Tình huống pháp lý: Trước khi bố tôi mất có để lại tờ di chúc. Bố tôi 2 vợ người vợ cả mất lấy vợ 2 đẻ ra tôi. Nay tôi muốn đứng tên sổ đỏ thì có phải chia đất cho các anh con bà cả không. Lúc bố tôi còn sống đã chia đất hết cho anh chị và đã có sổ, còn lại là đứng tên bố mẹ tôi và mẹ tôi vấn sống, bây giờ muốn làm sổ đỏ cho tôi có phải chia tiếp đất không. Bố mẹ lấy nhau có đăng kí kết hôn, còn bà cả không có thấy giấy tờ kết hôn với bố tôi. Mong luật sư tư vấn ạ?
Trả lời:
Cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi vấn đề cần tư vấn đến Công ty Luật FDVN (“FDVN”). Đối với yêu cầu của Quý khách, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, chúng tôi có những thông tin trao đổi như sau:
Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Theo thông tin bạn cung cấp, bố đã để lại di sản thừa kế nằm trong phần đất chung với người mẹ. Theo Khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, di sản của người bố để lại là ½ phần đất chung này.
Trước khi mất. bố bạn có để lại di chúc, vậy nên trong trường hợp này, bạn phải xem xét bản di chúc về hình thức, nội dung có hợp pháp hay không. Bạn có thể tham khảo theo các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Bản di chúc hợp pháp: di sản mà bố bạn để lại sẽ được chia theo di chúc mà bố bạn đã làm, phần di sản mà bố bạn chia cho ai sẽ thuộc phần người đó. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc Con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Do đó, nếu các anh là con của vợ thứ nhất và bố bạn thuộc trường hợp vừa nêu và tại di chúc không chia phần thừa kế cho họ hoặc chia ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, họ vẫn có thể nhận được một phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp 2: Bản di chúc không hợp pháp, di sản của bố bạn để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất di sản của người bố gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy những người con của vợ cả vẫn là con của người bố, do vậy sẽ cùng hàng thừa kế với mẹ và bạn. Việc người bố đã phân chia, tặng cho tài sản cho những người con vợ cả không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của họ theo quy định pháp luật trừ khi họ thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản nêu tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015: a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, bạn cần xem xét cụ thể nội dung di chúc mà bố bạn để lại và có phương án phù hợp nhất. Ngoài ra, dù thuộc một trong hai trường hợp nêu trên, nếu những người thừa kế khác từ chối nhận di sản thì bạn được quyền nhận toàn bộ di sản do bố bạn để lại.
Theo Nguyễn Thị Thanh Thanh Trà – Công ty Luật FDVN
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: FDVN CHANNEL