ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 4): BÀN VỀ QUYỀN KHỞI KIỆN CỦA ĐỒNG SỞ HỮU TÀI SẢN BỊ KÊ BIÊN
Tại trang 622, quyển 1a của bộ sách Game of Thrones (tác giả George R.R. Martin) có đoạn khi Tyrion Lannister bị Catelyn Stark bắt, sau bị cầm tù bởi em gái Catelyn là Lysa Arryn, vào lúc Lysa tra tấn và ép tội Tyrion rằng nhà Lannister giết chồng bà là Jon Arryn, Tyrion hét lên “Luật pháp của nhà vua ở đâu? Eyrie không phải là một phần của Bảy Phụ Quốc hay sao? Các ngươi nói, ta là bị cáo. Được thôi. Ta muốn được xét xử! Hãy để ta nói, và để sử thật hoặc sai lầm của ta được phơi bày trước ánh sáng, dưới tầm mắt của thần thánh và con người”.
Siêu phẩm giả tưởng của George R.R. Martin khi xây dựng một không khí ngột ngạt của chiến tranh, ái tình và âm mưu quyền bính đã lồng vào đó một đôi đoạn có đòi hỏi pháp luật cần được thực thi, dù rằng còn đó sự nhập nhằng giữa pháp luật của quân vương hay có khi là của thánh thần. Quyền được xét xử của người bị buộc tội trong trường hợp Tyrion Lannister thực ra là quyền được trải qua những quy trình tố tụng được luật định, quyền được chứng minh về sự thật và kể cả những sai lầm nếu có, đòi hỏi đó từ trong sử thi của một thời đại xa xưa vẫn là nguyện vọng của hiện tại, trong những quốc gia lấy pháp luật làm thước mực quản trị.
Quyền tham gia sân chơi tố tụng của các công dân trong xã hội của thời đại này đặt trong tính nhu cầu tối thiểu, không khác tiếng hét lên của Tyrion trong Game of Thrones, bởi suy cho cùng, câu chuyện của sử thi hay hiện tại, đều chứa trong trong lòng nó những trò chơi vương quyền, ở đó có vương quyền, nhưng cũng có trò chơi …
&
Trong bản án số 158 (đối với vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ, như đã nêu ở các phần trước), thể hiện có những nội dung bất thường vội vã của hoạt động gom tài sản để kê biên, mà nếu chúng ta thử điểm qua một số điểm, rồi so với luật hiện hành thì có thể thấy có khi chúng ta cũng không hiểu được vì sao lại như thế. Điểm qua vài vấn đề như sau:
1. Tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định nguyên tắc của việc kê biên tài sản là: “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại” Như vậy, tài sản bị kê biên được xác định theo tiêu chí tương ứng với mức phải bồi thường thiệt hại, khi đó phải có kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản để xác định giá trị mới được kê biên. Thế nhưng trong vụ án này, dù chưa có kết luận định giá đã tiến hành kê biên toàn bộ các tài sản được xem là có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, và chỉ cần có liên quan thôi là kê biên mà không xét đến các vấn đề liên quan, không xét đến các đồng sở hữu…
2. Pháp luật đã quy định rõ rằng chỉ kê biên các tài sản thuộc sở hữu của các bị can, bị cáo để tịch thu tài sản, đảm bảo nghĩa vụ thi hành án xuất phát từ hành vi vi phạm của chính các bị can, bị cáo đó. Hoạt động kê biên tài sản không được xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các chủ thể khác. Tuy nhiên trong vụ án này, trong số các tài sản cơ quan điều tra kê biên, có những tài sản hoàn toàn đứng tên, thuộc sở hữu riêng của người khác không phải ông Phan Văn Anh Vũ cũng bị kê biên.
3. Ngoài ra, hàng chục tài sản khác là tài sản chung của vợ chồng ông Phan Văn Anh Vũ, tài sản thuộc sở hữu của công ty có nhiều thành viên cũng được tuyên buộc kê biên. Đối với các tài sản đứng của Công ty, không thể bảo đảm nghĩa vụ riêng cho bất cứ thành viên nào của Công ty, kể cả ông Phan Văn Anh Vũ. Việc sở hữu của các thành viên, cổ đông của công ty, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi chung của các cổ đông không được làm rõ, không được đánh giá. Do vậy, việc kê biên các tài sản này để đảm bảo thi hành án cho riêng nghĩa vụ (nếu có) của ông Phan Văn Anh Vũ là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông, thành viên khác trong Công ty.
Như vậy, hoạt động kê biên tài sản không dựa trên đánh giá, phân loại, thực thi các nghiệp vụ thẩm định thực tế đối với các tài sản nên không xác định được từng loại tài sản với tính chất sở hữu khác nhau, dẫn đến sẽ có những hậu quả không thể dễ dàng xử lý khi thi hành án.
&
Cũng có thể vì thực tế, khi xét xử các vụ án hình sự hoặc dân sự, bằng các cách thức đảm bảo để thi hành được các bản án, tòa án dùng các biện pháp khẩn cấp để kê biên các tài sản để đảm bảo cho việc thực thi các bản án, thế nhưng đến khi thi hành án, việc thẩm định tính chất sở hữu chung hay riêng, xác định tài sản kê biên là của ai để xử lý phải được tuân thủ nghiêm túc theo luật định.
Thế nhưng, những ngày qua, liên quan đến việc thực thi các bản án, đã có những hoạt động như muốn đẩy nhanh quá trình thi hành án mà không có những hoạt động nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người liên quan, các đồng sở hữu tài sản.
Bản án số 158 cũng quy định tại trang 179 như sau: “Dành quyền khởi kiện cho các cá nhân, tổ chức liên quan đến các dự án, nhà, đất công sản bị thu hồi bằng vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu”.
Còn quyền khởi kiện của các đồng sở hữu, những người có liên quan cũng đã được luật định tại các Điều 74, 75 Luật thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Theo đó, Điều 74 quy định:
Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
3. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.
Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật này.”
Khoản 1, Điều 75 cũng quy định:
“Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy, trước khi tiến hành việc xử lý các tài sản dù đã bị kê biên, thì chấp hành viên phải tiến hành các biện pháp để người bị thi hành án, người có liên quan, những đồng sở hữu thực hiện các quyền khởi kiện dân sự theo Bản án đã tuyên của Tòa án và theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Mọi hành vi cố làm cho nhanh, làm cho xong, làm cho kịp trách nhiệm hay làm theo quyền lực nhiệm kì mà bỏ qua hết các quy trình xử lý theo luật định, sẽ để lại những hậu quả không thể khắc phục.
&
Từ đòi hỏi của Tyrion Lannister trong sử thi cho đến quyền được luật định của công dân của một quốc gia có pháp luật, nhiều khi chỉ là tiếng thét bất lực vì nó vang lên trong cái lồng của những trò chơi vương quyền.
Nhưng, chẳng nhẽ, các trò chơi cứ lặp lại từng đoạn kiểu nhiệm kì như vậy, chẳng lẽ pháp luật không có vai trò của nó trong cái thời đại nó cần có vai trò?
Chúng tôi sẽ tiếp tục trong các kỳ tới …
Luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN
XEM THÊM CÁC KỲ TRƯỚC:
KỲ 3:ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 3): ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG ĐỒNG PHẠM?
…………………………….
99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/