Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Nhãn năng lượng trên hàng hóa là gì?

Nhãn năng lượng trên hàng hóa là gì?

Công ty tôi sắp tới sẽ sản xuất và kinh doanh đèn LED, tôi thấy các thiết bị điện dân dụng, bên cạnh nhãn hàng hóa thông thường là “Nhãn năng lượng”. Nếu Công ty tôi sản xuất và kinh doanh đèn LED thì có cần dán Nhãn năng lượng không?. Mong Quý Công ty tư vấn. Tôi xin cảm ơn!

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

      [1]. Nhãn năng lượng là gì?

Nhãn năng lượng gồm hai loại được quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 21/2011/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như sau:

      “a) Nhãn so sánh là nhãn cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường để nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.

  1. b) Nhãn xác nhận là nhãn chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.”

Dán nhãn năng lượng là việc dán, gắn, in, khắc nhãn năng lượng lên sản phẩm, bao bì, hoặc hiển thị nhãn năng lượng điện tử trên sản phẩm (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 36/2016/TT-BCT)

      [2]. Sản xuất và kinh doanh đèn LED thì có cần dán Nhãn năng lượng không?

Theo Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 21/2011/NĐ-CP về việc Dán nhãn năng lượng thì Phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường.

Mặt khác, căn cứ theo Khoản1 Điều 1 Quyết định 04/2017/QĐ-TTg thì Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu như sau:

      “1. Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.”

Dẫn chiếu theo quy định trên và theo thông tin mà Anh/Chị cung cấp thì đèn LED là thiết bị gia dụng thuộc nhóm thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo quy định của pháp luật.

Và tại Điều 2 của Nghị định này cũng quy định về lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng trong đó có đèn LED, cụ thể:

– Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019

–  Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2020

      [3]. Quy trình dán Nhãn năng lượng

Căn cứ theo quy định tại Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định thủ tục đăng ký, thực hiện dán nhãn năng lượng và thu hồi nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương thì Quy trình dán nhãn năng lượng được thực hiện như sau:

      Bước 1. Thử nghiệm hiệu suất năng lượng

       Căn cứ tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng tương ứng với mặt hàng, doanh nghiệp xác định hàng hóa có thuộc diện phải thử nghiệm hiệu suất hay không. Nếu có, doanh nghiệp liên hệ Phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng để thực hiện thử nghiệm

      Bước 2. Đăng ký dán nhãn năng lượng

Trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị.

      Thành phần hồ sơ:

  1. Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh hay nhãn xác nhận theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 36/2016/TT-BCT.
  2. Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp cho model sản phẩm.
  3. Tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đã đáp ứng đủ Điều kiện (Đối với trường hợp việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm nước ngoài).
  4. Mẫu nhãn năng lượng dự kiến.

      Hình thức gửi hồ sơ: qua mạng internet tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương hoặc gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

      Nơi nộp hồ sơ: Bộ Công thương.

      Bước 3. Thực hiện dán nhãn năng lượng

Cơ sở sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu tự thực hiện việc in, dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị được cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                                                Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:         

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan