Feel free to go with the truth

Trang chủ / Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Giữ nguyên bản án sơ thẩm không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài vì Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết khi có vi phạm về thủ tục tố tụng; không đảm bảo nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Giữ nguyên bản án sơ thẩm không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài vì Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết khi có vi phạm về thủ tục tố tụng; không đảm bảo nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

NHẬN ĐỊNH:

Căn cứ tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự xuất trình và Toà án thu thập được; căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên họp, Hội đồng xét đơn yêu cầu thấy:

[1]. Về tố tụng:

– Về thẩm quyền xét đơn yêu cầu: Người phải thi hành là Công ty Cổ phần truyền thông VMG có trụ sở tại: Tầng 6, Tòa nhà Peakview Tower, số 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Căn cứ theo khoản 5 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 38, điểm e khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ việc sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

– Về thời hạn gửi đơn yêu cầu: Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore ban hành Phán quyết trọng tài giữa nguyên đơn: GPS và UTC, bị đơn là Công ty VMG vào ngày 14/10/2021. Ngày 22/02/2022, bên được thi hành nộp đơn đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là nằm trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 451 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

– Về thủ tục tố tụng: Tại phiên họp, phía người được thi hành có 03/04 người đại diện theo ủy quyền có mặt (vắng mặt bà Lê Hương Dung). Tuy nhiên, việc vắng mặt những người nêu trên không ảnh hưởng gì đến việc tham gia tố tụng. Phía bên người được thi hành cũng không có ý kiến gì về việc vắng mặt của bà Dung nên Hội đồng xét đơn thấy việc tiếp tục xét đơn yêu cầu không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Căn cứ khoản 4 Điều 458 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết mà chỉ xem xét đến các điều kiện để công nhận cho thi hành hoặc không công nhận việc cho thi hành tại Việt Nam đối với Phán quyết ngày 14/10/2021 của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore đối với vụ kiện số số 186/2019 giữa nguyên đơn: GPS và UTC, bị đơn: Công ty VMG

[2]. Về nội dung: Sau khi kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài nước ngoài, các giấy tờ tài liệu kèm theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, các quy định khác của pháp luật Việt Nam, xem xét đơn yêu cầu, ý kiến của GPS và UTC, ý kiến của VMG và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát. Xét thấy:

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) đối với vụ kiện:

Ngày 21/7/2017 GPS, UTC và Công ty VMG đã ký hợp đồng mua bán cổ phần sửa đổi và trình bày lại. Theo đó GPS đã mua 7.469.900 cổ phần và UTC đã mua 100 cổ phần tại EPAY. Hợp đồng mua bán cổ phần sửa đổi được ký bởi đại diện hợp pháp của GPS, UTC và đại diện theo pháp luật của Công ty VMG. Thấy rằng, hợp đồng mua bán sửa đổi được ký giữa các bên là tự nguyện, phù hợp quy định của pháp luật về nội dung và hình thức nên phát sinh hiệu lực

Tại điều 14 của hợp đồng ngày 21/02/2017 các bên có thỏa thuận: “Bất kỳ tranh chấp, tranh cãi, hoặc khiếu nại nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này bao gồm bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực, tính không hợp lệ, vi phạm hoặc chấm dứt của hợp đồng hoặc bất kỳ tranh chấp liên quan đến bất kỳ nghĩa vụ ngoài hợp đồng nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng sẽ được đưa đến và giải quyết chung thẩm bằng trọng tài điều hành bởi Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore theo quy tắc Trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (Quy tắc SIAC)”

Vì vậy, ngày 02/8/2019 SIAC đã có văn bản thông báo cho các bên về việc Hội đồng trọng tài đã được thành lập để giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là GPS và UTC là đúng thẩm quyền. Công ty VMG có ý kiến cho rằng Hội đồng trọng tài không có quyền giải quyết đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của nguyên đơn. Hội đồng xét đơn thấy rằng ý kiến này của nguyên đơn là không đúng với thỏa thuận trọng tài mà các bên đã ký tại hợp đồng sửa đổi ngày 21/7/2017 như trích dẫn nêu trên. Tuy nhiên, quá trình xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của bên được thi hành, Tòa án sẽ xem xét việc áp dụng pháp luật của Hội đồng trọng tài theo thỏa thuận của các bên.

Vụ tranh chấp này được SIAC thụ lý năm 2019 và giải quyết năm 2021, do vậy, Hội đồng xét đơn sẽ căn cứ vào Quy tắc trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (quy tắc SIAC ngày 01/8/2016) để kiểm tra, đối chiếu với phán quyết trọng tài ngày 14/10/2021 làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết này.

Về thủ tục SIAC thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện của GPS và UTC:

Ngày 27/5/2019, nguyên đơn (GPS và UTC) đã có Thông báo khởi kiện ra Trọng tài. Bị đơn (VMG) cũng đã nộp phản hồi đối với thông báo khởi kiện của nguyên đơn vào 10/6/2019. Trên cơ sở đó, ngày 02/8/2019, SIAC thông báo cho các bên Hội đồng trọng tài đã được thành lập và gửi hồ sơ cho Hội đồng trọng tài. Kể từ thời điểm này, tố tụng trọng tài với vụ kiện đã được xác lập.

Ngay sau khi Hội đồng trọng tài được thành lập, về phía nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện, lời khai người làm chứng, báo cáo chuyên gia. Về phía bị đơn cũng đã nộp bản tự bảo vệ của mình, lời khai người làm chứng, báo cáo chuyên gia để phản hồi về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tại trọng tài.

Quá trình tố tụng, ngày 22/8/2019, Hội đồng trọng tài đã ra Quyết định tố tụng số 01 với nội dung cơ bản: Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành phiên xử vụ kiện từ 27 đến 29/5/2020. Đến ngày 20/4/2020, các bên đã họp và đi đến thống nhất là ngày tiến hành phiên xử được chuyển sang từ ngày 26 đến ngày 28/8/2020. Đến ngày 29/4/2020, Hội đồng trọng tài đã gửi thư cho các bên về phiên họp trực tuyến và hỏi ý kiến bị đơn về phiên xử này. Ngày 4/5/2020, bị đơn có văn bản gửi Hội đồng trọng tài về việc bị đơn muốn được xử trực tiếp do các vấn đề sau: Đường truyền Internet tại Việt Nam không đảm bảo, các Luật sư và chuyên gia khó khăn trong việc trao đổi. Đến ngày 24/7/2020, bị đơn thông báo cho Hội đồng trọng tài là bị đơn đã nộp đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự của Tòa án tỉnh Phú Thọ và bản án hình sự của Tòa án nhân dân cấp cao liên quan đến EPAY đồng thời bị đơn xin hoãn phiên xử vào ngày 26 đến 28/8/2020. Đến ngày 31/7/2020, nguyên đơn đã viết thư gửi Hội đồng trọng tài về việc đền nghị xin hoãn vì EPAY đang phải kiểm toán thuế. Ngày 21/8/2020, nguyên đơn thông báo hoãn phiên xử từ 26 đến 28/8/2020 đến ngày 24 đến 26/2/2022. Tuy nhiên, bị đơn đơn vẫn không đồng ý vì cần có thời gian để chờ đợi kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ và một số lý do khác.

Tuy nhiên, yêu cầu xin hoãn này của bị đơn đã không được Hội đồng trọng tài chấp nhận. Hội đồng xét đơn thấy rằng, đối tượng của hợp đồng mua bán giữa hai bên là cổ phần của Công ty VMG. Trong khi đó VMG là cổ đông lớn của EPAY nắm giữ 62,25% tổng số cổ phiếu đã phát hành của EPAY. VMG đã thỏa thuận bán cho GPS và UTC toàn bộ 62,25% cổ phiếu này. Tuy nhiên, trong khi hai bên tiến hành thực hiện hợp đồng thì tại Việt Nam lại xét xử vụ án hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc” “Rửa tiền” đối với các bị cáo Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã nhận định: EPAY kết nối trực tiếp với cổng thanh toán của Công ty Giải pháp Việt để hỗ trợ thanh toán cho game bài Rikvip/Tip.club trong khi biết rõ đó là game bài trái pháp luật. Đồng thời Bản án sơ thẩm còn tuyên buộc EPAY phải nộp 50.571.635.370 đồng tiền thu lợi bất chính vào ngân sách Nhà nước. Bản án hình sự sơ thẩm này đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên. Do thấy quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng (vì VMG đã mua toàn bộ cổ phần của EPAY) nên VMG đã đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm nhưng chưa có văn bản trả lời. Do vậy, quá trình tố tụng tại Trọng tài, VMG đã hai lần xin hoãn phiên xử với lý do cần đợi kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp thuận. Hội đồng xét đơn thấy rằng, việc đợi kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao đối với đề nghị xem xét lại bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là hoàn toàn chính đáng vì trả lời của Tòa án nhân dân tối cao sẽ cho Hội đồng trọng tài một cách nhìn đầy đủ, toàn diện và chính xác, có thể làm thay đổi toàn bộ bản chất của vụ việc. Việc VMG đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyền lợi của mình trong vụ án hình sự này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của GPS và UTC do GPS và UTC mua lại toàn bộ cổ phần của VMG tại EPAY nên cần thiết phải hoãn phiên xử để Tòa án nhân dân tối cao làm rõ việc có hay không EPAY sự vi phạm và xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của EPAY. Hội đồng xét đơn thấy rằng, Hội đồng trọng tài đã không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên xử này của VMG là không công bằng, không khách quan và không phù hợp điều 20 trình tự thủ tục số 1 do Hội đồng trọng tài ban hành. Tại phiên xử thì Hội đồng trọng tài đã sử dụng ý kiến chuyên gia của nguyên đơn và ý kiến chuyên gia này đã sử dụng bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ để phân tích về trách nhiệm của EPAY (thể hiện tại mục 84,85 của phán quyết). Trên thực tế, Thông báo số 67/2021/TB-TA ngày 25/2/2021 của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã chứng minh một cách rõ ràng rằng, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ và bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ban hành phán quyết và buộc VMG phải bồi thường có sai sót khi nhận định về EPAY trong vụ án hình sự. Từ sự đối xử thiếu công bằng giữa nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện, dẫn đến quyền lợi của VMG bị xâm hại, điều này có nghĩa là Phán quyết trọng tài đã vi phạm điểm b khoản 2 Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự nên không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Về việc thông báo phiên họp của Hội đồng trọng tài:

Ông Bùi Huy Tiến đã được bị đơn đề xuất và Hội đồng trọng tài ghị nhận là một nhân chứng chuyên gia của bị đơn. Tư cách nhân chứng chuyên gia của ông Tiến đã được Hội đồng trọng tài ghi nhận trong quá trình tố tụng trọng tại, tại mục 4.1d của quy tắc phiên điều trần quy định về nhân chứng thực tế và nhân chứng chuyên gia của các bên có nêu rõ tên, địa chỉ email của ông Bùi Huy Tiến.

Theo quy tắc phiên điều trần ngày 22/2/2021, Hội đồng trọng tài đã đưa ra các trình tự thủ tục cụ thể đối với phiên điều trần. Tại mục 4 của quy tắc này thể hiện: Danh sách người tham dự. Theo đó, ngoài đại diện nguyên đơn, đại diện bị đơn còn có các nhân chứng thực tế và nhân chứng chuyên gia, cụ thể là các nhân chứng: Keun Yong Park, Tran Binh Duong (Trần Bình Dương), Tran Tuan Phong (Trần Tuấn Phong), Bùi Huy Tien (Bùi Huy Tiến), Tim Reid, Trung Nguyen (Trung Nguyễn) kèm theo địa chỉ email của những nhân chứng

Tại mục 4.3 điều 4 của quy tắc phiên điều trần thể hiện: Trước ngày 22/2/2021 Epiq (là bên cung cấp nền tảng hội nghị truyền hình và các dịch vụ phiên âm chuyển ngữ thời gian thực từ xa) sẽ gửi thư mời qua email có liên kết web và ID cuộc họp cho phiên điều trần qua zoom tới từng người ở trên là những người tham gia phiên điều trần và chỉ những người đó mới được phép tham dự phiên điều trần, nhưng Hội đồng trọng tài lại không gửi tài khoản và mật khẩu của phiên họp cho ông Bùi Huy Tiến biết là không đúng với quy định tại mục 2.1 điều 2 Quy tắc trọng tài SIAC, mục 4.3 điều 4 quy tắc phiên điều trần. Vi phạm này của Hội đồng trọng tài làm cho ông Bùi Huy Tiến mất đi sự chủ động nghiên cứu tài liệu cũng để dự phiên điều trần.

Về việc áp dụng pháp luật của Hội đồng trọng tài:

Tại điều 14 của hợp đồng mua bán, các bên có thỏa thuận về Luật; tranh chấp. Theo đó, các bên thỏa thuận: Hợp đồng này, bao gồm thỏa thuận Trọng tài tại điều 14.2, sẽ được điều chỉnh và diễn giải đối với mọi khía cạnh theo pháp luật của Singapore. Như đã phân tích nêu trên, Hội đồng xét đơn đã nhận định Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan giữa hai bên là đúng.

Tại phán quyết trọng tài, Hội đồng trọng tài đã áp dụng luật Singapore để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, xem xét toàn diện tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: tại hợp đồng mua bán sửa đổi ngày 21/2/2017, các bên không thỏa thuận cụ thể về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tại phụ lục 5, điều 4.2 các bên đã thỏa thuận về quyền của GPS và UTC (bên mua cổ phần) như sau: Được nắm quyền sở hữu hợp pháp đầy đủ và không bị cản trở đối với cổ phần được mua của bên mua và cổ phần được mua của UTC, tương ứng và được hưởng mọi quyền và lợi ích phát sinh từ hoặc liên quan đến cổ phần được mua của bên mua và cổ phần được mua của UTC theo quy định của pháp luật Việt Nam…Tại điều 5.2 của Phụ lục 5 của Hợp đồng các bên cũng thỏa thuận về nghĩa vụ của bên mua: có các nghĩa vụ khác liên quan đến cổ phần được mua của bên mua và cổ phần được mua của UTC có thể phát sinh theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, tại Hợp đồng mua bán, các bên có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của bên mua (GPS và UTC) liên quan đến cổ phần thì phải theo quy định của pháp luật Việt Nam, theo đó, yêu cầu về bồi thường thiệt hại của nguyên đơn phải được hiểu là có liên quan đến việc mua bán cổ phần này cũng phải được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng Hội đồng trọng tài lại không viện dẫn và áp dụng viện dẫn pháp luật Việt Nam là không đúng.

Mặt khác, tại mục 4, 5 của Đơn khởi kiện nguyên đơn đã đưa ra các yêu cầu bồi thường khác nhau, trong đó mục 5 xác định Yêu cầu khởi kiện bổ sung theo Đạo luật về cam đoan sai sự thật của VMG và áp dụng Luật của Singapore để ra phán quyết là không đúng vì đây là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên những nhận định chưa chính xác của bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ (đã được Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam xác định lại vấn đề này), Hội đồng trọng tài đã xét xử yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về buộc VMG phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và áp dụng Đạo luật về cung cấp thông tin sai sự thật của Singapore đối với một hợp đồng mua bán cổ phần của nguyên đơn và VMG được ký kết và thực hiện tại Việt Nam mà không căn cứ vào các quy định tại Chương XX Bộ luật dân sự năm 2015 để xét xử và ra phán quyết là trái với quy định nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam quy định tại điểm b khoản 2 Điều 459 BLTTDS năm 2015.

Tại quy tắc phiên điều trần, Hội đồng trọng tài quy định:Người tham gia không được sử dụng “Phông ảo” và phòng nơi họ đang ở phải quan sát được rõ ràng. Tuy nhiên, tại phiên điều trần, nguyên đơn đã sử dụng phông, bạt che bớt một phần căn phòng nơi người đại diện của Nguyên đơn và nhân chứng sử dụng để tham gia xét xử. Về phía bị đơn đã có ý kiến phản hồi thông qua email của luật sư Josua Tan. Cụ thể, phía bị đơn nhiều lần cho rằng: Việc sử dụng phông vật lý đằng sau bất kỳ cá nhân nào phát biểu tại phiên điều trần là không tuân thủ quy chế điều trần. Do đó, bị đơn không đồng ý để nguyên đơn tiếp tục trên cơ sở này. Sau đó nguyên đơn có email cũng đã thừa nhận việc có dùng rèm che cửa trong phòng để tham gia phiên điều trần và cho rằng ý kiến của bị đơn về việc có ẩn ý cho rằng nguyên đơn có thể che giấu những cá nhân không phù hợp sau tấm rèm trong phòng điều trần là xúc phạm. Trước ý kiến của nguyên đơn, bị đơn tiếp tục có email nhấn mạnh nguyên đơn không nên sử dụng phông vật lý thuộc bất cứ loại nào trong phiên điều trần vì sẽ gây khó khăn cho bị đơn trong việc xác định liệu có các cá nhận khác có mặt hay không. Bị đơn cho rằng việc sử dụng phông nền vật chất là không tuân thủ các khoản 7.6, 10.6, và 11.4 của quy chế phiên điều trần, yêu cầu bên trong của căn phòng có thể nhìn thấy trên màn hình

Trước nhiều ý kiến phản đối của bị đơn và đối chiếu với quy tắc phiên điều trần đã viện dẫn nêu trên, việc nguyên đơn sử dụng rèm (phông vật lý) để tham gia phiên điều trần là vi phạm quy tắc phiên điều trần nhưng Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục phiên điều trần là có vi phạm quy tắc điều trần.

Từ những phân tích trên, thấy rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết khi có vi phạm về thủ tục tố tụng (điểm c khoản 1 điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự) đã không đảm bảo quyền bình đẳng của các bên theo quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015, điều 8 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; điều 4 Luật Trọng tài thương mại là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nên phải bị từ chối theo điều 5 Công ước Newyork. Đồng thời, xét thấy nếu cho công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo yêu cầu của GPS và UTC thì được hiểu là trong quá trình thi hành phán quyết của trọng tài sẽ phải thi hành các tài sản là động sản và bất động sản của VMG tại Việt Nam và theo Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về “Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” thì chỉ có Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết việc liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, Hội đồng xét đơn cấp phúc thẩm thấy quyết định của Hội đồng xét đơn cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo yêu cầu của GPS và UTC là có căn cứ nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người được thi hành là GLOBAL PAYMENT SERVICE, UTC INVESTMENT CO., LTD.

Vì các lẽ trên, căn cứ Điều 438, Điều 443 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[Nguồn: Bản án số: 09/2023/HS-PT ngày 17/01/2023 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI]

Xem file đính kèm toàn văn Bản án số: 09/2023/HS-PT

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan