NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn là Tổng Công ty Cổ phần B1, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[2.1] Ngày 21/4/2017, Tổng Công ty Cổ phần B1 Chợ Lớn đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 cho Công ty T với nội dung:
– Người được bảo hiểm: Công ty Cổ phần Quốc tế T.
– Đối tượng bảo hiểm: lô hàng 1.000 thùng / 5.000 kg xoài đóng container lạnh;
– Ngày yêu cầu bảo hiểm: 21/04/2017;
– Hải trình: Vận chuyển từ cảng Cát Lái, Tp.HCM ngày 22/04/2017 đến Cảng Úc ngày 04/05/2017;
– Số tiền bảo hiểm: 110%CIF: 32.175 AUD,
-Tổng phí bảo hiểm phải thanh toán: 42,47 AUD
T đã đóng đủ số tiền phí bảo hiểm và B1 đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 cho công ty T.
Đến ngày 08/05/2017 khi dỡ hàng tại kho, người nhận hàng là X phát hiện hàng bị hư hỏng hoàn toàn nên từ chối nhận hàng và thông báo cho T. Công ty T đã thực hiện mọi thủ tục và cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của B1 và B1 đã trưng cầu đơn vị giám định tại Úc là McL và đơn vị giám định độc lập là Công ty CP Giám Định P1(Nori) giám định kết luận Hàng đã bị hư hỏng toàn bộ, nguyên nhân tổn thất là do Hàng hóa đã không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong 48 giờ, tuy nhiên không phải do máy làm lạnh bị hư hỏng.
Sau khi có biên bản giám định ngày 25/5/2017 xác định 5.000 kg xoài thì ngày 223/6/2017 B1 đã gửi văn bản từ chối bồi thường tổn thất lô hàng lỳ do chưa đủ cơ sở để xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo đơn bảo hiểm. Ngày 11/8/2017 T có đơn khởi kiện B1 tại Tòa án nhân dân Quận 1. Ngày 29/01/2018 Tòa án nhân dân Quận 1chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 30/11/2018 B1 đã có Công văn số 2253/2018-BM/HH gửi cho nguyên đơn từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do căn cứ điều khoản bảo hiểm thực phẩm đông lạnh (A) đã ghi trên đơn bảo hiểm số MCE/01289903 thì tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm.
[2.2] Căn cứ Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 ngày 21/4/2017 do B1 phát hành ghi rõ tên người được bảo hiểm là Công ty T. Các đương sự đều thừa nhận Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 được xem là Hợp đồng bảo hiểm được xác lập giữa hai bên và tại thời điểm giao kết hợp đồng, T đã cung cấp đầy đủ chứng từ khai báo mua bảo hiểm và đã thanh toán tiền phí bảo hiểm đầy đủ và B1 đã chấp nhận bán bảo hiểm và ghi rõ người được bảo hiểm là Công ty T. Mặt khác, do người mua hàng là Công ty X chưa nhận hàng và chưa thanh toán tiền (tại Điều 5 của Hợp đồng mua bán giữa T và X thỏa thuận: thanh toán 100% giá trị hàng hóa bằng chuyển khoản sau khi nhận hàng 15 ngày) đồng thời X đã có giấy ủy quyền hợp pháp cho người đại diện hợp pháp của Công ty T (Bút lục 234 thay mặt công ty làm việc với Tổng Công ty Cổ phần B1 để yêu cầu bồi thường toàn bộ tổn thất lô hàng và nhận tiền bồi thường) (Bút lục 32) và có lời khai đề nghị tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của T, nên căn cứ Điều 305 Luật Hàng hải, nguyên đơn
– Công ty T là người có quyền lợi đối với lô hàng được bảo hiểm tại thời điểm phát hiện tổn thất, việc B1 và quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng do lô hàng bảo hiểm được bán theo giá CIF nên T không có quyền lợi khi hàng đã lên tàu nên không phải là người được bảo hiểm và không có quyền khởi kiện là không có cơ sở. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “bồi thường bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” nên10khi phát sinh sự kiện được bảo hiểm thì B1 có nghĩa vụ bồi thường cho T là đúng chủ thể nhận tiền bồi thường bảo hiểm như thỏa thuận của các bên tại Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903. Vụ kiện được thụ lý cũng là tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa T và B1.
[4] Tại tòa người đại diện hợp pháp của B1 tuy xác nhận đối tượng bảo hiểm là lô hàng xoài tươi đã bị hư hỏng toàn bộ nhưng từ chối bồi thường với lý do căn cứ điều khoản bảo hiểm thực phẩm đông lạnh (A) đã ghi trên đơn bảo hiểm thì tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm. Nguyên đơn trình bày ngoài việc cấp đơn bảo hiểm với nội dung trên thì B1 không giải thích hoặc giao thêm tài liệu nào mà chỉ cam kết nếu xảy ra tổn thất sẽ bồi thường 110% giá trị lô hàng.
Xét thấy: Tại phần Điều kiện, điều khoản, đoạn kết và sửa đổi bổ sung của Đơn bảo hiểm số MCE/01289903 do B1 phát hành có ghi: “Tuân thủ theo Điều kiện, điều khoản, đoan kết và sửa đổi bổ sung đính kèm:
– Institute Frozen Food Clause (A) 1/1/86 (Bao Minh-CL.263-ILU)- By the decision No. 0629/2005-BM/BHHH dated 22/03/2005
– Cargo ISM Endorsement 1/5/98 (Bao Minh-JC.019-JCC)- By the decision No. 0630/2005-BM/BHHH dated 22/03/2005.
– Cargo ISPS Endorsement 04/11/04 (Bao Minh-JC.050-JCC)- By the decision No. 1126/2005-BM/BHHH dated 10/05/2005.
– Cargo Inland transit clause1/4/2005 1/5/98 (Bao Minh-CL.001-HHA)- By the decision No. 0627/2005-BM/BHHH dated 22/03/2005.
– Institute Classification 01/01/2001 (Bao Minh-CL.354-ILU)- By the decision No. 1644/2016-BM/BHHH dated 20/11/2016.”
Có tất cả là 05 điều khoản trên Đơn bảo hiểm. Bị đơn cho rằng ngoài việc cung cấp Đơn bảo hiểm số MCE/01289903 thì B1 đã giải thích rõ cho T về 5 điều khoản trên, tuy nhiên B1 không cung cấp được chứng cứ gì để chứng minh đã cung cấp và giải thích đầy đủ cho Nguyên đơn các điều kiện, điều khoản bảo hiểm có liên quan cũng như đã đính kèm 5 điều khoản nêu trên theo đơn bảo hiểm như trong đơn bảo hiểm mà B1 phát hành đã ghi nhận.
Nhận thấy: Căn cứ qui định tại điểm a Khoản 2 Điều 17 và Khoản 1 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì B1 (là doanh nghiệp bảo hiểm) phải có nghĩa vụ “Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm” và phải “ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; …”. Do B1 (là bên phát hành Đơn bảo hiểm) không ghi rõ các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm vào đơn bảo hiểm theo qui định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, B1 cũng không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh đã cung cấp và đính kèm quy tắc điều kiện, điều khoản bảo hiểm vào đơn bảo hiểm như tại Đơn bảo hiểm11đã ghi và cũng không chứng minh được là đã giải thích rõ cho người mua bảo hiểm là Công ty T theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và điểm a khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, nên khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là hàng hóa đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, người được bảo hiểm là T đã thực hiện mọi thủ tục và cung cấp bộ hồ sơ hợp lệ và đã gửi đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm gửi cho B1 vào ngày 29/5/2017 và ngày 22/6/2017 theo đúng qui định tại Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm thì B1 phải có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm như thỏa thuận. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc B1 phải có trách nhiệm bồi thường cho T giá trị số hàng hóa bị thiệt hại theo Đơn bảo hiểm với số tiền là 32.175 Đô la Úc tương đương với 550.321.200 đồng (theo tỷ giá ngoại tệ của Vietcombank ngày 10/9/2020 là ngày xét xử vụ án) và trả lãi chậm thanh toán là có căn cứ . B1 đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho nguyên đơn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm và căn cứ điểm a khoản 2 Điều 17 và Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 thì B1 phải trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người được bảo hiểm khi xãy ra sự kiện bảo hiểm nhưng đến nay B1 vẫn chưa thanh toán. Do đó việc nguyên đơn yêu cầu B1 phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày B1 phát hành công văn ngày 30/11/2018 gửi T từ chối bồi thường đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 10/9/2020) theo mức lãi suất quá hạn trung bình của ba ngân hàng có chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh (Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thông Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam). Theo biểu lãi suất do nguyên đơn cung cấp và do Tòa án thu thập thể hiện Bình quân lãi suất nợ quá hạn của ba ngân hàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 12,5%/năm nên việc nguyên đơn yêu cầu tiền lãi với số tiền là 117.421.959 đồng với mức lãi suất 12%/ năm là đã có lợi cho bị đơn và phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 306 Luật thương mại 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[3] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần B1, giữ nguyên án sơ thẩm.
Ý kiến của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sửa án không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty Cổ phần B1 phải chịu do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận.
[Nguồn: Bản án số 02/2022/KDTM-PT Ngày 12/01/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Bản án: 02/2022/KDTM-PT