Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Bản án tranh chấp về sở hữu trí tuệ về việc sử dụng phần mềm Creo không được phép

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] – Bản án tranh chấp về sở hữu trí tuệ về việc sử dụng phần mềm Creo không được phép

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của P làm trong hạn luật định, hợp lệ về hình thức nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

[2.1] P khởi kiện yêu cầu buộc bị đơn Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục H gỡ bỏ phần mềm CREO Element Pro 5.0 trên máy tính vi phạm, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả cụ thể là hành vi sao chép và sử dụng trái phép chương trình máy tính CREO Element Pro 5.0; thông báo xin lỗi trên Báo T trong 03 kỳ báo liên tiếp; bồi thường thiệt hại số tiền 543.685 USD; tiêu hủy toàn bộ máy tính của Công ty H đã cài đặt phần mềm CREO Element Pro 5.0.

[2.2] Đối với yêu cầu buộc Công ty H gỡ bỏ phần mềm vi phạm, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả, thông báo xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn đều thống nhất với nội dung trên, không kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[2.3] Đối với yêu cầu buộc bị đơn bồi thường bồi thường số tiền 543.685 USD:

Việc Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục H vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm CREO Element Pro 5.0 của P là có thật; được chính bị đơn thừa nhận. P có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nếu đảm bảo các điều kiện pháp luật quy định.

Điểm a, khoản 1, Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: “a) Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;…”.

Điểm a Khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: “a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất”.

Nguyên đơn cho rằng bị thiệt hại do bị đơn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên yêu cầu được bồi thường giá trị phần mềm CREO Element Pro 5.0 phiên bản đầy đủ module là 543,685 USD (tương đương 12.631.977.290 đồng).

Xét thấy, về nguyên tắc xác định thiệt hại do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì nguyên đơn phải chứng minh được mức giảm sút về thu thập của nguyên đơn và khoản lợi nhuận mà bị đơn thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nguyên đơn theo các quy định pháp luật đã được Hội đồng xét xử viện dẫn ở trên. Theo Kết luận thanh tra số 182/KL-TTr ngày 26/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quyết định về việc thanh tra chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính số 328/QĐ-TTr ngày 05/12/2019 thì Công ty H có sử dụng phần mềm CREO Elemet 5.0 phiên bản không đầy đủ trên 01 máy tính của Công ty H. Công ty H xác định nhân viên của Công ty H tự ý cài đặt phần mềm CREO Elemet 5.0 vào máy tính đơn vị để sử dụng; Công ty H không có chủ trương cho nhân viên sử dụng phần mềm trên và không sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Công ty. Hội đồng xét xử xét thấy Công ty H hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; phần mềm CREO Elemet 5.0 được đại diện P xác định đây là chương trình ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao trong lĩnh vực sản xuất; đây là lĩnh vực nằm ngoài hoạt động kinh doanh của Công ty H. P không chứng minh được Công ty H sử dụng phần mềm trên vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thu được lợi nhuận từ việc sử dụng phần mềm; đồng thời cũng không chứng minh thiệt hại vật chất, giảm sút thu nhập của nguyên đơn liên quan đến việc vi phạm của bị đơn.

Mặt khác, yêu cầu bồi thường của nguyên đơn đưa ra là bản tuyên bố của P ngày 24/6/2020 là giá bán toàn bộ chương trình máy tính P Creo  Elements/Pro 5.0 với thời gian là vô thời hạn. Trong khi đó, theo Kết luận thanh tra số 182/KL- TTr ngày 26/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quyết định thì Công ty H vi phạm một phần phiên bản không đầy đủ của chương trình máy tính CAD/CAM, không phải tất cả các module của phần mềm CREO Elemet 5.0. Chính P hiện nay cũng không xác định được giá trị thực tế của phiên bản không đầy đủ mà Công ty H có vi phạm là bao nhiêu để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty H bồi thường thiệt hại số tiền 543.685 USD, tương  đương 12.631.977.290 đồng là có căn cứ.

[2.4] Đối với yêu cầu buộc bị đơn tiêu huỷ toàn bộ máy tính có cài đặt phần mềm vi phạm:

Bị đơn căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ, Điều 31 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP để buộc bị đơn tiêu huỷ toàn bộ máy tính cài đặt trái phép phần mềm CREO Elemet 5.0. Xét thấy, khoản 5 Điều 202 và Điều 31 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP buộc tịch thu tiêu huỷ đối với đối tượng “hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ”. Công ty H có hành vi vi phạm tại 01 máy tính và đây là hành vi sao chép để sử dụng; không phải với mục đích sản xuất, kinh doanh phần mềm vi phạm. Bị đơn đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả gỡ bỏ phần mềm vi phạm theo quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền. Nguyên đơn yêu cầu tịch thu, tiêu huỷ máy tính của bị đơn là không phù hợp với các quy định pháp luật đã viện dẫn trên nên không có cơ sở chấp nhận.

[2.5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của nguyên đơn không có cơ sở chấp nhận; cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Do kháng cáo không được chấp nhận nên P phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

[Nguồn: Bản án số 09/2022/KDTM-PT Ngày 21/02/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]

Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:

📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn

♥️ Fanpage and Group:

https://www.facebook.com/fdvnlawfirm

https://www.facebook.com/lawyersindanang

https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat

https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam

🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Xem file đính kèm toàn văn Bản án: 09/2022/KDTM-PT

Bài viết liên quan