NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Đối với nhà tranh chấp:
[1] Theo Biên bản định giá tài sản ngày 28/8/2018 (kèm theo sơ đồ hiện trạng nhà đất), thì trên diện tích đất tranh chấp đo đạc thực tế là 808,53 m2 (đất ở 200 m2 , đất vườn 608,53 m2 ) có căn nhà được ký hiệu N6 (Nhà N6), diện tích xây dựng 96,58 m2 , nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng heo và căn nhà được ký hiệu N7 (Nhà N7), diện tích xây dựng 84,46 m2 . Các bên đương sự đều xác định Nhà N6 và các công trình phụ là do ông M1 xây dựng năm 2000, còn Nhà N7 là nhà từ đường của họ tộc được xây dựng năm 1976, sửa chữa nhiều lần, Hội đồng gia tộc giao cho vợ chồng ông Phong quản lý. Như vậy, Nhà N6 và các công trình phụ là của ông M1; còn Nhà N7 là của họ tộc, ông M1 chỉ đang trông coi nhà từ đường này.
Đối với đất tranh chấp:
[2] Các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là của cố Nguyễn Văn Đệ giao cho vợ chồng cụ Lê Phong quản lý thờ cúng trước năm 1975. Theo Bản Hội đồng gia tộc ngày 20/8/1975 (được Ủy Ban nhân dân Cách mạng xã Đ chứng thực) có nội dung: “Tất cả Hội đồng gia tộc đồng thanh chấp thuận đề nghị của ông Lê Phong và biểu quyết như sau: 1. Hủy bỏ tính cách hương hỏa của khoảnh đất trên trở thành đất thường. 2. Giao cho vợ chồng ông Lê Phong đứng lo việc đoạn mãi để lấy tiền dùng vào việc sửa chữa nhà từ đường và lo việc hương khói cho ông bà” (bút lục số 175), đồng thời các đương sự đều thừa nhận sau khi lập Bản Hội đồng gia tộc năm 1975 thì vợ chồng cụ Phong không bán phần đất trống (tạm ký hiệu là A) để lấy kinh phí sửa chữa nhà từ đường mà tự bỏ tiền ra, sửa chữa nhà từ đường, từ đó cho thấy thay vì vợ chồng cụ Phong bán phần diện tích đất trống (A) lấy kinh phí sửa chữa nhà từ đường nhưng vợ chồng cụ Phong đã không bán phần diện tích đất trống này mà tự bỏ tiền ra sửa chữa nhà từ đường nên phần đất trống (A) thuộc về vợ chồng cụ Phong. Đối với phần diện tích đất còn lại (tạm ký hiệu là B) gắn liền với ngôi nhà từ đường (Nhà N7) thì Hội đồng gia tộc chỉ giao cho vợ chồng cụ Phong quản lý để thờ cúng chứ không cho vợ chồng cụ Phong nên phần đất (B) gắn liền với ngôi nhà từ đường vẫn thuộc về họ tộc.
[3] Về quá trình sử dụng, đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất: Biên bản xác minh tại địa chính phường Đ, Bản tự khai của Ủy ban nhân dân thị xã A đều xác định ông M1 là người đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất tại Sổ mục kê ruộng đất năm 1984 và đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Hộ ông Lê Ngọc M1 là hộ sản xuất nông nghiệp thường trú tại thị trấn Đ, căn cứ Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của chính phủ thì hộ ông M1 thuộc đối tượng được giao quyền sử dụng đất nên ngày 30/12/1994, Ủy ban nhân dân huyện A đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00189/QSD Đ/14 cho ông Lê Ngọc M1 đối với thửa đất số 64, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.341 m2 (đất ở 200 m2 , đất vườn 1.141 m2 ); xét thấy từ sau khi bỏ tiền ra sửa chữa nhà từ đường thì vợ chồng cụ Phong sử dụng đất từ năm 1975, đến năm 1980 vợ chồng cụ Phong giao cho con là Lê Ngọc M1 sử dụng cho đến nay. Quá trình ông M1 sử dụng đất công khai, canh tác, xây dựng nhà ở ổn định trên phần đất trống (A), 6 không có ai tranh chấp gì. Ông M1 là người đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất xuyên xuốt các lần, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ngày 07/01/2003, ông M1 chuyển nhượng cho ông Trần Thanh Long một phần diện tích đất 245,25 m2 nằm trong thửa đất trên, đã được đăng ký biến động sang tên ông Long, các đương sự đều biết, không tranh chấp phần diện tích đất này, không yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết). Như vậy, việc xét cho ông M1 được quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất trống (A) là hợp lý nhưng việc ông M1 đăng ký, kê khai luôn cả phần diện tích đất có nhà từ đường của họ tộc để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông M1 toàn bộ diện tích đất là không đúng.
[4] Đối với việc Tòa án cấp sơ thẩm đồng nhất Bản hội đồng gia tộc ngày 20/8/1975 như là di chúc, để từ đó cho rằng Nhà N7 là di sản dùng vào việc thờ cúng là không chính xác, bởi lẽ di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, trong khi đó Bản hội đồng gia tộc ngày 20/8/1975 thể hiện nội dung là sự thống nhất giữa con cháu nội ngoại của gia tộc thỏa thuận về tài sản có nguồn gốc của ông bà đã chết trước đó để lại như đã nêu trên, trong đó có căn nhà từ đường là nhà của họ tộc, chứ không phải là di sản của cụ Phong chết để lại theo di chúc, vợ chồng cụ Phong chỉ là người trông nom, hương khói. Do nhà từ đường trên là của họ tộc nên người tiếp tục quản lý nhà từ đường trên thay vợ chồng cụ Phong đã chết thì phải do họ tộc cử.
[5] Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nhà từ đường (trên diện tích đất ở 84,46m2 ) không phải là của ông M1, phần đất còn lại là thuộc quyền sử dụng của ông M1 là đúng nhưng khi tuyên án thì Tòa án cấp sơ thẩm lại quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn là không thích đáng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ tộc. Lẽ ra, đối với việc giải quyết quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất cũng như quyền sở hữu tài sản nói chung, thì khi đã xác định tài sản đó thuộc về ai thì Tòa án cần phải tuyên rõ nội dung này và giải quyết yêu cầu giao trả tài sản tương ứng cho chủ sở hữu tài sản.
[6] Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/11/2018, các nguyên đơn có đơn kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là có căn cứ theo quy định tại Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[7] Từ các tài liệu, chứng cứ được dẫn chứng và phân tích tại các mục nêu trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 28/2021/KN-DS ngày 28/7/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là có căn cứ nên chấp nhận để hủy bản án dân sự sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại. Vụ án có tính chất phức tạp và liên quan đến xem xét giá trị pháp lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân huyện A (nay là Thị xã A) đã cấp cho ông Lê Ngọc M1 nên cần giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi thụ lý lại vụ án, Tòa án cần lưu ý do tranh chấp có liên quan đến nhà từ đường nên khi giải quyết vụ án ở thời điểm hiện tại cần làm rõ tính chất tài sản của dòng họ để xem xét việc áp dụng Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ, tránh xác định thiếu người tham gia tố tụng.
[Nguồn: Quyết định GĐT số 97/2021/DS-GĐT Ngày 26/9/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]
Xem file đính kèm toàn văn Quyết định GĐT: Số 97/2021/DS-GĐT
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn