Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Đình chỉ giải quyết án tranh chấp chế độ bảo hiểm xã hội vì hết thời hiệu khởi kiện

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Đình chỉ giải quyết án tranh chấp chế độ bảo hiểm xã hội vì hết thời hiệu khởi kiện

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Trước khi cổ phần hóa vào ngày 01/12/2005 thì ngày 30/11/2005 Công ty Đ (Doanh nghiệp Nhà nước) ban hành Quyết định số 863/QĐ/ĐQN-TCLĐ cho ông Nghiêm Ngọc T nghỉ việc hưởng chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước chuyển cổ phần hóa và giao ngay Quyết định cho ông T. Do Người lao động (trong đó có ông Nghiêm Ngọc T) khiếu nại đề nghị rà soát cho số lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với mức hưởng cao hơn những lao động làm nghề, công việc bình thường nên Bảo hiểm X phối hợp với Công ty Đ tiến hành rà soát những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại từ ngày 18/10/2005 (trước ngày cổ phần, cổ phần ngày 01/12/2005) kết thúc ngày 09/02/2006 (sau khi cổ phần 02 tháng) cho ra kết quả có 57 người có trên 15 năm làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng không được Công ty Đ xếp lương, trả lương và đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương của nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Sau khi xin và được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho ý kiến tại Công văn số 2338/LĐTBXH-BHXH ngày 07/7/2006, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ý kiến tại Công văn số 3026/BHXH-BT ngày 11/8/2006 (nội dung chấp thuận cho phép truy đóng tiền bảo hiểm xã hội chênh lệch với đối tượng người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Sau đó, Công ty Cổ phần Đ tiến hành tính toán và truy đóng phần chênh lệch bảo hiểm xã hội cho 57 lao động không được xếp lương, trả lương và đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương của nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nêu trên và đã nộp phần chênh lệch này cho Bảo hiểm X. Ngày 22/9/2006, Bảo hiểm X và Công ty Cổ phần Đ lập Biên bản làm việc chốt Sổ bảo hiểm xã hội và đã giao ngay Sổ trong tháng 10 năm 2006 cho người lao động.

[2] Sau khi nhận Sổ bảo hiểm xã hội, có 26 lao động đủ điều kiện được đi giám định khả năng lao động để hưởng chế độ hưu trí và người lao động đã có Đơn đề nghị và Bảo hiểm X đã có Giấy giới thiệu đi giám định khả năng lao động. Từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 12/2006 có 26 lao động được Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Quảng Ngãi giám định khả năng lao động, bị suy giảm khả năng lao động trên 61%. Căn cứ kết quả giám định khả năng lao động, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các Quyết định cho hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của từng người lao động. Sau khi nhận Quyết định cho hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, người lao động (trong đó có ông Nghiêm Ngọc T) gửi đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền khiếu nại 03 nội dung: (i). Yêu cầu Công ty cổ phần Đ trả 11 tháng lương (từ tháng 11 năm 2005 đến tháng 10 năm 2006) vì Quyết định nghỉ việc ban hành từ tháng 11 năm 2005 nhưng đến tháng 10 năm 2006 mới giao cho người lao động đi giám định sức khỏe để hưởng chế độ hưu trí là chậm 11 tháng; (ii). Yêu cầu trả phần chênh lệch tiền lương nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ năm 1993 trở về trước (do người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại nhưng Công ty Đ không xếp lương của nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm); (iii). Khi về hưu được hưởng 1/2 tháng lương cơ bản từ quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương dự phòng và các quy định khác theo quy định của Công ty Đ.

[3] Đối với yêu cầu trả phần chênh lệch tiền lương nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ năm 1993 trở về trước thì Công ty cổ phần Đ đã thực hiện tính toán và chi trả phần chênh lệch tiền lương giữa mức lương bình thường và mức lương của nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho người lao động tại Quyết định 369QĐ/CPĐQN-TC-KHTH ngày 07/5/2006 và Quyết định 558QĐ/CPĐQN-HC-TC-KHTH ngày 25/7/2006 và người lao động đã nhận số tiền chênh lệch. Đối với yêu cầu được hưởng 1/2 tháng lương cơ bản từ quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương dự phòng và các quy định khác của Công ty Đ thì Công ty cổ phần Đ đã tổ chức thông báo công khai quỹ phúc lợi các năm 2003, 2004 và 2005 thể hiện kinh doanh thua lỗ nên Công ty cổ phần Đ không có quỹ để chi trả người lao động. Đối với yêu cầu trả 11 tháng tiền lương (từ tháng 11/2005 – tháng 10 năm 2006) do chậm giao Quyết định nghỉ việc cho người lao động để đi giám định sức khỏe hưởng chế độ hưu trí thì Công ty cổ phần Đ có xin ý kiến Bộ Tài chính để Công ty phụ giúp trả người lao động 5 tháng tiền lương nhưng tại Văn bản số 5765/BTC-TCDN ngày 02/5/2007 Bộ Tài chính không đồng ý vì không đúng chính sách đối với người lao động dôi dư theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP.

[4] Năm 2008, ông Võ Duy Thanh (đại diện cho 57 người lao động, trong đó có ông Nghiêm Ngọc T) có đơn khiếu nại (Đơn không ghi ngày, tháng, ghi năm 2008) gửi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khiếu nại việc Công ty cổ phần Đ không giải quyết chế độ nghỉ việc theo đúng Nghị định số 41/2002/NĐ-CP. Ngày 10/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 85/2008/CV-LĐ trả lời ông Võ Duy Thanh và những người lao động do ông Thanh đại diện là nội dungkhiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Lao động – Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nên căn cứ điểm e khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự trả lại đơn và hướng dẫn các Ông Bà gửi đơn đến Sở Lao động – Thương binh và X để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền (bút lục 224).

[5] Ngày 10/12/2008, ông Nghiêm Ngọc T có Đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Công ty cổ phần Đ bồi thường 11 tháng lương hưu (từ tháng 11 năm 2005 đến tháng 10 năm 2006) vì chậm giao Quyết định nghỉ việc; yêu cầu trả chênh lệch tiền lương nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chế độ phúc lợi trong thời gian làm việc. Ngoài gửi đơn khởi kiện tại TAND tỉnh Quảng Ngãi thì ông T còn gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan, ban ngành khác. Ngày 24/01/2014, Chánh thanh tra Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng số 03/QĐ-TTr quyết định “Hành vi chậm trả sổ bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội, vì vậy việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội”. Ngày 25/9/2017 ông Nguyễn Ngọc T tiếp tục gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Q yêu cầu giải quyết buộc Công ty Cổ phần Đ bồi thường cho ông T thiệt hại 11 tháng lương hưu vì hành vi chậm trả Sổ bảo hiểm xã hội, với số tiền yêu cầu cụ thể là 39.149.000 đồng (3.559.500 đồng/tháng x 11 tháng).

[6] Với các căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy: [6.1]. Tháng 11/2006, ông Nghiêm Ngọc T nhận được Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí {trước đó vào cuối năm 2005 ông T đã được giao Quyết định nghỉ việc số 863/QĐ/ĐQN-TCLĐ ngày 30/11/2005, nhưng có khiếu nại nên phải trải qua quá trình rà soát, tính toán chênh lệch và Công ty Cổ phần Đ phải nộp phần chênh lệch theo mức lương của nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm so với mức lương bình thường đối với 57 lao động cho Bảo hiểm X nên đến ngày 22/9/2006 Bảo hiểm X mới lập Biên bản làm việc với Công ty cổ phần Đ chốt Sổ bảo hiểm xã hội để giao cho 57 người lao động}; tuy nhiên, tháng 2 năm 2008 ông Võ Duy Thanh (đại diện cho 57 người lao động, trong đó có ông Nghiêm Ngọc T) gửi Đơn đến Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khiếu nại việc Công ty cổ phần Đ giải quyết chế độ nghỉ việc không đúng Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và ngày 10/12/2008 ông Nghiêm Ngọc T có Đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi là đã quá thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 167 Bộ luật lao động năm 1994. Năm 2017 ông Nghiêm Ngọc T tiếp tục có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu bồi 11 tháng tiền lương hưu vì chậm trả Sổ Bảo hiểm xã hội (thay vì lý do chậm giao Quyết định nghỉ việc như đơn khởi kiện năm 2008). Xét dù với lý do chậm giao Quyết định nghỉ việc hay chậm trả Sổ bảo hiểm xã hội thì thời hiệu khởi kiện cũng đều là 01 năm, tính từ ngày nhận được Quyết định nghỉ việc hay ngày nhận Sổ bảo hiểm xã hội đến ngày khởi kiện; [6.2]. Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2019/QĐKN-VKS-LĐ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng “việc khởi kiện của ông T thuộc trường hợp khiếu kiện, khởi kiện liên tục những yêu cầu của người khởi kiện chưa được giải quyết, lỗi này không thuộc về ông T”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động có quyền lựa chọn hoặc là khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án. Nếu cơ quan có thẩm quyền có quyết định giải quyết khiếu nại mà người lao động không đồng ý hoặc quá thời hạn mà không được giải quyết thì người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án. Trong vụ việc này, người lao động đã khởi kiện tại Tòa án từ năm 2008 nhưng đã hết thời hiệu khởi kiện (như nêu ở trên); sau đó ông T đã khiếu nại đến cơ quan lao động cấp tỉnh và đã được cơ quan này giải quyết. Vì khiếu nại của ông T được chấp nhận nên ông T không khởi kiện hoặc khiếu nại tiếp (Nếu khiếu nại không được chấp nhận, thì ông T cũng không thể khởi kiện vì đã hết thời hiệu); [6.3] Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2019/QĐKN-VKS-LĐ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng “Việc khởi kiện của ông T phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự”. Tuy nhiên, trong trường hợp này người lao động đã thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động. Việc khiếu nại đã được giải quyết và đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Quyết định số 03/QĐ-TTr ngày 24/01/2014). Do đó, việc khởi kiện của ông T thuộc trường hợp Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192; điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); [6.4]. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2019/QĐKN-VKS-LĐ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng “Tại Tòa án, Công ty có lời khai thừa nhận có vi phạm và đã thực hiện một phần nghĩa vụ; do đó trường hợp này phải bắt đầu lại thời hiệu theo quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015”. Tuy nhiên, lời khai của đương sự tại Tòa án là chứng cứ mới xuất hiện tại Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 25/8/2018 (sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, ngày 25/9/2017). Tại thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện, chưa có chứng cứ làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu nên không thể áp dụng quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015 như nhận định tại Quyết định kháng nghị; [6.5]. Vì các lẽ trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2019/QĐKN-VKS-LĐ ngày 27/6/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là không có cơ sở nên không chấp nhận.

[Nguồn: Quyết định GĐT số 01/2021/LĐ-GĐT Ngày 22/9/2021 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]

Xem file đính kèm toàn văn Quyết định GĐT: Số 01/2021/LĐ-GĐT

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng:

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan