NHƯ THẾ NÀO LÀ TỔ CHỨC ĐÌNH CÔNG HỢP PHÁP?
Tôi hiện đang làm công nhân sản xuất tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Thời gian làm việc từ thứ Hai đến thứ Bảy, buổi sáng từ 7h30 đến 12h00 và buổi chiều từ 13h00 đến 16h30. Từ tháng 10/2018, công ty bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng, với số lượng thành phẩm lớn và phải giao đúng kỳ hạn. Vì vậy, công ty yêu cầu chúng tôi ký vào cam kết tăng ca mỗi ngày từ 16h30 đến 20h30, tất cả các ngày trong tuần.
Thời gian đầu, tôi và các đồng nghiệp ký cam kết và thực hiện đúng cam kết về thời gian làm việc như trên. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi cảm thấy thời gian làm việc như vậy không đảm bảo sức khỏe cho chúng tôi để tiếp tục làm việc lâu dài. Chúng tôi nhiều lần ý kiến, kiến nghị nhưng ban lãnh đạo không giải quyết. Vì vậy, chúng tôi muốn tổ chức đình công để phản đối chính sách này của công ty. Vậy, tổ chức đình công như thế nào là hợp pháp?
Dựa trên yêu cầu tư vấn của bạn, sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật Công ty Luật FDVN (FDVN) đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất, mục đích và thời hạn đình công.
Theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Lao động 2012 về Đình công:
“1. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này.”
Vậy, đình công trước tiên phải xuất phát từ mục đích để giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Về thời điểm được tổ chức đình công hợp pháp, tại Điều 209 Bộ luật Lao động 2012 dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 206 Bộ luật này đã quy định: Việc tổ chức đình công chỉ được thực hiện sau khi người lao động và người sử dụng lao động đã giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Lao động 2012. Sau đó:
- Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
- Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Thứ hai, những trường hợp đình công bất hợp pháp.
Quy định pháp luật hiện hành không nêu cụ thể về đình công hợp pháp. Tuy nhiên, Điều 215 Bộ luật Lao động 2012 có quy định về đình công bất hợp pháp như sau:
“1. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
- Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
- Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
- Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.”
Trong trường hợp của bạn và đồng nghiệp, công ty đưa ra chính sách làm thêm giờ và yêu cầu người lao động ký cam kết là trái với quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012, việc tổ chức làm thêm giờ phải:
“a) Được sự đồng ý của người lao động;
- b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
- c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”
Như vậy, công ty đưa ra chính sách làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm cho phép của một tháng. Đây được xem là tranh chấp lao động tập thể vì lợi ích.
Tuy nhiên, khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể của các bạn chưa được giải quyết theo quy định pháp luật, thì tổ chức đình công là hành vi trái pháp luật. Tranh chấp giữa bạn và công ty phải được giải quyết hợp pháp theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 204. Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại cơ sở
- Trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật này. Biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể.
- Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì thực hiện theo quy định sau đây:
- a) Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết;
- b) Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
- Trong trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 201 của Bộ luật này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp về quyền hoặc lợi ích.
Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì tiến hành giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và Điều 205 của Bộ luật này.
Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì hướng dẫn ngay các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”
Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải qua thủ tục giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài lao động quy định tại Điều 206 Bộ luật Lao động 2012:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.
- Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.
Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét.
Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Biên bản có chữ ký của các bên có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động.
Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
- Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Thứ ba, việc tổ chức đình công hợp pháp.
Được quy định tại Điều 210 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 210. Tổ chức và lãnh đạo đình công
- Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.
- Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.”
Vậy, việc đình công của các bạn nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến chính sách thời gian làm việc của công ty phải được tổ chức bởi công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên nếu công ty chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Đình công tự phát không có sự lãnh đạo của các tổ chức này được xem là trái quy định pháp luật.
Theo CVPL: Bùi Trần Thùy Vy Công ty Luật FDVN