Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nên Tòa án không giải quyết

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nên Tòa án không giải quyết

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Năm 2016, bà Võ Thị Tr (là con bà Nguyễn Thị M; cháu ngoại cụ Nguyễn C1 và cụ Nguyễn Thị L) khởi kiện yêu cầu Tòa án huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BI 210308 (do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đ cấp ngày 21/3/2013 đứng tên ông Nguyễn Minh C đối với thửa đất số 140, tờ bản đồ số 96, tọa lạc tại số 10, đường N, tổ 26, phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng); công nhận quyền sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất tại thửa đất trên là tài sản chung của các đồng thừa kế và chia thừa kế đối với nhà, đất nêu trên. Tại thời điểm vụ án này đang được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì ngày 10/9/2018, ông Nguyễn Minh C, bà Huỳnh Thị H đã chuyển nhượng nhà, đất trên cho ông Nguyễn A và bà Nguyễn Thị Lệ Th. Như vậy, tài sản mà các bên thực hiện giao dịch chuyển nhượng là đối tượng tranh chấp trong vụ án mà Tòa án đang giải quyết. Do đó, giao dịch này là trái pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật đất đai và Điều 123 Bộ luật dân sự.

[2] Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2018/DS-ST ngày 26/4/2018 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bản án dân sự phúc thẩm số 69/2019/DS-PT ngày 19/6/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đều xác định di chúc của bà Nguyễn Thị Ch là không hợp pháp nên chia di sản của vợ chồng cụ Nguyễn C1, cụ Nguyễn Thị L cho các đồng thừa kế theo quy dịnh của pháp luật. Như vậy, Di chúc của bà Nguyễn Thị Ch lập năm 2004 bị vô hiệu, nhưng nhà, đất trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C. Trên cơ sở đó, ông C, bà H chuyển nhượng cho ông A, bà Th và ông A, bà Th đã được chỉnh lý biến động sang tên. Tuy nhiên, ở giao dịch thứ nhất (di chúc để lại tài sản cho ông C) bị vô hiệu, nhưng giao dịch thứ hai (giao dịch chuyển nhượng) cũng không hợp pháp (do vi phạm điều cấm của pháp luật). Vì vậy, ông A, bà Th không được xem là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông C, bà H với ông A, bà Th lập ngày 10/9/2018 vô hiệu là có căn cứ.

Nội dung kháng nghị cho rằng, ông Ánh, bà Thu là người thứ ba ngay tình trong giao dịch chuyển nhượng nêu trên nên giao dịch này không bị vô hiệu. Nhận định này là không chính xác vì đã không đánh giá tính hợp pháp của giao dịch thứ hai.

[3] Trong vụ án này, nguyên đơn bà Võ Thị Tr không yêu cầu Toà án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, bị đơn không có yêu cầu phản tố. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông A, bà Th mới nêu vấn đề giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Xét thấy, yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không phải là “yêu cầu kép” như nhận định tại kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, vì nó không trùng khớp với phạm vi giải quyết từ yêu cầu của nguyên đơn. Đây là yêu cầu độc lập nhưng ông A, bà Th không thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên vô hiệu, không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là có căn cứ, phù hợp với Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

[4] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, Toà án cấp phúc thẩm biết bà Hoàng Thị Thu Th1 hiện đang thuê nhà của ông A, bà Th và đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đặng Văn C2, bà Nguyễn Thị Hồng A1 giữ nhưng Toà án cấp phúc thẩm không huỷ án để giao hồ sơ về Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại để đưa bà Th1, ông C2, bà A1 vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thì thấy:

Tại mục [3] đã phân tích, nguyên đơn bà Võ Thị Tr không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nên việc hiện nay ai đang quản lý nhà, đất nêu trên không cần đặt ra để xem xét trong vụ án này.

Ông Nguyễn Đặng Văn C2 và bà Nguyễn Thị Hồng A1 cho rằng, ông bà cho ông A, bà Th vay tiền và ông A, bà Th đã giao cho ông bà giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với nhà, đất tại nhà số 10 đường N, nhưng Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố giao dịch chuyển nhượng giữa ông C, bà H với ông A, bà Th vô hiệu là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông bà. Xét thấy, việc thế chấp tài sản phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới phát sinh hiệu lực. Đồng thời, đây là một quan hệ pháp luật khác, do đó, ông C2, bà A1 có thể khởi kiện thành vụ án dân sự khác để được xem xét, giải quyết khi có yêu cầu. Vì vậy, việc đưa ông C2, bà A1 và bà Th1 vào tham gia tố tụng là không cần thiết nên nội dung kháng nghị này là không có cơ sở.

[5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 14/QĐ-VKS-DS ngày 31/01/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là không có căn cứ nên không chấp nhận.

[Nguồn: Quyết định GĐT số 14/2023/DS-GĐT ngày 20/3/2023 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]

Xem file đính kèm toàn văn Quyết định số: 14/2023/DS-GĐT

———–

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan