Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 VÀ LUẬT ĐẦU TƯ 2020

NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 VÀ LUẬT ĐẦU TƯ 2020

NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 VÀ LUẬT ĐẦU TƯ 2020

Hà Thị Hiền – Công ty Luật FDVN

 “Thực tế chỉ ra rằng các Nhà đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là “NĐTNN) đang tạo ra một nguồn lực kinh tế mạnh mẽ để Việt Nam phát triển hơn về mọi mặt. Các nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài những năm qua đã tạo nên nhiều giá trị về tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống xã hội, tạo nguồn lực việc làm … Do vậy, pháp luật Việt Nam có chiều hướng ngày càng mở ra các điều kiện để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Bên cạnh những vấn đề tích cực cơ bản, vẫn còn có những trường hợp người nước ngoài lợi dụng chính sách đầu tư của Việt Nam để vào nước ta với những mục đích khác, mặc dù không đủ điều kiện làm việc ở Việt Nam, nhưng bằng cách lợi dụng các quy định của pháp luật hiện hành, họ đã ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc nhưng thực tế không đúng với bản chất đối tượng được làm việc tại Việt Nam. Hậu quả là, phát sinh các vấn đề về đời sống xã hội, an ninh trật tự, an ninh quốc phòng được đặt ra rất nhức nhối, cần có những quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất thu hút các nguồn lực đầu tư đồng thời kiểm soát được hoạt động của người nước ngoài ở Việt Nam nhằm đảm bảo các vấn đề an ninh trật tự, an ninh quốc phòng của đất nước.

Bài viết này chúng tôi muốn trao đổi về một số vấn đề của Bộ Luật Lao động 2019 và Luật Đầu tư 2020 đã được ban hành với những vấn đề đáng chú ý liên quan đến Giấy phép lao động (sau đây gọi là “GPLĐ) và quy định về NĐTNN đáng lưu ý”.

  1. Các quy định về Nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép lao động được quy định trong Bộ luật Lao động 2012 và Luật Đầu tư 2014

Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Theo quy định trên, NĐTNN bao gồm cá nhân và tổ chức kinh tế, khi đầu tư vào Việt Nam, NĐTNN có thể đầu tư theo 04 hình thức là: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Khi đầu tư vào Việt Nam, NĐTNN cần lưu ý các ngành nghề đầu tư có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 và các ngành nghề, dịch vụ nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư tại Việt Nam được quy định rải rác trong các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư như: kinh doanh sổ số[1], thành lập nhà xuất bản[2], dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp[3], dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp[4]

Nhằm tạo điều kiện để quá trình đầu tư được diễn ra thuận lợi hơn, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, tại Điều 172 Bộ luật lao động 2012 quy định về các trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp GPLĐ, trong đó có:

“1. Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn;

  1. Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần”.

Theo quy định trên, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hai hình thức: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế và Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế sẽ không thuộc diện cấp GPLĐ.

Từ các quy định nêu trên, thực tế áp dụng đã xảy ra những vấn đề bất cập được nêu sau đây:

Thứ nhất, việc quy đinh nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức là thành lập tổ chức kinh tế và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế không thuộc diện cấp GPLĐ là quy định giúp thúc đẩy quá trình đầu tư vào Việt Nam được diễn ra nhanh hơn, khi người nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện phải xin GPLĐ, họ sẽ phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ để xin GPLĐ quy định tại Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (“Nghị định 11/2016/NĐ-CP”) như: (1) Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; (2) Giấy chứng nhận sức khỏe; (3) Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp; (4) Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; (5) Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật; (6) Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.

Mặt khác, Việt Nam chỉ cấp GPLĐ cho các đối tượng có trình độ chuyên môn, tay nghề cao như: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.[5] Như vậy, đối tượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là những người có trình độ cao.

Trong khi đó, hồ sơ để xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ chỉ bao gồm[6]: (1) Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; (2) Danh sách trích ngang về người lao động nước ngoài với nội dung: họ, tên; tuổi; giới tính; quốc tịch; số hộ chiếu; ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc; vị trí công việc của người lao động nước ngoài; (3) Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Thủ tục xác nhận cũng đơn giản hơn được quy định tại Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP là trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc có văn bản xác nhận gửi người sử dụng lao động. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Chính vì những lý do trên mà một bộ phận không nhỏ người lao động phổ thông nước ngoài (không đủ điều kiện cấp GPLĐ) đầu tư, góp một khoản tiền nhỏ vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để không thuộc diện cấp GPLĐ. Đây là những nhà đầu tư “ảo”, khi đầu tư không những không mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam mà còn lấy đi cơ hội làm việc của công nhân Việt Nam. Thực trạng người nước ngoài là lao động phổ thông góp một phần vốn nhỏ vào công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên góp và làm việc tại Việt Nam rất phổ biến. Như ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không quy định mức góp vốn nên nhiều người nước ngoài đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp chỉ từ 1 triệu đồng trở lên là nghiễm nhiên họ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Vì góp bao nhiêu cũng là góp, 1 đồng cũng trở thành thành viên góp vốn và được làm việc tại Việt Nam. Vào năm 2017 tại tỉnh Khán Hòa, khi kiểm tra phát hiện tại Công ty TNHH Shree Yashoda Investments (phường Lộc Thọ, Thành Phố Nha Trang) có 3 người nước ngoài đang làm việc. Cả 3 người này đều là thành viên góp vốn của công ty với mức góp chỉ… 3 triệu đồng/người.[7]

Thứ hai, pháp luật quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hai hình thức: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế sẽ không thuộc diện GPLĐ, nhưng chưa làm rõ hai hình thức đầu tư còn lại của nhà đầu tư nước ngoài là đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP và đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC có phải là trường hợp không thuộc diện cấp GPLĐ hay không.

Đối chiếu với quy định tại Điều 172 Bộ luật Lao động 2012 về các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì rõ ràng việc đầu tư theo hợp đồng PPP và BCC không nằm trong các trường hợp không thuộc diện cấp GPLĐ. Như vậy, quy định này dường như đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.

  1. Các quy định về Nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép lao động được quy định trong Bộ luật Lao động 2019 và Luật Đầu tư 2020 cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Tại khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Cũng giống như quy định về NĐTNN tại Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm hai chủ thể là cá nhân có quốc tịch người nước ngoài và tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài. NĐTNN có thể đầu tư vào Việt Nam thông qua 05 hình thức đầu tư gồm: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ gồm có:

“1. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ;

  1. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.”

Giống với các quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần sẽ không thuộc diện cấp GPLĐ. Điểm khác biệt là Bộ luật Lao động 2019 đã cụ thể điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải góp vốn với một giá trị nhất định (sau này Chính Phủ sẽ có quy định chi tiết), đáp ứng đều kiện giá trị góp vốn này mới không thuộc diện cấp GPLĐ. Mặc dù hiện tại chưa có quy định hướng dẫn của Chính Phủ về giá trị góp vốn để không thuộc diện cấp GPLĐ nhưng quy định này chắc chắn sẽ đặt ra một mức vốn tối thiểu cho nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào các doanh nghiệp. Sự sửa đổi này đã khắc phục những quy định về việc NĐTNN lợi dụng góp một phần vốn nhỏ vào công ty trách nhiệm hữu hạn để ở lại và làm việc tại Việt Nam theo Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt nhất, cần có quy định hướng dẫn xử lý các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trước thời điểm Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực và có số vốn không đủ theo quy định của Chính Phủ, mặt khác các quy định trên vẫn chưa làm rõ 03 hình thức còn lại khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là: Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ là những trường hợp không thuộc diện cấp GPLĐ hay là buộc phải cấp GPLĐ. Để tạo sự bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng nên quy định theo hướng tất cả các hình thức nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều không thuộc diện cấp GPLĐ để giảm bớt thủ tục hành chính, tiếp kiệm thời gian cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, cần có những quy định bổ sung nhằm quản lý trên thực tế hoạt động cư trú, việc mua nhà đất và các hoạt động trên thực tiễn khác của NĐTNN để đảm bảo không có những trường hợp quản về mặt thủ tục hành chính thì chặt chẽ, nhưng quản về mặt thực tế cư trú, lao động thì lỏng lẻo dẫn đến việc thu hút đầu tư thì không hấp dẫn, nhưng lại tồn tại các vấn đề bất cập tiêu cực khi một bộ phận người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống gây các hệ lụy không tốt cho an ninh trật tự, anh ninh quốc phòng./.

[1] Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020.

[2] Điều 12 Luật Xuất bản 2012.

[3] Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2019.

[4] Điều 1 Thông tư 04/2012/TT-BKHCN Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT/BKHCN ngày 25/02/2008.

[5] Một trong bốn điều kiện để cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 9 Nghị định 11/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

[6] Khoản 3 Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

[7] Báo Người lao động, Lỗ hổng quản lý lao động nước ngoài làm việc chui đăng ngày 20/06/2017.

LINK TẢI BẢN TIN: BẢN TIN SỐ 07

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

45C Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàng Kiếm, thành phố Hà Nội

Luật sư tại Phú Quốc

65 Hùng Vương, Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan