Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / NHẶT ĐƯỢC “CỦA RƠI”, NGƯỜI NHẶT CÓ ĐƯỢC

NHẶT ĐƯỢC “CỦA RƠI”, NGƯỜI NHẶT CÓ ĐƯỢC

Tôi là Dương Thanh H, hiện đang sinh sống và làm việc tại một công ty may mặc thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Cách đây 01 ngày khi đang trên đường đi làm (ca đêm) thì tôi bất ngờ nhặt được 01 (một) chiếc ví. Trong đó bao gồm một số giấy tờ và số tiền mặt là 19 triệu đồng cùng 01 chỉ vàng. Vậy cho tôi được hỏi là trong trường hợp này khi tôi vô tình nhặt được số tiền và vàng thì tôi có được sử dụng tài sản này không hay phải giao nộp cho công an? Nếu tôi đem nộp lại cho công an mà chủ của chiếc ví này cũng không tìm được thì tài sản này thuộc về ai? Trường hợp tôi không giao nộp cho công an mà tự ký sử dụng thì có bị xử lý không? Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Công ty đã tư vấn!

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

  1. Quy định pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản khi nhặt được

Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau:

“1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.”

Do đó trong trường hơp này khi Quý Khách nhặt được ví của người khác đánh rơi, bỏ quên thì Quý Khách phải thông báo hoặc trả lại hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi gần nhất. Trong trường hợp Quý Khách không thực hiện các vấn đề nêu trên đồng thời sử dụng tài sản đó thì có thể vi phạm pháp luật và tùy thuộc theo mức độ mà bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo điểm a Khoản 2 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

  1. a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;”

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về mức lương cơ sở từ ngày 01/ 7/2019 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

Như vậy, sau 01 năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì Quý Khách mới được hưởng giá trị của tài sản đó một cách hợp pháp được nhà nước cho phép.

Giả sử, sau 01 năm không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến thì giá trị tài sản Quý Khách có thể được hưởng như sau:

– Giá trị tài sản nhặt được: 19.000.000 đồng, (1 thẻ vàng 9999) chưa định giá).

– Giá trị được hưởng đối với người nhặt được (đã trừ chi phí bảo quản):

= Mười lần mức lương cơ sở + 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở = {(1.490.000 x10) + ½ 4.100.000} = 16.950.000 đồng

  1. Quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý đặt ra khi chiếm giữ trái phép tài sản nhặt được

Hiện nay, pháp luật quy định rất rõ về trách nhiệm pháp lý khi chiếm giữ trái phép tài sản nhặt được. Tùy theo tính chất và mức độ Quý Khách chiếm giữ trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

2.1. Xử phạt hành hành chính:

Căn cứ vào điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với  hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiệc vi phạm.

2.1. Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ vào Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội chiếm giữ tài sản được quy định như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

  1. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN

Bài viết liên quan