Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy án sơ thẩm chia tài sản sau ly hôn không đúng vì áp dụng không đúng Án lệ số 03 và nhận định mâu thuẫn

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy án sơ thẩm chia tài sản sau ly hôn không đúng vì áp dụng không đúng Án lệ số 03 và nhận định mâu thuẫn

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Hoàng Tr, bà Nguyễn Thị Ánh M làm trong hạn luật định, hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Ngày 22/12/2021 và ngày 05/6/2021, bà Nguyễn Thị Ánh M có đơn xin rút lại toàn bộ yêu cầu kháng cáo và xin được vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Văn Bản được Văn phòng công chứng N và Văn phòng công chứng số 2, Thành phố Hồ Chí Minh công chứng, chứng thực. Căn cứ Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Ánh M.

[2] Về nội dung:

[2.1] Nguyên đơn, bị đơn tranh chấp tài sản chung khi ly hôn gồm: Diện tích đất 16.912,4m2 thuộc thửa đất số 145, tờ bản đồ số 15 tọa lạc ấp T, xã A, thị xã B, tỉnh Bình Dương; trên đất có 01 căn nhà cấp 4 xây dựng khoảng năm 2005; 03 chuồng heo, 01 chuồng gà; 03 xe ôtô tải biển số 61C- 124.52, 61C-128.64 và 61H- 9361.

Đối với phần tài sản trên đất, nguyên đơn, bị đơn đều xác nhận là tài sản chung được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên mỗi bên hưởng ½ giá trị. Hai bên đương sự chỉ không thống nhất được với nhau về việc giải quyết tranh chấp đối với quyền sử dụng đất diện tích 16.912,4m2.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Tr cho rằng phần diện tích đất tranh chấp là tài sản chung của các anh chị em trong gia đình ông Tr; do cần tiền kinh doanh nên các anh chị em để ông Tr đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. Đây không phải là tài sản chung của vợ chồng ông Tr, bà O trong thời kỳ hôn nhân.

Bà O cho rằng phần diện tích đất trên các anh chị em ông Tr đã được bà L chia đều; sau đó bà T bán lại phần của bà T cho vợ chồng ông Tr, bà O với giá 20 lượng vàng; các anh chị em khác (trừ ông Tr, bà T) bán lại cho bà Nguyễn Thị Thu H (chị ông Tr); bà H bán lại toàn bộ cho vợ chồng ông Tr giá 100 lượng vàng. Vì vậy, đây là tài sản được tạo lập chung trong thời kỳ hôn nhân; bà yêu cầu được chia ½ quyền sử dụng đất.

[2.3] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét

xử xét thấy:

[2.3.1] Các bên đương sự đều thống nhất xác định diện tích đất tranh chấp 16.912,4m2 nằm trong tổng diện tích đất 19.951m2 bà Nguyễn Thị L (mẹ ông Tr) được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/01/2000. Nguồn gốc đất do vợ chồng ông S, bà L khai phá trước năm 1975. Năm 1982, ông S chết, bà L và các con tiếp tục sinh sống trên đất. Năm 2000, bà L đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01351/QSDĐ ngày 17/01/2000 cho hộ gia đình. Thời điểm này, trong hộ khẩu

của hộ bà L có tên bà L, ông Th, bà T; ông Th đã chết từ năm 1995; bà T đi nước ngoài định cư từ năm 1990. Như vậy, thực chất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cấp cho cá nhân bà L.

Ông Tr, bà O cùng chung sống với bà L trên phần diện tích đất này từ năm 1991 (kể từ thời điểm hai người kết hôn với nhau). Ngày 14/10/2005, bà L lập giấy tặng cho ông Tr quyền sử dụng đất trên; giấy tặng cho có chữ ký xác nhận của bà S (chị ông Tr) và xác nhận của chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó ông Tr đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28/11/2005.

[2.3.2] Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không thể hiện việc bà L đã phân chia diện tích đất tranh chấp cho các con trước thời điểm lập hợp đồng tặng cho ông Tr; cũng như việc các anh chị em cho ông Tr mượn quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng. Năm 2005, bà L tặng cho ông Tr quyền sử dụng đất không có ai có ý kiến phản đối; sau khi được tặng cho, ông Tr được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà trên đất, sử dụng quyền sử dụng đất để thế chấp ngân hàng nhưng các anh chị em của ông Tr cũng không có ý kiến gì. Thậm chí, khi ông Tr và bà O tranh chấp giải quyết ly hôn, bà Nguyễn Thị S là một trong các chị em của ông Tr có lời khai xác định phần đất trên mẹ bà tặng cho riêng ông Tr nên bà không có ý kiến (biên bản lấy lời khai ngày 14/8/2017).

Trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện B, ông Tr đều thống nhất xác định tài sản trên bà L tặng cho riêng ông nên ông không đồng ý với yêu cầu chia tài sản chung của bà O. Quá trình xét xử phúc thẩm lần thứ nhất tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Tr phủ nhận toàn bộ lời khai ban đầu, cho rằng đây tài sản chung của các anh chị em trong gia đình ông Tr; mục đích sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tr là để ông vay vốn ngân hàng. Đồng thời xuất trình văn bản cam kết đây là tài sản chung của các anh chị em ông Tr được lập ngày 27/5/2015 (trước thời điểm ông Tr khởi kiện ly hôn đối với bà O).

[2.3.3] Bà O cho rằng phần đất tranh chấp bà L đã phân chia cho các anh chị em ông Tr. Phần của bà T đã bán lại cho bà với giá 20 lượng vàng; phần của bà S, bà C, ông Th, bà M bán cho bà H; sau đó bà H bán lại cho vợ chồng ông Tr, bà O với giá 100 lượng vàng. Để chứng minh, bà O xuất trình hợp đồng vay mượn vàng và văn bản thỏa thuận về việc thanh toán giữa bà H với bà O, ông Tr.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định cho rằng việc bà H từ nước ngoài về, mang theo số vàng lớn như vậy cho ông Tr, bà O vay là không thể thực hiện được; ông Tr khai bà H mang 100 lượng vàng cho bà O vay nhưng bà M lại khai cho vay bằng tiền nên có cơ sở xác định “Bà H không có giao cho bà O, ông Tr vay 100 lượng vàng, điều này đồng nghĩa với việc “Hợp đồng mượn tiền ngày 28/11/2003 là giả mà thực chất vợ chồng bà O, ông Tr đã nhận chuyển nhượng toàn bộ thửa đất của ông S, bà L từ bà H với giá 100 lượng vàng như đúng lời trình bày của bà O”. Nhận định của cấp sơ thẩm mang tính chất suy diễn. Dù bà H bằng cách nào có vàng giao cho bà O, ông Tr mượn hay cho mượn tiền quy ra vàng thì hai bên đã thống nhất về quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng vay mượn đã được công chứng, chứng thực.

Việc bà L đã phân chia quyền sử dụng đất cho các con không có tài liệu, chứng cứ chứng minh và không có cơ sở xác định như đã phân tích tại mục [2.3.2]. Hợp đồng mượn vàng được lập ngày 28/11/2003, nội dung thể hiện ông Tr, bà O mượn của bà H 100 lượng vàng; không thể hiện nội dung chuyển nhượng đất. Các giấy thương lượng về việc thanh toán cũng chỉ chốt lại số vàng đã trả, số vàng còn nợ; không có nội dung nào xác nhận số vàng này là khoản nợ từ việc mua bán nhà đất. Mặt khác, bà O cho rằng đã nhận chuyển nhượng phần của bà H từ năm 2003 (hợp đồng vay mượn vàng được thực hiện năm 2003); nhưng đến năm 2005 bà L vẫn lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Tr, có xác nhận của bà S là có sự mâu thuẫn về mặt thời gian. Bà O, bà D xác định năm 2003 các anh chị em của ông Tr (trong đó có ông Th) chuyển nhượng lại phần của mình cho bà H, từ đó bà H chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Tr; tuy nhiên ông Th được xác định đã chết từ năm 1995 nên lời trình bày của bà O, bà D là không phù hợp.

[2.3.4] Về mặt ý thức chủ quan ông Tr có nhập tài sản được tặng cho (nếu có) vào tài sản chung của vợ chồng hay không? Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng sau khi được bà L tặng cho, ông Tr xây dựng nhà trên đất, thế chấp vào ngân hàng để vay vốn kinh doanh chung với bà O, khi nhận tiền thu hồi đất thì giao cho bà O cùng sử dụng; từ đó xác định về mặt ý chí ông Tr đã nhập tài sản được tặng cho riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng. Xét thấy, các đương sự đều xác định vợ chồng ông Tr ở trên phần đất này với bà L từ năm 1991, trên đất có một căn nhà cũ; bà L vẫn là người quản lý đất cho đến năm 2005 mới tặng cho lại ông Tr; sau khi nhận tặng cho ông Tr xây thêm một căn nhà mới trên đất; vẫn giữ lại căn nhà cũ để sử dụng; bà L, bà S vẫn ở cùng ông Tr, bà O trên phần đất này cho tới khi bà L chết (năm 2013). Căn nhà xây dựng thêm có một phần tiền do bà L góp vào. Việc vợ chồng ông Tr, bà O ở trên đất xuất phát từ việc sống chung với bà L trước đó; không phải xuất phát từ việc ông Tr được tặng cho quyền sử dụng đất năm 2005. Phần diện tích đất này trước nay vẫn do gia đình bà L, ông Tr canh tác, sử dụng; khi có hoạt động sản xuất kinh doanh ông Tr thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Số tiền nhận được do thu hồi đất ông Tr đưa cho bà O sử dụng cũng chưa đủ làm căn cứ để xác định ông Tr đã nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng. Ngoài ra, cũng phải xét về ý thức chủ quan của bà O. Tại đơn phản tố và các phiên họp công khai chứng cứ tại Tòa án nhân dân huyện B, bà O chỉ yêu cầu được chia giá trị 1/3 tài sản, tương ứng 1.300.000.000 đồng, đề nghị được nhận bằng tiền và giao toàn bộ nhà đất cho ông Tr.

[2.3.5] Tòa án cấp sơ thẩm nhận định như sau: “Theo Án lệ số 03/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nội dung “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất mà vợ chồng người con đã xây nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”. Do đó, có căn cứ xác định đất trên là tài sản chung của ông Tr và bà O…”.

Xét thấy, việc áp dụng Án lệ số 03/2016/AL của Tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp. Bởi lẽ, quyền sử dụng đất tranh chấp bà L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000; vợ chồng bà O sống cùng bà L trên đất từ năm 1991; từ năm 1991 đến năm 2005 bà L vẫn là người thực hiện quản lý quyền sử dụng đất; năm 2005 bà L lập thủ tục tặng cho cá nhân ông Tr mặc dù thời điểm này ông Tr, bà O đã kết hôn với nhau và có thời gian chung sống lâu dài. Như vậy, không thể cho rằng bà L đã tặng cho vợ chồng ông Tr, bà O quyền sử dụng đất và xác định quyền sử dụng đất này là tài sản chung của vợ chồng ông Tr, bà O trong thời kỳ hôn nhân như trường hợp Án lệ số 03/2016/AL được.

[2.3.6] Cấp sơ thẩm mâu thuẫn trong chính nhận định của mình, đối với 01 tài sản nhưng vừa áp dụng Án lệ số 03/2016/AL cho rằng ông Tr, bà O đã được bà L tặng cho; vừa cho rằng ông Tr được tặng cho riêng nhưng về ý chí ông Tr đã nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng; mặt khác cũng xác định tài sản này ông Tr, bà O tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, trong đó có mua lại của bà H với giá 100 lượng vàng, hiện còn nợ lại 68 lượng. Do cấp sơ thẩm nhận định mâu thuẫn nhau nên dẫn đến quyết định của bản án thiếu tính thuyết phục.

Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xác định rõ tài sản này là tài sản được tặng cho chung; tài sản được tặng cho riêng nhưng đã nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng hay tài sản được hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân (mua lại của các anh chị em khác); từ đó mới có cơ sở để chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Bởi lẽ, đối với mỗi trường hợp thì việc đánh giá công sức đóng góp của các bên để làm cơ sở phân chia tài sản là khác nhau. Để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp triệt để, đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền kháng cáo của các đương sự, Hội đồng xét xử xét thấy cần hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định pháp luật.

Khi giải quyết lại vụ án, cấp sơ thẩm cũng cần xem xét ngoài phần đất tranh chấp trên, các đương sự có nhà ở, quyền sử dụng đất nào khác không để đảm bảo vẫn đề chỗ ở cho các bên đương sự. Trong trường hợp cho rằng phần diện tích đất này không phải là tài sản chung của vợ chồng thì cần phải xem xét làm rõ công sức đóng góp của bà O trong quá trình cùng chung sống và hoạt động kinh doanh với ông Tr để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bà O.

[3] Ông Nguyễn Hoàng Tr và bà Nguyễn Thị Ánh M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[Nguồn: Bản án số 05/2022/HNGĐ-PT Ngày 15/3/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]

Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:

📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn

♥️ Fanpage and Group:

https://www.facebook.com/fdvnlawfirm

https://www.facebook.com/lawyersindanang

https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat

https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam

🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Xem file đính kèm toàn văn Bản án: 05/2022/HNGĐ-PT

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online