Trong tháng 1/2025, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực, tác động mạnh mẽ đến đời sống và kinh tế xã hội đất nước. Đây là những điều chỉnh, bổ sung luật mang tính thực tiễn cao, nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết thời gian qua, tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người dân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh và hội nhập quốc tế. Các chính sách này thể hiện sự đổi mới, minh bạch và hiệu quả trong quản lý xã hội. Một số văn bản Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 có các điểm mới đáng lưu ý sau:
- Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Quốc hội, số 36/2024/QH15
Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ số 36/2024/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mang đến nhiều điểm mới quan trọng nhằm nâng cao an toàn giao thông.
Luật đã có những thay đổi nổi bật như Bổ sung trường hợp xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa 02 người/xe; Không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế tài xế; Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe và tăng độ tuổi tối đa của người lái xe; Sử dụng một phần tiền xử phạt để đảm bảo an toàn giao thông; Cho phép đấu giá biển số xe máy, giá khởi điểm từ 5 triệu đồng; Bổ sung quy định kiểm định khí thải xe máy; Bổ sung các trường hợp không được dừng xe, đỗ xe; Thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe; Giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ;…
Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe: Từ ngày 01/01/2025, giấy phép lái xe được phân chia thành 15 hạng, được quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật. Việc phân hạng giấy phép lái xe thành 15 hạng từ năm 2025 giúp quản lý chi tiết và phù hợp hơn với các loại phương tiện, đặc biệt là xe điện đang phát triển mạnh. Quy định này đảm bảo tài xế được đào tạo chuyên sâu theo loại xe, nâng cao an toàn giao thông. Mở rộng phạm vi điều chỉnh với xe điện cũng thúc đẩy sự phát triển của phương tiện thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng xu hướng hiện đại hóa giao thông.
Giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ: Theo quy định tại Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Mỗi lần lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tư, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định pháp luật, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Giấy phép lái xe sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
Tăng độ tuổi tối đa của người lái xe: Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 tại điểm e khoản 1 Điều 59 thì tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam (so với quy định trước đây là 55 tuổi), đủ 55 tuổi đối với nữ (so với quy định trước đây là 50 tuổi).
Việc tăng độ tuổi tối đa cho tài xế lái xe chở người trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), giúp tận dụng kinh nghiệm của lực lượng lao động lớn tuổi, giảm áp lực thiếu hụt tài xế trong ngành vận tải hành khách. Điều này đặc biệt hữu ích ở các khu vực thiếu nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, quy định này đòi hỏi kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt hơn để đảm bảo tài xế lớn tuổi vẫn đủ khả năng lái xe an toàn.
Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 dành riêng 1 điều luật quy định đối với xe oto chở trẻ em mần non, học sinh. Tại Điều 46 của Luật này có các quy định đáng lưu ý: Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh ngoài đáp ứng các điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, cần phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ; Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Đồng thời Luật bổ sung quy định cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
Những bổ sung kịp thời này được ban hành với mục tiêu đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyển đi, tránh những sự việc thương tâm đã xảy ra.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản của Quốc hội, số 37/2024/QH15
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động đấu giá. Dưới đây là những điểm mới đáng chú ý:
Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm: Luật đấu giá tài sản sửa đổi bổ sung năm 2024 đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm của đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác quy định, cụ thể:
– Đối với đấu giá viên: Luật bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm “Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá”; sửa đổi hành vi nghiêm cấm ” Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”.
– Đối với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản:
+ Sửa đổi, bổ sung hành vi nghiêm cấm thành “b) Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;”;
+ Sửa đổi, bổ sung điểm d; bổ sung điểm d1 và điểm d2 vào sau điểm d khoản 2 Điều 9 như sau:
“d) Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá;
d1) Giả mạo hồ sơ hoặc cố ý cung cấp thông tin làm sai lệch hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản;
d2) Sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác;”
– Đối với người có tài sản đấu giá, Luật năm 2024 ngoài sửa đổi các hành vi nghiêm cấm thành “a) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”; ” b) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, kết quả đấu giá tài sản” thì còn bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm ” b1) Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật;”.
– Đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2024 bổ sung thêm các hành vi nghiêm cấm sau:
+ Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản;
+ Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó;
+ Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó.
Quy định mới này sẽ tạo tác động tích cực đến môi trường đấu giá. Việc cấm nhận ủy quyền từ nhiều người hoặc từ người khác khi cũng tham gia đấu giá sẽ hạn chế tình trạng lợi dụng quyền ủy quyền để thao túng kết quả
Quy định về đấu giá trực tuyến: Luật đã bổ sung các Quy định về đấu giá trực tuyến và trình tự đấu giá trực tuyến, quy định tại Điều 43a và Điều 43b luật đấu giá tài sản. Luật cho phép thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề. Người tham gia có thể đăng ký, nộp hồ sơ, trả giá và xem tài sản đấu giá trực tuyến, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá.
Quy định về đấu giá trực tuyến trong Luật Đấu giá tài sản 2024 mang lại tác động tích cực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Việc triển khai đấu giá trực tuyến tạo điều kiện cho người tham gia dễ dàng tiếp cận thông tin, đăng ký, nộp hồ sơ và thực hiện giao dịch từ xa, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời, quy định này mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính công khai, minh bạch và cạnh tranh trong các phiên đấu giá. Ý nghĩa lớn nhất là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
Sửa đổi, bổ sung các tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá từ ngày 01/01/2025: Theo đó, tại Điều 4 của Luật đấu giá tài sản sửa đổi bổ sung quy định các Tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá, theo đó tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước bị bãi bỏ, và bổ sung thêm tài sản là quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”
Thay đổi quy định về thông báo công khai đấu giá: Tổ chức đấu giá phải thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 ngày, và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản đấu giá. Quy định này giảm số lần thông báo trên báo in hoặc báo hình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo tính minh bạch
Xử lý vi phạm trong đấu giá: Sửa đổi, bổ sung Điều 70 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá vi phạm trường hợp trên.
Những sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu giá tài sản khắc phục bất cập, phù hợp xu hướng chuyển đổi số, thúc đẩy tính công khai, minh bạch và khách quan. Đồng thời, luật nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
- Luật Thủ đô của Quốc hội, số 39/2024/QH15
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mang đến nhiều điểm mới quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội. Dưới đây là những điểm nổi bật:
Bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội: Cụ thể, theo Điều 11 Luật Thủ đô 2024, Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá 09 người do Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố quyết định.
Không tổ chức HĐND cấp phường: Điều 8 Luật Thủ đô 39/2024/QH15 quy định Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Thành phố), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
Tăng số lượng đại biểu hội đồng nhân dân: Tại khoản 1 Điều 9 Luật Thủ đô 2024, Thành phố được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.
Như vậy, so với số lượng hiện nay theo khoản 13 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Chính quyền địa phương số 47/2019/QH14, số lượng này đã tăng từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu tương đương tăng 30 đại biểu so với hiện nay.
Chính sách đối với cán bộ, công chức: Hưởng thu nhập tăng thêm, Theo khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan sau đây sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc. Điều này tạo động lực nâng cao hiệu quả công việc và thu hút nhân tài
Quản lý không gian đô thị: Khi thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, khoản 2 Điều 17 Luật Thủ đô 2024 nêu rõ:
– Cho phép xây dựng tuyến đê mới phù hợp quy hoạch phòng, chống lũ.
– Cho phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu trên bãi sông.
– Được phép xây dựng mới công trình, nhà ở nhưng phải đảm bảo có tỷ lệ thích hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.
– Được xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, phục vụ mục dích công cộng ở các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để không cản trở dòng chảy.
Những điểm mới này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển trong giai đoạn mới.
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân của Quốc hội, số 34/2024/QH15
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mang đến một số điểm mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án. Dưới đây là những điểm nổi bật:
Đơn giản hóa hệ thống ngạch Thẩm phán: Theo Điều 90 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, thẩm phán gồm các ngạch sau đây: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán Tòa án nhân dân. Luật mới quy định thay thế cho hệ thống ba ngạch trước đây (sơ cấp, trung cấp, cao cấp).
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán: Tại điều 94, Điều 95 và Điều 96 của Luật quy định Tiêu chuẩn Thẩm phán Tòa án nhân dân, Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó Luật đặt ra các tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể cho việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đảm bảo lựa chọn những cá nhân có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn phù hợp.
Ví dụ như Luật mới đã bổ sung thêm tiêu chuẩn của Thẩm phán Tòa án nhân dân là có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên; bổ sung điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm Thẩm phán Tòa án nhân dân. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 05 năm trở lên làm Thẩm phán Tòa án nhân dân…Đồng thời Luật mới quy định giới hạn số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo trường hợp người không công tác tại các Tòa án nhưng đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 96 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 là không quá 02 người.
Thay đổi tổ chức tòa án nhân dân: Tại khoản 1 Điều 4 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân cấp cao;
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
– Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
– Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
Theo đó, Luật đã bổ sung thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt) so với quy định cũ. Đây là quy định nhằm chuyên biệt các lĩnh vực riêng xong khi xét xử, xử lý các vụ việc.
Những điểm mới này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, đảm bảo công lý và quyền lợi hợp pháp của công dân.
- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Quốc hội, số 42/2024/QH15
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 42/2024/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mang đến một số điểm mới quan trọng nhằm tăng cường quản lý và sử dụng an toàn các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật mới nhấn mạnh việc quản lý, bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để đảm bảo an toàn, an ninh.
Bổ sung quy định về dao có tính sát thương cao: Theo đó, khoản 4 Điều 2 Luật này đã bổ sung dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ trừ trường hợp được coi là vũ khí quân dụng…được xác định là vũ khí thô sơ.
Quy định về việc nổ súng vào phương tiện không người lái (flycam) không cần cảnh báo trước: Tại điểm g, khoản 2 Điều 23 quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.
Bổ sung thêm Cảnh sát biển được trang bị vũ khí thể thao: Theo khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí thể thao bao gồm:
– Quân đội nhân dân;
– Dân quân tự vệ;
– Cảnh sát biển;
– Công an nhân dân;
– Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
– Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh;
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.
Việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; Những điều chỉnh và bổ sung này nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ của Quốc hội, số 40/2024/QH15
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, số 40/2024/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 28/06/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, đã bổ sung và điều chỉnh một số điểm quan trọng.
Mở rộng đối tượng cảnh vệ: Bổ sung các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào diện đối tượng cảnh vệ quy định tại Điều 10 của luật như sau:
– Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị;
– Ủy viên Ban Bí thư;
– Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.;
Trước đây, các chức vụ này không nằm trong diện đối tượng cảnh vệ
Bổ sung quy định biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam tại Điều 12a của Luật như sau: Đối với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật Cảnh vệ.
Đối với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật Cảnh vệ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
Đối với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều 11a của Luật Cảnh vệ.
Đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều 11a của Luật Cảnh vệ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định trên khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật Cảnh vệ.
Bổ sung Điều 20a Giấy bảo vệ đặc biệt. Giấy bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Công an, sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng để thực hiện công tác cảnh vệ; Giấy bảo vệ đặc biệt chỉ được sử dụng khi thực hiện công tác cảnh vệ; sĩ quan cảnh vệ phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý trong trường hợp Giấy bảo vệ đặc biệt được cấp bị mất, hư hỏng; Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu, việc quản lý, sử dụng, cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, tiêu hủy Giấy bảo vệ đặc biệt.
Những điểm mới này nhằm tăng cường hiệu quả công tác cảnh vệ, bảo đảm an ninh cho các đối tượng lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, cũng như khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.
- Luật Đường bộ của Quốc hội, số 35/2024/QH15
Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, đã bổ sung và điều chỉnh một số điểm quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ tại Việt Nam. Dưới đây là những điểm mới nổi bật:
Phân loại đường bộ: Tại Điều 8 của luật quy định Phân loại đường bộ theo cấp quản lý, Đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng… theo đó mới bổ sung “đường thôn” vào hệ thống phân loại đường bộ, thuộc đường giao thông nông thôn và do địa phương quản lý. Điều này giúp cải thiện giao thông nông thôn, tạo điều kiện kết nối các khu vực xa xôi với đô thị. Việc cải thiện hạ tầng giao thông cũng nâng cao an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo cơ hội kết nối thị trường, giảm chi phí vận chuyển.
Bổ sung quy định phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ: Theo quy định tại Điều 9 của Luật, Phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ bao gồm: đường chính, đường nhánh, đường gom, đường bên, đường dành cho giao thông công cộng, đường nội bộ, đường dành riêng cho người đi bộ. Phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ nhằm mục đích tối ưu hóa việc quản lý và sử dụng các tuyến đường. Mỗi loại đường có nhiệm vụ và yêu cầu kỹ thuật khác nhau, từ đó giúp điều phối giao thông hiệu quả, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý để phân bổ nguồn lực, bảo trì và phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với nhu cầu và tính chất từng khu vực, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng.
Bổ sung việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm các quy định, phòng chống thiên tai. Theo đó khoản 5 Điều 28 của Luật đã quy định việc đầu tư xây dựng côn trình trên phải đáp ứng các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch; Bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật của đường bộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường và có giải pháp đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; có giải pháp thiết kế, xây dựng công trình để phục vụ người khuyết tật, người già và các đối tượng khác tham gia giao thông thuận lợi, an toàn; Công trình đường bộ có thể phân kỳ theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư; Trường hợp đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ liên quan đến đê, hành lang bảo vệ nguồn nước, lòng, bờ, bãi sông, hồ phải bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật về đê điều và an toàn đê điều; bảo đảm không gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, không gây cản trở dòng chảy; hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai, biến đổi khí hậu.
Bổ sung quy định đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc. Theo đó Điều 45 của Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng khoa học và công nghệ đối với đường cao tốc: Đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc bảo đảm khoa học kỹ thuật hiện đại, số hóa, phát triển bền vững, giao thông xanh. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ mới, vật liệu mới, ứng dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương.
Những điểm mới này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
- Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự của Quốc hội, số 25/2023/QH15
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 25/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 25/2023/QH15, có nhiều quy định mới về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Phạm vi bảo vệ mở rộng: Khoản 5 Điều 2 của Luật bổ sung, làm rõ phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự được xác định cả trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất, dưới mặt nước và trên không; quy định nguyên tắc, tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự;
Bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng tại Điều 7 của Luật. Công trình lưỡng dụng là công trình sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự, gồm công trình dân sự có tính lưỡng dụng và công trình quốc phòng sử dụng lưỡng dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chuyển đổi, bổ sung mục đích sử dụng.
Cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư, dự án công trình dân sự có tính lưỡng dụng có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về tính lưỡng dụng của công trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lưỡng dựng có trách nhiệm cung cấp hồ sơ thiết kế, hoàn công và phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng để đăng ký danh mục, phân loại, phân nhóm, quản lý hồ sơ theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra Luật còn quy định rõ về lực lượng quản lý và lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng lực lượng, Xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bao gồm việc tuân thủ quy định pháp luật và hỗ trợ cơ quan chức năng. Những điểm mới này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
- Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, số 56/2024/QH15.
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, bao gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia và Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung này là nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong các hoạt động tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý ngân sách nhà nước.
Bổ sung, quy định cụ thể về khái niệm thao túng thị trường chứng khoán; quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chào bán chứng khoán riêng lẻ…Đơn giản nội dung chứng từ, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người làm kế toán; Quy định những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán, không được tiếp tục hành nghề kiểm toán; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập, nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập;…
Khái niệm thao túng thị trường chứng khoán: Khoản 1 Điều 1 của Luật bổ sung khoản 49 vào sau khoản 48 Điều 4 của Luật chứng khoántheo đó quy định Thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
– Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
– Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán;
– Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
– Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
– Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Sửa đổi bổ sung Điều 29 của Luật kế toán: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 29 của Luật Kế toán như sau: Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được lập và trình bày theo đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán mà đơn vị áp dụng, gồm:
– Báo cáo tình hình tài chính;
– Báo cáo kết quả hoạt động;
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
– Thuyết minh báo cáo tài chính;
– Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
Bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 luật Quản lý thuế như sau: Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
Công chức quản lý thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế trong phạm vi hồ sơ, tài liệu, thông tin của người nộp thuế cung cấp, cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến người nộp thuế, kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, bảo đảm theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và quy định pháp luật khác về thuế có liên quan.
Những bổ sung và sửa đổi này sẽ giúp các luật trên đạt được tính minh bạch, hiệu quả cao hơn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ tài sản công và đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi các quy định pháp luật trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, thuế và kiểm toán.
Theo Nguyễn Loan – Luật sư FDVN
………………….
Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 2, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Tầng 2, tòa nhà Cửa Tiền Phố, đường Hồ Hữu Nhân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn