NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Về yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên V:
[1.1] Ngày 26/10/2015, bà Lê Hoàng Diệp Th có “Đơn xin ly hôn” gửi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 17/11/2015, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Thông báo thụ lý vụ án số 499/TB-TLVA theo đơn khởi kiện của bà Th. Ngày 28/3/2016, Tòa án cấp sơ thẩm đã tổ chức phiên hòa giải đầu tiên. Khoản 3 Điều 176 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”. Cho nên, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị đơn có quyền phản tố. Đến ngày Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (01/7/2016), Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội quy định về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết”. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016, vụ án tranh chấp về ly hôn giữa bà Th với ông V sẽ được tiến hành theo thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Đồng thời, Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”. Tại Đơn yêu cầu phản tố ngày 18/7/2016, Đơn bổ sung giá trị tài sản chung ngày 27/7/2016, ông V yêu cầu Tòa án xem xét quyết định phân chia tài sản chung của vợ chồng gồm: (1) Tiền gửi, các loại ngoại tệ, vàng là tài sản chung của vợ chồng hiện nay bà Th đang nắm giữ tại 4 ngân hàng: Ngân hàng E, Ngân hàng BI, Ngân hàng Vi, Ngân hàng HSBC; (2) Tài sản là bất động sản ở trong nước và nước ngoài hiện đang đứng tên bà Th hoặc nhờ người khác đứng tên hộ (26 danh mục bất động sản); (3) Các công ty bà Th thành lập ở trong nước và nước ngoài từ tiền chung của vợ chồng (gồm 04 Công ty: Công ty TNHH TNI trụ sở tại BD; Công ty TN International Pte.Ltd; Công ty TN Café Chain Pte.Ltd và Công ty TNI Coporation Holding Pte.Ltd (trụ sở tại Singapore). Ngày 21/7/2016, Tòa án cấp sơ thẩm tổ chức Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Như vậy, các yêu cầu phản tố của ông V đã được đưa ra trước Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Về thủ tục phản tố, ông V có đơn phản tố, đơn bổ sung yêu cầu phản tố, đã nộp tiền tạm ứng án phí ngày 05/9/2016 với số tiền là 1.310.487.347 đồng; ngày 09/9/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Thông báo thụ lý vụ án bổ sung số 6125/TB-TLVA đối với yêu cầu phản tố của ông V. Như vậy, về thủ tục phản tố đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; phía nguyên đơn đã được biết về các yêu cầu phản tố của ông V và cũng đã có các văn bản gửi Tòa án cấp sơ thẩm để trình bày ý kiến về các yêu cầu phản tố này. Cho nên về thời điểm phản tố, thủ tục phản tố của ông V phù hợp với quy định tại Điều 200 và Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[1.2] Ngày 14/9/2017 và ngày 27/7/2018, ông V có Đơn xin rút một phần Đơn yêu cầu phản tố. Cụ thể về bất động sản, ông V rút yêu cầu phân chia tài sản chung là các bất động sản đã nêu trong Đơn phản tố ngày 18/7/2016 và Bản bổ sung giá trị tài sản chung của vợ chồng (rút 16 trong tổng số 26 danh mục bất động sản đã nêu trong Đơn phản tố); rút yêu cầu phân chia tài sản chung là tài khoản, tiền gửi, ngoại tệ các loại và vàng ở các Ngân hàng E, Ngân hàng BI, Ngân hàng Vi, Ngân hàng HSBC với tổng giá trị ước tính quy đổi là 2.471.136.010.921 đồng tại thời điểm nêu trong đơn yêu cầu phản tố ngày 18/7/2016 và bản bổ sung giá trị tài sản chung của vợ chồng ngày 25/7/2016; rút yêu cầu phân chia tài sản chung là phần vốn góp của bà Th trong các Công ty gồm Công ty TN Café Chain Pte. Ltd, Công ty TNHH TNI, Công ty TNI Corporation holding Pte, Ltd; tách yêu cầu phân chia tài sản là số cổ phần và quyền tài sản tại Công ty TN International (Singapore) thành một vụ án khác. Tại đơn yêu cầu ngày 28/9/2018, ông V vẫn tiếp tục đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ liên quan đến các tài khoản cá nhân do bà Th đứng tên chủ sở hữu tài sản tại các ngân hàng liên quan là Ngân hàng E, Ngân hàng BI và Ngân hàng Vi, đồng thời cung cấp cho Tòa án bảng kê danh sách các tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng này. Tại Biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 14/01/2019, Tòa án đã công khai các tài liệu là các Công văn của ngân hàng cung cấp thông tin về các tài khoản của bà Th tại các Ngân hàng E, Ngân hàng BI và Ngân hàng Vi. Bà Th và các luật sư cũng đã được tiếp cận các tài liệu này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, không quy định về trường hợp bị đơn rút một phần yêu cầu phản tố Tòa án phải ra quyết định đình chỉ một phần phản tố. Đồng thời, khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”. Như vậy, việc rút một phần yêu cầu phản tố của của bị đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được xem xét, giải quyết tại phiên tòa sơ thẩm. Cho nên, trước khi mở phiên tòa, mặc dù trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ông V rút một phần yêu cầu phản tố, Tòa án không ra quyết định đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của ông V là phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 217, khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu trên.
[1.3] Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”. Tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa sơ thẩm, ông V trình bày: “Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố theo đơn yêu cầu ngày 18/7/2016, cụ thể là chia các tài sản chung là khoản tiền gửi, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng, các bất động sản, các công ty do bà Th góp vốn” (đoạn cuối, trang 6 Biên bản phiên Tòa sơ thẩm). Đồng thời, ông Ch là người đại diện theo ủy quyền của ông V đã bổ sung lời trình bày của bị đơn, xác định rõ: Đối với tiền, vàng, ngoại tệ gửi ngân hàng, trước đây trong đơn phản tố bị đơn yêu cầu chia trị giá 2.471.136.010.921 đồng, nay bị đơn chỉ yêu cầu chia các khoản tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng là 2.098.983.211.401 đồng, con số này theo xác minh của Tòa án (đoạn 5 trang 7 Biên bản phiên tòa sơ thẩm); đối với bất động sản, bị đơn và nguyên đơn đã xác định bất động sản tranh chấp trong vụ án này là 13 bất động sản; các bất động sản khác bị đơn xin rút yêu cầu (trang 8, 9 Biên bản phiên tòa sơ thẩm); đối với phần góp vốn tại các Công ty, bị đơn xin rút đối với yêu cầu chia tài sản chung là các phần vốn góp tại các công ty: Công ty TN Café Chian Pte,ltd tại Singapore; Công ty TNI, Công ty TNI Corporation Holding Pte, Ltd (đoạn 7 trang 8 Biên bản phiên tòa sơ thẩm). Như vậy, tuy trước khi mở phiên tòa, bị đơn có rút một phần yêu cầu phản tố, nhưng tại phần bắt đầu phiên tòa bị đơn có sửa đổi, bổ sung, rút một phần yêu cầu phản tố không vượt quá yêu cầu phản tố ngày 18/7/2016, nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[1.4] Biên bản phiên tòa sơ thẩm thể hiện, bị đơn đã tự nguyện xin rút yêu cầu chia một số bất động sản, rút yêu cầu chia phần góp vốn ở 3 Công ty (như phần [1.3] đã thể hiện), nhưng tại Bản án sơ thẩm Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên đình chỉ giải quyết đối với những phần phản tố mà bị đơn đã rút là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Sau khi xét xử sơ thẩm các đương sự đều không có kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cũng không có kháng nghị đối với nội dung này. Tuy nhiên, điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định: “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”; số tiền tạm ứng án phí của ông V đã được khấu trừ cho toàn bộ án phí mà ông V phải chịu, nên không gây thiệt hại đến quyền lợi của ông V; ông V cũng không có ý kiến về vấn đề này. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu phản tố ông V đã rút là thiếu sót, nhưng không thể coi sự thiếu sót đó là: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán nhận thấy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần này là không cần thiết.
[2] Về đưa thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng:
[2.1] Kháng nghị cho rằng: “Bà Th trình bày trong số các bất động sản là tài sản chung của vợ chồng đang tranh chấp, có một số bất động sản không phải do bà Th, ông V quản lý. Người quản lý cũng không phải là các cửa hàng, chi nhánh hay các công ty thuộc Tập đoàn TN, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản này vào tham gia tố tụng để giải quyết triệt để vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án: Ông V và bà Th đều thống nhất chia tài sản chung của vợ chồng là 13 bất động sản. Ông V đang quản lý 06 bất động sản, bà Th đang quản lý 07 bất động sản. Trong số các bất động sản này, có một số bất động sản đang do người khác sử dụng dưới hình thức thuê hoặc được thuê để trông coi, giữ gìn tài sản. Tòa án đã giao cho ông V sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với 06 bất động sản mà ông V đang quản lý; bà Th sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với 07 bất động sản mà bà Th đang quản lý. Ông V và bà Th không yêu cầu giải quyết về quyền hoặc nghĩa vụ của những người đang thuê các bất động sản đó. Đồng thời quá trình giải quyết vụ án, những người đang thuê, đang sử dụng các bất động sản này cũng không có yêu cầu độc lập. Như vậy, việc phân chia 13 bất động sản nói trên không làm thay đổi người quản lý, không ảnh hưởng đến quyền hoặc nghĩa vụ của người đang thuê các bất động sản đó; nếu sau này người thuê bất động sản với người chủ sở hữu nhà, người được quyền sử dụng đất có phát sinh tranh chấp thì họ có quyền khởi kiện vụ án khác. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa những người đang thuê các bất động sản này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần này là không có căn cứ.
[2.2] Về việc không đưa ông Lê Hoàng V1 tham gia tố tụng.
[2.2.1] Hồ sơ vụ án thể hiện, đối với tài sản là tiền, vàng và ngoại tệ gửi tại các ngân hàng mà ông V yêu cầu chia có: 03 tài khoản tiền GBD (Bảng Anh), 03 tài khoản tiền USD (đô la Mỹ) tại Ngân hàng E mang tên chủ tài khoản là ông Lê Hoàng V1 (Tài khoản số 220764849235202, số tiền gửi: 220.056,23GBP; Tài khoản số 220767590000761, số tiền gửi: 100.026,94GBP; Tài khoản số 220767590000980, số tiền gửi: 1.080.186GBP; Tài khoản số 220764849235465, số tiền gửi: 3.150.000USD; Tài khoản số 220767590000867, số tiền gửi: 3.400.000USD; Tài khoản số 220767590000870, số tiền gửi: 800.000USD). Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ông V1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ số tiền đó thuộc quyền sở hữu của ai, ai là người đang quản lý số tiền này, nhưng lại xác định số tiền tại các tài khoản nêu trên là tài sản chung của vợ chồng ông V và bà Th là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần này là có căn cứ.
[2.2.2] Tuy nhiên, sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, ngày 28/9/2020, ông V đã có đơn xin rút một phần nội dung yêu cầu phản tố xin chia tài sản chung của vợ chồng đối với số tiền ngoại tệ 1.400.269,17 GBP, 7.350.000 USD trong 06 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng V1 nêu trên. Điều 346 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:“Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án, nếu vụ án đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217 của Bộ luật này”. Xét thấy, việc ông V rút một phần yêu cầu phản tố đối với số tiền ngoại tệ trong 06 tài khoản do ông V1 đứng tên là hoàn toàn tự nguyện; việc rút yêu cầu này không làm phát sinh nghĩa vụ hoặc gây bất lợi cho các đương sự trong vụ án, không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, việc rút một phần yêu cầu phản tố của ông V thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, có đủ căn cứ để Tòa án đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của ông V về việc xin chia số tiền ngoại tệ là 1.400.269,17 GBP và 7.350.000 USD trong 06 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng V1.
[2.2.3] Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ông V1 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; tại phiên tòa hôm nay đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa đề nghị hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để xét xử lại từ sơ thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy: Nếu căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 và Điều 346 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm, một phần bản án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với việc ông V yêu cầu chia số tiền ngoại tệ: 1.400.269,17 GBP, 7.350.000 USD trong 06 tài khoản do ông Lê Hoàng V1 đứng tên thì quyền, nghĩa vụ của ông V1 trong vụ án không còn, cũng có nghĩa là không cần phải đưa ông V1 tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan mà vẫn giải quyết được vụ án. Ngược lại, nếu Hội đồng xét xử giám đốc thẩm căn cứ khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hủy một phần bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm về chia tài sản chung của của ông V với bà Th để xét xử lại từ sơ thẩm vì lý do Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa đưa ông V1 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; khi xét xử lại từ cấp sơ thẩm, Tòa án cũng sẽ đình chỉ đối với phần ông V phản tố “yêu cầu chia số tiền ngoại tệ trong 6 tài khoản do ông V1 đứng tên” (vì ông V rút yêu cầu này), như vậy khi giải quyết lại, Tòa án cấp sơ thẩm cũng sẽ không đưa ông V1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. So sánh giữa trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm, một phần bản án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với việc ông V xin chia số tiền ngoại tệ trong 6 tài khoản đứng tên ông V1 với trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án phúc thẩm để xét xử lại như đã phân tích trên đây cho thấy: Về bản chất và kết quả của của hai cách giải quyết nói trên vẫn như nhau, kết quả giải quyết cuối cùng là “đình chỉ giải quyết vụ án đối với việc ông V xin chia số tiền ngoại tệ trong 6 tài khoản đứng tên ông V1”; nhưng nếu Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy và đình chỉ đối với việc ông V xin chia số tiền ngoại tệ trong 6 tài khoản đứng tên ông V1 thì vụ án sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Vì vậy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nội dung này; xác định Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ông V1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm tố tụng nghiêm trọng; đồng thời chấp nhận việc rút một phần yêu cầu phản tố của ông V đối với số tiền trong 06 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng V1 tại Ngân hàng E, hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với một phần yêu cầu phản tố của ông V về việc chia số tiền trong 06 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng V1 tại Ngân hàng E nêu trên.
[3] Về quan hệ hôn nhân:
[3.1] Bà Th là người khởi kiện xin ly hôn, trong quá trình giải quyết vụ án, bà Th lúc xin ly hôn, lúc xin đoàn tụ. Ông V lúc đầu xin đoàn tụ sau đó đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông V và bà Th tự nguyện thống nhất ly hôn, nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Th và ông V là đúng quy định của pháp luật.
[3.2] Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, bà Th kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Th xin rút yêu cầu ly hôn với ông V, ông V không đồng ý đoàn tụ, đề nghị ly hôn. Khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau: a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật”. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu rút đơn xin ly hôn, xin được đoàn tụ của bà Th và tuyên “Giữ nguyên Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm…; Công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Th và ông Đặng Lê Nguyên V” là chưa phù hợp với diễn biến của vụ án, mà nên chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông V mới đúng. Tuy nhiên, việc Tòa án công nhận thuận tình ly hôn hay xử cho vợ chồng ly hôn thì xét về bản chất cũng là chấm dứt quan hệ hôn nhân. Trong vụ án này, quan hệ hôn nhân giữa ông V và bà Th đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được nên cần thiết phải chấp nhận cho ông V, bà Th ly hôn. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nội dung này là có căn cứ. Tuy nhiên, việc giải quyết cho các bên ly hôn trong vụ án này là cần thiết, do đó, không cần phải hủy đối với phần này của Bản án phúc thẩm, mà chỉ cần sửa cách tuyên về quan hệ hôn nhân giữa ông V và bà Th là phù hợp.
[4] Về chia tài sản chung của vợ chồng:
[4.1.1] Kháng nghị cho rằng các chứng thư thẩm định giá không tuân theo các quy định tại điểm a, tiểu mục 1.2, mục 1 phần II Thông tư 122/2017/TT[1]BTC ngày 15/11/2017 của Bộ tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam – Tiêu chuẩn Thẩm định giá Doanh nghiệp (số 12), theo đó, các Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá SG căn cứ vào một số Báo cáo tài chính năm của các Công ty thuộc Tập đoàn TN chưa được kiểm toán là không đúng; đồng thời kháng nghị cho rằng theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC[1]BTP ngày 06/01/2016 thì giá trị tài sản chung của vợ, chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm vụ việc, trong khi các chứng thư thẩm định giá được Tòa án áp dụng đều nêu cơ sở thẩm định giá được xác định theo giá trị phi thị trường là không đúng với quy định của Thông tư liên tịch nêu trên. Xét thấy, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá SG đối với các công ty thuộc Tập đoàn TN được phát hành vào các ngày 12, 15, 25/6/2018, có hiệu lực trong 6 tháng kể từ ngày phát hành. Tại Bản ý kiến ngày 21/02/2019, bà Th trình bày: Hoàn toàn đồng ý với kết quả thẩm định giá đối với các công ty; rút lại toàn bộ khiếu nại, tố cáo trước đó về thủ tục và kết quả định giá. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn khẳng định phía nguyên đơn rút toàn bộ các khiếu nại về giá liên quan đến việc thẩm định giá, kiểm toán và phía nguyên đơn đồng ý với các chứng thư thẩm định giá (dòng thứ 23, 24, 25, trang 12 Biên bản phiên tòa sơ thẩm). Như vậy, tuy các bên không lựa chọn tổ chức thẩm định giá, nhưng các bên đều thống nhất đồng ý với chứng thư thẩm định giá, cho nên Tòa án cấp sơ thẩm không lập Hội đồng định giá mà căn cứ vào kết quả thẩm định giá đối với phần góp vốn của ông V và bà Th tại các công ty thuộc Tập đoàn TN đã được các bên thống nhất để giải quyết vụ án là phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[4.1.2] Tại đơn kháng cáo và Biên bản phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn chỉ cho rằng việc Tòa án không định giá cổ phần và phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng mà chỉ định giá các công ty không phải là tài sản chung để chia. Tuy nhiên, các chứng thư thẩm định giá đều ghi: “… (vốn chủ sở hữu)” tại doanh nghiệp. Giá trị cổ phần do ông V và bà Th đứng tên trong các doanh nghiệp đã được Tòa án trưng cầu giám định, với tổng giá trị là 5.655.003.150.000 đồng. Các bên đã đồng ý với kết quả thẩm định giá này. Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự cũng không yêu cầu Tòa án định giá lại. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm không định giá lại tài sản là phù hợp với khoản 5 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm không tiến hành định giá lại mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản cho các bên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, là không đúng.
[4.2] Về phân chia các bất động sản:
Kháng nghị cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm tuyên “giao cho bà Lê Hoàng Diệp Th quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất” tại 7 bất động sản là không đúng, mà phải giao cho bà Th quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mới đúng. Tại Mục 4 phần quyết định của Bản án phúc thẩm đã tuyên: “Giao bà Lê Hoàng Diệp Th quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất và sở hữu giá trị toàn bộ tài sản trên đất (hiện nay các khối tài sản này bà Lê Hoàng Diệp Th đang quản lý sử dụng)… Bà Lê Hoàng Diệp Th có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương nơi có tài sản để làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nói trên theo luật định”. Xét thấy, tổng hợp toàn bộ nội dung của việc tuyên án nói trên là nhằm phân chia cho bà Lê Hoàng Diệp Th được quyền sử dụng các thửa đất và sở hữu tài sản trên các thửa đất do bà Th đang quản lý, sử dụng; tuy nhiên bản án đã tuyên thừa cụm từ “giá trị” (bởi vì nếu chỉ được phân chia giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất thì Tòa án sẽ không tuyên “Bà Lê Hoàng Diệp Th có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương nơi có tài sản để làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nói trên theo luật định”. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện sai sót này là đúng, tuy nhiên chỉ cần Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị theo hướng căn cứ Điều 347 Bộ luật Tố tụng năm 2015 sửa bản án phúc thẩm, chỉ cần sửa bỏ cụm từ “giá trị” trong phần quyết định nêu trên của bản án phúc thẩm là bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, không cần thiết phải hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại.
[4.3] Về chia giá trị tài sản là cổ phần tại các Công ty:
[4.3.1] Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Tài sản chung của ông V, bà Th có là do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kinh doanh tại các công ty thuộc Tập đoàn TN. Nguồn gốc Tập đoàn TN là do ông Đặng Lê Nguyên V cùng với cha mẹ của ông đã sáng lập ra TN từ năm 1996; đến năm 1998 ông V kết hôn với bà Th. Năm 2006, bà Th mới bắt đầu tham gia vào Công ty cổ phần cà phê TN với số vốn góp là 10%. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà Th thừa nhận không có chứng cứ chứng minh bà Th đưa tiền cho ông V để lập nghiệp. Qua các giai đoạn phát triển của Tập đoàn TN, ông V luôn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty. Trong tất cả các giấy phép kinh doanh của các công ty thuộc Tập đoàn TN thì số cổ phần do ông V đứng tên chiếm phần lớn.
[4.3.2] Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, lao động gia đình cũng là lao động có thu nhập. Do đó, về nguyên tắc chung thì công sức đóng góp của bà Th và ông V vào khối tài sản chung là tương đương. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc hình thành tài sản, thì có cơ sở xác định Tập đoàn TN được hình thành trước khi ông V và bà Th kết hôn; trong đó có đóng góp của gia đình ông V. Do đó, Tòa án các cấp xác định ông V có đóng góp công sức nhiều hơn và chia cho ông V được hưởng 60%, bà Th được hưởng 40% giá trị tài sản chung là phù hợp với nguyên tắc chia tài sản chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình.
[4.3.3] Xét đề nghị của bà Th được chia cổ phần trong các công ty bằng hiện vật để bà cùng được quản lý các công ty thuộc Tập đoàn TN thì thấy: Trong quá trình giải quyết vụ án, qua các đơn trình bày ý kiến, biên bản lấy lời khai của bà Th, nhiều lần bà Th khẳng định: Mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến phải ly hôn xuất phát chủ yếu từ sự bất đồng trong việc điều hành Tập đoàn TN và các Công ty trực thuộc; ông V và bà Th có những định hướng kinh doanh khác biệt. Từ khi vợ chồng ông V, bà Th xảy ra mâu thuẫn, giữa bà Th với ông V và Tập đoàn TN đã phát sinh 18 vụ kiện dân sự và kinh doanh, thương mại, Tòa án đã ban hành 11 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mâu thuẫn của bà Th không chỉ với ông V mà còn với các cổ đông khác của Tập đoàn TN. Do đó, nếu để bà Th tiếp tục là cổ đông và cùng quản lý điều hành các Công ty của Tập đoàn TN sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn TN, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định, việc làm cho hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các Công ty của Tập đoàn TN. Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của các Công ty thuộc Tập đoàn TN và các cổ đông khác của các Công ty thuộc Tập đoàn TN là bà Lê Thị Ư (mẹ đẻ của ông Đặng Lê Nguyên V), bà Đặng Thị Mai T4 (em gái của ông V) cũng đều nhất trí với việc giao cho ông V sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các Công ty thuộc Tập đoàn TN.
[4.3.4] Việc giao cho ông V sở hữu toàn bộ cổ phần tại các Công ty thuộc Tập đoàn TN không hạn chế quyền tham gia hoạt động kinh doanh của bà Th; bởi lẽ: Với phần giá trị tài sản chung được chia, bà Th hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, bà Th vẫn đang tham gia hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, tại phiên tòa phúc thẩm, ông V cũng đồng ý giao toàn bộ tài sản tại Công ty TN International Pte. Ltd cho bà Th được toàn quyền sở hữu, là đã đảm bảo quyền được kinh doanh của bà Th. Trong vụ án cụ thể này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê TN là cần thiết và để đảm bảo cho hoạt động của các công ty thuộc Tập đoàn TN được ổn định. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao cho ông V được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn TN và ông V có trách nhiệm thanh toán giá trị cổ phần cho bà Th là có căn cứ, phù hợp với điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 và điểm c khoản 4 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và phù hợp với thực tế của Tập đoàn TN.
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần này là không cần thiết.
[4.4] Về chia tài sản là tiền, ngoại tệ, vàng gửi tại ngân hàng:
[4.4.1] Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của bị đơn xác định lại tổng số tiền yêu cầu phản tố là tài sản gửi tại 03 ngân hàng (Ngân hàng Vi, Ngân hàng BI, Ngân hàng E) có giá trị là 1.764.633.211.401 đồng (đoạn 3 trang 59 Biên bản phiên tòa sơ thẩm). Các tài khoản này đứng tên bà Th đều phát sinh tại các thời điểm năm 2012, 2014, 2015, 2016 (trong thời kỳ hôn nhân). Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Hoàng Anh T là đại diện cho bà Th trình bày: Bà Th chưa bao giờ khẳng định tài sản 1.764.633.211.401 đồng là tài sản riêng nên không có nghĩa vụ chứng minh (trang 41 Biên bản phiên tòa phúc thẩm). Tòa án các cấp xác định số tiền có trong các tài khoản ngân hàng đứng tên bà Th là tài sản chung của vợ chồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[4.4.2] Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. Theo kết quả xác minh tại các ngân hàng thì số dư tài khoản của bà Th tại Ngân hàng Vi ngày 13/3/2019 là 0 đồng, tại Ngân hàng BI ngày 13/3/2019 là 0 đồng, tại Ngân hàng E ngày 06/3/2019 là 1.312.686.303 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không làm rõ biến động số dư của các tài khoản nêu trên như thế nào từ khi phát sinh cho đến khi xét xử sơ thẩm là thiếu sót. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và theo kết quả xác minh của Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian chuẩn bị xét xử giám đốc thẩm thì 40 trong số 48 tài khoản ngân hàng đứng tên bà Th có 20 tài khoản phát sinh trước thời điểm bà Th có đơn xin ly hôn (trong đó có 01 tài khoản tại Ngân hàng Vi; 19 tài khoản tại Ngân hàng BI) và 28 tài khoản phát sinh sau thời điểm bà Th có đơn xin ly hôn (trong đó có 11 tài khoản tại Ngân hàng BI và 17 tài khoản tại Ngân hàng E). Trong số 48 tài khoản nêu trên có 47 tài khoản (tại các Ngân hàng BI, Ngân hàng E) được tất toán sau thời điểm ngày 17/11/2015 (là thời điểm Tòa án thụ lý đơn xin ly hôn của bà Th), 01 tài khoản tại Ngân hàng Vi (số tiền tại thời điểm gửi vào ngày 20/7/2015 là 2.500.000AUD) được tất toán vào ngày 21/7/2015, đồng thời bà Th đã mở lại sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng (từ 20/7/2015 đến ngày 31/12/2015) tại chính Ngân hàng Vi (theo Công văn số 8588/HCM-TH ngày 20/10/2020 của Ngân hàng Vi). Như vậy, có đủ cơ sở để xác định số tiền có trong 48 tài khoản Ngân hàng đứng tên bà Lê Hoàng Diệp Th đều phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và còn tồn tại đến sau ngày 17/11/2015 (là thời điểm Tòa án thụ lý đơn xin ly hôn của bà Th). Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định số tiền có trong 48 tài khoản đứng tên bà Th tại các Ngân hàng là tài sản chung của vợ chồng là có căn cứ.
[4.4.3] Do bà Th đứng tên trên 48 tài khoản tại Ngân hàng, sau đó bà Th đã tất toán số tiền có trong 47 tài khoản (đã rút tiền), nhưng bà Th không chứng minh được việc sử dụng số tiền đã rút cho mục đích chung của gia đình nên bà Th phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
[4.4.4] Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định khoản tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng là tài sản chung của vợ chồng được quy đổi tại thời điểm xét xử sơ thẩm tổng cộng là 1.764.633.211.401,22 đồng (bao gồm 48 tài khoản đứng tên bà Th và 06 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng V1). Do ông Đặng Lê Nguyên V rút yêu cầu phản tố đối với số tiền ngoại tệ là 1.400.269,17 GBP và 7.350.000 USD (giá trị tương đương 212.989.332.611,29 đồng tiền Việt Nam, tại thời điểm xét xử sơ thẩm) trong 06 tài khoản đứng tên Lê Hoàng V1 tại Ngân hàng E nên tổng số tài sản chung của vợ chồng là các khoản tiền, vàng, ngoại tệ gửi tại ngân hàng được xác định lại là 1.551.643.878.789,93 đồng (1.764.633.211.401,22 đồng – 212.989.332.611,29 đồng). Do đó, giao cho bà Th sở hữu toàn bộ số tiền bà Th gửi tại các Ngân hàng Vi, Ngân hàng BI, Ngân hàng E tổng cộng là 1.551.643.878.789,93 đồng.
[4.5] Tóm lại, tổng giá trị tài sản bà Th, ông V được chia như sau:
[4.5.1] Về bất động sản, bà Th, ông V thống nhất giá trị 13 bất động sản là 726.496.520.759 đồng; bà Th được chia 50% giá trị tài sản chung là 363.248.260.379,5 đồng (726.496.520.759 đồng x 50%); ông V được chia 50% giá trị tài sản chung là 363.248.260.379,5 đồng.
[4.5.2] Về tổng giá trị cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn TN là 5.655.003.150.000 đồng (theo các Chứng thư thẩm định giá do Công ty thẩm định giá SG tiến hành được các bên đương sự thống nhất tại phiên tòa sơ thẩm), bà Th được chia 40% tổng giá trị cổ phần là 2.262.001.260.000 đồng (5.655.003.150.000 đồng x 40%); ông V được chia 60% tổng giá trị cổ phần là 3.393.001.890.000 đồng (5.655.003.150.000 đồng x 60%).
[4.5.3] Về tài sản là tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng được xác định lại là 1.551.643.878.789,93 đồng, trong đó bà Th được chia 40% là 620.657.551.515,97 đồng (1.551.643.878.789,93 đồng x 40%); ông V được chia 60% là 930.986.327.273,96 đồng (1.551.643.878.789,93 đồng x 60%). [4.5.4] Như vậy, tổng giá trị tài sản bà Th được chia là: 363.248.260.379,5 đồng + 2.262.001.260.000 đồng + 620.657.551.515,97 đồng = 3.245.907.071.895,47 đồng; tổng giá trị tài sản ông V được chia là: 363.248.260.379,5 đồng + 3.393.001.890.000 đồng + 930.986.327.273,96 đồng = 4.687.236.477.653,46 đồng.
[4.5.5] Như vậy, tổng giá trị tài sản bà Th được giao trị giá là: 1.927.435.852.473,93 đồng (gồm giá trị bất động sản là 375.791.973.684 đồng + 1.551.643.878.789,93 đồng là khoản tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng); so với tổng giá trị tài sản bà Th được chia 3.245.907.071.895,47 đồng, bà Th còn thiếu 1.318.471.219.421,54 đồng (3.245.907.071.895,47 đồng – 1.927.435.852.473,93 đồng = 1.318.471.219.421,54 đồng). Tổng tài sản ông V được giao trị giá là 6.005.707.697.075 đồng (gồm giá trị toàn bộ số cổ phần của ông V và bà Th tại các công ty thuộc Tập đoàn TN là 5.655.033.150.000 đồng + tổng giá trị bất động sản giao cho ông V là 350.704.547.075 đồng); so với tổng giá trị tài sản ông V được chia là 4.687.236.477.653,46 đồng thì giá trị tài sản ông V nhận nhiều hơn phần được chia là: 1.318.471.219.421,54 đồng (6.005.707.697.075 đồng – 4.687.236.477.653,46 đồng = 1.318.471.219.421,54 đồng). Cho nên ông Đặng Nguyên V phải thanh toán cho bà Lê Hoàng Diệp Th số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận với giá trị tài sản được chia là 1.318.471.219.421,54 đồng.
[5] Về án phí
[5.1] Về án phí chia tài sản: Do ông V rút một phần phản tố, tổng giá trị tài sản bà Th được chia là 3.245.907.071.895,47 đồng, tổng giá trị tài sản ông V được chia là 4.687.236.477.653,46 đồng, theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, án phí về tài sản được phân chia tính lại như sau:
[5.1.1] Án phí về chia tài sản bà Th phải chịu là: (3.245.907.071.895,47 đồng – 4.000.000.000 đồng) x 0,1% + 112.000.000 đồng = 3.353.907.071,9 đồng.
[5.1.2] Án phí về chia tài sản ông V phải chịu là: (4.687.236.477.653,46 đồng – 4.000.000.000 đồng) x 0,1% + 112.000.000 đồng = 4.795.236.477,65 đồng.
[5.2] Án phí sơ thẩm về hôn nhân gia đình và án phí phúc thẩm giữ nguyên như Bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 05/12/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[Nguồn: Quyết định GĐT số 01/2021/HNGĐ-GĐT Ngày 11/3/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO]
Xem file đính kèm toàn văn Quyết định GĐT: Số 01/2021/HNGĐ-GĐ
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn