Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 3): ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG ĐỒNG PHẠM?

ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 3): ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG ĐỒNG PHẠM?

ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 3): ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG ĐỒNG PHẠM?

Những năm qua đã có nhiều vụ đại án với những người làm kinh doanh bị truy tố, kết án, trong đó có những cái tên sẽ đi vào lịch sử của một giai đoạn rất đáng để nhớ. Những Nguyễn Đức Kiên, Trần Bắc Hà, Đinh Ngọc Hệ, Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phạm Nhật Vũ hay Phan Văn Anh Vũ … không chỉ là nhân chứng của những hoạt động kinh tế vừa sôi nổi nhưng cũng đầy xiêu xẹo mong manh.

Song song đó, nhiều nhân vật là quan chức, cựu quan chức chính trường bị sờ tới trong cái gọi là quyết tâm “đốt lò” để chống các tội phạm về tham nhũng.

Từ các sự kiện đó, cho thấy bề nổi của một cuộc phòng chống tội phạm đã được rầm rộ triển khai. Nếu công cuộc đó được triển khai đúng, khách quan, minh bạch, không mang trong lòng nó bóng ma phe nhóm, thì có thể không những môi trường kinh doanh, hệ thống quản trị chính quyền sẽ được dọn dẹp sạch đẹp để làm nên tảng cho đất nước phát triển, mà dân chúng cũng tôn nể sự vận hành của hệ thống tư pháp, hệ thống hành pháp.

Ngược lại, nếu cuộc phòng chống tội phạm bị hội nhóm lợi dụng sẽ dẫn đến việc dẹp các băng hội này chỉ để mở đường cho băng hội khác tung hoành, thì sẽ dẫn đến hậu quả là tội phạm không giảm đi, mà quốc gia dân tộc sẽ bị lũng đoạn, quyền lực bị thao túng, pháp luật bị coi thường.

Nếu pháp luật được sử dụng theo những cách mạnh yếu khác nhau tùy thuộc vào nhiệm kì quyền lực của một số người, pháp luật không phải nhân danh nhà nước mà là công cụ tồi cho việc triệt hạ lẫn nhau trong trò chơi và âm mưu quyền lực …

Pháp luật không bảo vệ quyền lợi của dân chúng, không đảm bảo cho các quyền cơ bản của công dân mà chỉ là công cụ cho trò chơi vương quyền là biểu hiện của sự thất bại của nhà nước pháp quyền. Đó là điều dân chúng trong mọi Nhà nước có pháp luật không chờ đợi …

&

Nền tư pháp vận hành thế nào sẽ thể hiện qua lăng kính xét xử các vụ án. Mọi người như một phải được đối xử và xét xử công bằng, ông nọ bà kia dù là truyền thuyết hay mô phỏng đồn thổi, thì khi đặt họ dưới quy trình tố tụng phải được đối xử công bằng, cách thức vận dụng pháp luật cũng phải dựa trên các nguyên lý tôn trọng và tuân thủ, cảm tính vu vơ và thực thi theo quyền lực vô hình sẽ tiêu diệt công dụng của nền tư pháp.

Ông Phan Văn Anh Vũ là một người bị buộc tội, các bản án xét xử đối với ông cái nào đúng, cái nào sai cũng cần được làm rõ trên nghĩa công bằng như vậy. Không chỉ ông Vũ, những người bị buộc tội khác cũng có quyền được xét xử công bằng như vậy.

Tại Bản án 158/2020/HS-PT NGÀY 12/5/2020 CỦA TAND CẤP CAO TẠI HÀ NỘI xét xử về 2 tội danh “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (Bản án 158) nêu rõ có 8 bị cáo kêu oan, cho rằng họ không phạm các tội bị truy tố, xét xử, đó là các công bà: Phan Văn Anh Vũ, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn Điểu, Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Quang Thành, Pham Minh Cương.

Riêng đối với ông Phan Văn Anh Vũ, Cáo trạng và Bản án 158 có những cáo buộc đối với ông Phan Văn Anh Vũ, được tóm lược là ông Vũ đã:

– Lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND thành phố Đà Nẵng; lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để mua, nhận chuyển nhượng nhà đất công sản trái pháp luật.

– Lợi dụng những văn bản pháp lý của UBND thành phố Đà Nẵng để bàn bạc, thỏa thuận với Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Công nghệ Phẩm Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lời.

– Lợi dụng công văn của Bộ Công an để các Công ty của ông Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất công sản và giao, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất sau đó chuyển đổi sang tên cá nhân, từ đó hưởng các lợi ích vật chất.

Với các cáo buộc nêu trên, Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã quy kết ông Phan Văn Anh Vũ là đồng phạm nhưng giữ vai trò đặc biệt trong vụ án, từ đó tuyên phạt ông Phan Văn Anh Vũ mức án cao nhất trong tất cả các bị cáo bị đưa ra xét xử.

Thế nhưng, liệu các cáo buộc đó đã đúng luật, liệu bản án kết tội như thế đã đúng với tính chất thực sự của vụ án, chúng tôi bàn sơ một số ý sau đây.

I. VỀ VẤN ĐỀ CHỦ THỂ CỦA CÁC TỘI DANH THEO ĐIỀU 219, ĐIỀU 229 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI BỔ SUNG NĂM 2017

Điều 219 Bộ luật Hình sự [Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí] quy định về chủ thể: “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí….”. Tiếp đó, Điều 229 Bộ luật này [Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai] tiếp tục điều kiện chủ thể: “Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích trái quy định pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây….”.

Như vậy, Điều 219 và Điều 229 Bộ luật Hình sự có điểm chung về tính chất chủ thể tội danh đều là chủ thể được giao quyền quản lý Nhà nước (trực tiếp quản lý các tài sản của Nhà nước hoặc có quyền hạn trong công tác giao đất, thu hồi, cho phép chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất), nói chung phải là các chủ thể mang quyền lực Nhà nước.

Trong khi đó, tại các thời điểm ông Phan Văn Anh Vũ có các hành vi bị quy kết vi phạm, ông Vũ không giữ chức vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và quản lý đất đai nên việc bị quy kết là đồng phạm giữ “vai trò đặc biệt” trong tội danh chỉ áp dụng đối với chủ thể có chức năng quản lý nhà nước là điều hoàn toàn không thể hiểu.

II. ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG ĐỒNG PHẠM?

Để xác định ông Phan Văn Anh Vũ có là đồng phạm trong 02 tội danh tại Điều 219 và Điều 229 Bộ luật Hình sự cần xem đến quy định về đồng phạm tại Điều 17 Bộ luật Hình sự. Tại khoản 1 Điều này quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Cơ quan kiểm sát và Tòa án cần phải đưa ra các chứng cứ kết tội thể hiện giữa ông Vũ và các bị cáo khác phải có yếu tố bàn bạc, thống nhất ý kiến, tiếp nhận ý chí của nhau để cùng thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm một mục đích nhất định nào đó. Các chứng cứ chứng minh cho các yếu tố này phải là chứng cứ trực tiếp, chứng cứ vật chất để buộc tội. Không thể dựa vào những lời khai không được kiểm chứng, những đánh giá chủ quan để để buộc tội đối với bị cáo.

Nếu cáo buộc đồng phạm hoàn toàn dựa trên suy đoán chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật hình sự, và dựa trên suy đoán chủ quan đó, ông Vũ bị cáo buộc là đồng phạm một cách hoàn toàn không đúng pháp luật. Nhìn vào vụ án, ngay từ chính các nhận định của bản án 158 có thể thấy như sau:

1. Các chính sách quản lý tài sản, đất đai của thành phố Đà Nẵng bị đưa ra xem xét đều được ban hành trước thời điểm ông Phan Văn Anh Vũ có ý định nhận chuyển nhượng, đầu tư

Chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất (10%) được thành phố Đà Nẵng bắt đầu áp dụng từ năm 2002, các chính sách khác như giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá, bán nhà đất công sản và giảm hệ số sinh lời đều được chính quyền thành phố áp dụng. Các chính sách này đều được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành từ rất lâu trước khi ông Phan Văn Anh Vũ có ý định đầu tư. Hơn nữa, các chính sách này được áp dụng chung cho toàn bộ các đối tượng có nhu cầu, không phải được ban hành chỉ áp dụng riêng với ông Phan Văn Anh Vũ. Theo Thông báo số 160/TBKT-TTCP, ngày 17/01/2013 thông báo Kết luận Thanh tra số 2852/KL-TTCP, ngày 02/11/2012 của Thanh tra Chính phủ thể hiện có hàng trăm đối tượng đã thụ hưởng chính sách này và số tiền UBND thành phố Đà Nẵng đã giảm lên tới 1.313.684.812.164 đồng.

Vậy thì cũng như ông Phan Văn Anh Vũ, nếu có tội thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người mua đất khác vướng vào vòng lao lý, trở thành bị can, bị cáo trong các vụ án tương tự. Việc kết tội cho người dân, doanh nghiệp mua đất đúng theo chính sách của cơ quan có thẩm quyền ban hành mà bị xem là vi phạm pháp luật thì sẽ không ai dám tin vào các quy định của nhà nước. Những rủi ro pháp lý như thế này giống như chiếc bẫy được giăng ra, lần này là ông Vũ, lần khác sẽ là ai? …

2. Không có chứng cứ thể hiện có việc bàn bạc, thống nhất ý kiến giữa ông Phan Văn Anh Vũ và các cơ quan ban ngành thành phố Đà Nẵng để cùng đưa ra chủ trương, chính sách trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đất đai nhằm thu lợi cá nhân.

Tại Bản kết luận điều tra, Cáo trạng hay trong Bản án đều xác định thời điểm bắt đầu các giao dịch mua nhà đất do ông Vũ thực hiện đều sau khi biết được chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng. Các nội dung mô tả về từng giao dịch đều có nhận định: “Biết được chủ trương….. bị cáo Phan Văn Anh Vũ liên lạc…. làm đơn”, “Từ những chủ trương, quyết định trái pháp luật….”, “Sau khi biết thông tin này….”. Cùng với đó, không có bất cứ tài liệu, văn bản nào thể hiện có sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất ý kiến giữa ông Phan Văn Anh Vũ với các cấp ban ngành thành phố Đà Nẵng về quyết định chủ trương này. Ông Vũ chỉ thực hiện các giao dịch mua bán sau khi biết được các chính sách của thành phố. Nhưng ông Vũ không phải là người ban hành các chính sách lại không có chứng cứ chứng minh ông Vũ được quyền bàn bạc, thảo luận quyết định các chính sách thì không thể xác định hành vi bàn bạc trong đồng phạm. Thật kì lạ, nếu có việc một doanh nhân có thể tham chính chính sách, hoặc nếu đủ kì lạ như vậy, thì phải có chứng cứ buộc tội thuyết phục, không thể dựa trên suy luận chủ quan để buội tội…

3. Không có chứng cứ thể hiện các cơ quan thành phố Đà Nẵng, các cán bộ thành phố bị ông Phan Văn Anh Vũ tác động, được nhận lợi ích vật chất từ ông Vũ để ban hành các chính sách trái pháp luật.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã đặt câu hỏi cho tất cả các bị cáo: “có được hưởng lợi gì và có mối quan hệ như thế nào với Phan Văn Anh Vũ” thì các bị cáo đều trả lời không được hưởng lợi và không có mối quan hệ cá nhân với ông Vũ.

Tại Cáo trạng số 88/CT-VKSTC-V5, ngày 17/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trang 80) đã nhận định: “Kết luận điều tra chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Phan Văn Anh Vũ với Trần Văn Minh và các đồng phạm khác để giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ…”.

Tại Bản án sơ thẩm số 20/2020/HS-ST, ngày 13/01/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tại trang 158 cũng xác định: “Quá trình điều tra cho thấy các bị cáo thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện hành vi vi phạm không vì động cơ cá nhân hay lợi ích vật chất nào khác, không được hưởng lợi”.

Nội dung này tiếp tục được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội khẳng định tại Bản án phúc thẩm 158/2020/HS-PT, ngày 12/5/2020 (trang 160).

Như vậy, không chỉ có không có các chứng cứ về mục đích thực hiện tội phạm mà quá trình điều tra còn xác định rõ giữa ông Vũ với các cán bộ ban ngành thành phố Đà Nẵng không có mối quan hệ cá nhân, không vì động cơ cá nhân hay hưởng lợi từ ông Vũ để thực hiện các hành vi vi phạm.

4. Về nhận định ông Vũ lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng để mua, nhận chuyển nhượng nhà đất công sản trái pháp luật

Nhận định này mang tính suy đoán theo hướng bất lợi cho ông Vũ, trái với quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: “Chứng cứ là những gì có thật….” cũng như nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án nêu tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Thân thiết là như thế nào, thân thiết cho mục đích gì, thân thiết để thực hiện hành vi gì, thân thiết được thể hiện ở đâu, nếu chỉ thể hiện qua các lời khai vu vơ không kiểm chứng có thể buộc tội được không?

5. Về nhận định ông Vũ có hành vi bàn bạc với Giám đốc của một số Công ty đứng tên xin mua nhà cộng sản, xin giảm hệ số sinh lợi để có giá trị rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm đó, sau đó sang tên cho cá nhân và công ty gây thiệt hại cho ngân sách đặc biệt lớn.

Thực tế là:
Các Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Công nghệ Phẩm Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng đều là các chủ thể được mua nhà đất vắng chủ và đều thuộc đối tượng được hưởng chính sách giảm hệ số sinh lời của UBND thành phố Đà Nẵng. Chính ông Trần Văn Minh trong các lời khai đã xác định UBND thành phố Đà Nẵng không giảm hệ số sinh lời cho bên mua (trong đó có ông Vũ) mà giảm cho các Công ty này, các công ty này được lợi chứ không phải ông Vũ, do vậy không thể nói ông Vũ bàn bạc với các Công ty này để xin giảm hệ số sinh lời nhằm mua lại nhà đất với giá rẻ. Quan hệ mua bán tài sản phát sinh sau đó không chứng minh được rằng một mình ông Vũ có thể tạo ra các chuỗi hành vi phát sinh lợi ích cho ông, và quan trọng hơn, bên mua tài sản không thể chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm (nếu có) của bên bán.

Trình tự hồ sơ thể hiện các Công ty này có Tờ trình xin mua lại đất, sau khi được UBND thành phố Đà Nẵng quyết định đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì không có nhu cầu sử dụng nên rao bán công khai, ai cũng được quyền tiếp cận. Việc mua bán chỉ xảy ra sau khi đã được sự đồng ý chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng. Thỏa thuận giữa các Công ty này với bên mua (không chỉ có ông Vũ) là các giao dịch dân sự như chính lời khai của các vị Giám đốc công ty, pháp luật cũng không cấm việc các tổ chức mua nhà đất công sản được quyền bán lại tài sản mà mình đã mua cũng như không hạn chế đối tượng được quyền tiếp cận, mua lại các tài sản này.

Riêng đối nhà đất tại 100 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng là giao dịch mua bán giữa Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng với ông Ngô Áng Hùng, sau này ông Vũ mới mua lại nhà đất này từ ông Ngô Áng Hùng. Tương tự với nhà đất tại 20 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng ông Vũ cũng là người thứ ba ngay tình mua lại từ ông Nguyễn Quang Thành, trước đó ông Thành giao dịch với Công ty Cổ phần Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng. Như vậy với 02 nhà đất này ông Vũ không phải là người giao dịch trực tiếp với Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng hay Công ty Cổ phần Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng, do vậy càng không có cơ sở để quy kết ông Vũ bàn bạc với Giám đốc các Công ty này để mua được nhà đất giá rẻ.

Như vậy, giữa ông Vũ và giám đốc các Công ty có sự thỏa thuận mua lại đất nhưng sự thỏa thuận sau khi đã được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý cho các Công ty được phép nhận chuyển nhượng. Theo quy định pháp luật và chính sách của thành phố, các Công ty này là đối tượng được phép mua đất, được hưởng chính sách giảm hệ số sinh lợi, UBND thành phố Đà Nẵng giảm hệ số sinh lợi cho các Công ty này, không phải giảm cho ông Vũ. Thiệt hại nếu có phát sinh thì từ giao dịch chuyển nhượng đất giữa UBND thành phố Đà Nẵng với các Công ty, đến ông Vũ là người mua thứ ba ngay tình.

6. Về nhận định ông Vũ lợi dụng mối quan hệ để được nhận nhiều dự án bất động sản tại các vị trí đắc địa của thành phố Đà Nẵng, từ đó kết tội ông Vũ có hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Qua hồ sơ vụ việc đã thể hiện rất rõ, việc giao chủ trương các dự án là đúng theo quy định pháp luật. Thời điểm thu hút đầu tư các dự án này chưa giải tỏa mặt bằng, chưa được bồi thường nên theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP, ngày 27/02/2006 thì thuộc trường hợp giao đất thu tiền không qua đấu giá.

Riêng đối với Khu đất ký hiệu A2, A4, A6, A8 thuộc Khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng tại phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được đưa ra bán đấu giá công khai, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông 586 do ông Võ Ngọc Châu là Tổng Giám đốc trúng đấu giá, sau này mới chuyển nhượng lại cho ông Vũ. Như vậy nếu xác định UBND thành phố Đà Nẵng sai ngay từ đầu, cho giảm 10% tiền sử dụng đất là sai thì người chịu trách nhiệm nếu phải có phải là Công ty 586 và nếu UBND thành phố Đà Nẵng không đồng ý với Tờ trình của Công ty 586 chuyển nhượng dự án lại cho ông Vũ thì ông Vũ đã không liên quan đến dự án này.

Vậy ông Phan Văn Anh Vũ đồng phạm hay không phải đồng phạm, tại sao là ông, chỉ một người mua tài sản trong nhiều người mua tài sản theo chính sách của Đà Nẵng thời kỳ đó bị tròng vào vai trò “đồng phạm đặc biệt”, chúng tôi chỉ gợi ra những vấn đề đó để không chỉ là đi tìm những điểm pháp lý cần phải nhìn lại, mà còn hy vọng pháp luật sẽ được thực thi đúng và làm cho chúng ta tin tưởng và tuân thủ …

Những vấn đề nữa chúng tôi sẽ trao đổi thêm trong những ngày tới …

Luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN

XEM TIẾP KỲ 4: ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 4): BÀN VỀ QUYỀN KHỞI KIỆN CỦA ĐỒNG SỞ HỮU TÀI SẢN BỊ KÊ BIÊN

XEM THÊM CÁC KỲ TRƯỚC:

KỲ 1: ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 1): MỘT TÒA ÁN, HAI CÁCH XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI …

KỲ 2: ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 2): TỪ KẾT LUẬN CỦA HĐTP TAND TỐI CAO VỀ CÁCH XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI …

…………………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan