Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giải quyết không đúng đường lối

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giải quyết không đúng đường lối

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến và quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

* Về tố tụng:

[1]. Người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của bị đơn vắng mặt, có đơn xin hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, đây là phiên Tòa lần thứ hai, người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của bị đơn xin hoãn phiên tòa nhưng không có lý do do trở ngại khách quan, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2]. Tại Đơn đề nghị ghi ngày 17/6/2018 của ông P có trình bày: “Trước khi chung sống cùng bà Nguyễn Thị L3 thì ông T có chung sống với người vợ trước là bà T6 và có 01 người con chung với bà T6 tên là O”. Tại Thông báo về việc thụ lý vụ án (bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) số: 40/TB-TLVA ngày 10/6/2020, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông báo đưa bà Nguyễn Thị T7 và chị Nguyễn Thị O1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nhưng sau đó không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ để xác định bà T7 và chị O1 có quan hệ như thế nào với bị đơn ông T, Bản án sơ thẩm không xác định tư cách tố tụng của bà T7 và chị O1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T. Nội dung trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ (Bút lục 561) và yêu cầu tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập là thiếu sót.

[3]. Nguyên đơn đề nghị chia thừa kế đối với diện tích đất 484,3m2, thửa đất số 674, tờ bản đồ số 56 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: Đ061260 ngày 29/11/2004 UBND thị xã T cấp cho ông Nguyễn Văn T thửa đất số 674, tờ bản đồ số 56, có diện tích 290,4m². Nhưng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: BL944449 ngày 24/6/2013 UBND thị xã T cấp cho hộ ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L3 cùng 01 thửa đất nêu trên nhưng có diện tích 290,4m² (giảm 193,4m²), nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ nguyên nhân giảm diện tích.

[4]. Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: BL944449 ngày 24/6/2013 cấp cho ông T và bà L3 có thể hiện đường đi có chiều ngang 1,6m. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ diện tích đường đi này có nằm trong phần diện tích đất 484,3m² nguyên đơn đang yêu cầu chia thừa kế hay không? Trường hợp nằm trong diện tích đất đang tranh chấp thì đưa những hộ gia đình đang sử dụng đường đi này vào tham gia tố tụng.

[5]. Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành đo đạc, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất 484,3m2, thửa đất số 674, tờ bản đồ số 56, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: Đ061260 ngày 29/11/2004 UBND thị xã T cấp cho ông Nguyễn Văn T, nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế. Chỉ tiến hành đo đạc, thẩm định tại chỗ đối với 290,4m² thửa đất số 674, tờ bản đồ số 56 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: BL944449, ngày 24/6/2013 UBND thị xã T cấp cho hộ ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị L3.

[6]. Tại Biên bản lấy lời khai (Bút lục 73) bà Nguyễn Thị C (chị gái của ông T) có trình bày: Bà C đã được ông T chia đất cho, sau đó bà C đã cho con gái là chị Nguyễn Thị L2, chị L2 đã được cấp GCNQSDĐ. Ông P yêu cầu hủy GCNQSDĐ của chị L2 đã được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý (Bút lục 220, 230). Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu hồ sơ cấp GCNQSDĐ bị yêu cầu hủy để làm rõ diện tích ông ông T chia cho bà C có nằm trong diện tích đất 484,3m² nguyên đơn đang yêu cầu chia thừa kế hay không, để xem xét bà C có được hưởng thừa kế đối với diện tích đất 484,3m2 ông P đang yêu cầu chia thừa kế nữa không.

* Về nội dung:

[7]. Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ Nguyễn Văn T4 và cụ Nguyễn Thị T5 có 04 người con, gồm: Bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị G, ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Văn P. Di sản thừa kế 02 cụ để lại là diện tích đất 484,3m2 tọa lạc tại khu phố H, phường L, thành phố T, tỉnh Bình Dương là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định: Khu đất của cụ T4 và cụ T5 được chia làm 04 phần: ông P, bà C mỗi người 01 phần tương đương diện tích 120m2 đất, ông T được 02 phần (trong đó có 01 phần của bà G cho), nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chia cho ông P 01 phần có diện tích 50.2m² đất nhưng không nêu rõ loại đất gì và buộc ông T, bà L3 có nghĩa vụ thanh toán cho ông P bằng giá trị là 602.400.000 đồng là không đảm bảo 01 kỳ phần thừa kế mà ông P được hưởng. Bởi lẽ, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: Đ061260 ngày 29/11/2004 UBND thị xã T cấp cho ông Nguyễn Văn T (Bút lục 457) có tổng diện tích đất 484,3m2, trong đó có 160m2 đất thổ cư và 324,3m2 đất vườn. Căn cứ vào Biên bản định giá tài sản ngày 23/8/2023 (Bút lục 492), trị giá đất thổ cư là 25.000.000đ/m2; đất vườn 16.000.000đ/m2. Cụ thể: 160m2 đất thổ cư x 25.000.000đ/m2 = 4.000.000.000₫; 324,3m2 đất vườn x 16.000.000đ/m2 = 9.188.800.000₫: 4 phần = 1.837.760.000đ/phần. 5.188.800.000₫. Tổng giá trị:

[8]. Bà G là người được chia 01 kỳ phần thừa kế, nhưng hiện nay bà G đang sinh sống ở Hoa kỳ, Tòa án cấp sơ thẩm đã ủy thác để bà G tham gia tố tụng nhưng không có kết quả. Theo Án lệ số: 06/2016/AL thì khi chia di sản thừa kế của cụ T4 và cụ T5, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải chia thừa kế cho bà G và tạm giao kỷ phần thừa kế của bà G được chia cho các đồng thừa kế trong nước quản lý để sau này giao trả lại cho bà G. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản hòa giải thành ngày 03/4/2005 để xác định bà G đã cho ông T được hưởng kỳ phần thừa kế của bà G, nhưng Biên bản hòa giải nêu trên không có mặt bà G tham gia, không có chữ ký của bà G (chỉ có ông T, bà C và ông P) là không có căn cứ.

[9]. Tuy ông T là người quản lý di sản thừa kế, nhưng ông T cũng là người được hưởng thừa kế nên trong phần quyết định của bản án cũng phải tuyên ông T được chia thừa kế bao nhiêu và có phải chịu án phí đối với phần tài sản được chia thừa kế hay không, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ quyết định chia thừa kế cho một mình ông P.

[10]. Vợ chồng ông T, bà L3 ở chung nhà với cụ T5 và cụ T4 trên diện tích đất tranh chấp từ năm 1981 cho đến nay, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét công sức đóng góp của ông T và bà L3, là không phù hợp với Án lệ số: 05/2016/AL.

[11]. Biên bản hòa giải thành ngày 03/4/2005 (Bút lục 12), các đương sự xác định 484,3m2 tọa lạc tại khu phố H, phường L, thành phố T, tỉnh Bình Dương là di sản do cụ T4 và cụ T5 để lại, chia thành 04 phần cho bà G, ông T, bà C và ông P mỗi người được 120m2. Ngày 30/11/2013, vợ chồng ông T, bà L3 đến Văn phòng C2 (nay đổi tên thành Văn phòng Công chứng T8) ký Hợp đồng CNQSDĐ diện tích đất 118,7m2 (trong tổng diện tích đất 484,3m2 thỏa thuận chia thừa kế) cho bà Nguyễn Thị Kim T2. Xét Hợp đồng chuyển nhượng này ông T và bà L3 ký trước khi ông P khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, mặt khác ông T và bà L3 chỉ chuyển nhượng cho bà T2 diện tích đất trong phạm vi 120m2 có thỏa thuận chia trong Biên bản hòa giải nêu trên, nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông P đề nghị hủy Hợp đồng này là có căn cứ.

[12]. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng CNQSDĐ ngày 20/5/2014 được Văn phòng C2 công chứng, vợ chồng ông T, bà L3 ký chuyển nhượng diện tích đất 22,5m2 cho bà T2 (vợ ông G1); Hợp đồng tặng cho QSDĐ ngày 14/8/2014, được Văn phòng C2 công chứng, ông T tặng cho bà L3 diện tích đất 130,1m2; Hợp đồng CNQSDĐ ngày 04/4/2016 được Văn phòng C2, bà L3 ký chuyển nhượng diện tích đất 130,1m2 cho ông Bạch Văn G1. Đây là các giao dịch dân sự trái pháp luật, bởi lẽ, các Hợp đồng trên được ký kết sau ngày Tòa án thụ lý để giải quyết tranh chấp (Bút lục 138, 143), là vi phạm điểm b khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 128 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Mặt khác, ông T và bà L3 không có quyền định đoạt phần thừa kế của các đồng thừa kế khác. Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, các giao dịch nêu trên được ký kết và thực hiện trước ngày ngày 01/01/2017), nên áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết (điểm c khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015). Tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu mà tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Đối chiếu với quy định này thì các giao dịch trên bị vô hiệu, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn tuyên các giao dịch này bị vô hiệu và không tuyên hủy các GCNQSDĐ đã cấp đối với các diện tích đất nêu trên là không có căn cứ (Công văn giải đáp số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của TANDTC).

[13]. Việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định là người thứ ba ngay tình nên không bị vô hiệu là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã viện dẫn trên.

[14]. Do, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về xác minh, thu thập chứng cứ, không đưa người tham gia tố tụng đầy đủ, giải quyết không đúng đường lối mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết lại theo thủ tục chung.

[15]. Tiền tạm ứng án phí và tạm ứng chi phí tố tụng khác sẽ được xem xét khi Tòa án giải quyết lại vụ án.

[16]. Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đề nghị huỷ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại là có căn cứ chấp nhận.

[17]. Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn kháng cáo, nhưng do bản án bị hủy để giải quyết lại nên nguyên đơn không phải chịu.

[Nguồn: Bản án số 380/2024/DS-PT ngày 30/5/2024 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]

Xem file đính kèm toàn văn Bản án số: 380/2024/DS-PT

…………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2, Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan