NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Ngày 25/3/2015, Chi nhánh nhựa đường Đ – Công ty TNHH Nhựa đường P (sau đây viết tắt là Công ty Nhựa đường) và Công ty cổ phần X (nay là Công ty cổ phần Công trình Giao thông X) ký Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 38) thỏa thuận mua bán nhựa đường thi công công trình giao thông dự án mở rộng QL1A đoạn Km 1212+400 đến Km 1264 với tổng khối lượng nhựa đường dự kiến khoảng 6.300.000kg, đơn giá được thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng phụ thuộc vào từng đợt giao hàng cụ thể. Thực hiện Hợp đồng số 38, Công ty Nhựa đường và Công ty cổ phần X đã ký giao nhận hàng theo các phụ lục hợp đồng số PL01-28 ngày 03/4/2005, số PL 02-38 ngày 09/4/2015, số PL 03- 38 ngày 25/5/2015, số PL 04-38 ngày 25/6/2015, số PL 05-38 ngày 01/7/2015, số PL 06-38 ngày 15/7/2015, số PL 07-38 ngày 01/8/2015, số PL 08-38 ngày 11/12/2015. Cùng ngày 25/3/2015, Ngân hàng TMCP B – Chi nhánh P (sau đây viết tắt là Ngân hàng), Công ty TNHH Đầu tư BOT Đ (sau đây viết tắt là Công ty BOT Đ), Công ty cổ phần X (nay là Công ty cổ phần Công trình giao thông X) và Chi nhánh Nhựa đường Đ – Công ty TNHH Nhựa đường P ký “Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng” nhằm thực hiện dự án mở rộng nâng cấp QL 1A đoạn Km 1212+400 đến Km 1265 (sau đây viết tắt là Hợp đồng liên kết). Do Công ty cổ phần X chưa thanh toán đủ tiền hàng cho Công ty Nhựa đường theo Hợp đồng số 38 và các phụ lục kèm theo nên Công ty Nhựa đường khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần X phải thanh toán cho Công ty Nhựa đường số tiền nợ gốc còn thiếu là 7.452.556.100 đồng và tiền lãi phát sinh tính đến ngày 12/05/2017 tổng cộng là 10.489.472.765 đồng; trong trường hợp Công ty cổ phần X không thanh toán thì Ngân hàng TMCP B phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ trên cho Công ty Nhựa đường. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty Nhựa đường thay đổi yêu cầu khởi kiện buộc Công ty cổ phần X phải thanh toán nợ cả gốc và lãi tính đến ngày 27/9/2019 là 11.820.996.121 đồng, trong đó tiền gốc là 7.452.556.100 đồng, tiền lãi là 4.368.440.021 đồng.
[2] Công ty Nhựa đường cho rằng, theo thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng liên kết trong trường hợp Công ty cổ phần X không thanh toán cho Công ty Nhựa đường thì Ngân hàng sẽ là bên bảo lãnh thanh toán cho Công ty Nhựa đường. Tuy nhiên, Ngân hàng không đồng ý yêu cầu của Công ty Nhựa đường và cho rằng theo Hợp đồng liên kết thì Ngân hàng chỉ là bên đầu mối trung gian để kết nối giữa 04 bên là Ngân hàng – Chủ đầu tư – Nhà thầu – Nhà cung cấp vật liệu xây dựng và là trung gian thanh toán bù trừ cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết chứ Ngân hàng không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng số 38 thay cho Công ty cổ phần X. Trình bày của Ngân hàng là phù hợp với quy định tại Điều 1 và Điều 3 của Hợp đồng liên kết quy định về quyền và trách nhiệm của B là đứng ra làm đầu mối trung gian kết nối 04 bên nhằm thực hiện Hợp đồng số 38 thông qua cơ chế “xác nhận năng lực và bảo đảm khả năng thanh toán cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết” nhằm “xem xét cấp tín dụng (bảo lãnh, cho vay) cho Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp vật liệu xây dựng khi các đối tượng này đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng nội bộ của B”. Ngoài ra, nội dung Hợp đồng số 38 không có sự liên kết nào với Hợp đồng liên kết và cả hai hợp đồng này đều không có thỏa thuận về việc Công ty cổ phần X hoặc Công ty BOT Đ phải thanh toán hoặc bảo lãnh cho thanh toán của Công ty cổ phần X với Công ty Nhựa đường.
[3] Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về bảo lãnh ngân hàng thì “Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh” (khoản 1 Điều 3 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Theo đó, để thực hiện bảo lãnh ngân hàng thì các bên phải ký thỏa thuận bảo lãnh về các nội dung đảm bảo theo quy định tại Điều 14, 15 của Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 nêu trên. Thực tế, sau khi ký Hợp đồng liên kết thì các chủ thể không ký thỏa thuận bảo lãnh với Ngân hàng và Ngân hàng không được các bên tạo điều kiện thực hiện vai trò là bên trung gian thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng liên kết, được thể hiện tại “Biên bản làm việc” giữa các bên ngày 28/9/2017 Ngân hàng đã có ý kiến về việc không nhận được chứng từ của các bên và yêu cầu Công ty cổ phần X, Công ty BOT Đ hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán. Việc các bên ký Hợp đồng liên kết mà không có các nội dung thỏa thuận về số hiệu, hình thức cam kết bảo lãnh; ngày phát hành bảo lãnh, ngày bắt đầu có hiệu lực bảo lãnh và/hoặc trường hợp bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh; ngày hết hiệu lực và/ hoặc trường hợp hết hiệu lực bảo lãnh; điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; cách thức để kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh…là không đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực hiện bảo lãnh ngân hàng. Như vậy, thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng liên kết chỉ mang tính nguyên tắc, định hướng về việc liên kết triển khai sản phẩm chứ không có điều khoản nào thỏa thuận về bảo lãnh và quy định Ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho Công ty Nhựa đường. Thực tế, các bên chủ thể tham gia Hợp đồng liên kết không làm hồ sơ, thủ tục cấp tín dụng tại Ngân hàng và giữa Ngân hàng với các bên không ký hợp đồng bảo lãnh thì không có cơ sở để Ngân hàng phải có trách nhiệm bảo lãnh thanh toán cho Công ty cổ phần X.
[4] Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 30/10/2017, Công ty cổ phần X xác nhận còn nợ gốc mua hàng của Công ty Nhựa đường là 7.452.556.100 đồng. Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án không có biên bản nào thể hiện có việc chốt nợ giữa ba bên là Công ty Nhựa đường – Công ty BOT Đ – Công ty cổ phần X. Trong khi đó, tại Biên bản làm việc ngày 17/11/2017 giữa Công ty Nhựa đường – Ngân hàng – Công ty BOT Đ – Công ty cổ phần X – Ban quản lý dự án thể hiện các bên chưa thực hiện được việc quyết toán do Công ty cổ phần X chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán và giữa Công ty BOT Đ với Công ty cổ phần X chưa chốt được số liệu với nhau. Bản thân Công ty cổ phần X thừa nhận trách nhiệm thanh toán tiền hàng cho Công ty Nhựa đường và đồng ý thanh toán trích từ tài khoản của Công ty cổ phần X được thể hiện tại “Biên bản xác nhận nghĩa vụ thanh toán” ngày 31/12/2015 giữa Công ty BOT Đ, Công ty cổ phần X và Công ty Nhựa đường với nội dung: “Nhà thầu (Công ty cổ phần X) xác nhận và cam kết: Tổng số tiền Nhà thầu còn phải thanh toán cho Nhà cung cấp vật liệu xây dựng (Công ty Nhựa đường) tính đến ngày 31/12/2015 là 12.503.148.300đ…Nhà thầu ủy quyền cho Ngân hàng B tự động trích nợ tài khoản tiền gửi thanh toán của Nhà thầu mở tại B đối với số tiền Chủ đầu tư tạm ứng, thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành để chuyển trả cho Nhà cung cấp vật liệu xây dựng…”. Như vậy, việc Công ty Nhựa đường và Công ty cổ phần X xác nhận số nợ gốc tiền hàng giữa hai bên không liên quan đến trách nhiệm và không là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán của Công ty BOT Đ và Ngân hàng. Do đó, việc Tòa án tuyên trường hợp Công ty cổ phần X chưa thanh toán cho Công ty Nhựa đường thì Ngân hàng được quyền trích từ tài khoản của Công ty cổ phần X hoặc tài khoản của Công ty BOT Đ để chuyển trả số tiền nợ gốc và lãi 11.820.996.121 đồng cho Công ty Nhựa đường và trường hợp Công ty cổ phần X và Công ty BOT Đ không còn tiền hoặc không đủ tiền trong tài khoản thì Ngân hàng phải thanh toán số tiền 11.820.996.121 đồng là không có căn cứ và vi phạm về thủ tục thanh toán.
[5] Theo yêu cầu khởi kiện của Công ty Nhựa đường là buộc Công ty cổ phần X thanh toán nợ gốc và lãi, trường hợp Công ty cổ phần X không thanh toán thì Ngân hàng phải chịu trách nhiệm thanh toán. Như vậy, Công ty BOT Đ không là bên bị kiện nhưng Tòa án tuyên Công ty BOT Đ phải thanh toán cho Công ty Nhựa đường là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Thực tế, Cơ quan Thi hành án đã trích tiền từ tài khoản của Công ty BOT Đ để thanh toán cho khoản nợ tiền hàng của Công ty cổ phần X với Công ty Nhựa đường. Tại cấp giám đốc thẩm, Công ty BOT Đ có văn bản phản đối việc trích tiền từ tài khoản của Công ty để thi hành án vì Công ty không có nghĩa vụ thanh toán đối với khoản nợ tiền hàng của Công ty cổ phần X và trình bày: Công ty BOT Đ có quyền giữ lại số tiền bảo hành công trình trong trường hợp Công ty cổ phần X không thực hiện nghĩa vụ thi công và bảo hành.
[6] Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để xác định lại chủ thể phải chịu trách nhiệm thanh toán đối với khoản nợ của Công ty Nhựa đường theo Hợp đồng số 38. Theo đó, cần căn cứ Hợp đồng số 38 để xác định chủ thể nào phải thanh toán tiền mua nhựa đường? Về việc xác định Ngân hàng có trách nhiệm bảo lãnh thanh toán hay không thì cần xác minh giữa Ngân hàng và các bên có ký hợp đồng bảo lãnh, phát hành thư bảo lãnh và ký kết thủ tục bảo lãnh hay không? Ngân hàng có ký cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh hay không? trên cơ sở đó mới đủ căn cứ giải quyết vụ án.
[Nguồn: Quyết định GĐT 08/2023/KDTM-GĐT ngày 11/01/2023 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI]
Xem file đính kèm toàn văn Quyết định số: 08/2023/KDTM-GĐT
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
Phòng 801, Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn