Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] Không sửa án sơ thẩm mặc dù xác định tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty không đúng nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi các bên

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] Không sửa án sơ thẩm mặc dù xác định tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty không đúng nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi các bên

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về tố tụng: Bản án sơ thẩm xác định “Tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Xi măng N (viết tắt là Công ty Xi măng) với bà Phạm Thị S là tranh chấp trong hoạt động bàn giao tài sản của công ty theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự”. Xác định quan hệ tranh chấp của Bản án sơ thẩm là không đúng vì: Công ty Cổ phần Xi măng N yêu cầu bà Phạm Thị S bồi thường thiệt hại cho Công ty số tiền: 668.887.701đồng do hành vi quản lý điều hành Công ty không đúng theo quy định của Pháp luật mà bà Phạm Thị S gây ra trong thời gian làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty từ năm 2012 đến ngày 31/01/2019; Bản án sơ thẩm cũng giải quyết nội dung yêu cầu bồi thường chứ không giải quyết tranh chấp về bàn giao tài sản như đã xác định. Vì vậy, phải xác định lại quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa Công ty và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty” theo quy định tại Điều 161 Luật doanh nghiệp năm 2014 và khoản 5 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự mới đúng. Việc xác định lại quan hệ tranh chấp này không làm ảnh hướng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự vì Bản án sơ thẩm cũng giải quyết nội dung yêu cầu bồi thường chứ không giải quyết tranh chấp về bàn giao tài sản như đã xác định.

[2] Xét kháng cáo của Công ty Cổ phần Xi măng N buộc bà Phạm Thị S phải bồi thường thiệt hại cho Công ty số tiền: 668.887.701đồng do hành vi quản lý điều hành Công ty không đúng theo quy định của Pháp luật của bà Phạm Thị S gây ra trong thời gian làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xi măng N từ năm 2012 đến ngày 31/01/2019 thì thấy:

[2.1] Nguyên đơn căn cứ vào Bản kiểm kê tài sản ngày 14/02/2019 (thời gian kiểm kê từ 14/02/2019 đến ngày 28/2/2019) thể hiện: Thiếu vật liệu, hàng hóa tổng giá trị: 1.055.902.357 đồng; thừa nguyên vật liệu: 167.614.674 đồng; bù trừ thừa thiếu còn 888.287.701 đồng để kết luận: Số tiền thiếu 888.287.701 đồng là do bà S gây ra trong thời gian Điều hành, quản lý Công ty; Tại Biên bản ngày 17/5/2019 xử lý hàng thừa, thiếu qua kiểm kê thì lấy số liệu thừa ngoài sổ sách của Bi cầu các loại (bi phế liệu tạm tính 10.000 đồng/kg) giá trị 219.400.000 đồng để trừ vào số tiền thiếu (888.287.701 đồng – 219.400.000 đồng) còn 668.887.701đồng là số tiền bà S phải bồi thường. Về số liệu thiếu, thừa ở trên thì chỉ riêng đối với số lượng Clinker Đồng Lâm thiếu 906,73 tấn, thành tiền: 778.228.596đ.

[2.2] Về việc thiếu 906,73 tấn Clinker Đồng Lâm: Bản án sơ thẩm nhận định: “Phân tích Bảng “Tổng hợp kiểm kê, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu thực tế” ngày 05/3/2019 thì thấy: Tại số TT 02: Clinker Đồng Lâm được xác định số lượng tồn cuối ngày 28/2/2019 là 2.339,96 tấn. Công ty V giám định khối lượng thực tế hiện có đến ngày 01/3/2019 là: 1.433,23 tấn. Tại mục“kiểm kê thực tế” của Bảng “Tổng hợp kiểm kê, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu thực tế” ngày 05/3/2019 xác định giá trị thực tế Clinker chênh lệch so với sổ sách: 906,73 tấn. Như vậy, Công ty Xi măng đã lấy số liệu thực tế Clinker tại thời điểm 01/3/2019 là 906,73 tấn để khấu trừ với số lượng Clinker theo sổ sách vào thời điểm 28/02/2019 nhưng không xác định được vào thời điểm 29/01/2019 (ngày bà S nghỉ hưu) là số lượng Clinker theo sổ sách là bao nhiêu tấn và thực tế còn lại bao nhiêu tấn và chênh lệch này là đưa vào sử dụng hay thất thoát. Tại Chứng thư giám định của Công ty V và bảng “Tồn kho Clinker tại thời điểm 01/3/2019” ngày 05/3/2019 đều xác định số lượng Clinker hiện có là tính đến ngày 01/3/2019. Điều này, không lý giải được từ ngày 29/01/2019 (ngày bà S nghỉ hưu) đến ngày 01/3/2019 lượng Clinker được nhập vào sổ sách và đưa vào sử dụng hay thất thoát (nếu có) là bao nhiêu. Công ty Xi măng đã lấy số liệu thực tế Clinker của ngày 01/3/2019, so sánh với số lượng Clinker theo sổ sách ngày 28/02/2019 để xác định là thất thoát ở thời điểm năm 2018 trở về trước, khi bà S còn làm Giám đốc là bất hợp lý”. Nhận định của Bản án sơ thẩm về việc thiếu 906,73 tấn Clinker Đồng Lâm nói trên là có căn cứ, đúng với trình bày của những người có liên quan trong việc quản lý, xuất, nhập nguyên liệu cụ thể như sau:

Bà Nguyễn Thị Kim N (phó phòng kiểm kê vật tư) và bà Nguyễn Thị H (thống kê phân xưởng) đều cho rằng: Nếu cho rằng có sự thất thoát vật tư thì cũng không xác định được thất thoát ở thời điểm nào, khâu nào cũng như cá nhân nào;

Bà Hồ Thị T T (thủ kho từ tháng 01/6 đến 31/12/2018) cho rằng: Trong quá trình làm việc thì hàng hóa đầu vào bên Công ty tôi đều qua cân điện tử và kết thúc kiểm kê cuối năm thì tổ chức đoàn kiểm kê cùng nhau đo đạc hàng hóa bán ra, kèm phiếu xuất kho và phiếu cân hàng. Việc thất thoát tôi không rõ nguyên nhân;

Bà Huỳnh Thị Kim L (làm việc tại phòng kế toán từ tháng 3/2014, tại thời điểm kiểm kê là Kế toán trưởng của Công ty) cho rằng: Ngày 14 tháng 02 năm 2020 ông Trần Đình T ra Quyết định số 01/QĐ/NHS, thành lập Ban kiểm kê, bầu tôi làm Trưởng ban kiểm kê để kiểm kê thực tế toàn bộ tài sản Công ty, làm cơ sở ký bàn giao giữa hai giám đốc. Ngày 05 tháng 3 năm 2020, tôi lập Bản kiểm kê với sự chỉ đạo của ông T, giá vật tư thiếu áp giá thời hiện tại còn giá của vật từ thừa hầu hết lại áp giá phế liệu. Sau khi lập Biên bản kiểm kê với số liệu thừa, thiếu nhưng tôi và Ban kiểm kê cũng chưa tham gia bất kỳ cuộc họp nào để giải trình hay trình bày ý kiến của Ban kiểm kê về số liệu trong biên bản. Mặc dù Biên bản kiểm kê với số liệu thừa, thiếu như vậy nhưng chưa được Công ty cho thẩm định hoặc điều tra chính xác của số liệu cũng như không có bất kỳ động thái nào điều tra nguyên nhân thừa, thiếu;

Bà Nguyễn Thị M là nhân viên Thống kê phân xưởng sửa chữa máy móc kiêm Trưởng Ban kiểm soát Công ty cho rằng: Thực hiện chức năng của Ban Kiểm soát, hàng năm trên cơ sở báo cáo hoạt động của từng phòng ban thuộc công ty, Ban Kiểm soát báo cáo hoạt động trong một năm của Công ty. Do đó Ban Kiểm soát cũng không đi sâu vào động của các phòng, ban. Vừa qua, theo yêu cầu của ông T, Công ty V đã tiến hành kiểm kê vật tư thì xác định có thiếu. Còn thiếu vật tư ở giai đoạn nào thì không xác định được. Việc xác định thiếu vật tư là thiếu ở bộ phận sản phẩm còn về vật tư máy móc do tôi quản lý thì không thiếu. Việc thất thoát Clinker tuy không xác định được thất thoát từ giai đoạn nào, năm nào, và thất thoát ở khâu nào, phòng ban nào nhưng theo tôi với cương vị là Giám đốc thì bà S phải có trách nhiệm về thất thoát vật tư hoặc đề nghị Tòa án xác định do bộ phận nào làm thất thoát thì có trách nhiệm bồi thường;

Ông Văn Đức T (Trưởng ban bảo vệ Công ty) trình bày: Về chức năng bảo vệ xuất, nhập hàng như sau: Mỗi lần hàng về (tức nguyên vật liệu: Clinker, đá, phụ gia) thì Ban bảo vệ ghi sổ theo dõi. Phương thức kiểm tra là cân điện tử. Khi xuất nguyên vật liệu để đưa vào sản xuất thì gồm 3 đơn vị, gồm: Thủ kho, Trưởng ca và Ban bảo vệ, do đó không thể thất thoát vật tư tại khâu bảo vệ. Ban bảo vệ, thủ kho, phòng kinh doanh, phòng vật tư đều phải tổng hợp số liệu để báo cáo tháng. Do đó, cho rằng thất thoát vật tư là không có cơ sở. Việc Công ty V kiểm tra thiếu vật tư Clinker thì thiếu hay không tôi không rõ và thiếu ở giai đoạn nào cũng không xác định được vì như tôi đã trình bày là đầu vào, đầu ra nguyên liệu đều kiểm tra chặt chẽ. Hàng năm, Đại hội cổ đông đều xác định không có thiếu vật tư và vấn đề này cũng không đưa ra tại báo cáo tháng,báo cáo năm hay Đại hội cổ đông nhưng khi bà S bàn giao cho ông T thì lại xác định thiệt hại.

[2.3] Như vậy, số lượng 906,73 tấn Clinker Đồng Lâm còn thiếu không xác định được thiếu trong thời gian nào, ở bộ phận quản lý, sử dụng nào. Trước khi Công ty V tiến hành giám định khối lượng Clinker hiện có trong kho cũng không niêm phong kho. Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm (từ năm 2012 đến hết năm 2018) được Đại hội cổ đông thông qua cũng không thể hiện số lượng vật tư thừa, thiếu. Các cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị (trong đó có ông T) cũng chưa khi nào yêu cầu phải kiểm toán lại các báo cáo tài chính trong giai đoạn từ khi bà S làm Giám đốc cho đến khi bà S nghỉ hưu. Công ty cũng không chứng minh cụ thể được bà S trong thời gian điều hành công ty đã vi phạm các quy định tại Điều 160 và khoản 1 Điều 161 Luật doanh nghiệp năm 2014.

[2.4] Đối với các loại vật tư, tài sản khác khi kiểm kê còn thiếu cụ thể là: vỏ bao xi măng: 5.111 cái; bao Jumbo: 40 cái; bao ni lông loại 3kg: 1.875 cái; bi cầu các loại: 8.736 kg; bộ ấm chén: 110 bộ; bộ ấm trà: 90 bộ thì cũng không thể buộc bà S phải chịu trách nhiệm được vì: Bà S không phải là người trực tiếp quản lý, bảo quản các loại vật tư, tài sản này mà phải có người trực tiếp quản lý, bảo quản, có loại tài sản có thời hạn sử dụng cụ thể. Sau khi kiểm kê cho rằng thiếu các loại vật tư, tài sản với số lượng cụ thể như trên, nhưng Giám đốc công ty chưa xác định ai là người có trách nhiệm quản lý, ai là người được giao bảo quản, sử dụng các tài sản trên mà lại quy trách nhiệm cho Giám đốc cũ là không có căn cứ.

[3] Về trình tự tiến hành xử lý tài sản được xác định là thất thoát: Bản án sơ thẩm cũng nhận định:

Tại “Biên bản về việc họp xử lý thiệt hại trong quản lý” ngày 28 tháng 6 năm 2019 (bl 42, 87) bà S cam đoan trả 02 tháng lương là được thư ký ghi tại biên bản nhưng ở phần cuối biên bản, bà S bảo lưu vấn đề tồn kho, 219 triệu tiền bi, 966 tấn xi măng chưa tính chiết khấu tiêu hao và bà S có nêu ý kiến là nếu Công ty Xi măng không thống nhất thì đưa ra Tòa án giải quyết. Do đó Công ty Xi măng cho rằng tại biên bản này, bà S đồng ý bồi thường hoặc căn cứ vào nội dung biên bản này để buộc bà S bồi thường thất thoát là không có cơ sở. Việc thất thoát tài sản công ty không chỉ đơn thuần là ý kiến của các bên theo biên bản họp xử lý thiệt hại ngày 28 tháng 6 năm 2009 mà lãnh đạo Công ty Xi măng phải tiến hành theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định và theo Điều lệ công ty, đó là:

Theo quy định tại Điểm 8.2, Điều 8, Quy chế Quản lý Tài chính của Công ty Xi măng ban hành tháng 4 năm 2018, thì: “Khi xảy ra tổn thất tài sản (tài sản bị mất mát, thiếu hụt….) Công ty phải thành lập Hội đồng xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất, lập phương án xử lý kịp thời báo cáo Hội đồng Quản trị”. Như vậy, trong trường hợp này, bắt buộc Công ty Xi măng phải thành lập Hội đồng để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất nhưng Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát giao quyền cho ông Trần Đình T Giám đốc, thay mặt Hội đồng Quản trị giải quyết tranh chấp với  bà S là không khách quan, không phù hợp. Mặt khác, sau khi lập biên bản xử lý thiệt hại ngày 28/6/2019, bà S liên tục có đơn (bl 127) yêu cầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát Công ty xi măng làm rõ số liệu thiếu, thừa vật tư và nguyên nhân thất thoát vật tư, đồng thời tổ chức họp cổ đông để giải quyết những vấn đề thừa, thiếu nguyên liệu nhưng Ban kiểm soát xác định là “đọc đơn cùng nhau nghe” và xác định nguyên nhân thiếu hụt nằm ngoài khả năng của Ban kiểm soát (bl 117). Tại văn bản ngày 21 tháng 6 năm 2019 (bl 223) gửi cho bà S, thay mặt Ban kiểm soát, bà Nguyễn Thị M xác định là Hội đồng Quản trị thống nhất 100% nội dung là“giao cho ông Trần Đình T, Giám đốc Công ty thay mặt Hội đồng Quản trị giải quyết theo biên bản bàn giao giữa 02 giám đốc vào ngày 17/5/2019”, là trái với chức năng, nhiệm vụ “Giám sát, chỉ đạo Giám đốc…trong điều hành công việc kinh doanh” của Hội đồng Quản trị quy định tại điểm k, khoản 1 Điều 149 Luật doanh nghiệp và trái với chức năng, nhiệm vụ của Ban Kiểm soát theo quy định tại Điều 60 Điều lệ Công ty và Điều 165 Luật Doanh nghiệp, là “Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng Quản trị, Giám đốc trong điều hành công việc kinh doanh”. Nhận định của Bản án sơ thẩm là đúng với quy định tại các Điều 149, Điều 165 Luật doanh nghiệp; Điều 60 Điều lệ Công ty và Điều 8, Quy chế Quản lý Tài chính của Công ty Xi măng N.

[3] Từ những nhận định trên, có căn cứ để khẳng định Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2021/KSTM-ST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Xi măng N về việc buộc bà Phạm Thị S phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần Xi măng N số tiền: 668.887.701đồng là có căn cứ, đúng với các quy định của Luật doanh nghiệp và quy định trong Điều lệ của Công ty Cổ phần Xi măng N. Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty Cổ phần Xi măng N kháng cáo nhưng không có chứng cứ nào mới nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần Xi măng N; giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2021/KSTM-ST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

[4] Do kháng cáo không được chấp nhận nên theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án thì Công ty cổ phần Công ty Cổ phần Xi măng N phải chịu 2.000.000 đồng án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm.

[Nguồn: Bản án số 04/2022/KDTM-PT Ngày 22/02/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]

Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:

📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn

♥️ Fanpage and Group:

https://www.facebook.com/fdvnlawfirm

https://www.facebook.com/lawyersindanang

https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat

https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam

🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Xem file đính kèm toàn văn Quyết định: 04/2022/KDTM-PT

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online