NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, thấy rằng: – Ông H cho rằng Ông không thuê người múc đất vì đã chuyển nhượng đất cho ông T1, ông N, ông V, sự việc múc đất là do ông T1 thuê người múc, còn việc ông Ch khai Ông là người thuê ông Ch múc đất là để trốn tránh trách nhiệm của mình, thiệt hại của ông T, bà G không phải do Ông gây ra; xét thấy: Theo Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, thể hiện lô đất của ông T, bà G giáp với đất của ông N, ông V, chứ không giáp với đất của ông T1. Do đó, việc ông T1 có thuê người múc đất thì cũng không ảnh hưởng đến đất của ông T, bà G. Còn đối với phần đất của ông N, ông V tiếp giáp với đất của ông T, bà G, ông N, ông V xác định khi nhận chuyển nhượng các lô đất này từ ông H thì lô đất đã san ủi mặt bằng hoàn chỉnh, các ông không thuê người san ủi, ông H cũng thừa nhận các lô đất đã được san ủi trước khi chuyển nhượng cho ông N, ông V nhưng lại khai rằng ai san ủi thì ông H không biết; nhận thấy, với tư cách là chủ sử dụng đất, lô đất trước khi chuyển nhượng cho ông N, ông V thuộc sự quản lý của ông H nên ông H phải chịu trách nhiệm đối với các sự việc xảy ra từ lô đất của mình.
Việc ông H cho rằng ông Ch muốn trốn tránh trách nhiệm nên khai Ông là người thuê múc đất; xét thấy lập luận này của ông H là không có cơ sở vì trong vụ án hình sự tài xế xe múc đất gây tai nạn chết người, thì ngay từ đầu, ông Ch đã khai ông H là người thuê múc đất, tại thời điểm này chưa xảy ra thiệt hại tài sản của ông T, bà G, cho nên lời khai này hoàn toàn khách quan.
Ngoài ra, ông Cao Văn H còn cho rằng người thuê ông Ch múc đất là ông Dương H cũng có đất gần đó, chứ không phải Ông thuê; xét thấy, quá trình giải quyết vụ án hình sự, lời khai của các người làm chứng ông Phạm Xuân Th, anh Trần Văn Phương, anh Đặng Quốc L (bị cáo của vụ án) đều xác định hiện trường vụ án chính là lô đất thuộc quyền sử dụng của ông Cao Văn H, chứ không phải của người nào khác; đồng thời, các người làm chứng là hàng xóm liền kề đất của ông H là các ông, bà Lê Thị Dũng, Phạm Ngọc A, Trần Văn H, Lê Vinh cũng khẳng định trước đây tại thửa đất của ông Cao Văn H có việc xe múc san lấp đất gây tai nạn chết người và người thuê múc đất để san ủi mặt bằng là ông Cao Văn H, cho nên lời khai trên của ông Cao Văn H là không có căn cứ.
Như vậy, có cơ sở xác định trước khi chuyển nhượng đất cho người khác, ông H đã thuê người múc đất san lấp mặt bằng; việc Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng từ năm 2005 đến 2007, diện tích đất của ông H có nhiều người đến múc đất nhưng không rõ là ai, ai là người thuê múc, múc thời gian nào nên không có căn cứ chứng minh việc ông H múc đất gây thiệt hại cho ông T, bà G là không thỏa đáng vì tháng 9/2007, ông H mới chuyển nhượng đất cho ông V, ông N nên nếu trước đó có việc múc đất trộm xảy ra mà không xác định được ai múc thì ông H với tư cách là chủ sử dụng đất vẫn phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc múc đất gây ra như đã phân tích trên
– Về nguyên nhân sạt lở đất, gây nứt, sụt lún nhà, công trình phụ của hộ ông T, bà G:
Việc múc đất diễn ra từ trước năm 2007; đến năm 2011 thì đất bị sạt lở, gây sụt lún nhà, công trình phụ của ông T, bà G nên ông T, bà G khiếu nại và khởi kiện.
Tại bản Kết luận giám định ngày 12/12/2013 của Giám định viên tư pháp xây dựng, thể hiện qua kiểm tra xác minh thì công trình lân cận đã thi công đào đất từ năm 2007 nhưng không có biện pháp bảo vệ các công trình lân cận, ranh giới múc đất trong phạm vi đất của ông H, cách ranh giới của đất ông T 50 cm, sau hai năm bờ đất và các công trình lân cận bắt đầu sạt lở, trượt đất từ bờ đất xuống đáy hố đào (bắt đầu từ năm 2009, đỉnh điểm là mùa mưa năm 2010 và vẫn tiếp diễn đến hiện tại), hiện tại đã sạt lở hết phần chừa lại (50 cm) và sạt sâu vào phần đất của ông T từ 0 m đến 01 m; từ đó kết luận việc múc phần đất phía sau và không có biện pháp gia cố, ổn định bờ đất là nguyên nhân dẫn đến việc hư hại các hạng mục công trình xây dựng của hộ ông T
Tại bản Kết luận giám định số 3222/KLGĐ-SXD ngày 25/12/2018 của Sở xây dựng tỉnh Đắk Lắk xác định tại thời điểm kiểm tra thực tế lần 2, phần đất đã sạt lở đến trụ 2/A-C của công trình còn cách khoảng 0,3 m và có chiều hướng tiếp tục sạt lở sâu vào phần móng của công trình, việc thi công múc đi phần đất phía sau công trình mà không thực hiện các biện pháp gia cố, ổn định bờ đất là nguyên nhân dẫn đến việc hư hại các hạng mục công trình nhà ở riêng lẻ của ông Phạm Tấn T và bà Nguyễn Thị G.
Như vậy, mặc dù ông Cao Văn H kết thúc việc múc đất từ năm 2007 và bờ ranh giới múc đất nằm hoàn toàn trong diện tích đất của ông H nhưng do không có biện pháp gia cố, ổn định bờ đất nên sau hai năm bờ đất bị mưa làm sạt lở, càng ngày càng sạt lở nghiêm trọng (thực tế kiểm tra lần 2 năm 2018 thì đã sạt lở vào sâu hơn nhiều so với kiểm tra lần 1 vào năm 2013) và hiện nay việc sạt lở vẫn đang có chiều hướng tiếp tục; kết luận giám định xác định công trình nhà của ông T, bà G hư hỏng là do việc múc đất ở phía sau nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng do phía Đông lô đất của ông T có một mương nước nhỏ chảy từ N sang Bắc khi trời đổ mưa nên dẫn đến đất bị sạt lở dần theo thời gian là không có căn cứ.
– Về thời điểm xây dựng nhà của ông T, bà G:
Ông H cho rằng ông T xây nhà vào năm 2008 (sau khi kết thúc việc múc đất) và cung cấp lời khai của một số người làm chứng là hàng xóm của ông T (ông Nguyễn Nhật N, bà Huỳnh Thị L, ông Phạm Đình H, ông Trần Văn M, ông Võ N) xác định vào khoảng năm 1996, khu vực nhà ông T chỉ có nhà ván, chưa có nhà xây; 9 trong khi đó, ông T, bà G và một số người làm chứng cũng là hàng xóm của ông T, bà G (ông Trần Văn H, ông Phạm Ngọc A) khẳng định ngôi nhà của ông T và các công trình phụ đều được xây dựng từ rất lâu trước khi việc múc đất xảy ra và nhà ông T chỉ xây 1 lần từ trước đến nay; như vậy, lời khai của các người làm chứng cùng là hàng xóm của ông T, bà G có sự khác nhau về thời điểm xây dựng nhà. Xét thấy, lời khai của nhóm các người làm chứng cho rằng nhà ông T xây dựng trước khi có việc múc đất san lấp mặt bằng là có cơ sở vì phù hợp với các kết luận giám định, thể hiện ở nội dung:“việc thi công múc đi phần đất phía sau công trình mà không thực hiện các biện pháp gia cố, ổn định bờ đất là nguyên nhân dẫn đến việc hư hại các hạng mục công trình…”; qua đó, cho thấy công trình phải tồn tại trước khi có việc múc đất.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn căn cứ vào Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 10/01/2020 và kết quả đo đạc diện tích đất theo hiện trạng ngày 15/01/2020 để nhận định: “như vậy, nhà ông T, bà G xây dựng khoảng năm 2007 hoặc 2008, không có việc gia đình ông T xây nhà trước năm 2006”, là không có căn cứ bởi vì trong Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 10/01/2020 không có nội dung nêu trên; chưa kể đến Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ không phải là kết luận giám định trong lĩnh vực xây dựng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Do đó, có cơ sở xác định nhà và các công trình phụ của hộ ông T đã được xây dựng trước khi có sự việc múc đất xảy ra.
– Mặt khác, nếu cho rằng hộ ông T xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh và nhà tắm lấn sang đất của ông H nên việc ông H múc đất gây thiệt hại các tài sản trên cũng không chịu trách nhiệm bồi thường; xét thấy:
Ông H chuyển nhượng cho ông N 900 m2 và ông V 300 m2 đất nhưng thực tế diện tích đất ông N, ông V đang sử dụng là 832,4 m2 và 288,5 m2 , tổng diện tích đất bị thiếu so với nhận chuyển nhượng là 79,1 m2 ; trong khi đó, hộ ông T nhận chuyển nhượng của ông Lâm Xuân Vinh 234 m2 , thực tế sử dụng 235,9 m2 , chỉ thừa 1,9 m2 ; như vậy, ông N, ông V bị thiếu 79,1 m2 đất, còn hộ ông T chỉ thừa 1,9 m2 đất; đồng thời, qua xem xét Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 039235 ngày 10/10/2001 do UBND huyện E cấp cho ông Cao Văn H thì phía N đất ông H có ranh giới là một đường thẳng, phần diện tích đất chuyển nhượng cho anh N, anh V có ranh giới giáp với đất ông T cũng là một đường thẳng nhưng tại Bản vẽ hiện trạng sử dụng đất thực tế ngày 15/01/2020 thì ranh giới đất là đường gấp khúc bị lệch qua hướng diện tích đất của ông T, do đó việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định hộ ông T xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm lấn qua đất ông H là chưa đủ căn cứ. Hơn nữa, công trình được xây dựng từ lâu nhưng ông H không có ý kiến gì, các công trình phụ là một khối thống nhất với toàn bộ ngôi nhà, không thể tách rời đều bị nứt lún do việc múc đất nên ông H phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ công trình
– Về biện pháp khắc phục thiệt hại:
Theo kết luận giám định số 3222/KLGĐ-SXD ngày 25/12/2018 của Sở xây dựng tỉnh Đắk Lắk thì có hai phương án để ổn định bờ đất, đảm bảo khả năng sử dụng lâu dài công trình: Phương án một có giá trị là 566.142.000 đồng và Phương án hai có giá trị là 253.964.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 608 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015) trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường trong đó có cả chi phí hợp lý để hạn chế, ngăn chặn và khắc phục thiệt hại
Như vậy, khi cả hai phương án trên đều có thể khắc phục thiệt hại, thì cần phải lựa chọn phương án có giá trị thấp hơn nhằm tránh phát sinh chi phí cao trong việc bồi thường thiệt hại, mới hợp lý
Từ những phân tích trên, có cơ sở xác định trong khoảng thời gian trước năm 2007 diễn ra việc múc đất trong một thời gian dài trên diện tích đất thuộc quyền quản lý của vợ chồng ông H là người chủ sử dụng đất nên khi gây ra thiệt hại về tài sản của người khác từ việc múc đất thì vợ chồng ông H phải có trách nhiệm bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông H phải bồi thường là đúng nhưng lại áp dụng phương án một có chi phí cao hơn là không hợp lý, Tòa án cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T, bà G là không thỏa đáng. Do đó, H đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy cần sửa Bản án dân sự phúc thẩm số 29/2020/DS-PT ngày 26/2/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông T, bà G, buộc ông H, bà H1 phải bồi thường cho ông T, bà G thiệt hại đối với nhà, công trình phụ là 28.571.000 đồng và chi phi khắc phục là 253.964.000 đồng là phù hợp
Do H đồng xét xử giám đốc thẩm sửa Bản án dân sự phúc thẩm nên án phí được tính lại như sau:
– Về án phí dân sự sơ thẩm:
Ông T, bà G khởi kiện yêu cầu bồi thường tổng cộng 594.713.000 đồng (566.142.000 + 28.571.000). Số tiền được chấp nhận là 282.535.000 đồng (253.964.000 đồng + 28.571.000 đồng). Do đó, ông T, bà G phải chịu án phí đối với số tiền không được chấp nhận là 312.178.000 đồng (594.713.000 – 282.535.000 ) x 5% = 15.608.900 đồng. Được khấu trừ vào số tiền 200.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 0005170 ngày 02/12/2011 và 200.000 đồng đã nộp tạm ứng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện E theo Biên lai số AA/2013/31260 ngày 02/10/2015. Ông T, bà G còn phải nộp 15.208.900 đồng
Bị đơn là ông H, bà H1 phải chịu án phí đối với số tiền nguyên đơn khởi kiện được chấp nhận là 282.535.000 x 5% = 14.126.750 đồng. Được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 200.000 đồng đã nộp theo Biên lai số 25632 ngày 15/8/2014 và số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng đã nộp tại Biên lai số AA/20190000928 ngày 17/7/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện E, ông H, bà H1 còn phải nộp 13.626.750 đồng.
– Áp dụng Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự để tính lại chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí giám định như sau:
– Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Tại Tòa án cấp sơ thẩm chi phí hết 1.000.000 đồng (do ông T nộp); Tòa án cấp phúc thẩm chi phí hết 7.300.000 đồng (do ông H nộp). H đồng xét xử giám đốc sửa bản án dân sự phúc thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T, bà G nên ông T, bà G phải chịu chí phí định giá tài sản đối với phần yêu cầu không được chấp nhận là 4.356.853 đồng, được khấu trừ vào số tiền 1.000.000 đồng tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ mà ông T, bà G đã nộp, buộc ông T, bà G phải trả lại cho ông H, bà H1 số tiền 3.356.853 đồng. Ông H, bà H1 phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ đối với yêu cầu của ông T, bà G được chấp nhận là 3.943.146 đồng, ông H đã nộp 7. 300.000 đồng nên được khấu trừ và nhận lại 3.356.853 đồng
Về chi phí giám định: Chi phí giám định hết 38.616.000 đồng (do ông T, bà G nộp tạm ứng).
Ông T, bà G phải chịu chí phí giám định đối với phần yêu cầu không được chấp nhận là 20.270.392 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng giám định đã nộp và được nhận lại 18.345.608 đồng.
Ông H, bà H1 phải chịu chi phí giám định đối với số tiền ông T, bà G khởi kiện được chấp nhận là 18.345.608 đồng. Buộc ông H, bà H1 phải trả cho ông T, bà G số tiền chi phí giám định nêu trên (18.345.608 đồng).
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp giám đốc thẩm sửa bản án dân sự phúc thẩm nên ông Cao Văn H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, số tiền 300.000 đồng ông H đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện E theo Biên lai số AA/20190000928 ngày 17/7/2019 đã được khấu trừ vào số tiền án phí dân sự sơ thẩm phải nộp
[Nguồn: Quyết định GĐT số 36/2021/DS-GĐT ngày 05/7/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]
Xem file đính kèm toàn văn Quyết định số: 36/2021/DS-GĐT
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn