Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Công ty D và công ty E kháng cáo bản án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương kháng nghị bản án trong thời gian luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên được xác định là kháng cáo, kháng nghị hợp lệ. HĐXX sẽ xem xét giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo:

[2.1]. Đối với nội dung kháng cáo của Công ty E và Công ty D xác định. Nguyên nhân vụ cháy xẩy ra vào ngày 25/4/2021 dẫn đến thiệt hại không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. HĐXX thấy rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm: Phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện…Như vậy, hệ thống tải điện sẽ được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 02/2022 ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Cơ sở để xác định thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ thì phải căn cứ vào Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với hệ thống tải điện được liệt kê tại khoản 1 Điều 601 BLDS sẽ được HĐXX áp dụng văn bản có liên quan là Luật Điện lực và các văn bản pháp luật khác. Theo công văn số 2668/EVNNPC-PC ngày 13/6/2023 của Tổng công ty điện lực miền Bắc xác định. Luật điện lực cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định chính xác về Hệ thống tải điện mà khoản 1 Điều 601 BLDS quy định là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên hệ thống tải điện được Tổng công ty điện lực miền Bắc trả lời khái niệm hệ thống tải điện gần nhất với khái niệm lưới điện. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Điện lực “Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện, máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện. Lưới điện, theo mục đích sử dụng và quản lý vận hành, được phân biệt thành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối”. Do không có hướng dẫn cụ thể của các văn bản pháp luật có liên quan đối với hệ thống tải điện mà tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ xác định định nghĩa hệ thống tải điện là gần nhất với lưới điện chứ không khẳng định lưới điện là hệ thống tải điện. Theo kết luận của Bộ công an, nguyên nhân cháy là do chập mạch điện, không có yếu tố tác động của con người. Vị trí chập cháy không được xác định là hệ thống tải điện theo quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS nên HĐXX nhận thấy không đủ căn cứ xác định nguyên nhân vụ cháy tại xưởng của Công ty D là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 4, khoản 22, khoản 24 và khoản 30 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ công thương để xác định nguyên nhân cháy do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là chưa phù hợp nên cấp phúc thẩm sẽ sửa lại cho đúng.

HĐXX đánh giá nguyên nhân cháy không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nên sẽ áp dụng Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về áp dụng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm căn cứ xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Để xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ hay không, HĐXX sẽ căn cứ vào các yếu tố liên quan đến yêu cầu bồi thường.

1. Về vấn đề thiệt hại. Theo quy định của BLDS thì thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị cháy là 26.196.696.000đ. Đây được xác định là yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo Điều 589 BLDS. Căn cứ để xác định có thiệt hại xẩy ra hay không. Nguyên đơn xác định tổng thiệt hại là 14 hạng mục, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không thừa nhận thiệt hại nêu trên. HĐXX đánh giá. Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Công ty O và bị đơn công ty E đều thừa nhận. Tại xưởng gia công có vị trí tại khu C của Công ty D có chứa máy móc, thiết bị của Orchem. Khi tiếp nhận xưởng C từ công ty Đại An thì máy móc của Công ty O đã đặt sẵn tại xưởng của Công ty D. Quá trình sử dụng Công ty D đã có văn bản trao đổi, yêu cầu Công ty O dời máy móc khỏi xưởng C để trả lại mặt bằng cho Công ty D. Thời hạn chuyển từ tháng 8 – tháng 10 năm 2021. Tuy nhiên chưa đến thời hạn chuyển thì xẩy ra vụ cháy vào tháng 4/2021. Công ty E trực tiếp ký hợp đồng gia công sản phẩm với Công ty O, máy móc gia công là của Công ty O. Như vậy, HĐXX đánh giá Công ty D và công ty E đều biết máy móc của Công ty O đặt tại xưởng của Công ty D và máy móc có tại xưởng khi vụ cháy xẩy ra. Về giá trị thiệt hại. Công ty D và công ty E xác định. Không có cơ sở để công nhận giá trị thiệt hại theo chứng thư thẩm định của công ty thẩm định giá và đầu tư kinh doanh bất động sản. HĐXX thấy rằng. Về tư cách pháp nhân, Công ty thẩm định giá có đầy đủ giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật, công ty có tư cách pháp nhân với chức năng thẩm định giá tài sản nên kết quả thẩm định giá có giá trị pháp lý, buộc các bên liên quan phải thực hiện. Trong 14 hạng mục mà nguyên đơn yêu cầu, HĐXX sẽ đánh giá từng hạng mục làm căn cứ xác định thiệt hại.

– Đối với yêu cầu bồi thường tiền tổn thất giá trị nguyên vật liệu là 1.208.189.659. Nguyên vật liệu được xác định gồm 13 danh mục được thể hiện tại chứng thư thẩm định mục 4.4. Nguyên đơn xác định không có hóa đơn chứng từ để chứng minh về nguồn gốc cho 13 danh mục trên nhưng có xuất trình cho Tòa án biên bản bàn giao danh mục từ nhà máy của Công ty O tại Vĩnh Phúc chuyển xuống xưởng C thuộc khu công nghiệp Đại An. Biên bản bàn giao này có xác nhận của lái xe vận chuyển và người nhận hàng tại Công ty O Hải Dương. Chứng cứ mà Công ty O xuất trình cho Tòa án tại cấp phúc thẩm không đủ cơ sở vững chắc để khẳng định 13 danh mục trên tồn tại tại xưởng của Công ty D khi sự kiện pháp lý cháy xẩy ra nên không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

– Đối với yêu cầu về tổn thất công cụ dụng cụ với giá trị 79.389.271đ. Công cụ dụng cụ được xác định gồm 10 danh mục được thể hiện tại chứng thư thẩm định mục 4.3. Nguyên đơn cũng không xuất trình được tài liệu chứng cứ liên quan đến việc nhận chuyển nhượng 10 danh mục trên. Do vậy, cấp phúc thẩm cũng không có căn cứ chấp nhận.

– Đối với yêu cầu bồi thường máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng. Giá trị yêu cầu bồi thường là 97.257.463đ. Máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng được thể hiện tại mục 4.1 của chứng thư thẩm định. Đối với yêu cầu này nguyên đơn có xuất trình được tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ngày 21/5/2018. Tờ khai thể hiện hàng hóa được nhập về trụ sở của Công ty O tại Vĩnh Phúc. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm cũng như giai đoạn xét xử phúc thẩm, nguyên đơn không xuất trình được căn cứ chứng minh máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng có tại xưởng của Công ty D khi vụ cháy xẩy ra. Nguyên đơn chỉ xuất trình được biên bản bàn giao hàng hóa có xác nhận của người lái xe và người nhận hàng của Công ty O tại Hải Dương, theo quy định thì những hàng hóa trên phải được kê khai tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị hàng hóa có tại xưởng sản xuất. Do đó, chứng cứ nguyên đơn đưa ra không đủ cơ sở để HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

– Đối với yêu cầu bồi thường về máy đo độ dày bản mạch. Giá trị yêu cầu là 23.857.190đ. Máy đo độ dày bản mạch được thể hiện tại mục 4.1 của chứng thư thẩm định. Đối với yêu cầu này nguyên đơn có xuất trình được tờ khai hàng hóa nhập khẩu ngày 05/9/2018. Tờ khai thể hiện hàng hóa được nhập về trụ sở của công ty tại Vĩnh Phúc. Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, nguyên đơn xuất trình cho Tòa án biên bản giao nhận hàng hóa từ trụ sở công ty tại Vĩnh Phúc về xưởng sản xuất của Công ty O tại Hải Dương nhưng cũng không có căn cứ chứng minh tại thời điểm cháy máy móc tồn tại tại nhà xưởng C do Công ty D thuê của công ty Đại An nên không có căn cứ để HĐXX phúc thẩm chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

– Đối với yêu cầu bồi thường về đầu đo độ dày bản mạch. Giá trị yêu cầu là 19.403.046đ. Đầu đo độ dày bản mạch được thể hiện tại mục 4.1 của chứng thư thẩm định. Đối với yêu cầu này nguyên đơn có xuất trình được tờ khai hàng hóa nhập khẩu ngày 02/5/2019. Mặc dù tờ khai thể hiện hàng hóa được nhập về trụ sở của công ty tại Vĩnh Phúc và đã có biên bản giao nhận hàng về Công ty O Hải Dương. Tại biên bản bàn giao không thể hiện rõ nội dung hàng hóa, máy móc sẽ đặt tại vị trí nào của Công ty O tại khu công nghiệp Đại An nên cũng không có căn cứ chứng minh tại thời điểm cháy máy móc tồn tại tại nhà xưởng C của Công ty D. Do đó yêu cầu bồi thường đối với hạng mục này của nguyên đơn không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

– Đối với yêu cầu bồi thường hệ thống máy mạ đồng. Giá trị thiệt hại là 25.726.756.263đ. Nguyên đơn xác định toàn bộ hệ thống máy mạ đồng trên bao gồm: Thiết bị mạ đồng và thiết bị công trình phụ trợ. Theo chứng thư thẩm định giá thì các hạng mục trên được nằm tại mục 4.1 nhưng thiệt hại được xác định là 21.658.854.400đ không phải là 25.726.756.263đ như nguyên đơn trình bầy và cấp sơ thẩm xác định. Bị đơn công ty E cho rằng, đối với hệ thống máy mạ đồng có được đặt tại xưởng của Công ty D khi vụ cháy xẩy ra hay không để làm căn cứ xác định thiệt hại. HĐXX thấy rằng, toàn bộ hệ thống máy mạ đồng này của Công ty O được mua lại của công ty TNHH Ishin electronics Vina Việt Nam vào ngày 19/12/2019. Xưởng đặt máy móc được thể hiện rõ tại lô C, khu CN Đại An mở rộng, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguyên đơn cũng xuất trình được xuất xứ toàn bộ máy móc của hệ thống mạ đồng là các hóa đơn giá trị gia tăng. Công ty E và Công ty D cũng thừa nhận máy móc của Công ty O là có, sự kiện cháy xẩy ra có gây thiệt hại cho Công ty O nhưng không xác định máy móc cháy là máy móc gì. HĐXX thấy rằng, ba công ty mặc dù không ký kết trực tiếp các hợp đồng với nhau nhưng có mối liên hệ trong quá trình gia công sản phẩm hàng hóa. Công ty D ký hợp đồng với công ty E để gia công sản phẩm, công ty E lại tiếp tục ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty O để gia công chính sản phẩm mà hai Công ty D và Eduen đã ký kết. Như vậy, bắt buộc công ty E và Công ty D phải biết được máy móc để gia công được sản phẩm đó phải là những máy móc gì. Hệ thống máy mạ đồng mà nguyên đơn yêu cầu bồi thường, nguyên đơn đã xuất trình được chứng cứ chứng minh về nguồn gốc, quá trình sản xuất thì máy móc trên có tại xưởng khi vụ cháy xẩy ra. Do vậy yêu cầu bồi thường đối với hạng mục này của Công ty O được chấp nhận với giá trị thiệt hại là 21.658.854.400đ.

– Đối với các yêu cầu bồi thường về màn hình cảm ứng Alutop có giá trị 1.750.000đ; chi phí trả trước tương lai 13.978.498đ; máy HD 103346315702 có giá trị 46.701.570đ; 02 máy tính xách tay có giá trị 16.460.000đ; Thiết bị khử trùng nước có giá trị 3.905.000đ; chi phí mua bơm hóa chất có giá trị 26.150.000đ; máy in có giá trị 27.500.000đ. Những hạng mục trên mặc dù có hạng mục nguyên đơn xuất trình được nguồn gốc, có hạng mục nguyên đơn không xuất trình được nguồn gốc hàng hóa. Tại phiên tòa nguyên đơn xin rút các hạng mục này có tổng giá trị là 136.445.068đ. Xét việc rút các hạng mục của nguyên đơn là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên được HĐXX chấp nhận.

Căn cứ vào các phân tích tại phần trên, HĐXX có đủ căn cứ xác định thiệt hại thực tế của Công ty O có tổng giá trị là 21.658.854.400đ. Sau khi hỏa hoạn xẩy ra Công ty O đã thanh lý phế liệu được số tiền 511.200.557đ nên giá trị thiệt hại còn lại được xác định là: 21.147.653.853đ.

2. Phải có yếu tố lỗi dẫn đến thiệt hại. Theo kết luận của Bộ công an và Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì sự kiện pháp lý cháy xẩy ra không có yếu tố tác động của con người mà do mạch điện chập dẫn đến cháy và gây ra thiệt hại cho cả ba công ty. Mặc dù không có yếu tố tác động của con người nhưng HĐXX đánh giá trách nhiệm của từng công ty liên quan đến vụ việc cháy dẫn đến thiệt hại như sau.

Đối với Công ty D. Theo hợp đồng mua bán điện giữa Công ty D và Công ty Điện lực Hải Dương thì: Theo hồ sơ kỹ thuật liên quan được kèm theo hợp đồng mua bán điện thì vị trí chập mạnh điện thuộc quyền quản lý của Công ty D. Tại mục 11 quy định về các điều khoản cụ thể kèm theo hợp đồng mua bán điện thì: Tài sản thuộc sở hữu của bên nào thì nên đó có trách nhiệm đầu tư xây dựng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật. Vị trí chập cháy thuộc quyền quản lý của Công ty D. Tuy nhiên Công ty D đã không có phương án kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo dẫn đến mạch điện thuộc quyền quản lý của công ty bị chập cháy gây ra thiệt hại. Mặt khác Công ty D đi vào hoạt động từ tháng 12/2020, mặc dù trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đến tháng 4/2021 vẫn không có phương án phòng cháy chữa cháy theo quy định nên không đảm bảo cho quá trình vận hành sản xuất. Hành vi này của Công ty D đã bị Công an huyện Cẩm Giàng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về phương án chữa cháy của cơ sở. Do vậy, HĐXX đánh giá Công ty D cũng có lỗi một phần dẫn đến thiệt hại xẩy ra.

Đối với công ty E: Công ty E ký hợp đồng với Công ty D để sản xuất các công đoạn của sản phẩm PFC. Trong hợp đồng nêu rõ công ty E được phép sử dụng nhà xưởng của Doosan để sản xuất. Công ty E ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty O, nội dung Công ty O gia công các loại hàng hóa là chi tiết các bản mạch FPCB của bộ mạch in điện tử. Công ty O thực hiện việc gia công sản phẩm tại xưởng nào thuộc quyền của Orchem, không phụ thuộc vào ý chí của Eduen. Tuy nhiên, tại hợp đồng hợp tác giữa Công ty D và công ty E có thỏa thuận. Việc gia công sản phẩm vi mạch điện tử phải được thực hiện tại xưởng của Công ty D. Vì Công ty O có máy móc đặt tại xưởng của Công ty D thì công ty E mới tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty O nhằm giữ bí mật kinh doanh. Như vậy, công ty E và Công ty D cùng phải có trách nhiệm bảo quản và quản lý xưởng sản xuất thuộc khu C. Quá trình sử dụng nhà xưởng công ty E cũng phải có trách nhiệm bảo quản, duy trì và xem xét hệ thống điện phục vụ sản xuất. Mặc dù sự kiện cháy xẩy ra vào ngày nghỉ, không có công nhân sản xuất nhưng trách nhiệm cùng nhau theo dõi bảo trì đường điện là một quá trình, không chỉ khi sản xuất. Vị trí phát cháy xẩy ra ngay khi công ty điện lực đóng điện trở lại cho Công ty D. Do vậy, công ty E cũng có lỗi một phần dẫn đến sự kiện phát lý cháy nêu trên.

Đối với Công ty O. Mặc dù Công ty O không phải là đơn vị thuê xưởng sản xuất nhưng có máy móc đặt trong xưởng sản xuất của Công ty D. Việc đặt máy móc tại xưởng C của Công ty D không thông qua bất kỳ thỏa thuận dân sự nào. Công ty D là chủ xưởng đã yêu cầu Công ty O di dời máy móc ra khỏi xưởng. HĐXX đánh giá, thiết bị máy móc bị cháy của Orchem đặt tại xưởng của Công ty D và Công ty O phải có trách nhiệm bảo quản máy móc thiết bị của công ty. Trách nhiệm không thuộc hoàn toàn về phía Công ty D và công ty E. Khi sự kiện cháy xẩy ra Công ty D cũng bị thiệt hại nặng nền nên Công ty O cũng phải chịu trách nhiệm đối với chính thiệt hại của công ty.

3. Mối quan hệ nhân quả giữa yếu tố lỗi và thiệt hại xẩy ra. Từ những đánh giá phân tích nêu trên. HĐXX xác định, sự kiện pháp lý cháy tại nhà xưởng thuộc khu C do Công ty D và công ty E quản lý, trong đó có máy móc của Công ty O. Các bên đều có lỗi và đều có trách nhiệm đối với thiệt hại xẩy ra. Đánh giá về trách nhiệm, HĐXX dựa trên quyền và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng hợp tác, hợp đồng gia công, quá trình thực hiện 02 hợp đồng trên để tính lỗi. Công ty O phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại là 70%, Công ty E chịu trách nhiệm 20%; Công ty D chịu trách nhiệm 10% đối với tổng thiệt hại xẩy ra.

Căn cứ Điều 587 BLDS quy định: “Trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho những người thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây ra thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người”. Như vậy, tổng thiệt hại của Công ty O là 21.147.653.853đ. Trên cơ sở đánh giá yếu tố lỗi thì Công ty O phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại là 14.803.357.697đ; Công ty E phải chịu trách nhiệm bồi thường là 4.229.530.771đ. Công ty D có trách nhiệm bồi thường là 2.114.765.385đ.

[3]. Đối với yêu cầu kháng cáo của công ty E và Công ty D đề nghị cấp phúc thẩm xem xét. Trường hợp nguyên nhân của vụ cháy do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng là bất khả kháng vì sự việc xẩy ra vào ngày nghỉ, không có công nhân hoạt động. HĐXX thấy rằng. Đối với trách nhiệm bảo trì đường dây tải điện, các thiết bị điện thuộc trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Mặc dù hai công ty vẫn trong giai đoạn chảy thử sản phẩm nhưng trách nhiệm phát sinh ngay sau khi ký hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực Hải Dương. Do vậy, không có căn cứ xác định sự kiện trên là bất khả kháng như nội dung kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

[4]. Đối với nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương. Viện kiểm sát xác định hệ thống tải điện theo quy định tại khoản 1 Điều 601 là lưới điện truyền tải. Do hợp đồng mua bán điện được ký kết giữa Công ty D và công ty Điện lực Hải Dương có số kV là 20 thấp hơn so với hướng dẫn tại khoản 34 Điều 2 Thông tư số 25 ngày 30/11/2016 của Bộ công thương nên không được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. HĐXX xác định, căn cứ vào công văn trả lời của Tổng công ty Điện lực miền Bắc thì khoản 34 Điều 2 của Thông tư số 25 không phù hợp với khái niệm hệ thống tải điện được quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS. Mặc dù căn cứ đưa ra của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương để lập luận số kV được hai bên ký kết thấp nên không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là chưa phù hợp nhưng HĐXX căn cứ vào hướng dẫn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và đánh giá nguyên nhân chập cháy không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do đó, yêu cầu kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương vẫn được xác định là có căn cứ được chấp nhận.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do bản án phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại nên án phí sơ thẩm cũng được sửa lại cho phù hợp, đảm bảo quy định.

[6]. Về án phí phúc thẩm. Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[7]. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được HĐXX xem xét giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[Nguồn: Bản án số 53/2023/DS-PT ngày 12/12/2023 của TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG]

Xem file đính kèm toàn văn Bản án số: 53/2023/DS-PT

………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 2, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan