Hạn chế trục lợi, nhà nước cấm đoán?
Do vị thế địa lý nên khu vực miền Trung của Việt Nam hằng năm phải gánh chịu nhiều thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, trong đó lũ lụt, mưa bão. Hoạt động kêu gọi, vận động quyên góp tài sản, vật chất để tổ chức từ thiện là nghĩa cử cao đẹp và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân là một trong nguồn tài chính để phòng, chống thiên tai.
Theo đó, tại Điều 8 Luật Phòng, chống thiên tai 2013, về nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai thì ngoài nguồn ngân sách nhà nước, nguồn Qũy phòng, chống thiên tai thì có “Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân”. Dường như để khẳng định sự khuyến khích trong việc đóng góp cho phòng, chống thiên tai thì đối với các khoản đóng góp này nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập.[1]
Để hoạt động huy động nguồn lực từ xã hội, và sử dụng nguồn lực này minh bạch, có sự kiểm soát, đạt “hiệu quả” nên theo quy định hiện nay việc vận động, quyên góp và phân bổ chỉ có “bóng dáng” cơ quan nhà nước, các tổ chức.
Theo đó, tại Điều 13 Nghị định 160/2018/NĐ-CP thể hiện: “Việc vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực từ cộng đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai và các quy định của pháp luật về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.”
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ chỉ đang liệt kê gồm có cơ quan nhà nước, tổ chức như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; Các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện. Đối với cơ quan thông tin, báo đài thì chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể) [2]. Và quy định cũng nêu rõ, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu
trợ.
Hình ảnh lũ lụt tại Miền Trung. Nguồn: internet
Như vậy, quy định nêu trên lại bỏ ngỏ vai trò “cá nhân” trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai.
Có thể cơ quan nhà nước cho rằng việc quy định, giao cho cá nhân có quyền được tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ thì không kiểm soát được việc các cá nhân này sử dụng nguồn tiền, và không minh bạch thông tin.
Trong khi, đối với cơ quan nhà nước khi tiếp nhận các nguồn đóng góp, thì nguồn kinh phí được sử dụng để cứu trợ phải được công khai, sử dụng đúng mục đích, có chế độ báo cáo và quản lý tài chính. Cụ thể phải thể hiện được số tiền, hàng đã huy động được và số tiền, hàng đã sử dụng, nội dung chi cho từng mục tiêu (cứu trợ dân sinh, xử lý môi trường…); số tiền, hàng còn dư (nếu có).[3]
Vậy nên, việc để cá nhân đứng ra huy động, kêu gọi quyên góp nhưng không quản lý được sẽ dẫn đến trường hợp có người sẽ trục lợi, gian dối trong việc sử dụng các nguồn tiền. Dẫn đến người dân, xã hội sẽ có cái nhìn tiêu cực đối với việc từ thiện.
Điều này là có cơ sở, bởi trong năm 2016, một MC nổi tiếng khi kêu gọi mọi người ủng hộ đồng bào miền Trung, đã quyên góp được số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó, những lùm xùm đã phát sinh khi rất nhiều người hoài nghi, cho rằng MC này đã trục lợi số tiền mà mình kêu gọi quyên góp, ủng hộ. Cho đến hiện nay, mỗi lần MC này đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ thì cộng đồng mạng lại “dậy sóng”.
Quy chuẩn nào cho hoạt động huy động, vận động từ thiện của cá nhân
Hình ảnh Thủy Tiên trong chuyến đi cứu trợ lũ lụt tại miền Trung. Nguồn: internet
Việc cứu trợ người dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là công việc của cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể nào khác mà cần phải có sự huy động mọi nguồn lực trong xã hội, khuyến khích được tinh thần lá lành đùm lá rách, khơi gợi lòng yêu thương đồng bào.
Những ngày qua, có nhiều ý kiến cho rằng, cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp được tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ nhưng lại thực hiện hành vi này là vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định 64/2008/NĐ-CP thể hiện: “Xử lý vi phạm: các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Thế nhưng, cần nhìn nhận vấn đề này ở nhiều chiều của các vấn đề pháp lý đang phát sinh để hiểu rõ bản chất thực sự của việc một số cá nhân làm từ thiện bằng tấm lòng của họ. Bản chất của việc mọi người dân ủng hộ, quyên góp để giúp cho đồng bào thiên tai, lũ lụt chính là hoạt động tặng cho. Theo đó, những người ủng hộ, quyên góp tài sản là Bên tặng cho, bởi họ đã dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình sang cho người khác. Người dân nhận được tiền bạc, nhu yếu phẩm là Bên nhận tặng cho, bởi người dân nhận được tài sản được chuyển giao từ một người khác, có quyền sử dụng đối với tài sản này. Còn đối với người kêu gọi ủng hộ, đi trao các nhu yếu phẩm, thì đây là bên trung gian nhận và giao tài sản. Bởi người này là cầu nối để kết nối, chuyển giao tài sản từ những nhà hảo tâm sang cho người dân. Hoạt động từ thiện, tặng cho này có thể được thể hiện thông qua hành vi như nhắn tin chuyển khoản,.. mà không cần phải xác lập bằng văn bản.[4]
Bên cạnh đó, trong nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự có thể hiện: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm
Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm và hiện không có quy định pháp luật nào cấm việc cá nhân đứng ra làm từ thiện. Do đó, việc cá nhân đứng ra ủng hộ, kêu gọi mọi người tham gia quyên góp, ủng hộ, thực hiện từ thiện hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” [5]. Do đó, một cá nhân, pháp nhân có quyền được xác lập, thực hiện, hay chấm dứt quyền dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật thì phải được chủ thể khác tôn trọng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 Thông tư 72/2008/TT-BTC thì: “Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân, các đối tượng bảo trợ xã hội cần sự giúp đỡ thì Ban Cứu trợ có trách nhiệm hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân đó chuyển trực tiếp số tiền, hàng cứu trợ đến các đối tượng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân cứu trợ.”
Như vậy, cá nhân có quyền hỗ trợ trực tiếp cho người cần được cứu trợ, chỉ thông qua Ban cứu trợ để được hướng dẫn, không bắt buộc phải chuyển nguồn tiền về cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc vận động đóng góp; ủng hộ, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn cứu trợ hỗ trợ nhân dân trong và ngoài nước và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng. Có thể nhận thấy, hoạt động từ thiện, pháp luật không cấm mà còn khuyến khích, còn khen thưởng nếu có thành tích.
Chúng tôi cho rằng hoạt động tự nguyện tự phát do cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện không thường xuyên mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn là quan hệ dân sự, không bắt buộc phải thành lập các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, không cần phải xin phép, đạt được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Bởi, hoạt động từ thiện của cá nhân chỉ mang tính tức thời, giải quyết được vấn đề mà xã hội đang cần nhanh chóng, việc chuyển giao tài sản là quan hệ dân sự về hoạt động tặng cho. Trong khi đó, đối với các Qũy từ thiện thì phải được đăng ký, thành lập, hoạt động theo đúng điều lệ và Qũy từ thiện có tư cách pháp nhân, có bộ máy tổ chức hoạt động[6] . Điều này nhằm giám sát, cũng như nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn cấm các trường hợp lợi dụng hoạt động của Qũy để thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc; rửa tiền, các hoạt động trái pháp luật thì pháp luật quy định, đưa ra nhiều tiêu chuẩn khi tiến hành thành lập Quỹ[7].
Đơn cử, khi thành lập Quỹ, thì Ban sáng lập Quỹ phải bảo đảm số tài sản đóng góp thành lập Quỹ được chuyển vào tài khoản tối thiếu 50% giá trị quy đổi mà pháp luật đã quy định. Ví dụ: Quỹ của cá nhân, tổ chức Việt Nam thành lập với phạm vi toàn quốc, liên tỉnh số tiền là 5 tỷ đồng; Quỹ có tài sản của công dân, tổ chức nước ngoài cũng với phạm vi nêu trên thì số tiền là 7 tỷ đồng.
Khi hoàn thiện bộ hồ sơ với phạm vi toàn quốc, liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ cấp phép. Đối với phạm vi hoạt động còn lại của Quỹ thì Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền cấp phép.
Chính việc đặt ra các tiêu chuẩn khi tiến hành thành lập Quỹ nên có thể nhận thấy các Quỹ hoạt động mang tính chuyên nghiệp, lâu dài, có phương hướng, kế hoạch, mục đích. Điều này là hoàn toàn phù hợp, bởi những thiên tai, hỏa hoạn, sự cố xảy ra thường lâu dài. Do đó, cần phải có đơn vị, tổ chức hoạt động lâu dài, chuyên nghiệp, có đủ nhân sự để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Nhưng, cũng từ việc quy định quá khắt khe, và khó khăn trong việc cấp phép, dẫn dến rất nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức muốn hoạt động từ thiện một cách chuyên nghiệp nhưng cũng không được. Đơn cử, Qũy từ thiện: Quỹ trò nghèo vùng cao (Cơm Có Thịt) hoàn thành bộ hồ sơ gửi vào tháng 05/2012, theo quy định khi tiếp nhận hồ sơ về quỹ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do[8]. Nhưng mãi đến tháng 02/2014 thì Qũy từ thiện nêu trên mới được cấp Giấy phép thành lập, thời gian để được cấp phép kéo dài gần 02 năm.[9]
Bên cạnh đó, để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt độn vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện thì tại Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP có quy định các hành vi bị nghiêm cấm như:
“1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.
2. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
3. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.”
Như vậy, pháp luật có quy định cấm các hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo, và việc một cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp, trên danh nghĩa, uy tín của chính mình chứ không giả mạo hay mượn danh của một tổ chức, cơ quan nhà nước thì không vi phạm pháp luật. Nếu cá nhân lợi dụng việc vận động để quyên góp, vụ lợi, gian dối để chiếm đoạt tài sản thì sẽ chịu trách nhiệm với hành vi mình đã thực hiện.
Hoạt động từ thiện của cá nhân và và vấn đề quản lý của nhà nước
Qua theo dõi số tiền kêu gọi ủng hộ, cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt mới nhất thì vai trò của các cá nhân trong việc huy động nguồn lực của xã hội là rất lớn. Đơn cử, đến ngày 20/10/2020 thì MC Trấn Thành đã huy động quyên góp được 3.2 tỷ đồng; ca sĩ Thủy Tiên huy động quyên góp được hơn 105 tỷ đồng; vợ chồng ca sĩ Lý Hải huy động quyên góp được hơn 3.5 tỷ đồng…. Và chính sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, trong đó những cá nhân có sức ảnh hưởng thì việc hỗ trợ đã được diễn ra rất nhanh, việc sử dụng nguồn tiền chi cho hỗ trợ cũng nhanh chóng, kịp thời.
Trước đây, tại thời điểm Nghị định 64/2008/NĐ-CP được ban hành thì các phương thức để kêu gọi, vận động các nguồn lực còn mang tính truyền thống như thông qua báo, đài, truyền hình. Trong khi hiện nay, với sự bùng nổ các trang mạng xã hội thì việc kêu gọi, vận động từ thiện rất linh động, và sâu rộng. Vậy nên, thời điểm đó, vai trò của các “cá nhân” đang còn yếu nên chính sách, quy định này là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này đang dần thể hiện những điểm lạc hậu, cần phải thay đổi, và bổ trợ cho các cá nhân hoạt động thiện nguyện.
Đơn cử, ưu điểm của huy động thông qua cá nhân thì số tiền huy động nhanh, việc sử nguồn tiền, ứng cứu sẽ kịp thời. Do các cá nhân sẽ tự chủ động sử dụng nguồn tiền, không cần thông qua một đơn vị, tổ chức nào.
Trong khi, theo phương thức hiện nay thì khi có nguồn tiền phân phối, ủng hộ về thì được gửi về các số tài khoản của các cơ quan, tổ chức đang vận động. Sau đó, được tập trung về Ban cứu trợ các cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước. Trên cơ sở số tiền, hàng cứu trợ nhận được và mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra Ban cứu trợ, các cơ quan sẽ họp để phân phối tiền, hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, đi kèm với sự linh động, chủ động thì do các cá nhân thực hiện hoạt động từ nguyện riêng lẻ, nên có thể thông tin những người cần sự giúp đỡ sẽ bị hạn chế hơn cơ quan chức năng. Do đó, sẽ xảy ra trường hợp có người cần được trợ giúp thì không được trợ giúp và ngược lại.
Bên cạnh đó, đối với mỗi đợt thiên tai xảy ra, có nhiều nguồn lực được huy động, sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cũng như lâu dài cho người dân vùng bị thiệt hại như ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn hỗ trợ của các Quỹ xã hội, từ thiện.
Vậy nên, nếu không có sự thống nhất về danh sách cứu trợ, thì có rất nhiều khả năng sẽ xảy ra phần chi trùng lặp, sự chênh lệch về việc hỗ trợ giữa các người dân và các khoản hỗ trợ chưa có thể đảm bảo ổn định đời sống cho người dân. Như ngoài việc được cần được hỗ trợ về nhu yếu phẩm, thì người dân khu vực bị thiệt hại cũng cần có các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường hợp, trạm xá,…
Để thực hiện có hiệu quả công tác về từ thiện thì nhà nước cần có những quy định mới, những sự thay đổi để ghi nhận rõ việc cá nhân, tổ chức có quyền huy động, vận động các nguồn lực của xã hội để thực hiện các hoạt động từ thiện. Nhằm bảo đảm số tiền cứu trợ sẽ được tới tận những người có nhu cầu, đúng đối tượng, bảo đảm công bằng. Như quy định việc phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức với cơ quan nhà nước khi tiến hành các công tác từ thiện, cung cấp thông tin, đối chiếu thông tin, danh sách những đối tượng được cứu trợ; quy định về việc minh bạch thông tin tài chính, quy định về phương thức xử lý vi phạm,…
Chính việc phân định, quy định rõ cho các cá nhân, tổ chức được thực hiện các động từ thiện cũng góp phần giảm tải, giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước.
Về nguyên tắc, chuyện từ thiện thực sự là chuyện của lòng yêu thương, việc tự nguyện gửi tiền cho các cá nhân lan tỏa yêu thương là biểu hiện của lòng tin rất cần nâng niu trân quý, nếu pháp luật ngăn cản, cấm đoán hay muốn chi phối sự độc quyền làm việc từ thiện thì sẽ ngăn cản các phương thức chuyển tải tình yêu thương của con người đến con người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như thiên tai lũ lụt. Pháp luật cần dự lường những điều gì để đảm bảo lòng yêu thương lan tỏa rộng rãi, nhưng cũng cần có những cách thức để phòng tránh những hành vi lợi dụng, trục lợi phạm pháp …
Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN
DANH MỤC CĂN CỨ PHÁP LÝ, TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Khoản 5 Điều 5 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013; Điều 13 Nghị định 65/2013/NĐ-CP.
[2] Điểm 4 Thông tư 72/2008/TT-BTC
[3] Điều 13, 14 Nghị định 64/2008/NĐ-CP; Điểm 7, 8 và 9 Thông tư 72/2008/TT-BTC
[4] Điều 116, Điều 119, Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015.
[5] Khoản 2, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015
[6] Điều 7, Điều 10 Nghị định 93/2019/NĐ-CP
[7] Điều 9 Nghị định 93/2019/NĐ-CP
[8] Điều 16 Nghị định 30/2012/NĐ-CP, hiện nay Nghị định 30/2012/NĐ-CP đã hết hiệu lực.
[9] https://fundme.vn/ và https://thekymoi.vn/clb-com-co-thit-va-hanh-trinh-4-nam-di-theo-menh-lenh-tu-trai-tim/