Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy án sơ thẩm vì Tòa sơ thẩm xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy án sơ thẩm vì Tòa sơ thẩm xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đơn kháng cáo của Công ty C.P. và PBank trong hạn luật định, có nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xét xử theo trình tự phúc thẩm; Kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận, xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Theo hợp đồng mua bán số 32531/11-2010/HĐMB-C.P. ngày 11/11/2010 giữa bên bán (gọi là bên A) Công ty C.P. và bên mua (gọi là bên B) ông Võ Bá G. Tại Điều 3 của hợp đồng quy định về “Phương thức thanh toán và bảo đảm thanh toán”, khoản 3 Điều 3 thể hiện “… phạm vi, số tiền và thời hạn bảo lãnh của ngân hàng là bảo lãnh thanh toán toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bên B đối với bên A (bao gồm tiền hàng trả chậm, tiền lãi, phí, phạt và các nghĩa vụ tài chính khác phát sinh do bên B vi phạm nghĩa vụ), có hiệu lực duy trì suốt thời gian nghĩa vụ thanh toán nợ của bên B đối với bên A chưa chấm dứt…”. Ngày 06/12/2010 PBank – CN An Giang phát Thư bảo lãnh thanh toán số 0126/PGB[1]AG có nội dung “….đồng ý cấp cho bên B Thư bảo lãnh thanh toán này và cam kết sẽ trả cho bên A một khoản tiền tối đa 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) ngay sau khi nhận được yêu cầu đòi tiền bằng văn bản của bên A ghi rõ nghĩa vụ của bên B đã không thực hiện đúng theo quy định trong hợp đồng”.

Theo đơn xin gia hạn nợ ngày 18/7/2011 của ông Võ Bá G thì tổng số tiền nợ là 1.960.336.799 đồng, nhưng ông G không thực hiện đúng theo cam kết. Ngày 15/11/2011 Công ty C.P. đã phát hành Công văn số 701/CVFF-KD thông báo cho PBank về việc ông G không thực hiện việc thanh toán số nợ còn thiếu và yêu cầu PBank thanh toán trước ngày 31/12/2011 (văn bản này PBank nhận ngày 26/11/2011).

Quá trình giải quyết vụ án, PBank không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cho rằng Thư bảo lãnh ông Bạch Phước H tự thực hiện khống, thực tế ông G không đề nghị cấp Thư bảo lãnh và không có tài sản bảo đảm, ông H thực hiện không đúng quy trình cấp Thư bảo lãnh của PBank (không lập hồ sơ bảo lãnh, không ký hợp đồng bảo lãnh với bên được bảo lãnh, không có tài sản bảo đảm, vượt thẩm quyền hạn mức cấp bảo lãnh).

Tại phiên tòa sơ thẩm phía bị đơn xác định chữ ký trong “Thư bảo lãnh thanh toán số 0126/PGB.AG, ngày 06/12/2010” đúng là của ông Bạch Phước H, Giám đốc PBank – CN An Giang và dấu mộc là của PBank – CN An Giang. Tuy nhiên do ông H không thực hiện đúng theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quyết định số 157-09/QĐ-TGĐ, ngày 25/6/2009 của Tổng giám đốc PBank và trái với Bộ luật Dân sự nên Thư bảo lãnh không có giá trị thực hiện.

Theo khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết, khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận”. Theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế bảo lãnh ngân hàng thì “Thư bảo lãnh là cam kết đơn phương bằng văn bản của tổ chức tín dụng”.

Xét thấy PBank – CN An Giang là chi nhánh của PBank. Theo khoản 3 Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền”; khoản 5 Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Pháp nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện”. Do đó, PBank phải chịu trách nhiệm thực hiện cam kết bảo lãnh theo Thư bảo lãnh thanh toán số 0126/PGB.AG ngày 06/12/2010 do PBank – CN An Giang phát hành theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Xét kháng cáo của các đương sự và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang nhận thấy: Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự là không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp vì: Khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: Nhận tiền gửi; Cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”; Khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”. Do đó, Thư bảo lãnh thanh toán là hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, nên tranh chấp của các đương sự là tranh chấp kinh doanh thương mại (giữa hai tổ chức đều có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận) quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang về việc Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp là có cơ sở.

Về lãi suất, nguyên đơn không đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật Dân sự để tính lãi chậm thanh toán vì đây là vụ án kinh doanh thương mại, phải áp dụng Luật thương mại để tính lãi suất. Nhận thấy theo Điều 306 Luật thương mại quy định “… yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn về lãi suất chậm thanh toán là có cơ sở để xem xét.

Đối với việc bị đơn cho rằng Thư bảo lãnh phát hành khống, không đúng quy định nhưng phía nguyên đơn không tìm hiểu giá trị thực của Thư bảo lãnh là lỗi của nguyên đơn. Nhận thấy các quyết định của Ngân hàng nhà nước và của Tổng Giám đốc PBank được lưu hành nội bộ, người tiếp nhận Thư bảo lãnh không thể biết và không có nghĩa vụ phải tìm hiểu để biết các quy định nội bộ của ngân hàng; còn hợp đồng mua bán giữa Công ty C.P. và ông Võ Bá G có thực hay không cần phải xem xét làm rõ.

Về việc thiếu người tham gia tố tụng theo kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang: Hội đồng xét xử nhận thấy Thư bảo lãnh số 0126/PGB.AG, ngày 06/12/2010 do ông H ký với tư cách là Giám đốc PBank – CN An Giang, có đóng dấu của PBank – CN An Giang nên Thư bảo lãnh là văn bản do PBank phát hành, trong đó ông H chỉ ký với tư cách là người đại diện cho PBank. Do đó Viện kiểm sát đề nghị đưa PBank – CN An Giang tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan là không phù hợp với quy định pháp luật.

Từ những nhận định phân tích trên, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng, nên dẫn đến việc xét xử ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Hội đồng xét xử thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát là hủy bản án sơ thẩm số: 24/2023/DS-ST ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

[Nguồn: Bản án 128/2023/DS-PT ngày 6/6/2023 của TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG]

Xem file đính kèm toàn văn Bản án số: 128/2023/DS-PT

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Phòng 801, Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

 

Bài viết liên quan