong Bộ luật hình sự không xem việc một người nhờ người khác đứng tên dùm, làm người đại diện theo pháp luật giùm là tội phạm. Những sự việc bị xử lý vi phạm hình sự đến người đứng tên giùm, chỉ liên quan đến hành vi vi phạm khi xâm phạm các khách thể mà pháp luật hình sự, là những hành vi khi thực hiện công việc, chứ không phải là hành vi “đứng tên giùm”.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: “Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.”
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP thì với hành vi “kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Do đó, hành vi nhờ người khác đứng tên giùm, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì chỉ có thể xử lý về mặt hành chính với việc kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ khi đăng ký kinh doanh.
Ngoài việc bị phạt tiền thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
So với lợi ích, và mục đích mà các bên đã thỏa thuận thì dường như mức phạt mà pháp luật đang quy định còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc phát hiện kê khai không trung thực rất khó bị phát hiện, nếu các bên “đồng thuận”, không có tranh chấp, hoặc không bị cơ quan chức năng xử lý gián tiếp thì mới phát hiện được.
Vậy nên, để hạn chế tình trạng đứng tên giùm, bảo đảm quá trình hoạt động kinh doanh đúng thực chất, tránh việc xảy ra tranh chấp, xung đột thì cần phải tăng mức xử phạt với hành vi này. Đơn cử, khi phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài phạt tiền có thể cấm các bên liên quan thành lập, hoặc quản lý doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể như 5 năm, hoặc 10 năm. Bên cạnh đó, xem xét, tình tiết “khai báo gian dối, không trung thực” trong việc đứng tên giùm là tình tiết tăng năng để xử lý hành vi vi phạm hình sự trong trường hợp cơ quan chức năng xử lý người đứng tên giùm với hành vi vi phạm pháp luật về hình sự liên quan tới doanh nghiệp.
Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN
DANH SÁCH TÀI LIỆU KÈM THEO
[1] https://plo.vn/phap-luat/nu-giam-doc-bu-nhin-do-ut-troc-dung-len-913410.html
[2] https://baovephapluat.vn/kinh-te/do-thi-xay-dung/dau-hoi-ve-cac-cong-ty-chuyen-truot-thau-tai-da-nang-93526.html
[3] Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 22 Luật Đầu tư 2014.
[4] Khoản 5 Điều 17, Điều 48, Điều 74, Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2014
[5] Điều 33, Điều 39 Luật Đầu tư 2014; Điều 44 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
[6] Khoản 1 Điều 139; Khoản 2 Điều 567 Bộ luật Dân sự 2015
[7] Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
[8] Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/