NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định khoảng 05 giờ 35 phút ngày 23/3/2017, ông Nguyễn Đình Tr là lái xe theo Hợp đồng lao động thời vụ với Công ty S điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 79A-101.80 của Công ty S lưu thông trên đường Trần Phú, thành phố N đến khu vực đối diện cổng Viện Paster số 30 Trần Phú thì gây ra tai nạn cho ông Trần Văn Q đang điều khiển xe đạp đi cùng chiều phía trước, làm ông Q bị thương phải đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu điều trị đến ngày 05/4/2017 mới xuất viện. Trích xuất hình ảnh camera thời điểm xảy ra tai nạn thì Thanh tra giao thông và Công ty S thống nhất xác định tai nạn xảy ra hoàn toàn thuộc lỗi của lái xe Nguyễn Đinh Tr.
[2] Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 157/Tgt của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận: tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của ông Trần Văn Q hiện tại là 31%. Tại Giấy chứng nhận thương tích do Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 17/5/2017 xác định tình trạng lúc vào viện: Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được. Rách da đầu # 03 cm; đau và hạn chế vận động vai (T); vết thương bàn chân (T) # 02 cm; vết thương phức tạp vùng môi dưới # 02cm; mất răng R12, 11, 21, 22; vết thương niêm mạc nướu từ R13-R23 #05 cm, gãy vụn vùng xương Ỏ; XQ: gãy đầu xa ngón IV xương bàn chân (T), chưa thấy tổn thương khớp vai (T). CTS can: gãy xương hàm trên khẩu cái phía trước. Tình trạng thương tích lúc ra viện: ổn định, cấp đơn, tái khám. Ngày 05/12/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố N ban hành quyết định số 2017/CSĐT-HS về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.
[3] Ngày 11/4/2018, ông Q có Đơn khởi kiện yêu cầu ông Tr và Công ty S liên đới bồi thường các khoản: tiền thuốc điều trị tại bệnh viện 4.875.345 đồng; tiền thuốc theo toa 130.000 đồng; tiền mua nẹp bó bàn chân vì xương bị rạn nứt 500.000 đồng; tiền mua nạng gỗ 200.000 đồng; tiền sửa xe đạp bị gãy 1.000.000 đồng; tiền mất thu nhập trong thời gian điều trị 10 tháng, mỗi tháng 3.000.000 đồng; tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị 10.000.000 đồng; điện thoại di động Lenovo A350 bị mất giá 3.500.000 đồng; áo khoác bị rách không sử dụng được giá 250.000 đồng, quần dài bị rách không sử dụng được giá 300.000 đồng, đôi giày thể thao bị mất giá 300.000 đồng; chi phí dự kiến phục hồi 06 chiếc răng bị gãy 78.000.000 đồng, chi phí dự kiến phục hồi 02 răng bị lún 10.000.000 đồng và chỉ phí dự kiến phục hồi môi dưới bị rách 10.000.000 đồng; tổn thất tinh thần 20.000.000 đồng; tổng cộng yêu cầu bồi thưởng 169.055.345 đồng.
Các khoản tiền mà ông Q yêu cầu bồi thường, được Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận như sau:
[4] Ông Q yêu cầu bồi thưởng tiền thuốc điều trị tại bệnh viện 4.875.345 đồng, tiền thuốc theo toa 130.000 đồng, tiền mua nẹp bỏ bàn chân vì xương bị rạn nút 500.000 đồng, tiền mua nạng gỗ 200.000 đồng; tiền sửa xe đạp bị gãy không sử dụng được 1.000.000 đồng; các khoản này Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều chấp nhận.
[5] Ông Q yêu cầu bồi thưởng điện thoại di động Lenovo A350 bị mất giá 3.500.000 đồng; áo khoác bị rách không sử dụng được giá 250.000 đồng, quần dài bị rách không sử dụng được giá 300.000 đồng, đôi giày thể thao bị mất giá 300.000 đồng: Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận các khoản này; Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận tiền áo khoác bị rách không sử dụng được 250.000 đồng, tiền quần dài bị rách không sử dụng được 300.000 đồng, tiền mất đôi giầy thể theo 300.000 đồng, không chấp nhận yêu cầu bồi thưởng điện thoại di động Lenovo A350 bị mất giá 3.500.000 đồng.
[6] Ông Q yêu cầu bồi thường mất thu nhập trong thời gian điều trị 10 tháng, mỗi tháng 3.000.000 đồng, thành tiền 30.000.000 đồng; tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị 10.000.000 đồng: Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Q không có tài liệu, chứng cứ chứng minh khoản tiền mất thu nhập nên không chấp nhận, chấp nhận tiền bồi dưỡng 5.000.000 đồng như đồng ý của Công ty S; Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận mất thu nhập trong thời gian điều trị 2 tháng, mỗi tháng 3.000.000 đồng, thành tiền 6.000.000 đồng và 5.000.000 đồng tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị.
[7] Ông Q yêu cầu bồi thường chi phí dự kiến phục hồi 06 chiếc răng bị gãy 78.000.000 đồng, chi phí dự kiến phục hồi 02 răng bị lún 10.000.000 đồng và chỉ phi dự kiến phục hồi môi dưới bị rách 10.000.000 đồng: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận chi phí dự kiến phục hồi 6 răng bị gãy 18.000.000 đồng, chi phí dự kiến phục hồi 2 răng bị lún 2.000.000 đồng, chi phí dự kiến phục hồi môi dưới bị rách 5.000.000 đồng; Tòa án cấp phúc thẩm nhận định các chi phí này chưa xảy ra nên không chấp nhận.
[8] Ông Q yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần 20.000.000 đồng: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều chấp nhận khoản tiền 20.000.000 đồng ông Q) yêu cầu.
[9] Tổng các khoản tiền Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là 56.705.345 đồng (nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cộng nhầm thành 59.705.345 đồng, trừ 1.800.000 đồng ông Tr đã bồi thường trước còn lại buộc bồi thường 57.905.345 đồng). Tổng các khoản tiền Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận là 38.555.345 đồng.
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy:
[10] Xét, yêu cầu của ông Q yêu cầu bồi thưởng điện thoại di động hiệu Lenovo A350 bị mất giá 3.500.000 đồng thấy: trước khi bị tai nạn ông Q là kỹ sư làm việc tại Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa nên việc ông Q khai ông sử dụng điện thoại di động hiệu Lenovo A350 giá 3.500.000 đồng là phù hợp thực tế và trong tình trạng bị đa chấn thương, tỷ lệ tổn thương cơ thể lúc bị tai nạn 31% nên việc ông Q khai mất, yêu cầu bồi thường giá trị điện thoại Lenovo A350 giả 3.500.000 đồng là có cơ sở; do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng ông Q không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh nên không chấp nhận là không phù hợp với thực tế.
[11] Xét yêu cầu của ông Q yêu cầu bồi thưởng thu nhập trong thời gian điều trị 10 tháng, mỗi tháng 3.000.000 đồng, thành tiền 30.000.000 đồng và tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị 10.000.000 đồng, cấp giám đốc thẩm xét thấy, tại Giấy ra viện ngày 05/4/2017 ghi ông Q nhập viện ngày 23/3/2017, ra viện ngày 05/4/2017. Tại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ngày 11/04/2017 ghi ông Q nghỉ 10 ngày từ 11/04/2017 đến 20/4/2017, được hưởng bảo hiểm xã hội. Tại Quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc số 18/QĐ-TTPTQĐ ngày 26/4/2017 ghi đã trả lương cho ông Q đến hết ngày 30/4/2017. Mục II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định: “Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại”. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm ông Q đều trình bày Ông là Kỹ sư, làm việc tại Trung tâm phát triển quỹ đất, lương 3.000.000 đồng tháng, tại nạn xảy ra, Ông phải bỏ bột 01 tháng, răng bị gãy, môi dưới bị rách nên không nói được, do đó không thể đi xin việc phải nghỉ 10 tháng ở nhà bình phục một phần sức khỏe. Lẽ ra, với các tài liệu, chứng cứ nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải xác minh, làm rõ lương của ông Q tại Trung tâm phát triển quỹ đất là bao nhiêu? sau khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ông Q có khả năng lao động hay không? ông Q điều trị tại nhà thời gian bao lâu? khi nào ông Q xin được việc làm ở nơi khác? từ đó xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập vả tiền bồi dưỡng (nếu phải điều trị dài ngày thì 10.000.000 đồng tiền bồi dưỡng ông Q yêu cầu là phù hợp) cho ông Q mới đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho ông Q. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Q không có tài liệu, chứng cứ chứng minh khoản tiền mất thu nhập nên không chấp nhận, chấp nhận tiền bồi dưỡng 5.000.000 đồng như đồng ý của Công ty S tại phiên tòa sơ thẩm; còn Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận mất thu nhập trong thời gian điều trị 2 tháng, mỗi tháng 3.000.000 đồng, thành tiền 6.000.000 đồng và 5.000.000 đồng tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị là không đúng pháp luật, chưa đủ cơ sở, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của ông Q.
[12] Xét yêu cầu của ông Q yêu cầu bồi thường chỉ phí dự kiến phục hồi 06 chiếc răng bị gãy 78.000.000 đồng, chi phí dự kiến phục hồi 02 răng bị lún 10.000.000 đồng và chi phí dự kiến phục hồi môi dưới bị rách 10.000.000 đồng, cấp giảm đốc thẩm xét thấy: [12.1]. Thực tế, chi phí thay răng gãy, phục hồi răng lún và phục hồi môi dưới bị rách…vv là rất cao và phải ứng trước khi thực hiện, trong khi trước khi bị tai nạn ông Q chỉ hưởng mức lương 3.000.000 đồng/ tháng và quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty S đồng ý bồi thường cho ông Q 06 răng bị gãy 18.000.000 đồng, 02 răng bị lún 2.000.000 đồng, phục hồi môi dưới bị rách 5.000.000 đồng; [12.2]. Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Phần I quy định: “… 2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại: 2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thưởng và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. 2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý: a) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tin bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tưởng ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đỏ. b) Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự”; [12.3]. Vì các lý do trên, cấp giám đốc thẩm xét việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định mới chỉ là chi phí dự kiến chưa xảy ra, không phải là thiệt hại thực tế và chưa đủ điều kiện khởi kiện nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận như đồng ý của Công ty S là vi phạm nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 nên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết phần yêu cầu này, là không đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, còn nhận định chưa đủ điều kiện khởi kiện là không đúng quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; lẽ ra, trong vụ án này, Tòa án cấp phúc thẩm cần yêu cầu ông Q cung cấp Bảng báo giá chi phí thực hiện thay răng gãy, phục hồi răng lún và phục hồi môi dưới bị rách, cần thiết xác minh tại các Cơ sở y tế để quyết định, ít nhất cũng bằng số tiền Công ty S đã đồng ý đền bù, như vậy, mới đảm bảo nguyên tắc giải quyết “Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời….” theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP.
Vì các lẽ trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 71/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 27/5/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là có căn cứ nên chấp nhận;
[Nguồn: Quyết định GĐT số 65/2021/DS-GĐT Ngày 08/9/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Quyết định GĐT: 65/2021/DS-GĐT