NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Cụ Nguyễn Bá T2 và cụ Trịnh Thị S1 có 06 người con là bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị Th, bà Nguyễn Thị Kim Ch và bà Nguyễn Thị D. Trong quá trình Ch sống, cụ T2 và cụ S1 ở tại ngôi nhà gỗ trên thửa đất đang tranh chấp có nguồn gốc nhà đất do cha ông để lại. Năm 1972, cụ Nguyễn Bá T2 chết, không để lại di chúc. Năm 1975 cụ S1 bán ngôi nhà gỗ và xây dựng mới ngôi nhà ngói 4 gian có diện tích 54,96m2 và một số công trình phụ khác. Năm 1984, được sự đồng ý của cụ S1 thì vợ chồng bà Nguyễn Thị K và ông Trịnh Quang S xây căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 39,39 m2; sau đó vợ chồng ông S, bà K cho vợ chồng anh Trịnh Quang L, rồi vợ chồng anh Trịnh Quang Đ quản lý, sử dụng.
Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận quyền sử dụng thửa đất số 93, tờ bản đồ số 35 tại thôn Th, xã V, huyện V, Bắc Giang diện tích 193,8 m2 là tài sản Ch của cụ S1 và cụ T2 là có căn cứ, đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ quyền sử dụng đất là di sản của cụ S1 là không đúng pháp luật.
[2] Ngày 31/3/1986, cụ S1 lập “Văn bản giao nhà đất ở cho con”, có Ủy ban nhân dân xã V chứng thực ngày 03/4/1986, có nội dung: nhà đất làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Ngày 15/01/1987 cụ S1 lập “Đơn di chúc, Giấy sang tên đất và nhà ở” có nội dung để lại 4 gian nhà ngói cùng toàn bộ thửa đất diện tích 193,8m2 đất cho bà Nguyễn Thị D được toàn quyền sở hữu để thờ cúng tổ tiên. Di chúc được Trưởng thôn Th xác nhận ngày 20/01/1992. Ủy ban nhân dân xã V xác nhận nhưng không ghi ngày, tháng, năm xác nhận.
Ngày 31/12/2014 Ủy ban nhân dân huyện V đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số seri BX 307738 và số vào sổ CH 00291 cho bà Nguyễn Thị D đối với thửa đất số 93, tờ bản đồ số 35 tại thôn Th, xã V, huyện V, tỉnh Bắc Giang diện tích 193,8 m2.
Các nguyên đơn yêu cầu chia đều tài sản của cụ T2 và cụ S1 để lại gồm ngôi nhà 04 gian và 193,8 m2 đất nêu trên, yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà D (tại phiên tòa sơ thẩm thì các nguyên đơn rút yêu cầu hủy Giấy chứng nhận đã cấp cho bà D).
Bị đơn là bà Nguyễn Thị D không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu được hưởng toàn bộ di sản theo di chúc năm 1987 của cụ S1.
Về “Đơn di chúc, Giấy sang tên đất và nhà ở” đề ngày 15/1/1987 thì các nguyên đơn không công nhận là hợp pháp và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Bị đơn yêu cầu chia thừa kế theo tài liệu này.
Xét thấy văn bản có tiêu đề “Đơn di chúc, Giấy sang tên đất và nhà ở” ngày 15/01/1987 thể hiện nội dung: cụ S1 “chính thức sang tên cho con gái út của chúng tôi là Nguyễn Thị D từ nay có toàn quyền sở hữu để thờ cúng tổ tiên và chăm sóc tôi cho hết đời”.Văn bản này do bà Nguyễn Thị Yến là cháu dâu viết hộ, có 03 người làm chứng là Nguyễn Bá Mai, Nguyễn Công Tùy và Nguyễn Thị Xê, có điểm chỉ dưới mục “Người làm đơn điểm chỉ”, có xác nhận của Trưởng thôn Th ghi ngày 20/01/1992 và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã V nhưng không ghi ngày tháng năm. Do ba người làm chứng là Nguyễn Bá M, Nguyễn Công T và Nguyễn Thị X đều đã chết, nên Tòa án các cấp không lấy được lời khai. Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Y ngày 25/6/2020 thì bà Y khai: cụ S1 có nhờ bà Y viết hộ di chúc vào thời gian bà Y không nhớ. Về nội dung của Di chúc thì: “cụ S1 để lại cho bà Nguyễn Thị D con gái út của cụ tài sản của cụ S1 là nhà đất của cụ để cô D trông nom, thờ cúng sau này”.
Ngoài các tài liệu trên thì tại “Đơn đề nghị” đứng tên là Trịnh Thị S1 gửi Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên ngày 7/3/1987 thì có nội dung: “Nay tôi sang tên cho con gái tôi là D được toàn quyền sử dụng và trông nom (nhà và đất) nêu trên để thờ cúng tổ tiên” (đơn này Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên chuyển cho Ủy ban nhân dân xã V 03/04/1987).
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định văn bản “Đơn di chúc, Giấy sang tên đất và nhà ở” ngày 15/01/1987 nêu trên là di chúc của cụ S1 để lại toàn bộ nhà đất cho bà D là chưa đủ căn cứ vì nội dung như đã phân tích trên thì chưa rõ cụ S1 để lại cho bà D toàn bộ nhà đất để sở hữu, sử dụng hay chỉ giao cho trông nom để thờ cúng. Đồng thời không rõ cụ S1 có biết chữ hay không? Có đúng ý chí của cụ S1 hay không? Vì chưa có tài liệu nào thể hiện sau khi bà Y viết hộ văn bản nêu trên thì bà Y đã đọc cho cụ S1 nghe hoặc cụ S1 đã đọc và cụ S1 công nhận đúng ý chí của cụ S1 (những người làm chứng cũng không xác nhận nội dung này). Khi chưa thu thập chứng cứ để làm rõ các nội dung nêu trên, mà Tòa án cấp phúc thẩm xác định văn bản có tiêu đề “Đơn di chúc, Giấy sang tên đất và nhà ở” ngày 15/01/1987 có hiệu lực pháp luật và có nội dung là cụ S1 tặng cho toàn bộ nhà đất cho bà D là chưa đủ căn cứ.
[3] Ngoài ra, tại “Đơn khởi kiện” ngày 20/6/2018 các nguyên đơn có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 307738, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận CH 00291, cấp ngày 31/12/2014 đối với thửa đất số 93, tờ bản đồ số 35 tại thôn Th, xã V, huyện V, tỉnh Bắc Giang của Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên cấp cho bà Nguyễn Thị D, nên lẽ ra Tòa án nhân dân huyện Việt Yên phải làm thủ tục chuyển đến Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết sơ thẩm mới đúng pháp luật.
[Nguồn: QĐ GĐT số 10/2022/DS-GĐT Ngày 25/02/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn QĐ GĐT: 10/2022/DS-GĐT