NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu các tài liệu; chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa; kết quả tranh luận và trình bày của đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Về người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH IAN P có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người bị kiện có mặt tham gia phiên tòa và đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị tiến hành xét xử vắng mặt Công ty TNHH IAN P. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ ba, người khởi kiện là Công ty TNHH IAN P kháng cáo có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên quyết định tiến hành xét xử vắng mặt người khởi kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 225 Luật Tố tụng hành chính.
[1.2] Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính: Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan và nộp đủ số tiền thuế thiếu theo quy định; Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc nộp dần tiền nợ thuế là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là đúng quy định của pháp luật. Đối với Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài là văn bản không đáp ứng đủ các điều kiện là quyết định hành chính theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính dẫn đến việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh là không đúng. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót trong việc xác định không đúng đối tượng khởi kiện đối với Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 như đã nêu trên, nhưng sai sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên việc xem xét, xác định lại tư cách tham gia tố tụng là không cần thiết. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thụ lý, giải quyết vụ án hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính.
[1.3] Thời hiệu khởi kiện: Ngày 02/5/2019, Công ty IAN đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu hủy các Công văn nêu trên là vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.
[1.4] Thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 30; khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.
[1.5] Đơn kháng cáo của đương sự: Ngày 04/9/2020, Công ty TNHH IAN P có đơn kháng cáo hợp lệ, được gửi trong thời hạn và nộp tạm ứng án phí theo quy định tại các Điều 205, 206, 209 Luật Tố tụng hành chính nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về nội dung:
Xét kháng cáo của Công ty TNHH IAN P đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty, hủy Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S, Công văn số 315/TB- CCHQTS ngày 25/7/2018 của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S và Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; buộc Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S hoàn trả lại cho Công ty IAN 5.119.957.083 đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[2.1] Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản: Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S ban hành văn bản yêu cầu Công ty IAN phải nộp tiền nợ thuế là đúng thẩm quyền quy định tại Điều 39 Luật quản lý thuế năm 2006; khoản 3 Điều 33 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S trong quyền hạn, nhiệm vụ và chức năng của mình đã ban hành văn bản yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan và Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh ban hành văn bản trả lời về chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài là đúng quy định.
[2.2] Về nội dung của văn bản:
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2016) về miễn thuế thì:“Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu. Sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước tương ứng cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tính trên phần trị giá của nguyên vật liệu xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công. Đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì không được miễn thuế.” Tại khoản 24 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng quy định “Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Ngày 01/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 11 quy định cụ thể như sau:
Điều 11. Miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu
- Hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, gồm:
- a) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.
Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã xuất khẩu tương ứng với sản phẩm gia công không nhập khẩu trở lại phải chịu thuế xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51 % giá thành sản phẩm trở lên và hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu…
Như vậy, nội dung điều luật quy định 02 trường hợp không được miễn thuế xuất khẩu gồm: “Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” và “hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu”.
Tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu. Công ty IAN cho rằng phế liệu đồng xuất khẩu của công ty là khoáng sản có nguồn gốc nước ngoài và thuộc đối tượng được miễn thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt hàng công ty IAN xuất khẩu để gia công là phế liệu đồng được sinh ra trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài nên không thể xác định là tài nguyên, khoáng sản được khai thác nên không được miễn thuế xuất khẩu mà là một loại hàng hóa nằm trong danh mục phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Việc xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm căn cứ vào quy định về xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng 51% trở lên quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016; Luật thuế GTGT; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tài nguyên, khoáng sản phải được khai thác và có nguồn gốc trong nước. Do đó, quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với việc hướng dẫn, quy định chi tiết tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ không có sự mâu thuẫn hay xung đột pháp luật.
Theo các quy định nêu trên kể từ ngày 01/9/2016 (ngày Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực pháp luật) thì hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì người khai báo hải quan phải khai báo và nộp thuế xuất khẩu theo mức thuế xuất khẩu theo quy định. Trong khi đó, mặt hàng Công ty IAN xuất khẩu để gia công là phế liệu đồng trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử không phải là tài nguyên, khoáng sản (được khai thác) mà là một loại hàng hóa thuộc Mã hàng 74.04 Phế liệu và mảnh vụn của đồng có mức thuế xuất là 22% nằm trong danh mục phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Liên quan đến vụ việc này không chỉ có Công ty IAN mà cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác trên toàn quốc có thắc mắc cho rằng việc thu thuế xuất khẩu đối với phế liệu, phế phẩm kim loại xuất khẩu gia công là chưa phù hợp và cũng đã có văn bản phản ánh gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị làm rõ. Sau khi có ý kiến thống nhất của nhiều Bộ, Ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 11081/BTC-TCHQ ngày 18/8/2017 trả lời về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công theo quy định tại Nghị định 134. Theo đó, Phế liệu, phế phẩm kim loại thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu. Trên thực tế Công ty IAN đã chấp hành việc nộp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phế liệu đồng của công ty với tổng số tiền 5.119.957.083 đồng (bao gồm cả tiền chậm nộp) theo quy định và không có thắc mắc về số lượng hàng hóa trên tờ khai hải quan khai nộp thuế, số lượng tờ khai hải quan khai nộp thuế, số tiền nộp thuế xuất khẩu cũng như số tiền phạt chậm nộp. Việc quy định về mức tiền chậm nộp là đúng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá, xem xét và quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH IAN P là có căn cứ pháp luật. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá và quyết định của bản án sơ thẩm, ý kiến kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH IAN P là không có cơ sở chấp nhận.
Về án phí: Do kháng cáo của Công ty TNHH IAN P không được chấp nhận nên Công ty TNHH IAN P phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
[Nguồn: Bản án số 64/2022/HC-PT Ngày 17/3/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Bản án: 64/2022/HC-PT