06. [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] sửa bản án vì Tòa cấp sơ thẩm hủy Quyết định cấp Giấy chứng nhận và hủy Giấy CNQSD đất không đúng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1]. Ngày 23-01-2022, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hồ Xuân T và bà Phan Thị T kháng cáo; ngày 28-01-2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị kháng nghị bản án. Đơn kháng cáo của đương sự và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 206 và khoản 1 Điều 213 của Luật Tố tụng hành chính, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, người kháng cáo giữ nguyên kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện; người bị kiện vắng mặt, nhưng quan điểm gửi Hội đồng xét xử phúc thẩm đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Như vậy, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính: Chấp kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị; chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.
[2]. Xét kháng cáo của đương sự và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát: [2.1]. Về tố tụng:
Quyết định số 5275/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 của UBND huyện G về việc cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Hồ Xuân T, bà Phan Thị T và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BQ 742316 ngày 12-12- 2014, do UBND huyện G cấp cho hộ ông Hồ Xuân T và bà Phan Thị T tại thửa đất số 155, tờ bản đồ số 25, diện tích 6.692 m2, địa chỉ thửa đất: Nam K, xã L, huyện G, tỉnh Quảng Trị là quyết định hành chính cá biệt. Quyết định này có nội dung “làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…” nên là quyết định hành chính và là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Ông Lê Ngọc T cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng bởi quyết định này, nên khởi kiện yêu cầu hủy quyết định và Giấy CNQSDĐ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đơn khởi kiện còn trong thời hiệu, nên thụ lý và xác định quan hệ pháp luật giải quyết trong vụ án là “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” là đúng quy định tại tại khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32, điểm a khoản 3 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính.
Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại ngày 01-6-2021, nhưng các đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật.
Người bị kiện có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND xã L vắng mặt không có lý do, mặc dù đã được triệu tập hợp lệ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt các đương sự này là đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 158 của Luật Tố tụng hành chính.
[2.2]. Về nội dung:
[2.2.1]. Về thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính:
Thửa đất đang tranh chấp giữa hộ ông Lê Ngọc T và hộ ông Hồ Xuân T tại khu vực Nam K đã được UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2170/QĐ- UBND ngày 15-10-2007 về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa hai xã C, huyện C và xã L, huyện G, tỉnh Quảng Trị.
Thực hiện quyết định trên, ngày 12-3-2008, UBND huyện G ban hành Công văn số 68/UBND-NC về triển khai thực hiện việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính của hai xã đã xác định thửa đất số 155, tờ bản đồ số 25, thuộc khu vực đất Nam K do UBND xã L, huyện G quản lý. Vì vậy, UBND huyện G ban hành Quyết định số 5275/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 về việc cấp Giấy CNQSDĐ và sau đó cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BQ 742316 ngày 12-12-2014 cho hộ ông Hồ Xuân T và bà Phan Thị T là đúng thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật Đất đai năm 2013.
[2.2.2]. Về trình tự, thủ tục ban hành các quyết định hành chính:
– Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp:
Thửa đất số 155 và 312 nằm trong vùng đồi phía tây Nam K thuộc địa phận quản lý của xã L, huyện G. Trước đây, vùng này là đất hoang hóa, lùm bụi, nhiều hố bom, hố pháo, bom bi do chiến tranh để lại, không có người khai hoang sử dụng. Năm 1994, gia đình ông Hồ Xuân T, bà Phan Thị T khai hoang trồng cây lâm nghiệp và ngày 25-11-1994, UBND huyện G quyết định giao diện tích đất khai hoang này cho hộ ông Hồ Xuân T trồng cây lâm nghiệp và lập vườn kinh tế hộ gia đình, với diện tích 11,5 ha. Sau khi được giao đất, gia đình ông Hồ Xuân T đã trồng cây bạch đàn cao sản và đã 02 lần thu hoạch. Đến năm 2002, khi có dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Trúc Kinh, gia đình ông Hồ Xuân T xin tham gia trồng rừng phòng hộ Dự án ADB và được UBND xã L thống nhất tại Biên bản họp ngày 07-8-2002, với diện tích đất theo thiết kế tại khu vực Nam K là 8,8 ha và tại Quyết định số 2823/QĐ-UB ngày 27-12-2002, UBND tỉnh Quảng Trị giao cho hộ ông Hồ Xuân T diện tích 8,8 ha để trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất (lô 15 diện tích 1,3 ha, lô 16a diện tích 4,2 ha, lô 16b diện tích 3,3 ha). Sau khi được giao đất, gia đình ông Hồ Xuân T đã trồng cây thông và cây keo lá tràm và sau 03 năm thực hiện trồng, bảo vệ, chăm sóc thì kết thúc đầu tư của dự án.
Năm 2005 – 2006, ông Lê Ngọc T và ông Trần Xuân Đ trú tại xã C, huyện C đến khu vực này xâm lấn đất, chặt cây thông và cây keo lá tràm để chiếm đất trồng cây keo lá tràm trên diện tích 7.700 m2 (số lượng cây bị chặt gồm 19 cây thông và 12 cây keo) và dựng lán trại trái phép trên đất trồng rừng dự án ADB mà hộ ông Hồ Xuân T đã được Nhà nước giao. Vì vậy, ngày 21-11-2006, UBND xã L đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ngày 21-12-2006, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 500.000 đồng, thu hồi diện tích đất lấn chiếm, buộc ông Lê Ngọc T chịu trách nhiệm tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép trên đất và giao lại diện tích đất này cho ông Hồ Xuân T tiếp tục quản lý, sử dụng.
Như vậy, có căn cứ để xác định diện tích đất tranh chấp là do hộ gia đình ông Hồ Xuân T khai hoang và sau đó được Nhà nước giao để trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo Dự án ADB. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “… Có cơ sở để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trên thửa đất bị xâm phạm, nhưng chưa được giải quyết” là không có căn cứ.
– Về việc cấp Giấy CNQSDĐ đối với diện tích đất tranh chấp:
Ông Lê Ngọc T cho rằng năm 1977, thực hiện chính sách kinh tế mới khai hoang vùng đất trống đồi núi trọc để sản xuất nông nghiệp, bố mẹ ông T (cụ Lê Văn N và cụ Nguyễn Thị L) đã vào vùng K, xã L, huyện G để canh tác diện tích khoảng 01 ha. Năm 1984, sau khi kết hôn, ông T cùng vợ là bà Nguyễn Thị H vào khu vực này cùng với bố, mẹ sản xuất nông nghiệp và sau khi bố mẹ chết, thì khu đất này để lại cho vợ chồng ông tiếp tục sử dụng và nội dung này được một số hộ dân và đại diện thôn T, UBND xã C xác nhận. Tuy nhiên, nội dung xác nhận không thể hiện rõ diện tích khai hoang? thuộc thửa đất và tờ bản đồ nào? vị trí thửa đất ra sao?; ngoài ra, việc xác nhận này được thực hiện sau thời điểm hộ gia đình ông Hồ Xuân T được cấp Giấy CNQSDĐ; mặt khác, ngoài xác nhận nêu trên, thì ông Lê Ngọc T không có giấy tờ gì chứng minh về quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp.
Do có ý kiến của nhân dân thuộc xã C, huyện C về tranh chấp đất đai với nhân dân thuộc xã L, huyện G tại khu vực đất K, nên ngày 15-10-2007, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2170/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa hai xã và xác định địa giới hành chính giữa hai xã thuộc huyện C và huyện G. Sau đó, UBND huyện G đã phối hợp với UBND huyện C triển khai thi hành các nội dung trong quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị. Ngày 12-3-2008, UBND huyện G ban hành Công văn số 68/UBND-NC thông báo các hộ gia đình, cá nhân hiện có đất xâm canh, xâm cư ở các khu vực tranh chấp biết để tiến hành việc kê khai, đăng ký, đo đạc, lập hồ sơ thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét cấp Giấy CNQSDĐ theo quy định của pháp luật; thống kê diện tích đất rừng, số hộ đang sinh sống làm ăn tại vùng tranh chấp, diện tích đất xâm canh, xâm cư của các hộ dân; đồng thời, ngày 11-8-2009, thôn T, xã C, huyện C cũng đã tiến hành họp thôn để xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của nhóm hộ gia đình, hộ gia đình cá nhân trong thôn, nhưng hộ ông Lê Ngọc T không tham gia, cũng không có trong danh sách các nhóm hộ gia đình, hộ gia đình cá nhân xin cấp Giấy CNQSDĐ và khi hết thời gian công khai, ông Lê Ngọc T không có khiếu nại gì.
Năm 2014, gia đình ông Hồ Xuân T làm các thủ tục để xin cấp đất. Xét thấy hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ của hộ ông Hồ Xuân T và bà Phan Thị T được thực hiện theo dự án đo đạc, chỉnh lý biến động, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính năm 2013
- 2015, do Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Quảng Trị thực hiện (có kết quả đo đạc ngày 22-8-2013; bản mô tả được các hộ liền kề ký xác nhận và UBND xã L xác nhận ranh giới sử dụng đất ổn định, không tranh chấp) và hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ này được UBND xã L tổ chức họp xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của thửa đất số 155, tờ bản đồ số 15 có nguồn gốc Nhà nước giao đất năm 2002 tại Phiếu lấy ý kiến khu dân cư ngày 25-12-2013, đã được thông báo công khai ngày 24-4-2014 và thông báo kết thúc công khai ngày 19-5-2014. Ngày 12-12- 2014, UBND huyện G đã cấp Giấy CNQSDĐ số BQ 742316 cho hộ ông Hồ Xuân
T và bà Phan Thị T, với diện tích 6.692 m2 đất trồng cây lâu năm, thuộc thửa đất số 155, tờ bản đồ số 25 tại Nam K, xã L, huyện G, tỉnh Quảng Trị là đúng pháp luật. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “UBND huyện G cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Hồ Xuân T, bà Phan Thị T đã không thực hiện đúng, vi phạm trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” là không có cơ sở.
Như vậy, kháng cáo của ông Hồ Xuân T, bà Phan Thị T và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận.
[3]. Đối với phần án phí và chi phí tố tụng:
Do chấp nhận kháng cáo và kháng nghị, nên phần án phí sơ thẩm và chi phí tố tụng sẽ được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và quyết định lại theo đúng quy định của pháp luật.
[Nguồn: Bản án phúc thẩm số 113/2022/HC-PT Ngày 13/5/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]