Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Người nước ngoài có được nhận thừa kế đất đai tại Việt Nam?

Người nước ngoài có được nhận thừa kế đất đai tại Việt Nam?

             Người nước ngoài có được nhận thừa kế đất đai tại Việt Nam?

            Bố mẹ tôi mất vào tháng 1/2019, bố mẹ tôi có 2 người con là tôi và em trai tôi. Ông bà nội ngoại đều mất từ lâu. Trước khi mất bố mẹ tôi có để lại di chúc. Nội dung di chúc thể hiện để lại cho tôi và em trai tôi 1 thửa đất và ngôi nhà trên đất. Tuy nhiên, tôi qua Mỹ sống hơn 10 năm nay và đã nhập quốc tịch tại Mỹ và không còn quốc tịch Việt Nam. Vậy tôi có được hưởng di sản thừa kế mà bố mẹ tôi để lại? Tôi có được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền trên đất trên không? Tôi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó có được không? Di chúc mà bố mẹ tôi lập vào tháng 5/2018 và viết tay và ký tên. Vậy di chúc này có hợp pháp không?

Dựa trên yêu cầu tư vấn của Anh/Chị, sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật Công ty TNHH MTV FDVN (FDVN) đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, quy định pháp luật về thừa kế theo di chúc.

Căn cứ Điều 624 Bộ luật dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Hình thức di chúc được quy định tại Điều 627 Bộ luật dân sự 2015: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì phải đáp ứng điều kiện kiện tại Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
  • Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.

Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 Nội dung của di chúc như sau:

  1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
  2. a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
  3. b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
  4. c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
  5. d) Di sản để lại và nơi có di sản.
  6. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
  7. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”

 

Đồng thời, thì di chúc hợp pháp khi đủ các điều kiện theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
  2. b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
  3. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.”

Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, nếu di chúc viết tay không công chứng, chứng thức của ba mẹ Anh/Chị đáp ứng các điều kiện nêu trên thì hợp pháp và phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm tháng 1/2019.

Thứ hai, quy định pháp luật về quyền thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất đối với người nước ngoài.

Đã được quy định cụ thể tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 186 Luật Đất đai 2013 Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Cụ thể:

3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

  1. a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
  2. b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
  3. c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
  4. Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.

Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều này”.

Như vậy, Anh/Chị là người nước ngoài căn cứ quy định nêu trên không được đứng tên trên Giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được quyền chuyển nhượng theo quy định nêu trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Anh/Chị trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng các ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Anh/Chị.

                                                                                      Theo CVPL: Dương Hoài Thương – Công ty Luật FDVN

Bài viết liên quan