Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Những điểm doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để tránh những tranh chấp trong việc kiểm tra chứng từ vận tải đường biển có áp dụng UCP600/ISBP745

Những điểm doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để tránh những tranh chấp trong việc kiểm tra chứng từ vận tải đường biển có áp dụng UCP600/ISBP745

Theo nhiều tài liệu, vận đơn đường biển (Ocean Bill of Lading – thường được viết tắt là B/L) là chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển do người có chức năng ký phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc được nhận để chở.

B/L có 3 chức năng cơ bản:

– B/L là một biên lai của người chuyên chở xác nhận là họ đã nhận hàng để chở.

– B/L là một bằng chứng về những điều khoản của một hợp đồng vận tải đường biển.

– Chức năng quan trọng nhất: B/L là một chứng từ sở hữu hàng hóa, quy định hàng hóa sẽ giao cho ai ở cảng đích, do đó cho phép người mua bán hàng hóa bằng cách chuyển nhượng B/L.

I. Những vấn đề, thách thức cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng UCP 600 trong việc kiểm tra bộ chứng từ vận tải đường biển:

(i) Đối với doanh nghiệp là ngân hàng thương mại: các ngân hàng là đối tượng chủ yếu phải đổi mặt với các thách thức khi thực hiện nghiệp vụ và kiểm tra bộ chứng từ vận tải biển được xuất trình bởi nhà xuất khẩu. Bộ chứng từ bao gồm nhiều thành phần và đối với mỗi loại chứng từ, ngân hàng sẽ phải kiểm tra theo các quy định khác nhau. Đối với vận đơn đường biển (B/L), ngân hàng phải tham chiếu đến Điều 20 UCP 600 và một vài hướng dẫn trong nội dung Vận tải đơn của ISBP 745 để kiểm tra. Ngân hàng đôi khi cũng gặp khó khăn trong quá trình tư vấn, giải thích không rõ với nhà nhập khẩu về trách nhiệm của ngân hàng trong việc kiểm tra tính phù hợp của bộ chứng từ để thanh toán, dẫn đến xảy ra tranh chấp với nhà nhập khẩu.

Ví dụ về trường hợp vận đơn theo hợp đồng thuê tàu (CPBL), đây là chứng từ vận tải có các quy định dẫn chiếu đến một hợp đồng thuê tàu. Thông thường khi nhà xuất khẩu xuất trình CPBL thì không gửi kèm hợp đồng thuê tàu vì theo Điều 22(b) UCP 600 ngân hàng cũng không kiểm tra hợp đồng thuê tàu.

Thep đó, một trường hợp xảy ra tại ngân hàng ABBANK: ngân hàng phát hành L/C theo yêu cầu của Công ty A (Việt Nam) để thanh toán hợp đồng mua bán cho công ty B (Ấn Độ) và trong L/C có đồng ý cho Công ty B xuất trình CPBL. Sau khi gửi hàng, Công ty B xuất trình Bộ chứng từ (BCT) không kèm hợp đồng thuê tàu đến ABBANK, sau khi kiểm tra bề mặt chứng từ, thấy BCT phù hợp nên ABBANK đã thanh toán cho công ty B và ký hậu để Công ty A đi nhận hàng theo L/C.

Tuy nhiên sau đó Công ty A không nhận được hàng do người chuyên chở yêu cầu Công ty A phải đóng góp tổn thất chung khi tàu bị hư hại theo Hợp đồng thuê tàu. Công ty A cho rằng đây là lỗi của ABBANK khi cho rằng BCT là phù hợp trong khi không có Hợp đồng thuê tàu, dẫn đến tổn thất cho Công ty A. ABBANK đã phải giải thích lại cho Công ty A theo Điều 22(b) của UCP là ngân hàng chỉ thực hiện kiểm tra mang tính bề mặt đối với BCT mà không kiểm tra các hợp đồng thuê tàu, bất kể bên B có gửi kèm hợp đồng đó hay không.

Đây là một vấn đề quan trọng trên thực tế xuất phát từ việc các doanh nghiệp nhập khẩu chưa thực sự hiểu về trách nhiệm và vai trò của ngân hàng trong khâu kiểm tra bộ chứng từ dẫn đến xảy ra tranh chấp giữa các bên. Các ngân hàng phát hành cũng cần khắc phục vấn đề trên và thực hiện tư vấn đầy đủ để khách hàng biết về tính chất việc kiểm tra bộ chứng từ theo phương thức thanh toán tín dụng chứng từ.

(ii) Đối với các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu: các doanh nghiệp nhập khẩu là bên yêu cầu mở thư tín dụng (L/C) để ngân hàng căn cứ vào đó tiến hành kiểm tra Bộ chứng từ và thanh toán cho nhà xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu không phải đối tượng trực tiếp kiểm tra Bộ chứng từ, do đó các thách thức của doanh nghiệp nhập khẩu liên quan đến việc kiểm tra Bộ chứng từ vận tải là nắm rõ các quy tắc áp dụng của UCP 600 để đảm bảo việc kiểm tra tuân thủ quy định, xác định được phạm vi trách nhiệm của ngân hàng trong việc kiểm tra tính phù hợp của Bộ chứng từ để có các biện pháp bổ sung hoặc phối hợp với ngân hàng khi cần.

Vấn đề này là quan trọng vì theo phương thức TDCT, các ngân hàng chỉ kiểm tra bộ chứng từ vận tải trên cơ sở “bề mặt” của chứng từ, không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các đối tượng khác mà chứng từ có liên quan. Điều này dẫn đến việc ngân hàng hoàn toàn không chịu trách nhiệm về hàng hóa được giao, mọi tranh chấp giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu được giải quyết dựa trên các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng ngoại thương chứ không phải trong thư tín dụng. Đặc điểm này của phương thức thanh toán có tính chất bảo vệ quyền lợi cho nhà xuất khẩu và ngân hàng. Cụ thể đối với ngân hàng, họ sẽ tránh được các rủi ro liên quan đến các tranh chấp về mặt pháp lý. Trên thực tế, các ngân hàng thường có chuyên môn hạn chế về loại hàng hóa được giao dịch giữa người mua và người bán, do đó ngay cả khi có vấn đề phát sinh về hàng hóa, ngân hàng vẫn thanh toán cho người bán khi bộ chứng từ vận tải xuất trình phù hợp và ghi nợ nhà nhập khẩu, họ không có trách nhiệm phải đảm bảo hàng hóa được giao đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong hợp đồng, và cũng sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp bộ chứng từ giả mạo.

Nội dung này dẫn đến rủi ro cho nhà nhập khẩu là nhà xuất khẩu có thể giả mạo Bộ chứng từ, xuất trình cho ngân hàng để được thanh toán nhưng trên thực tế không giao hàng, giao hàng không đúng số lượng hoặc vi phạm các nghĩa vụ là điều kiện được thỏa thuận để thanh toán. Bên cạnh đó, chất lượng của hàng hóa cũng là vấn đề khó để nhà nhập khẩu kiểm tra, nhiều trường hợp sau khi ngân hàng đã thanh toán cho người thụ hưởng, nhà nhập khẩu mang Bộ chứng từ đi nhận hàng thì mới phát hiện chất lượng hàng hóa không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.

(iii) Đối với doanh nghiệp là nhà xuất khẩu: Thách thức chủ yếu đối với doanh nghiệp xuất khẩu là lập Bộ chứng từ vận tài chính xác để được chấp nhận là “xuất trình phù hợp” khi ngân hàng kiểm tra. Nhiều khi nhà xuất khẩu lập Bộ chứng từ gửi hàng thường có những sai sót như sai chính tả, tên, địa chỉ, số lượng hoặc thiếu chứng từ, nội dung chứng từ bị mâu thuẫn với nhau. Đôi khi vì chủ quan và tin tưởng nhà nhập khẩu mà không kiểm tra kỹ L/C, nhà nhập khẩu cũng có thể đưa ra những yêu cầu mà nhà xuất khẩu không thể đáp ứng hoặc kiểm soát được. Bên cạnh đó cũng có trường hợp nhà nhập khẩu để nghị phát hành thư tín dụng với các điều kiện và điều khoản không phù hợp với nội dung đã thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán như tăng số tiền bảo hiểm, thay đổi cảng đến hoặc mô tả hàng hóa, sử dụng từ ngữ dễ gây hiểu lầm gây ảnh hưởng trực tiếp đến Bộ chứng từ vận tải cần xuất trình, dẫn đến việc ngân hàng từ chối thanh toán cho nhà xuất khẩu.

Nhà xuất khẩu có thể gặp thách thức lớn do đối với mỗi tài liệu trong bộ chứng từ vận tải lại cần đảm bảo được lập phù hợp với nhiều quy định, hướng dẫn như UCP 600, ISBP 745 và thậm chỉ cả những quy định khác, bổ sung riêng của ngân hàng. Ví dụ:

*Đối với vận tải đơn đường biển (B/L): tại ngân hàng ABBANK chứng từ này được kiểm tra căn cứ trên Điều 20 UCP 600, một vài hướng dẫn trong mục Vận tải đơn của ISBP 745, tuy nhiên ABBANK cũng đưa ra hướng dẫn khác không có trong UCP 600 và ISBP 745 về chuyển tải: “Nếu B/L thể hiện cụm từ “nhà chuyên chở bảo lưu quyền chuyển tải (the cartier reserves the right to tranship) thig các CV TTQT sẽ không cần xem xét đến cụm từ trên”. Trên thực tế nhiều trường hợp các vận đơn đường biển của nhà xuất khẩu bị cho là bất hợp lệ do:

– Cảng xếp hàng/ Cảng dỡ hàng khác với yêu cầu trong L/C, hoặc tên cảng sai sót chính tả, ngân hàng phải xác minh lại cảng có chính xác hay không.

– Tổng trọng lượng thể hiện trong B/L khác với phiếu đóng gói.

– Không chỉ rõ tên của người chuyên chở, B/L không được ký như quy định của UCP

– Thể hiện phụ phí khi L/C không cho phép

– Giao hàng trễ

– Ghi trú “On board” không nêu tên tàu cụ thể

*Đối với Hóa đơn thương mại: tại ngân hàng ABBANK kiểm tra chứng từ này căn cứ theo Điều 18 của UCP 600, C1 đến C14 trong ISBP 745 và còn bổ sung thêm quy định: hóa đơn thương mại không được thể hiện phần phí và ghi phí vượt quá giá trị của hàng hóa. Trên thực tế rất nhiều trường hợp hóa đơn thương mại bị coi là bất hợp lệ do:

– Hóa đơn thương mại không được phát hành bởi người thụ hưởng

– Sử dụng hóa đơn chiếu lệ (Profoma Invoice) thay cho hóa đơn thương mại.

– Khi L/C có kết hợp cùng với một điều kiện thương mại nhưng hóa đơn thương mại không chỉ ra điều kiện thương mại đó và nguồn của điều kiện thương mại được đề cập.

– Hóa đơn thương mại thể hiện một mô tả hàng hóa hoặc dịch vụ không phù hượp với yêu cầu của L/C.

*Đối với Phiếu đóng gói (P/L): ngân hàng ABBANK tham chiếu đến Điều UCP 600 và hướng dẫn trong ISBP 745, tuy nhiên ABBANK cũng bổ sung thêm các quy định như: “Trường hợp L/C không quy định người phát hành thì P/L phải được phát hành bởi người gửi hàng (trong khi đó, ISBP 745 quy định rằng P/L có thể được phát hành bởi bất cứ tổ chức nào); P/L phải thể hiện là liên quan đến hàng hóa được giao và đòi tiền lần này”. Nhiều trường hợp phiếu đóng gói của nhà xuất khẩu bị coi là không hợp lệ do:

– Mô tả hàng hóa trong P/L mâu thuẫn với các chứng từ khác

– P/L thể hiện khối lượng hoặc trọng lượng, số container mâu thuẫn với các chứng từ vận tải

– P/L không được phát hành bởi bên mà L/C yêu cầu

– Số lượng bản gốc xuất trình không đủ số lượng

Các quy định phức tạp với nhiều điều kiện nghiêm ngặt tạo khó khăn lớn cho nhà xuất khẩu khi phải sửa, bổ sung tốn nhiều thời gian và chi phí, hoặc sẽ không được ngân hàng chấp nhận thanh toán sau khi đã giao hàng.

II. Những vấn đề, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng ISBP 745 trong việc kiểm tra bộ chứng từ vận tải đường biển:

Vấn đề khiến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó khăn khi áp dụng ISBP 745 là xác định mối quan hệ pháp lý giữa UCP 600 và ISBP 745. Trong phần Phạm vi áp dụng của ISBP 745 có ghi “diễn giải và áp dụng” các điều khoản của UCP 600, thể hiện quy tắc được thiết kế nhằm làm rõ hơn các điều khoản của UCP600 chủ yếu về kiểm tra chứng từ xuất trình, khẳng định không sửa đổi hay hủy bỏ các điều khoản của UCP600.

Tuy nhiên, một số quy tắc của ISBP 745 lại có nội dung “sửa đổi hay bổ sung” UCP 600. Điều này cũng tạo thắc mắc cho các doanh nghiệp liệu những quy tắc của ISBP 745 đã “sửa đổi hay bổ sung” UCP 600 có giá trị pháp lý để kiểm tra chứng từ xuất trình theo L/C hay không, nếu như L/C không dẫn chiếu áp dụng ISBP 745, xét rằng cả UCP và ISBP đều chỉ áp dụng khi các bên thỏa thuận lựa chọn.

*Cụ thể, có những nội dung của ISBP 745 đã bổ sung cho một số điều khoản của UCP 600. Ví dụ:

– Quy tắcC10 ISBP 745 bổ sung điều khoản 18aiv UCP 600 về việc hóa đơn không cần thiết phải ghi ngày phát hành.

– Quy tắc D32, E28, G26 ISBP 745 bổ sung các điều khoản 19, 20, 22 của UCP 600 2007 về vấn đề giải tỏa hàng hóa nhiều chứng từ vận tải.

– Quy tắc D17a, E13a, G12a ISBP 745 bổ sung các điều khoản 19, 20 và 22 UCP 600 2007 về quy định người gửi hàng ký hậu chứng từ vận tải.

– Quy tắc D26, E22, G20, F20, H22 và J17 ISBP 745 bổ sung các điều khoản 19, 20, 21, 22, 23, 24 UCP 600 2007 về mô tả hàng hóa trên các chứng từ vận tải.

*Có những nội dung ISBP 745 đã sửa đổi một số điều khoản của UCP 600

– Các quy tắc D24, E20, F18, G18, H20, J15 ISBP 745 sửa đổi điều khoản 27 UCP 600 về chứng từ vận tải hoàn hảo. UCP 600 đưa ra khái niệm chứng từ vận tải hoàn hảo là “chứng từ mà trên đó không có điều khoản hoặc ghi chú nào tuyên bố một cách rõ ràng về tình trạng khuyết tật của hàng hóa hoặc bao bì”, ISBP 745 đã sửa lại “… không có điều khoản hoặc các điều khoản..”, bỏ từ “ghi chú”.

– Quy tắc D1c ISBP745 sửa đổi quy định của điều 19UCP600: Nếu một Thư tín dụng yêu cầu xuất trình một chứng từ vận tải mà không phải là chứng từ vận tải liên hợp hay đa phương thức và nó chỉ rõ tuyến đường chuyên chở hàng hóa quy định trong Thư tín dụng và do nhiều phương thức vận tải chuyên chở, ví dụ, nếu chứng từ vận tải chỉ rõ nơi nhận hàng nội địa hoặc nơi hàng đến cuối cùng hoặc chỉ rõ cảng bốc hàng hoặc khu vực dỡ hàng đã thực hiện ở một nơi mà thực tế là một nơi nội địa và không phải là một cảng, thì Điều khoản 19 UCP 600 sẽ được áp dụng để kiểm tra chứng từ đó.

Như vậy một số nội dung hướng dẫn, diễn giải của ISBP 745 2013 vượt quá phạm vi áp dụng mà chính ấn phẩm này đã quy định, làm các doanh nghiệp bối rối trong việc lựa chọn áp dụng cùng UCP 600. ISBP 745 2013 được gắn kết không thể áp dụng tách rời với UCP 600 thể hiện qua tên gọi và phạm vi áp dụng, tuy nhiên chiều ngược lại, nếu một L/C đã dẫn chiếu áp dụng UCP 600 thì có đương nhiên được hiểu là áp dụng cả ISBP 745 không, đây là vấn đề quan trọng mà ngân hàng cần chắc chắn và tư vấn khách hàng khi mở thư tín dụng. Do điều 2 của UCP 600 quy định: “Xuất trình phù hợp có nghĩa là việc xuất trình phù hợp với các điều kiện và điều khoản của tín dụng, với các điều khoản có thể áp dụng của quy tắc này (UCP 600) và tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế”. Các chủ thể kiểm tra bộ chứng từ theo UCP 600 có thể gặp khó khăn áp dụng do có tới 3 “Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế ISBP” mang số hiệu khác nhau là 645, 681 và 745. Quy định ISBP trong điều 2 nói trên không nêu rõ mang số hiệu nào nên cũng không nên hiểu là khi đã áp dụng UCP 600 thì đương nhiên cũng áp dụng cả ISBP 745.

Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. GS Đinh Xuân Trình, PGS, TS Đặng Thị Nhàn (2011) – Giáo trình Thanh toán quốc tế – NXB Khoa học & Kỹ thuật – Đại học Ngoại thương;
  2. GS Đinh Xuân Trình (2010) – Bộ tập quán quốc tế về L/C của ICC – NXB Thông tin và Truyền thông;
  3. ICC Publication: 745E (2013) – International Standard Banking Practice for the Examination of Documents under UCP600 – ISBN:978-842-0188-4 ICC Business Bookstore.

Theo Luật sư FDVN

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan