Feel free to go with the truth

Trang chủ / Kinh doanh & Thương mại / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Sửa án về tranh chấp hợp đồng cung cấp vật tư, gia công chế tạo, lắp đặt thiết bị

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Sửa án về tranh chấp hợp đồng cung cấp vật tư, gia công chế tạo, lắp đặt thiết bị

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Đối với yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu Tòa án xét trừ giá trị nguyên bộ 4 bộ máy Vít, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy theo nội dung Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK ngày 09/4/2010 và Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK ngày 28/02/2010 (điều chỉnh tại Phụ lục số 02/PLHĐ/ĐT-TK và Phụ lục số 03/PLHĐ/ĐT-TK) thì Công ty T chịu trách nhiệm “thực hiện cung cấp vật tư, gia công chế tạo, lắp đặt các hạng mục cửa van và máy vít theo danh mục thiết bị và bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt…”, cụ thể: cung cấp, lắp đặt 02 bộ máy vít 30VĐ, giá mỗi bộ 40.000.000 đồng (lúc đầu là 01 bộ máy vít 20VĐ, giá 33.000.000 đồng và 1 bộ máy vít VĐ30, sau thay đổi) theo Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK và cung cấp, lắp đặt 2 bộ máy vít 50VĐ theo Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK mỗi bộ có giá 60.000.000 đồng. Xét: [1.1]. Công ty T đã cung cấp Hồ sơ thiết kế kỹ thuật các máy vít (từ bút lục 1202 đến bút lục 1261) và tại Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong thi công xây lắp ngày 22/01/2011 (đối với 2 máy vít VĐ30 – bl 262, 263) và Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong thi công xây lắp ngày…năm 2011 (đối với 2 máy vít VĐ50 – bl 344, 345) thì Công ty Đ đã nghiệm thu, đánh giá khối lượng, chất lượng các máy vít so với thiết kế được phê duyệt là“đạt yêu cầu”; [1.2]. Theo 2 hợp đồng thì Công ty T chịu trách nhiệm “cung cấp vật tư, gia công chế tạo…” các thiết bị đảm bảo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và Công ty T trình bày đã “cung cấp vật tư, gia công, chế tạo mới 100%” các bộ phận của Máy vít tại Nhà máy của Công ty T; riêng động cơ điện (motor) thì trước khi Công ty T gắn vào máy vít, Công ty Đ đã đồng ý sử dụng động cơ điện cũ của Nhật, chất lượng còn khoảng 80% vì động cơ này sử dụng ngoài trời tốt hơn động cơ mới do Việt Nam sản xuất, nhưng Công ty T không nêu được căn cứ chứng minh, trong khi Công ty Đ không thừa nhận; [1.3]. Xét, máy vít được lắp ráp từ nhiều chi tiết, bộ phận khác nhau, ngoài động cơ điện thì các chi tiết, bộ phận của 04 máy vít mà Công ty T cung cấp vật tư, gia công chế tạo mới 100% và hai bên đã ký Phụ lục số 01 (kèm biên bản nghiệm thu chế tạo thiết bị số 01-30VĐ1-CXC/CT-KT ngày 22/11/2011 (bl 264),Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong thi công xây lắp ngày 22/01/2011, nghiệm thu đối với chất lượng, và lắp đặt các máy vít theo Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK (bl 262, 263) và Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong thi công xây lắp ngày…năm 2011 (đối với 2 máy vít VĐ50 – bl 344, 345). Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu trừ giá trị nguyên bộ 4 máy vít lắp đặt theo 2 Hợp đồng kinh tế. Tại Bảng quyết toán khối lượng thi công hoàn thành ngày 20/3/2012 (bl 282), Công ty T đã loại trừ không yêu cầu Công ty Đ thanh toán giá trị 2 động cơ điện Máy vít VĐ 30, mỗi động cơ giá 5.500.000 đồng thành tiền 11.000.000đ và giá trị 2 bảng điện, mỗi bảng giá 5.000.000 đồng, thành tiền 10.000.000 đồng (lắp đặt theo Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm trừ giá trị nguyên bộ 2 bộ máy vít VĐ50 số tiền 120.000.000 đồng (lắp đặt theo Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK) là không có cơ sở. Đơn kháng cáo Công ty T đồng ý trừ giá trị 4 động cơ điện và giá trị 4 bảng điện (lắp đặt theo Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TKHợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK) nhưng Tòa án cấp phúc thẩm trừ giá trị nguyên bộ 2 bộ máy vít VĐ50 là 120.000.000 đồng (lắp đặt theo Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK) và trừ giá trị nguyên bộ 01 bộ máy vít 30VĐ (cộng thêm thuế VAT) thành tiền 44.000.000 đồng (lắp đặt theo Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK) là không có cơ sở và nhầm lẫn“trừ 2 lần tiền” (Bảng quyết toán khối lượng thi công hoàn thành ngày 20/3/2012 – bl 282, Công ty T đã loại trừ không yêu cầu Công ty Đ thanh toán giá trị 2 động cơ điện của máy vít VĐ 30 và 2 Bảng điện lắp đặt thuộc Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại trừ nguyên 1 bộ máy vít VĐ30 là trừ thêm cả động cơ điện và bảng điện) là ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đ. Vì các lý do trên, cấp giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm, chấp nhận giảm trừ thanh toán đối với Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK giá trị 2 động cơ điện VĐ 50 là 15.000.000 đồng (7.500.000đ/động cơ) và giá trị 2 bảng điện là 10.000.000 đồng (5.000.000đ/bảng), tổng cộng giảm trừ 25.000.000 đồng.

[2] Đối với yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu Tòa án xét giảm trừ đối với Hợp đồng kinh tế 010/HĐ/ĐT-TK ngày 09/4/2010 về tiền công lắp ráp, căn chỉnh thiết bị 141.249.137 đồng (Công ty Đ yêu cầu trừ 181.249.137 đồng gồm trừ giá trị 1 Máy vít 30VĐ là 40.000.000 đồng và trừ công lắp ráp, căn chỉnh thiết bị là 141.249.137 đồng – bút lục 1712, 1713) thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy ngày 22/01/2011 hai bên ký Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong thi công, xây lắp, nội dung Công ty Đ nghiệm thu hạng mục “Gia công cung cấp, lắp đặt hệ thống cửa van và máy vít” và đánh giá: “so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt thì khối lượng, chất lượng: đạt yêu cầu” (bl 262 – 264); do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ để trừ công lắp ráp, cân chỉnh thiết bị số tiền 141.249.137 đồng đối với Hợp đồng kinh tế 010/HĐ/ĐT-TK.

[3] Đối với yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu Tòa án xét trừ khối lượng thiết bị, nhân công đối với Hợp đồng kinh tế 11b/HĐ/ĐT-TK (điều chỉnh giá tại Phụ lục số 02 và Phụ lục số 03) số tiền 1.119.687.968 đồng (gồm trừ khối lượng thép giằng chống 301.026.799 đồng; trừ giá trị nguyên bộ 02 bộ Máy vít VĐ50 thành tiền 120.000.000 đồng; trừ tiền công tháo dỡ mặt bích thử áp 16.338.054 đồng; tiền công siêu âm đường hàn 53.086.367 đồng và tiền công sửa chữa thiết bị, lắp và cân chỉnh thiết bị mà Công ty Đ tự thực hiện (bút lục 1714, 1715) thì cấp giám đốc thẩm xét thấy:

[3.1] Về trừ khối lượng thép giằng chống 301.026.799 đồng thì Phụ lục số 01 kèm Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK ngày 28/02/2010 “cung cấp & lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công đường ống áp lực” có ghi hạng mục “giằng chống, chi tiết phụ..thành tiền 322.027.200 đồng”(bl 49) và điểm 6.2 Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK quy định giá trị thanh toán căn cứ theo khối lượng thực tế thi công được nghiệm thu. Xét, trình bày của Công ty T rằng việc sử dụng thép giằng chống để đảm bảo neo giữ đường ống áp lực, khe van, cửa van cố định không bị biến dạng, xô lệch trong quá trình đổ bê tông là cần thiết và thực tế Công ty Đ đã ký các Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong xây lắp (bl 862, 863, 867, 996) nghiệm thu hạng mục thép giằng chống trước khi đổ bê tông và hiện nay không thể thu hồi “lấy thép ra khỏi bê tông”; do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận trình bày của Công ty Đ cho rằng Công ty T sử dụng số thép giằng chống là “biện pháp thi công” để loại trừ nghĩa vụ thanh toán của Công ty Đ đối với Công ty T là không đúng;

[3.2] Về việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm trừ giá trị nguyên bộ 02 Máy vít VĐ50 thành tiền 120.000.000 đồng là không đúng theo phân tích tại mục [1] nêu trên;

[3.3] Về trừ 53.086.367 đồng công sơn dặm vá, mài sạch và siêu âm đường hàn, cấp giám đốc thẩm xét thấy Phụ lục khối lượng số 02 (bl 65) kèm Phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ/ĐT-TK có quy định hạng mục “mài sạch vùng hàn để kiểm tra và siêu âm 100% đường hàn”. Tại Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện hoàn thành trong xây lắp mã số PSI5-11-02 ngày 25/01/2011, đại diện Công ty Đ đã ký nghiệm thu hạng mục: “Mài sạch vùng hàn để kiểm tra” (548,68m) và “Siêu âm 100% đường hàn ” (548,68m), kết quả nghiệm thu:“Đạt yêu cầu”(bl 298, 299). Tại Biên bản xác nhận khối lượng thực hiện trong giai đoạn xây lắp ngày 10/10/2011, đại diện Công ty Đ đã ký nghiệm thu hạng mục:“Mài sạch vùng hàn để kiểm tra” (80m) và Siêu âm 100% đường hàn” (80m), kết quả nghiệm thu: “Đạt yêu cầu” (bl 335). Việc siêu âm đường hàn và lập hồ sơ gửi kèm do Công ty TNHH Trọng Hiên và Công ty cổ phần giám định Hoàng Gia có ngành nghề đăng ký kinh doanh hợp pháp thực hiện (bl 1123- 1167). Vì các lý do trên, cấp giám đốc thẩm xét không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu trừ công sơn dặm vá, mài sạch và siêu âm đường hàn (Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cần rút kinh nghiệm về cách viết bản án vì bản án viết không rõ có chấp nhận yêu cầu này của Công ty Đ hay không? nếu không chấp nhận hoặc chấp nhận phải nêu rõ căn cứ).

[3.4] Về yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu Tòa án xét giảm trừ công tháo dỡ mặt bích thử áp số tiền 16.338.054 đồng (bút lục (bl 1714, 1715), tiền thuê đội ông Bình vào căn chỉnh thiết bị số tiền 195.000.000 đồng, công sửa chữa thiết bị, lắp và căn chỉnh thiết bị mà Công ty Đ tự làm số tiền 329.201.760 đồng (= 71.565,6kg x 4.600đ/kg, ghi tại trang 14 bản án phúc thẩm) với lý do Hồ sơ nghiệm thu khối lượng đợt 7 (bl 359) Công ty T thừa nhận mới chỉ “gá lắp thiết bị đúng vị trí” thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy tại Công văn số 12/CVTK ngày 10/02/2012 (bl 1355, 1356, ngoài ra, còn nhiều Công văn khác từ bl 1357-1376), Công ty T yêu cầu Công ty Đ thanh toán số tiền đã nghiệm thu tại Biên bản nghiệm thu đợt 7 trong tháng 2/2012 và cam kết trong vòng 2 ngày kể từ ngày nhận được tiền sẽ hoàn thiện các phần việc còn lại. Thực tế, Công ty Đ không thanh toán tiền mà đến ngày 11/04/2012 gửi Công ty T Công văn số 29/CV-2012-ĐTGL (bl 537) nêu:“Nhằm hoàn thành gói thầu đồng bộ với các hạng mục khác, đưa công trình vào vận hành khai thác đúng tiến độ, tất cả vì sự thành công của dự án (Chín bỏ làm mười), Công ty Cổ Phần Đ đề nghị Quý công ty tập trung nhân sự thi công hoàn thành gói thầu chậm nhất là ngày 30/04/2012.”. Tuy nhiên, trước khi ban hành Công văn số 29/CV-2012-ĐTGL thì ngày 03/04/2012 Công ty Đ đã ký Hợp đồng thuê Đội của ông Bình vào công trường hoàn thiện phần việc còn lại (bl 525, 526) là trái quy định tại khoản a Điều 13 Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK (sửa đổi tại Điều 3 Phụ lục số 03/PLHĐ/ĐT-TK qui định:“Trong thời gian thực hiện hợp đồng nếu nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện hợp đồng trong thời gan 15 ngày mà không có lý do chính đáng, được chủ đầu tư phê duyệt bằng văn bản hoặc có ý định không thực hiện hợp đồng vì bất kỳ lý do gi khi chưa có sự đồng ý băng văn bản của Chủ đầu tư thì bị phạt 10% giá trị hợp đồng và bồi thường các thiệt hại do nguyên nhân chấm dứt hợp đồng gây ra.”) và trái quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 310 Luật Thương mại năm 2005 (một bên có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu bên kia vi phạm những nghĩa vụ cơ bản theo hợp đồng). Mặt khác, tại Biên bản xác nhận khối lượng thực hiện trong giai đoạn xây lắp ngày…năm 2012, Công ty Đ đã ký xác nhận chất lượng “thiết bị cơ khí thủy công và đường ống áp lực” với khối lượng 75.079,22 kg là “Đạt yêu cầu” (bl 357) nên trình bày của Công ty Đức thành cho rằng phải sửa chữa khối lượng thiết bị này là không có cơ sở, còn công “căn chỉnh, siết ốc” đối với các thiết bị mà Công ty T đã “gá lắp thiết bị đúng vị trí” và công tháo dỡ bích thử áp mà Công ty Đ thực hiện (nếu có) cũng không “đáng kể” và ngoài ra, Công ty Đ còn yêu cầu trừ 195.000.000 đồng tiền thuê đội của ông Bình vào căn chỉnh thiết bị nhưng chỉ ghi chung chung, không có chứng từ, hóa đơn tài chính, kế toán hợp pháp cũng không có cơ sở pháp lý để chấp nhận. Hơn nữa, nếu Công ty Đưc Thành không ngăn cản để công nhân của Công ty T có chuyên môn vào hoàn thiện thì chi phí chắc chắn có tỷ lệ nhỏ so với chi phí mà Công ty Đ kê khai yêu cầu giảm trừ. Tuy nhiên, xét thực tế hai bên có bất đồng chưa thể giải quyết ngay, trong khi mùa mưa lũ đang đến gần nên việc Công ty Đ phải bỏ công tháo dỡ mặt bích thử áp; căn chỉnh, siết ốc thiết bị; thuê đội của ông Bình vào căn chỉnh hoàn thiện để đưa Nhà máy vào hoạt động (Nhà máy đã vận hành ngày 23/12/2012) trước mùa mưa lũ là cần thiết nên dù kê khai giảm trừ của Công ty Đ chưa đủ cơ sở pháp lý để chấp nhân nhưng cấp giám đốc thẩm xét cũng cần chấp nhận giảm trừ các khoản tiền này, cộng thành số tiền 540.539.814 đồng (= 16.338.054đ + 195.000.000đ + 329.201.760đ) cho Công ty Đ.

[3.5] Đối với hạng mục thử áp lực đường ống thì sau khi nhận được Thông báo số 36/TB-ĐTGL ngày 05/10/2011 của Công ty Đ yêu cầu ngừng thử áp lực đường ống (bl 1330), Công ty T đã không tiến hành thử áp lực đường ống và Hồ sơ quyết toán Phụ lục 2: Bảng quyết toán giá trị khối lượng thi công hoàn thành theo hợp đồng Công ty T không yêu cầu Công ty Đ thanh toán hạng mục công “thử áp lực đường ống 32.500.000 đồng” (bl 411) và Công ty Đ cũng không yêu cầu Tòa án xét trừ khoản tiền này nhưng Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhầm là chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ trừ “hạng mục thử áp đường ống chưa thực hiện là 32.000.000 đồng” (trang 13 Bản án sơ thẩm), còn Tòa án cấp phúc thẩm ghi nhầm chấp nhận trừ tiền“thử bích 32.000.000 đồng” (trang 11 Bản án phúc thẩm) là nhầm lẫn và không đúng, Tòa án hai cấp cần rút kinh nghiệm. [

3.6] Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn giảm trừ thuế giá trị gia tăng 45.302.680 đồng (= 498.329.479đ – 453.026.799đ) là không đúng vì các hạng mục vật tư thiết bị sau khi được Công ty Đ ký nghiệm thu thì Công ty T đã xuất hóa đơn VAT hợp pháp gửi Công ty Đ và theo quy định của Luật thuế thì Công ty T đã kê khai, nộp khoản tiền VAT này trong kỳ thuế phát sinh vào ngân sách Nhà nước, Công ty T không được hưởng, nếu Công ty Đ có khiếu nại về thuế thì sẽ được Cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về thuế.

[4] Về yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu phạt Công ty T tiền vi phạm hợp đồng, mức phạt 10% thành tiền 1.284.041.527 đồng lý do Công ty T cung cấp một số thiết bị không đảm bảo chất lượng, thi công chậm tiến độ mặc dù Công ty Đ đã gửi nhiều Công văn nhắc nhở (Công văn số 10/CV-ĐTGL ngày 06/2/2012, số 11/CV-ĐTGl ngày 10/02/2012, số 22/CV-ĐTGL ngày 07/3/2012, số 158/CV[1]ĐTGL ngày 23/9/2013 và số 29/CV-ĐTGL ngày 11/4/2012 nhắc đã dừng thi công 40 ngày, Công văn số 12/TK ngày 10/02/2012 Công ty T thừa nhận một số hạng mục thi công còn dở dang và hồ sơ quyết toán chưa hoàn tất) thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy:

[4.1] Tại Công văn số 12/CVTK ngày 10/02/2012 (bl 1355, 1356, ngoài ra, còn nhiều Công văn khác từ bl 1357-1376), Công ty T yêu cầu Công ty Đ thanh toán số tiền đã nghiệm thu tại Biên bản nghiệm thu đợt 7 trong tháng 2/2012 và cam kết trong vòng 2 ngày kể từ ngày nhận được tiền sẽ hoàn thiện các phần việc còn lại nhưng thực tế Công ty Đ không thanh toán mà ngày 11/04/2012 Công ty Đ gửi Công ty T Công văn số 29/CV-2012-ĐTGL (bl 537) nêu:“Nhằm hoàn thành gói thầu đồng bộ với các hạng mục khác, đưa công trình vào vận hành khai thác đúng tiến độ, tất cả vì sự thành công của dự án (Chín bỏ làm mười), Công ty Cổ Phần Đ đề nghị Quý công ty tập trung nhân sự thi công hoàn thành gói thầu chậm nhất là ngày 30/04/2012.”. Tuy nhiên, trước khi ban hành Công văn 29/CV-2012- ĐTGL ngày 11/04/2012, thì ngày 03/04/2012 Công ty Đ đã ký Hợp đồng thuê Đội của ông Bình (bl 525, 526) vào công trường hoàn thiện phần việc còn lại là trái quy định tại khoản a Điều 13 Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK (sửa đổi tại Điều 3 Phụ lục số 03/PLHĐ/ĐT-TK – như đã phân tích tại mục [3.4] nêu trên) và trái quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 310 Luật Thương mại năm 2005 (một bên có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu bên kia vi phạm những nghĩa vụ cơ bản theo hợp đồng);

[4.2] Mặt khác, giá trị khối lượng công việc Công ty T đã thực hiện theo 2 Hợp đồng kinh tế ký với Công ty Đ là rất lớn, riêng giá trị khối lượng công việc mà Công ty T cho rằng đã thực hiện hoàn chỉnh yêu cầu Công ty Đ thanh toán đã trên 2 tỷ đồng, trong khi khối lượng công việc còn lại mà Công ty Đ phải thuê đội của ông Bình vào cân chỉnh (đây là phần việc còn lại có cơ sở để chấp nhận nhất) chỉ có giá trị 195.000.000 đồng nên trình bày của Công ty T là vì Công ty Đ không cho công nhân của Công ty T vào hoàn thiện chứ không có việc Công ty T bỏ dở phần việc còn lại để chấp nhận chịu phạt 10% giá trị hợp đồng là có cơ sở;

 [4.3] Từ [4.1] và [4.2] nêu trên, cấp giám đốc thẩm xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ, xác định Công ty T vi phạm hợp đồng nên phạt 10% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm là không có cơ sở. Tòa án cấp phúc thẩm xác định phần hợp đồng bị vi phạm có giá trị 2.536.502.082 đồng là chênh lệch giữa giá trị hợp đồng (12.840.415.279 đồng) trừ giá trị khối lượng công việc Công ty T đã thực hiện (10.303.913.197 đồng, đã trừ các khoản theo yêu cầu của Công ty Đ) cũng là không đúng vì giá 12.840.415.279 đồng quy định tại hợp đồng chỉ là dự tính và hợp đồng quy định giá trị thanh toán phải căn cứ giá trị khối lượng đã thực hiện được nghiệm thu trên thực tế.

[5] Về tiền thuê thiết bị và tiền điện mà Công ty T sử dụng của Công ty Đ thì thấy: Công ty T xác nhận và đồng ý trả 191.480.032 đồng theo đúng Bảng xác nhận công nợ hai bên ký ngày 05/9/2013 (bl 428); trong khi Công ty Đ yêu cầu trả 288.580.032 đồng (gồm 191.480.032 đồng Công ty T xác nhận, 97.100.000 đồng 11 phát sinh thêm từ ngày 19/12/2011 đến ngày 27/02/2012) nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh, do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm trừ 191.480.032 đồng vào tổng số tiền Công ty T yêu cầu Công ty Đ trả nợ theo hợp đồng là có căn cứ.

[6] Về yêu cầu của Công ty Đ yêu cầu Tòa án xét không chấp nhận bù trượt giá 800.000.000 đồng cho Công ty T với lý do theo Biên bản làm việc ký giữa hai bên ngày 28/3/2011 thì Công ty T muốn được Công ty Đ bù giá phải cung cấp “hồ sơ dự toán chi tiết…cung cấp bằng chứng xác thực về biến động giá dẫn đến thiệt hại…” nhưng Công ty T không cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005, số 99/2007/CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì cấp giám đốc thẩm xét thấy tại Công văn số 054/CVTK ngày 15/3/2011 (bl 507) Công ty T nêu do Công ty Đ chưa bàn giao mặt bằng để thi công hạng mục đường ống áp lực, hạ lưu nhà máy, chưa cung cấp bản vẽ thiết kế các hạng mục còn thiếu và bản tiến độ thi công phối hợp giữa đơn vị xây dựng và lắp đặt và nội dung hợp đồng không quy định tạm ứng vốn, dẫn đến tiến độ thực hiện kéo dài và giá cả vật liệu tăng nên đề nghị Chủ đầu tư điều chỉnh đơn giá theo Thông tư số 05/2008/TT[1]BXD và Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, gửi kèm văn bản đề nghị Điều chỉnh giá trị hợp đồng ngày 26/3/2011 số tiền đề nghị 1.666.654.721 đồng (bl 509 – 514). Ngày 28/3/2011 hai bên ký Biên bản làm việc, nội dung Công ty Đ đồng ý hỗ trợ 50% tiền trượt giá cho Công ty T thành tiền 800.000.000 đồng, với điều kiện: “Công Ty T phải hoàn chỉnh hồ sơ dự toán chi tiết về khối lượng và đề nghị hỗ trợ, cung cấp bằng chứng xác thực về sự biết động giá dẫn đến thiệt hại của nhà thầu. Tất cả các hồ sơ trên sẽ được chủ đầu tư thẩm định lại và quyết định mức hỗ trợ hợp lý và phê duyệt trước khi nhà thầu tiến hành thi công các phần việc tiếp theo trước ngày 01/04/2011”. Ngày 08/04/2011, Tổng giám đốc Công ty Đ đã ký Quyết định số 24/QĐ-TGĐ hỗ trợ bù trượt giá cho Công ty T số tiền 800.000.000 đồng và ngày 10/8/2011 hai bên ký Phụ lục hợp đồng kinh tế số 03/PLHĐ/ĐT-TK (bl 69, 70) thống nhất điều chỉnh Điều 2 Phụ lục số 02/PLHĐ/ĐT-TK (bl 58) tăng giá trị hợp đồng lên 13.640.415.279 đồng (giá cũ 12.840.415.279 đồng + 800.000.000 đồng) và thực tế Công ty Đ đã chuyển cho Công ty T 550 triệu đồng, cụ thể: ngày 22/8/2011 chuyển 300 triệu, ngày 22/11/2011 chuyển 250 triệu (Biên bản cuộc họp ngày 10/10/2013 – bút lục 155). Như vậy, Công ty Đ đã đồng ý bù trượt giá, đã chuyển tiền, do đó Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận trình bày của Công ty Đ rằng Công ty T không cung cấp được hồ sơ bù trượt giá nên trừ 800 triệu vào số tiền Công ty T yêu cầu Công ty Đ thanh toán nợ theo hợp đồng là không có cơ sở.

[7] Đối với yêu cầu của Công ty T yêu cầu Công ty Đ trả lãi chậm trả tính trên số tiền còn thiếu theo các hợp đồng hai bên đã ký, Hội đồng xét xử cấp giám đốc thẩm xét thấy: [7.1]. Tại Đơn khởi kiện đề ngày 15/01/2014 (bl 01) Công ty T yêu cầu trả lãi chậm trả từ ngày 26/03/2012 (từ sau ngày Công ty T chuyển hồ sơ yêu cầu quyết toán đến Công ty Đ) đến ngày khởi kiện (ngày 15/01/2014) theo lãi suất cho vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa sơ thẩm (trang 13 bản án sơ thẩm) nguyên đơn yêu cầu trả lãi từ ngày 23/12/2012 (ngày Công trình đưa vào sử dụng) đến ngày 22/5/2018 (ngày xét xử sơ thẩm) theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị 12 trường là 12%/năm, thành tiền 1.504.204.837 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định (trang 14 bản án sơ thẩm) tại phiên tòa nguyên đơn yêu cầu trả lãi chậm trả theo từng hợp đồng kinh tế nhưng chưa cung cấp được số tiền cụ thể mà Công ty Đ vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán như Biên bản làm việc ngày 23/12/2011 (thỏa thuận về tiến độ thi công – bl 155) nên tách ra để xem xét tại vụ kiện khác khi có yêu cầu; [7.2]. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định (trang 12 Bản án phúc thẩm) tại Đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu trả lãi chậm thanh toán từ ngày 26/03/2012 đến ngày 15/01/2014, với số tiền 575.250.182 đồng, tại phiên tòa sơ thẩm yêu cầu tính lãi từ ngày 23/12/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu tính lãi đến phiên tòa phúc thẩm theo lãi suất do Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh với số tiền 1.504.204.837 đồng; trong khi Hợp đồng kinh tế số 11b các bên quy định trả lãi chậm trả theo công bố của Ngân hàng Nhà nước nhưng không quy định mức lãi cụ thể; như vậy, nguyên đơn trình bày thay đổi về thời gian yêu cầu tính lãi, hai bên không thống nhất về tính lãi theo mức lãi Ngân hàng nào quy định, nguyên đơn chưa đưa ra được cơ sở xác định những khoản nào bị chậm thanh toán, sự thay đổi này là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên giữ y quyết định của bản án sơ thẩm là tách ra để giải quyết bằng vụ kiện khác khi có yêu cầu; [7.3]. Hội đồng xét xử cấp giám đốc thẩm xét thấy từ Đơn khởi kiện ban đầu Công ty T đã yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Đ trả lãi chậm thanh toán và về khoảng thời gian tính lãi và mức lãi suất thì Công ty T cũng nêu yêu cầu theo nhận thức của nguyên đơn (chỉ đề nghị tính lãi đến ngày khởi kiện vì có thể nghĩ vụ án sẽ được giải quyết nhanh chóng). Xét, đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng cung cấp vật tư, gia công chế tạo, lắp đặt thiết bị” (Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị” là chưa chính xác) chứ không phải vụ án đòi nợ nên không thể yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp số liệu tiền còn thiếu theo hợp đồng một cách chính xác; hơn nữa, ngay từ Đơn khởi kiện ban đầu nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án tính lãi chậm trả và đã nêu ý kiến về thời gian yêu cầu tính lãi chậm trả, mức lãi suất chậm trả; do đó, việc xác định số nợ chậm trả, thời gian tính lãi chậm trả, mức lãi chậm trả thuộc trách nhiệm của Tòa án, Tòa án phải căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định nguyên đơn không đưa ra được cơ sở xác định chính xác khoản tiền nào bị chậm thanh toán nên không có cơ sở giải quyết là không đúng; [7.4] Cấp giám đốc thẩm xét, việc tính lãi phải dựa trên các căn cứ sau: [7.4.1] Về số nợ thì căn cứ các tài liệu, chứng cứ dẫn chứng và phân tích tại các mục nêu trên thì Công ty Đ còn nợ chưa thanh toán cho Công ty T số tiền 1.754.979.058 đồng [cụ thể: đối với Hợp đồng kinh tế số 010/HĐ/ĐT-TK là 96.654.363 đồng = 749.925.543 đồng (theo yêu cầu của T) – 653.271.180 đồng (T đã nhận); đối với Hợp đồng kinh tế số 11b/HĐ/ĐT-TK là 1.658.324.695 đồng = 2.415.344.541đ (theo Bảng kê của T) – 25.000.000đ (giảm trừ giá trị 2 động cơ điện VĐ50 và giá trị 2 Bảng điện) – 540.539.814đ (giảm trừ công tháo dỡ bích thử áp, tiền thuê đội ông Bình vào căn chỉnh thiết bị và công sửa chữa thiết bị, lắp và cân chỉnh thiết bị do Đ tự làm) – 191.480.032 đồng (tiền T thuê thiết bị và sử dụng điện của ty Đ]; [7.4.2] Về khoảng thời gian tính lãi thì tại phiên tòa sơ thẩm Công ty T yêu cầu tính lãi từ ngày Công trình đưa vào sử dụng (ngày 23/12/2012) đến ngày xét xử sơ thẩm 13 (ngày 22/5/2018) là có cơ sở, đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là tính từ khi vi phạm nghĩa vụ trả nợ đến thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc thời điểm xét xử sơ thẩm lại, nên cấp giám đốc thẩm chấp nhận đề nghị của nguyên đơn, tính từ khi công trình đưa vào sử dụng đến ngày xét xử sơ thẩm là 05 năm 5 tháng; [7.4.3] Về lãi suất thì Điểm b Điều 12 Hợp đồng kinh tế số 11b các bên ký ngày 28/02/2010 quy định:“Bên A phải trả khoản lãi suất đối với số tiền chậm chi trả cho khoảng thời gian chậm trễ theo lãi suất Ngân hàng nhà nước quy định”. Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Căn cứ Án lệ số 09/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và công bố ngày 17/10/2016 (quy định cần phải lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương để tính lãi chậm thanh toán), tại Đơn khởi kiện và trong suốt quá trình tố tụng Công ty T yêu cầu áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 12%/năm là phù hợp nên cấp giám đốc thẩm chấp nhận mức lãi suất này; [7.4.4] Từ các căn cứ nêu trên, cấp giám đốc thẩm tính ra số lãi Công ty Đ phải trả Công ty T là 1.140.595.989 đồng (= 1.754.979.058 đồng x 12%/năm x 5,416 năm).

[8] Do cấp giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm nên căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án tính lại án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm, cụ thể: [8.1]. Công ty T phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm tính trên số tiền 565.539.815 đồng (= 2.320.518.873đ – 1.754.979.058 đồng) là số tiền có yêu cầu nhưng không được chấp nhận, tính ra kết quả 26.621.592 đồng (= 20.000.000đ + 4% x 165.539.815 đồng); [8.2]. Công ty Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm tính trên số tiền 1.754.979.058 đồng phải trả nguyên đơn, tính ra kết quả 64.649.371 đồng (= 36.000.000 đồng + 3% x 954.979.058 đồng). Do Hội đồng xét xử cấp giám đốc thẩm sửa Bản án phúc thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

[Nguồn: Quyết định GĐT số 13/2021/KDTM-GĐT Ngày 09/7/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]

Xem file đính kèm toàn văn Quyết định GĐT: Số 13/2021/KDTM-GĐT

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng:

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdv

Bài viết liên quan