Feel free to go with the truth

Trang chủ / Kinh doanh & Thương mại / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Sửa án sơ thẩm tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá (từ chối nhận hàng hóa nên phải bồi thường và bị phạt vi phạm)

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Sửa án sơ thẩm tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá (từ chối nhận hàng hóa nên phải bồi thường và bị phạt vi phạm)

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Về thủ tục tố tụng:

[1] Về việc vắng mặt của đương sự: Tòa án đã triệu tập hợp lệ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan NLQ1 nhưng NLQ1 vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp tục tiến hành phiên tòa, xét xử vắng mặt NLQ1.

[2] Công ty K và Công ty U tranh chấp hợp đồng mua bán số: NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020 về việc cung cấp mặt hàng kính bảo hộ. Công ty K yêu cầu Công ty U hoàn trả tiền tạm ứng và phạt vi phạm hợp đồng. Công ty U yêu cầu bồi thường thiệt hại do Công ty K đơn phương chấm dứt hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và khấu trừ với tiền tạm ứng đã nhận. Lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải làm rõ Công ty K và Công ty U yêu cầu đình chỉ thực hiện hợp đồng hay tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 292 Luật Thương mại từ đó mới có cơ sở giải quyết đúng đắn, toàn diện, triệt để vụ án. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, Công ty K và Công ty U thống nhất đình chỉ thực hiện hợp đồng, xác định vi phạm hợp đồng của các bên và giải quyết trách nhiệm bồi thường của bên vi phạm hợp đồng.

[3] Tại cấp sơ thẩm, Công ty U yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty K và NLQ1 phải liên đới bồi thường cho Công ty U do vi phạm hợp đồng với số tiền là 1.799.711.200 đồng, trong đó gồm các khoản thiệt hại do không nhận hàng: 1.455.300.000đ, lãi suất: 34.927.200đ; phạt vi phạm hợp đồng : 116.424.000đ; chi phí thuê kho bãi … do không nhận hàng: 193.060.000 đồng. Tại cấp phúc thẩm, đại diện nguyên đơn sửa đổi nội dung kháng cáo, yêu cầu khởi kiện, cụ thể số tiền Công ty U yêu cầu giải quyết buộc Công ty K và NLQ1 liên đới bồi thường do vi phạm hợp đồng là 1.252.104.000 đồng, trong đó: bồi thường thiệt hại là 1.150.800.000đ và phạt vi phạm hợp đồng là 101.304.000đ. Đồng thời, Công ty U không yêu cầu bồi thường đối với các khoản chi phí thiệt hại khác. Xét việc sửa đổi nội dung kháng cáo, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ là giảm về giá trị yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, không thay đổi quan hệ tranh chấp, không vượt quá phạm vi kháng cáo, phạm vi khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 5, 244 và Điều 284 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về nội dung vụ án

[4] Theo hợp đồng mua bán số: NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020 được ký giữa Công ty K và Công ty U thì Công ty U cung cấp cho Công ty K mặt hàng kính bảo hộ số lượng 210.000 chiếc, đơn giá 9.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hợp đồng là 1.890.000.000 đồng (chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng). Tại Điều 2 Hợp đồng các bên thỏa thuận: địa chỉ nhận hàng là tại kho bên bán (Công ty U), thời gian giao hàng được chia thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 10/4/2020 – 15/4/2020: giao 100.000 chiếc, đợt 2: từ ngày 25/4/2020 – 26/4/2020 giao 110.000 chiếc. Công ty K tạm ứng 30% giá trị hợp đồng, tương đương với 623.700.000đ, 70% giá trị hợp đồng còn lại thanh toán trước khi nhận hàng và chứng từ thanh toán. Xét thỏa thuận các các bên là phù hợp với quy định tại các Điều 24, 34, 35, 37 Luật Thương mại nên hợp đồng có hiệu lực, phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên.

[5] Công ty K cho rằng Công ty U vi phạm hợp đồng về việc không giao hàng đợt 1 trong thời gian từ ngày 10/4/2020 – 15/4/2020, nên Công ty K từ chối nhận hàng đợt hai và yêu cầu Công ty U phải trả lại số tiền tạm ứng đã nhận là 623.700.000 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng, tương đương 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm là 166.320.000đ, tổng cộng: 790.020.000đ. Công ty U không đồng ý với yêu cầu của Công ty K, cho rằng Công ty U đã trao đổi với NLQ1 đại diện của Công ty K trong quá trình thỏa thuận và thực hiện hợp đồng về việc hàng sẽ về chậm do khách quan từ phía đối tác bán hàng Trung Quốc và chủ trương phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, đã thống nhất hàng của đợt 1 sẽ được giao cùng với đợt 2 từ ngày 25-26/4/2020. Công ty K không nhận hàng là đã vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho Công ty U, nên Công ty U có yêu cầu phản tố buộc Công ty K và NLQ1 liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty U với số tiền là 1.252.104.000 đồng, gồm 1.150.800.000đ là thiệt hại thực tế và trực tiếp do không thực hiện hợp đồng và 101.304.000đ là tiền phạt 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm theo thỏa thuận tại hợp đồng.

[6] Theo lời khai của Bà Nguyễn Thị Lệ T, đại diện theo pháp luật của Công ty U thì trước khi ký kết hợp đồng này, Công ty U chưa từng có quan hệ mua bán, cũng không biết Công ty K, mà chỉ biết Tổng Công ty Cổ phần Y tế D do thường xuyên mua hàng của Công ty U thông qua NLQ1 là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng Công ty này. Cuối tháng 3/2020, NLQ1 đặt vấn đề mua 210.000 chiếc kính bảo hộ của Công ty U, trực tiếp trao đổi, thỏa thuận thống nhất tất cả các điều khoản. Do có sự tin tưởng lẫn nhau Công ty U đồng ý giảm tiền tạm ứng từ 50% xuống 30% 10 theo đề nghị của NLQ1. Đến khi tiến hành ký kết hợp đồng thì NLQ1 yêu cầu ký và xuất hóa đơn với bên mua là Công ty K. Việc Công ty U ký và thực hiện hợp đồng mua bán số: NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020 với Công ty K là do NLQ1 đại diện. Công ty K không có đại diện nào khác làm việc với Công ty U trong quá trình thỏa thuận, ký kết và thực hiện hợp đồng. Cùng thời gian này, NLQ1 cũng đại diện cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T thỏa thuận và thực hiện hợp đồng mua kính bảo hộ cùng loại.

[7] Lời khai của Bà T, đại diện Công ty U là phù hợp với các tài liệu là dữ liệu điện tử, tin nhắn trao đổi giữa Bà T với NLQ1 qua ứng dụng zalo số điện thoại của NLQ1 là 0938262555, phù hợp từ nội dung trao đổi thỏa thuận, thống nhất các nội dung của hợp đồng, yêu cầu chuyển bản thảo hợp đồng cho Công ty K qua địa chỉ Email hoanganhb@gmail.com của ông Bùi Hoàng A là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty K và địa chỉ Công ty K để Công ty U gửi bản hợp đồng Công ty U đã ký cho Công ty K ký vào bên mua trong hợp đồng số: NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020, số tiền tạm ứng 623.700.000đ và 02 lần chuyển số tiền tạm ứng hợp đồng, hợp đồng mua kính bảo hộ của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T cho đến khi Công ty K yêu cầu trả lại tiền tạm ứng.

[8] Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm cũng như phúc thẩm, đại diện hợp pháp của Công ty K cho rằng Công ty K không liên quan và cũng không biết NLQ1 là ai. Tuy nhiên, Công ty K chỉ phủ nhận việc biết và liên quan của NLQ1 trong hợp đồng mua bán với Công ty U mà không giải trình, không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh làm thế nào Công ty K biết Công ty U bán loại kính bảo hộ, số lượng, chủng loại… mà Công ty K có nhu cầu mua và đại diện cho Công ty K trong quá trình thương thảo, thống nhất ký kết và thực hiện hợp đồng với Công ty U là người khác mà không phải là NLQ1.

[9] Tại Công văn số: 421/CV-NTU ngày 23/4/2020, Công văn số: 424/CV[1]NTU ngày 27/4/2020, Thông báo số: 425/TB-NTU ngày 05/5/2020 gửi cho Công ty K. Công ty U đều nêu nội dung NLQ1 là người đại diện cho Công ty K thỏa thuận, ký kết thực hiện hợp đồng và Công ty U đã thông báo cho NLQ1 biết việc cung cấp hàng của phía Trung Quốc bị chậm do trúng vào dịp Lễ hội Tiết Thanh Minh, NLQ1 thống nhất thay đổi thời gian giao hàng đợt 1 sẽ giao cùng với đợt 2 vào khoản từ 25/26/4/2020 nên Công ty U không vi phạm. Các văn bản này Công ty K đã nhận và nộp kèm theo đơn khởi kiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm khởi kiện Công ty K không có ý kiến, văn bản nào phản đối việc liên quan của NLQ1, 11 NLQ1 không phải là đại diện cho K trong giao kết, thực hiện hợp đồng như các văn bản Công ty U gửi cho Công ty K đã nêu

[10] Đối với NLQ1. Tòa án sơ thẩm đã tống đạt, thông báo yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu buộc NLQ1 cùng Công ty K liên đới bồi thường cho Công ty U do Công ty K không thực hiện hợp đồng. Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm Tòa án đã tiến hành triệu tập để lấy lời khai NLQ1 tại UBND phường hòa Xuân nơi NLQ1 cư trú, tại Tổng Công ty Cổ phần Y tế D nơi NLQ1 làm việc nhưng NLQ1 từ chối không tham gia. Tòa án cũng đã có Thông báo số: 216/TB-TA ngày 07/5/2021 yêu cầu NLQ1 giải trình, cung cấp lời khai làm rõ nội dung vụ án, trong đó có nội dung từ dữ liệu điện tử, tin nhắn trao đổi giữa Bà T với NLQ1 qua ứng dụng zalo số điện thoại của NLQ1 là 0938262555 liên quan đến trao đổi thỏa thuận, thống nhất ký kết và thực hiện hợp đồng với Công ty U, nhưng NLQ1 vẫn không có ý kiến phản đối, giải trình, cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh việc không liên quan của mình như Công ty U trình bày. Các lần mở phiên tòa NLQ1 cũng không tham gia để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

[11] Hội đồng xét xử nhận thấy có cơ sở xác định được việc Công ty K thỏa thuận, ký kết thực hiện hợp đồng với Công ty U thông qua NLQ1 như đại diện Công ty U trình bày là đúng. Đại diện Công ty K trình bày không biết NLQ1 là ai, NLQ1 không liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giữa Công ty U và Công ty K là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không đúng sự thật khách quan, nên trình bày của đại diện Công ty K không được HĐXX chấp nhận.

[12] Về vi phạm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng: Ngay sau khi ký hợp đồng 01 ngày, ngày 02/4/2020 Công ty U đã thông báo, trao đổi với NLQ1 về việc chậm cung cấp hàng đợt 1 lý do từ đối tác Trung Quốc trùng vào dịp nghỉ lễ hội Tiết Thanh Minh 04 ngày; đồng thời Việt Nam cũng đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 xảy ra một cách khách quan, ngay tại thời điểm Công ty U phải giao hàng là không thể lường trước được, bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự. Từ đó, các bên đã thống nhất thay đổi thời gian giao hàng đợt 1 sẽ được giao cùng đợt 2 từ 25 đến 26/4/2020

[13] Công ty K cũng không có bất cứ văn bản nào phản đối việc thống nhất này của NLQ1. Trong thời gian này vào ngày 09/4/2020 NLQ1 còn đại diện tiếp 12 tục thỏa thuận thống nhất ký tiếp với Công ty U hợp đồng mua 140.000 chiếc kính bảo hộ cho Công ty TNHH TM DV T, giao hàng từ ngày 16/4/2020 đến ngày 20/4/2020. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 13/4/2020 giá của mặt hàng kính bảo hộ trên thị trường giảm giá mạnh, thì từ 14/4/2020 NLQ1 cũng như Công ty T từ chối không thực hiện hợp đồng. Cũng trong ngày 14/4/2020 ông Bùi Hoàng A, đại diện Công ty K điện thoại thông báo yêu cầu hủy hợp đồng với lý do Công ty U giao hàng trễ, trong khi đến ngày 15/4/2020 mới hết thời hạn giao hàng đợt 1. Như vậy, thực chất việc Công ty K không thực hiện hợp đồng là do việc rớt giá của mặt hàng kính bảo hộ không phải do Công ty U không có hàng giao đợt 1.

[14] Theo đơn khởi kiện của Công ty K và trình bày của đại diện hợp pháp của Công ty K trong quá trình giải quyết vụ án. Công ty K đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thực hiện việc giao hàng đợt 1 theo hợp đồng, nhưng Công ty U vẫn không thực hiện. Tuy nhiên, Công ty K lại không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho nội dung trình bày này. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện hợp pháp của Công ty K xác nhận ngày 14/4/2020 ông Bùi Hoàng A – Giám đốc Công ty K gọi điện cho Công ty U yêu cầu hủy hợp đồng với lý do Công ty U giao hàng trễ, trong khi đến ngày 15/4/2020 mới hết thời hạn giao hàng đợt 1. Như vậy, đại diện Công ty K đã biết việc Công ty U thông báo thay đổi thời gian giao hàng. Tuy nhiên, giải trình vì sao chưa hết thời hạn giao hàng đợt 1 mà Công ty K biết Công ty U không có hàng yêu cầu hủy bỏ hợp đồng trả lại tiền, thì đại diện hợp pháp Công ty K cho rằng thực tế đến ngày 21/4/2020 hàng của Công ty U mới về đến Cảng Tiên Sa nên 14/4/2020 Công ty K yêu cầu hủy bỏ, trả lại tiền cọc là đúng, còn nguồn tin nào, căn cứ nào khác để Công ty K biết mà không phải từ việc Công ty U đã trao đổi thống nhất với NLQ1 như trình bày của Công ty U thì đại diện Công ty K không chứng minh được.

[15] Đến 21/4/2020 Công ty U gửi giấy đề nghị thanh toán lần 2 cho Công ty K và thông báo cho Công ty K hàng đợt 1 + đợt 2 đã về đến Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đồng thời yêu cầu có kế hoạch nhận hàng theo cam kết hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Công ty K có Văn bản số: 2204/CVKL về việc hủy hợp đồng mua bán, yêu cầu Công ty U trả lại tiền tạm ứng và tiền phạt vi phạm hợp đồng, trong khi đến ngày 25 – 26/4/2020 mới đến hạn giao hàng theo thống nhất của hai bên. Ngày 12/5/2020, Công ty K đã có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án yêu cầu Công ty U phải trả lại tiền tạm ứng và phạt vi phạm. Như vậy, Công ty K đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn ở cả lần giao hàng thứ nhất và thứ hai của hợp đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy có đủ cơ sở nhận định Công ty K từ chối 13 thực hiện hợp đồng, không nhận hàng cho dù Công ty U đã thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng; vi phạm thỏa thuận tại Điều 2 hợp đồng mua bán, vi phạm nghĩa vụ cơ bản của bên mua theo quy định tại khoản 1 Điều 50, 55 và 56 Luật Thương mại. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Công ty K là vi phạm quy định tại Điều 310 Luật Thương mại. Do đó, Công ty U có quyền yêu cầu phạt vi phạm theo quy định tại 300, 301, có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Thương mại. Theo yêu cầu của các bên đương sự, Hội đồng xét xử đình chỉ thực hiện Hợp đồng mua bán số NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020 được ký giữa Công ty U và Công ty K.

[16] Từ những phân tích trên thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty K và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty U là không đúng. Do vậy, Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận kháng cáo của Công ty U, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn yêu cầu khởi kiện của Công ty K đối với Công ty U về yêu cầu trả lại số tiền tạm ứng đã nhận là 623.700.000 đồng và chịu phạt vi phạm hợp đồng, tương đương 8% giá trị bị vi phạm là 166.320.000đ, tổng cộng: 790.020.000đ. Đối với yêu cầu phản tố của Công ty U đã được sửa đổi một phần tại phiên tòa phúc thẩm thì thấy:

[16.1] Về Phạt vi phạm hợp đồng. Tại Điều 6 của Hợp đồng mua bán số NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020, các bên có thỏa thuận về mức phạt vi phạm tương đương 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm, phù hợp với quy định tại Điều 301 Luật Thương mại. Công ty K đã tạm ứng số tiền là 623.700.000 đồng, do đó giá trị hợp đồng bị vi phạm là 1.890.000.000 – 623.700.000 = 1.266.300.000 đồng. Công ty K phải chịu phạt vi phạm hợp đồng với số tiền là 1.266.300.000 x 8% = 101.304.000 đồng.

[16.2] Về giá trị bồi thường thiệt hại thực tế và trực tiếp do đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Theo quy định tại Điều 305 Luật Thương mại, Công ty U yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng của Công ty K gây ra; nếu không áp dụng các biện pháp đó, Công ty K có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất, Công ty U đã thanh lý toàn bộ lô hàng cho bên thứ ba, với giá trị là 115.500.000đ. Trong đó theo các Hợp đồng mua bán được ký giữa Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ T với Công ty U, cụ thể hợp đồng ngày 08/1/2021 giá trị thanh lý 100.000 kính bảo hộ là 55.000.000đ và hợp đồng ngày 29/12/2020 thanh lý 105.000 cái là 14 57.750.000đồng; Hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ T 5000 cái là 2.750.000đồng. Việc thanh lý được thực hiện có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử chấp nhận giá trị tổn thất mà Công ty U hạn chế được là 115.500.000đ. Do không chấp nhận yêu cầu trả lại tiền tạm ứng của Công ty K, đồng thời Công ty U yêu cầu khấu trừ giá trị thiệt hại với số tiền tạm ứng nên Hội đồng xét xử buộc Công ty K tiếp tục thanh toán giá trị tổn thất còn lại cho Công ty U, là (giá trị hàng hóa đợt 1 + đợt 2 với số tiền: 1.890.000.000 (chưa có VAT) – giá trị tổn thất hạn chế được: 115.500.000đ – giá trị tạm ứng của hợp đồng: 623.700.000đ) = 1.150.800.000đ là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 311 và Điều 316 Luật Thương mại.

[16.3] Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố đã được sửa đổi một phần tại phiên tòa phúc thẩm của Công ty U, buộc Công ty K phải bồi thường cho Công ty U số tiền là 1.252.104.000 đồng, trong đó: phạt vi phạm hợp đồng là 101.304.000đ và bồi thường thiệt hại với số tiền là 1.150.800.000đ. Đối với kháng cáo của Công ty U về yêu cầu buộc NLQ1 có nghĩa vụ liên đới với Công ty K bồi thường và phạt vi phạm cho Công ty U. Hợp đồng mua bán số NTU – BDB/2020 – HĐMB ngày 01/4/2020 được ký kết giữa hai pháp nhân là Công ty K và Công ty U. Cá nhân NLQ1 không phải là một bên ký kết, không có các quyền và nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng mua bán hàng hóa này. Do vậy, yêu cầu của Công ty U buộc NLQ1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng là không phù hợp với quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự nên nội dung kháng cáo này của Công ty U không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[17] Về ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tại phiên tòa phù hợp với phân tích nhận định trên của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[18] Về án phí:

[18.1] Án phí dân sự sơ thẩm:

Công ty K phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận số tiền 790.020.000đ là [20.000.000đ + (390.020.000 đ x 4%)] = 35.600.800 đồng và số tiền 1.252.104.000 đồng phải trả cho Công ty U là [36.000.000đ + (452.104.000 x 3% = 13.563.120đ)] = 49.563.120đ, theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng cộng Công ty K phải chịu án phí sơ thẩm là 85.163.920 đồng. 15 Công ty U không phải chịu án phí sơ thẩm.

[18.2] Do chấp nhận kháng cáo nên Công ty U không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[Nguồn: Bản án số 08/2021/KDTM-PT Ngày 21/6/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG]

Xem file đính kèm toàn văn Bản án số: 08/2021/KDTM-PT

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng:

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdv

Bài viết liên quan