Tình huống pháp lý: Người có quốc tịch nước ngoài có được kinh doanh ngành dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài không?
Chào luật sư, Tôi là người Nhật, đã sống và làm việc tại Việt Nam 3 năm, tôi cần luật sư tư vấn trường hợp sau đây. Hiện nay tình hình người Việt Nam có nhu cầu du học và làm việc tại Nhật Bản rất lớn. Tôi muốn biết tôi có thể kinh doanh dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động tại Nhật Bản được hay không? Quy trình xin cấp phép hoạt động như thế nào? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1]. Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:
Điều 6 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định về điều kiện loại hình doanh nghiệp và vốn pháp định như sau:
“Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn:
- Vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ Việt Nam đồng).
- Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.”
Khoản 15 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 cũng quy định về khái niệm nhà đầu tư trong nước: “Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”
Như vậy đối với trường hợp Qúy khách là người có quốc tịch nước ngoài thì không đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
[2] Quy trình xin cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
2.1. Điều kiện cấp giấy phép:
Căn cứ Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, các doanh nghiệp có vốn pháp định theo quy định có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép:
– Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
– Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ.
2.2. Hồ sơ cấp giấy phép:
Điều 11 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài gồm:
- Văn bản đề nghị của doanh nghiệp (theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định)
- 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.
- Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn
- 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ.
- 01 bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- 01 bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.
- Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp.
- 01 bản sao Điều lệ Công ty.
2.3. Thủ tục và lệ phí cấp giấy phép: (Điều 10 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)
Bước 1: Người lao động nộp đầy đủ hồ sơ theo mục 2.2 nêu trên tại Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bước 2: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp giấy phéo trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Bước 3: Doanh nghiệp nhận giấy phép và nộp lệ phí tại thời điểm nhận giấy phép.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Hoàng Thị Thúy Quỳnh – Công ty luật FDVN
…………..….
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/