Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 2): TỪ KẾT LUẬN CỦA HĐTP TAND TỐI CAO VỀ CÁCH XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI …

ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 2): TỪ KẾT LUẬN CỦA HĐTP TAND TỐI CAO VỀ CÁCH XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI …

ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 2): TỪ KẾT LUẬN CỦA HĐTP TAND TỐI CAO VỀ CÁCH XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI …

Trong cuốn A THEORY OF JUSTICE (1971), kiệt tác của John Bordley Rawls, có đoạn đại ý: “một xã hội công bằng thì sự bình đẳng về các quyền công dân và các quyền tự do đối với tất cả mọi người là không thể thay đổi, những quyền được công lý đảm bảo thì không thể đem ra mặc cả về chính trị hay những tính toán về lợi ích xã hội.” Điều mà John Rawls, triết gia được xem là có vai trò quan trọng nhất của thế kỷ 20 nói đến về công lý, như được chắt ra từ trong thực tiễn đời sống mà loài người trải qua, khát vọng vươn đến sự bình đẳng về các quyền công dân vẫn không có gì thay đổi, ở khắp nơi. Công lý chỉ là ảo ảnh nếu như việc thực thi luật pháp chứa đựng trong đó mục đích chính trị hoặc là cách thức để mặc cả lợi ích của các nhóm người khác nhau trong xã hội.

Hiến pháp Việt Nam tại Điều 31 nêu rõ người bị buộc tội cũng được đảm bảo công bằng trong điều tra, xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các nguyên tắc cơ bản như quyền được bình đẳng trước pháp luật (Điều 9), nguyên tắc suy đoán vô tội (Điểu 13), nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Điều 15) … để đảm bảo người bị buộc tội nào cũng như người bị buộc tội nào, họ phải được đối xử công bằng trong điều tra, truy tố, xét xử, họ không bị xem là có tội cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền chứng minh theo luật định và có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án.

Như vậy, nếu có các hoạt động chứng minh tội phạm nào đó được thực hiện khác đi, không công bằng đối với một chủ thể bất kỳ, không đúng trình thự thủ tục luật định, không đảm bảo quy định của pháp luật thì sẽ dẫn đến kết quả kết tội không đảm bảo công lý.

&

Ví dụ về một câu chuyện về việc xác định giá trị tài sản theo từng thời điểm khác nhau trong hoạt động tố tụng hình sự sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau như sau:

Ông A vào ngày 25.10.2018 trộm của nhà hàng xóm 1 lượng vàng SJC. Lúc đó, giá mua vào 36,49 triệu đồng/lượng – bán ra 36,65 triệu đồng/lượng.

Vì nhiều lý do, đến ngày 4.11.2020, ông A mới bị khởi tố bị can và tại thời điểm này, 1 lượng vàng SJC có giá mua vào là 56,30 triệu đồng/lượng và giá bán ra có ngưỡng 56,77 triệu đồng/lượng.

Vậy, giá vàng được tính ở thời điểm nào để xác định trách nhiệm pháp lý mà ông A phải chịu?

Đối chiếu với quy định tại Điều 173 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội trộm cắp tài sản thì với giá trị tài sản trộm cắp là 1 lượng vàng quy ra tiền để tính tại thời điểm thực hiện hành vi trộm cắp (dưới 50 triệu đồng) thì ông A có thể chỉ bị xử lý trách nhiệm theo định khung hình phạt theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự (BLHS), thế nhưng nếu đến ngày 4.11.2020 mới khởi tố và xác định giá trị tài sản trộm cắp tại thời điểm này thì số tiền là trên 50 triệu đồng nên có thể bị xử lý trách nhiệm theo định khung hình phạt theo khoản 2 Điều 173 BLHS.

Nếu chúng ta được làm quan tòa hoặc các thẩm phán thực hành quyền xét xử một tình huống như vậy trên thực tế, chúng ta nghĩ ngay đến việc không thể xác định trách nhiệm pháp lý của ông A trên sự nhảy múa bất thường của giá vàng. Trách nhiệm pháp lý của ông A phải được xác định là tại thời điểm ông A trộm cắp 1 lượng vàng thì giá trị của nó được quy đổi thành bao nhiêu tiền đồng để xác định giá trị tài sản bị trộm cắp. Bởi ông A không thể chịu trách nhiệm cho hậu quả suy đoán đến từ tương lai vào thời điểm ông A có hành vi trộm vàng, sự biến đổi về giá cả hay các mất mát thực tế nếu có trong trường hợp này không phải được đặt trong một thỏa thuận dân sự, thương mại được giao kết bởi các bên, do đó các giả định trách nhiệm xảy ra trong tương lai không thể được áp dụng cho pháp luật hình sự, giả định thiệt hại trong tương lai không thể được xem là điều kiện mà chủ thể bị buộc tội buộc phải biết tại thời điểm họ thực hiện hành vi phạm pháp.

&

Trở lại với vấn đề của ông Phan Văn Anh Vũ, người bị bản án số 346/2019/HS-PT NGÀY 13/6/2019 CỦA TAND CẤP CAO TẠI HÀ NỘI (Bản án 346) kết tội về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bản án số 158/2020/HS-PT NGÀY 12/5/2020 CỦA TAND CẤP CAO TẠI HÀ NỘI (Bản án 158) kết tội về hành vi (với vai trò đồng phạm) vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Với các hành vi đó, ông Vũ bị kết tội và kết luận là đã từ các hành vi vi phạm của mình dẫn đến việc được nhận giao đất, thuê đất, nhận chuyển nhượng nhà đất (là tài sản nhà nước) với giá trị thấp hơn giá trị thực tế, vì vậy đã gây ra thiệt hại cho nhà nước.

Như kỳ 1, chúng tôi đề cập, có một điều mâu thuẫn rất lớn là cùng một tòa án cấp cao tại Hà Nội nhưng có hai cách xác định thiệt hại khác nhau trong hai bản án.

Tại bản án 346, Tòa án xác định thiệt hại là số tiền chênh lệch mà nhà nước bị mất khi so sánh giữa giá trị thực tế trên thị trường vào thời điểm thực hiện hành vi so với giá trị thực tế giao dịch nhận chuyển nhượng nhà đất, thuê đất, nhận giao đất.

Tại bản án 158, Tòa án lại xác định thiệt hại là số tiền chênh lệch mà nhà nước bị mất khi so sánh giữa giá trị thực tế trên thị trường vào thời điểm khởi tố vụ án so với giá trị thực tế giao dịch nhận chuyển nhượng nhà đất, thuê đất, nhận giao đất.

Ở kỳ 1 của loạt bài phân tích pháp lý này, chúng tôi đã đặt vấn đề là cũng Tòa án cấp cao tại Hà Nội, nhưng theo bản án 346 hay bản án 158 đúng. Để kết lại việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đúng hay sai của hai bản án nêu trên, chúng tôi trích nguyên văn nội dung kết luận của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 05.12.2019 như sau:

“Về việc xác định thiệt hại trong vụ án: Khoa học pháp lý và pháp luật hình sự đều quy định việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Tại kết luận điều tra số 147/KLĐT-C01 ngày 28/12/2018, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định hậu quả của vụ án là 135.388.822.503 đồng – là số tiền chênh lệch của 07 tài sản Nhà nước được chỉ định bán và cho thuê quyền sử dụng đất không qua đấu giá theo quy định của pháp luật tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Thiệt hại được giám định tại các thời điểm khác nhau như: khởi tố vụ án, xét xử vụ án, thi hành án để làm cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự, trách nhiệm thi hành án, giải quyết mối quan hệ dân sự với người thứ ba… Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là 07 tài sản đã mua/thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật.”

Như vậy, nếu Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đúng, bản án 346 đúng, thì bản án 158 xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án là đi ngược lại với kết luận “đúng pháp luật” của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu trên.

Không dừng lại ở đó, trong các bản án buộc tội ông Phan Văn Anh Vũ, ngoài vấn đề thời điểm xác định thiệt hại, thì việc đánh giá thiệt hại để quy trách nhiệm pháp lý cũng như xác định trách nhiệm bồi thường cho nhà nước cũng cần được nhìn lại ở nhiều vấn đề, cụ thể:

Một là giá đất làm cơ sở định giá, theo khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013 có quy định căn cứ để tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai là Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua: “Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây: đ) Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai”

Như vậy, phải áp dụng giá đất do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành tại thời điểm xảy ra vi phạm để xác định tiền bồi thường cho Nhà nước theo đúng quy định pháp luật đất đai, chứ không phải dùng giá thị trường.

Hai là về các phương pháp định giá đất, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP thì: “1. Phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp định giá đất thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất trống tương tự về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, tính pháp lý về quyền sử dụng đất (sau đây gọi là thửa đất so sánh) đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá”. Theo quy định này, việc định giá đất phải xem xét đến các yếu tố về điều kiện kết cấu hạ tầng, tính pháp lý về quyền sử dụng đất. Không thể lấy giá đất tại thời điểm 17/4/2018 (thời điểm Hội đồng định giá tài sản hình sự ở Trung ương định giá) khi thành phố Đà Nẵng đã có cơ sở hạ tầng khang trang, diện mạo theo quy hoạch sau đó trừ (-) đi số tiền thu vào ngân sách Nhà nước vào năm 2011 trở về trước để tính thành con số thiệt hại.

Ba là về tính pháp lý của các nhà đất được định giá, quyền sở hữu của Nhà nước với các nhà đất vắng chủ được xác lập khi Nhà nước không có sự đầu tư vốn từ ngân sách Nhà nước, không bỏ tiền ra mua, do đó không thể tính tương đồng với thửa đất bình thường được chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường được. Ngoài ra, nếu định giá tài sản tại thời điểm khởi tố vụ án thì không chỉ xem xét sự khác nhau về điều kiện kết cấu hạ tầng mà còn phải đánh giá, tính công sức cho các nhà đầu tư đã bỏ ra, nâng giá trị của nhà đất lên khi tại thời điểm mua bán có trường hợp chỉ là đất mặt nước ven biển, không có cơ sở hạ tầng, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa đền bù cho người dân nay đã hoàn chỉnh điều kiện hạ tầng, giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường, công sức nâng giá trị đất đai …
&
Có những câu chuyện được đồn thổi và bàn luận về những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, về những vai trò, vị trí khác nhau trong những vụ án mà không hiểu vì sao sự quan tâm đến giá trị đúng hay sai của pháp luật không được đề cập đến, có những vấn đề pháp lý nếu soi chiếu bình thường vào các quy định sẽ tạo nên những lệch lạc mênh mông nhưng rồi có thể bị lờ đi, bỏ qua, bước ngang một cách lặng lẽ …

Không chỉ những điều mà John Rawls nói, nếu chúng ta vẫn mỗi ngày hướng đến việc pháp luật được thực thi công bằng đối với tất cả mọi người bị buộc tội, thì ông Phan Văn Anh Vũ cũng là một người bị buộc tội như vậy, những vấn đề pháp lý cũng có quyền được mở ra, trao đổi và hơn hết là có quyền được hướng đến nhu cầu rất bình thường: được xét xử công bằng …
Chúng tôi sẽ tiếp tục những vấn đề khác trong những ngày tới …

Luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN

XEM TIẾP KỲ 3: ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 3): ĐỒNG PHẠM HAY KHÔNG ĐỒNG PHẠM?

XEM THÊM KỲ 1: ÔNG PHAN VĂN ANH VŨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TỪ CÁC BẢN ÁN (KỲ 1): MỘT TÒA ÁN, HAI CÁCH XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI …

…………………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan