Feel free to go with the truth

Trang chủ / Kinh doanh & Thương mại / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy án phúc thẩm giải quyết vụ án về hợp đồng đặt cọc mua bán nợ không đúng

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Hủy án phúc thẩm giải quyết vụ án về hợp đồng đặt cọc mua bán nợ không đúng

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Tại thời điểm Công ty N và Ngân hàng B ký Biên bản thỏa thuận (ngày 04/7/2019) và Hợp đồng đặt cọc (ngày 01/8/2019), Ngân hàng B đã và đang tham gia tố tụng đối với 02 vụ án do Toà án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết. Nội dung tranh chấp của các vụ án này có liên quan đến khoản nợ mà hai bên đang tiến hành giao dịch.

Vụ án thứ nhất, là vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được Toà án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý ngày 13/9/2018, giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đ với bị đơn là bà Ngô Thị Thu A cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị C và Ngân hàng B. Vụ án này đã được Tòa án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm tại Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tại Bản án dân sự phúc thẩm số 199/2020/DS-PT ngày 26/3/2020.

Vụ án thứ hai, là vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” được Tòa án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý ngày 12/12/2016, theo đơn khởi kiện của Ngân hàng B. Ngân hàng yêu cầu Toà án nhân dân Quận H buộc bà Ngô Thị Thu A phải trả toàn bộ số nợ gốc và nợ lãi theo Hợp đồng tín dụng từng lần ngắn hạn số 0254/06815/03.HĐTDTLNHN ngày 25/9/2015, được ký giữa Ngân hàng với bà A, với tổng số tiền tạm tính đến ngày 20/10/2016 là 40.143.662.513 đồng. Ngày 09/8/2017, Toà án nhân dân Quận H đã quyết định nhập vụ án này vào vụ án thụ lý số 188/2015/TLST-DS ngày 01/10/2015 giữa nguyên đơn là ông Phạm Công Tuyến với bị đơn là bà Ngô Thị Thu A và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng B,… Sau khi nhập vụ án thì Ngân hàng B tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Vụ án này đã được Tòa án nhân dân Quận H xét xử sơ thẩm tại Bản án dân sự sơ thẩm số 73/2020/DS-ST ngày 30/9/2020 và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tại Bản án dân sự phúc thẩm số 437/2021/DS-PT ngày 05/5/2021.

Như vậy, khi Ngân hàng B và Công ty N ký Biên bản thỏa thuận ngày 04/7/2019 và Hợp đồng đặt cọc ngày 01/8/2019, thông tin về vụ án thứ nhất đã được các bên trao đổi, bàn bạc và ghi nhận tại Hợp đồng đặt cọc. Đối với vụ án thứ hai, tại hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện Ngân hàng B đã cung cấp thông tin cho Công ty N biết. Quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng B cho rằng, Ngân hàng tuy không thông báo bằng văn bản nhưng có trao đổi miệng với Công ty N về vấn đề này. Tuy nhiên, lời khai của Ngân hàng B không được Công ty N thừa nhận. Do đó, không có căn cứ xác định Ngân hàng B đã cung cấp các thông tin về vụ án thứ hai cho Công ty N biết. Việc Ngân hàng B không cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản nợ cho Công ty N biết trước khi hai bên tiến hành ký kết Hợp đồng đặt cọc là vi phạm nguyên tắc trung thực về việc cung cấp thông tin trong giao dịch dân sự.

[2] Tại Hợp đồng đặt cọc ngày 01/8/2019 giữa Ngân hàng B và Công ty N, các bên thỏa thuận: “chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc và bên A nhận được tiền đặt cọc của bên B, các bên phải tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng khoản nợ…”. Tại giấy Ủy nhiệm chi ngày 08/8/2019 thể hiện, ngày 13/8/2019 Ngân hàng B đã nhận được số tiền cọc 4.700.000.000 đồng do Công ty N chuyển. Như vậy, theo thỏa thuận của hai bên thì chậm nhất đến ngày 12/9/2019, hai bên phải tiến hành ký hợp đồng mua bán khoản nợ. Tuy nhiên, Công ty N vì sợ vướng mắc pháp lý về tài sản thế chấp nên đã không thực hiện việc ký hợp đồng mua bán nợ đúng thời hạn như các bên đã thỏa thuận. Việc Công ty N phản hồi, trao đổi về các vướng mắc phát sinh với Ngân hàng B cũng không được thực hiện trong thời hạn 30 ngày như đã nêu trên. Do đó, việc các bên không ký được hợp đồng mua bán khoản nợ cũng có lỗi của Công ty N.

[3] Các bên không ký được hợp đồng mua bán khoản nợ đều do lỗi của cả Ngân hàng B và Công ty N. Đối chiếu với quy định tại điểm d khoản 1 mục I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Án lệ số 25/2018/AL ngày 17/10/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì trong trường hợp này, các bên chỉ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, không phạt cọc.

[4] Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty N, buộc Ngân hàng B phải trả cho Công ty N số tiền đặt cọc 4.700.000.000 đồng, không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty N về khoản tiền phạt cọc và yêu cầu tiếp tục thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán nợ, là có căn cứ. Toà án cấp phúc thẩm nhận định hợp đồng mua bán khoản nợ không được ký kết là hoàn toàn do lỗi của Công ty N, từ đó sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty N, đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của Ngân hàng B, tuyên toàn bộ số tiền đặt cọc 4.700.000.000 đồng của Công ty N thuộc về Ngân hàng B, là không đúng, không đánh giá đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án.

[5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2023/KN-KDTM ngày 28/02/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có cơ sở nên chấp nhận.

[Nguồn: Quyết định GĐT số: 04/2023/KDTM-GĐT ngày 20/3/2023 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]

Xem file đính kèm toàn văn Quyết định số: 04/2023/KDTM-GĐT

———–

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan