Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] Không chấp nhận yêu cầu buộc chấm dứt hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ vì hành vi (nếu có) đã chấm dứt và tên thương mại không xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn

NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] Không chấp nhận yêu cầu buộc chấm dứt hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ vì hành vi (nếu có) đã chấm dứt và tên thương mại không xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn:

[2.1] Đối với yêu cầu buộc Công ty F phải chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu “MEKONG, hình” thuộc quyền sở hữu của Công ty M:

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện, tại thời điểm khởi kiện vụ án ngày 13/11/2017 thì nguyên đơn chỉ cung cấp chứng cứ là hình ảnh chụp từ trang web http://goldfoods.vn có hình chai nước mắm có nhãn hiệu Mekong Foods, ngoài ra không có tài liệu nào khác cũng như không cung cấp được lịch sử các dữ liệu thông tin mà bị đơn đã đăng trên trang web  http://goldfoods.vn; chai nước mắm trong thực tế, các bảng quảng cáo, tiếp thị… Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đã trình bày: hồ sơ yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ giám định sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu gắn trên sản phẩm của Công ty F chỉ là hình ảnh chụp từ trang web http://goldfoods.vn; dữ liệu thông tin lưu trữ từ trang điện tử khác, không phải từ chính trang web http://goldfoods.vn của bị đơn.

Trong quá trình Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án, trên trang web  http://goldfoods.vn của bị đơn không có đăng hình ảnh quảng cáo cũng như sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm có hình ảnh, nhãn hiệu như nguyên đơn cung cấp. Nguyên đơn cũng thừa nhận tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện bị đơn cũng như cho đến thời điểm hiện tại thì trang web http://goldfoods.vn của bị đơn đã không còn hình ảnh quảng cáo về sản phẩm có dán nhãn hiệu “MEKONG FOODS”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bị đơn đã chấm dứt hành vi quảng cáo sản phẩm, xâm phạm nhãn hiệu “MEKONG, hình” thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn.

Do vậy việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải chấm dứt hành vi quảng cáo sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu “MEKONG, hình” thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn được đăng ký bảo hộ hợp pháp trong khi bị đơn không có sử dụng hình ảnh, không sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm có nhãn hiệu “MEKONG FOODS”, kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2.2] Về yêu cầu cho rằng tên thương mại của Công ty F đã xâm phạm nhãn hiệu của Công ty M theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ:

Tại văn bản trả lời ý kiến chuyên môn về nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ số: 11162/SHTT-TTKN ngày 09/10/2018 về việc cung cấp ý kiến chuyên môn theo Quyết định cung cấp chứng cứ của Tòa án số 574/2017/QĐ-CCTLCC ngày 29/6/2017 đã xác định: Tên doanh nghiệp đăng ký là Công ty F có thành phần tên riêng “MEKONG” trùng với phần chữ hiệu “MEKONG” trên nhãn hiệu nên tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MEKONG, hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 96121 ngày 19/2/2008 của Công ty M.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận thấy cụm từ MEKONG là danh từ quốc tế, phổ biến trên thế giới, được các doanh nghiệp trong khối ASEAN sử dụng; mặt khác đối chiếu nhãn hiệu đăng ký “MEKONG FOODS, hình” và logo của Công ty F có khả năng phân biệt rõ ràng với nhãn hiệu và logo của Công ty M.

Bên cạnh đó, Công ty F đặt tên thương mại đúng theo quy định của pháp luật và được Sở kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0313689980 ngày 10/3/2016, hiện nay giấy phép này chưa bị thu hồi, không có vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nên việc bị đơn sử dụng tên thương mại nói trên là hợp pháp. Nhìn hình ảnh khách quan, trên thực tế, cho thấy: Tên thương mại là Logo của Công ty F có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh không trùng cũng như không gây nhầm lẫn với tên Công ty M, hoàn toàn phù hợp quy định tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về khả năng phân biệt của tên thương mại.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi sử dụng nhãn hiệu thì sử dụng tên thương mại không phải là hành vi sử dụng nhãn hiệu. Do vậy, việc Công ty M cho rằng Công ty F sử dụng tên thương mại là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ để khởi kiện yêu cầu buộc Công ty F phải thay đổi tên thương mại đảm bảo không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty M là không có căn cứ nên không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có cơ sở, đúng pháp luật.

[2.3] Về yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả chi phí cho việc thuê giám định sở hữu công nghiệp và chi phí thuê luật sư tư vấn pháp lý:

Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận nên yêu cầu buộc bị đơn trả chi phí thuê luật sư tư vấn pháp lý của nguyên đơn cũng không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận. Riêng về chi phí thuê giám định sở hữu công nghiệp thì do Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thực hiện giám định theo yêu cầu của nguyên đơn và được thực hiện trước khi nguyên đơn khởi kiện đến Tòa án chứ không theo thủ tục về trưng cầu giám định được quy định tại Điều 102 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 nên khoản tiền mà nguyên đơn cho rằng đã chi phí cho việc giám định không được xác định là chi phí tố tụng. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 163 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định để không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới ngoài những tài liệu, chứng cứ được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo; quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát phù hợp một phần nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[3] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên Nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm.

[Nguồn: Quyết đinh GĐT số 12/2022/KDTM-PT Ngày 28/02/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]

Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:

📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn

♥️ Fanpage and Group:

https://www.facebook.com/fdvnlawfirm

https://www.facebook.com/lawyersindanang

https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat

https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam

🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Xem file đính kèm toàn văn Quyết định: 12/2022/KDTM-PT

Bài viết liên quan