NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng:
Quá trình giải quyết vụ án, các Cơ quan tiền hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Kháng cáo của các bị cáo; kháng cáo của người có quyền lợi, Ngh1 vụ liên quan đảm bảo về hình thức, trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về nội dung: Hành vi phạm tội của các của bị cáo:
[2.1] Nhóm các bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”:
Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và căn cứ lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có cơ sở xác định: Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2017 với động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân, Trần Văn S là Giám đốc Agribank Sìn Hồ và sau này là Trưởng phòng kinh doanh Agribank Lai Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo Liễu Đức M2, Phạm Ngọc D, Nguyễn Hồng Việt, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1, Bùi Anh T3 lập 32 hồ sơ vay vốn giả, 05 hồ sơ vay vốn đứng tên Trần Văn S (các hồ sơ đứng tên S có một số các sai phạm như: hồ sơ vay vốn có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng thực tế hồ sơ thế chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có hồ sơ pháp lý khách hàng; không có tài liệu chứng minh khả năng tài chính; không kiểm tra giám sát cho vay; không có giấy đề nghị vay vốn; cho vay không có tài sản bảo đảm; hợp đồng tín dụng không có chữ ký người đại diện và dấu của ngân hàng; không có phê duyệt của người có thẩm quyền tại phần giám định, phê duyệt cho vay …). S chỉ đạo và nhờ Lò Văn X là Phó Giám đốc và sau này là Giám đốc Agribank Sìn Hồ ký phê duyệt các khoản vay, giải ngân trên 08 hồ sơ vay vốn giả, 05 hồ sơ vay vốn mang tên S để chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ do S và X là người được giao nhiệm vụ quản lý.
Cũng trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, Trần Văn S là Giám đốc Agribank Sìn Hồ đã cùng Lò Văn X là Phó Giám đốc và sau này là Giám đốc Agribank Sìn Hồ câu kết với Đặng Tiến C là Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức C, chỉ đạo Phạm Ngọc D, Nguyễn Hồng V1 lập 13 hồ sơ vay vốn giả để giúp C chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ do S và X là người được giao nhiệm vụ quản lý.
Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 và các bị cáo khác dưới sự chỉ đạo của Trần Văn S, Lò Văn X, dù biết việc lập hồ sơ vay vốn giả, lập hồ sơ vay sai phạm đứng tên Trần Văn S là vi phạm pháp luật, nhưng vì S, X chỉ đạo nên Nh, Nh1 vẫn cố ý thực hiện hành vi lập hồ sơ sai phạm để giúp S, C chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ mà S, X có trách nhiệm quản lý.
[2.1.1]. Đối với Trần Văn S:
Số tiền Trần Văn S trực tiếp chiếm đoạt của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ là 42.235.000.000 đồng (trong đó, số tiền S đã tất toán là 8.077.728.000 đồng, số tiền còn lại chưa tất toán (thực tế chiếm đoạt) là 34.157.272.000 đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt đều được S sử dụng vào mục đích cá nhân (trong đó, thông qua tài khoản của Công ty TNHH Quang Chiến chuyển vào tài khoản của Công ty thủy sản An Gi2 số tiền 29.299.428.680 đồng) đến nay không có khả năng hoàn trả.
Số tiền Trần Văn S giúp Đặng Tiến C chiếm đoạt của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ là 6.400.000.000 đồng, bản thân S không được hưởng lợi gì.
Như vậy, tổng số tiền S chiếm đoạt và giúp C chiếm đoạt của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ là 48.635.000.000 đồng.
Hành vi chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ hoàn thành từ thời điểm dòng tiền từ ngân hàng thoát khỏi sự quản lý của ngân hàng thông qua việc bị cáo và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm để giải ngân tiền vay; bị cáo tư lợi tiền chiếm đoạt bằng chính việc trả tiền mua cá xuất khẩu cho Công ty TNHH Quang Chiến của Vũ Văn K2; việc bị cáo trả nợ cho các khoản tiền chiếm đoạt trước đó bằng thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn giả, vay vốn sai phạm để tất toán các khoản tiền đã chiếm đoạt trước đó, đây không phải là ý thức và hành vi trả nợ chính đáng, việc bị cáo không là người có chức vụ, quyền hạn, không có trách nhiệm quản lý tài sản ở Agribank Sìn Hồ từ sau ngày 01/4/2016. Tuy nhiên, xét về bản chất và xâu chuỗi các hành vi phạm tội của bị cáo Trần Văn S từ năm 2011 đến năm 2016 thì thấy rằng, với mục đích chiếm đoạt tài sản từ hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm nên bị cáo dùng mọi thủ đoạn, dùng sự ảnh hưởng của bản thân để tác động, chi phối, rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy các nhân viên dưới quyền trước đó tiếp tục lập hồ sơ vay vốn giả để lấy tiền từ ngân hàng ra. Cho dù bị cáo không còn trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản, không có chức vụ, quyền hạn nữa nhưng với vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị cáo tiếp tục khởi xướng, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện tội phạm. Liên quan đến các khoản vay của Đặng Tiến C thấy rằng, cũng bằng thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn giả và được sự tiếp tay, thông đồng của các bị cáo nên C chiếm đoạt tiền của Agribank Sìn Hồ. Tuy S không hưởng lợi ích gì từ hành vi chiếm đoạt tài sản của C nhưng bị cáo đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập hồ sơ vay vốn giả để C rút tiền từ ngân hàng ra và đến nay chưa khắc phục được hậu quả. Về vai trò của Vũ Văn K2 – Giám đốc Công ty TNHH Quang Chiến, trong quá trình điều tra và chuẩn bị xét xử không xác định được K2 đi đâu, làm gì nên chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của K2.
Liên quan đến các khoản vay đứng tên Trần Văn S với số tiền 2,65 tỷ đồng là hợp đồng vay vốn sai phạm (hồ sơ vay vốn có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng thực tế hồ sơ thế chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có hồ sơ pháp lý khách hàng; không có tài liệu chứng minh khả năng tài chính; không kiểm tra giám sát cho vay; không có giấy đề nghị vay vốn; cho vay không có tài sản bảo đảm; sử dụng vốn vay không đúng mục đích; hợp đồng tín dụng không có chữ ký người đại diện và dấu của ngân hàng; không có phê duyệt của người có thẩm quyền tại phần giám định, phê duyệt cho vay….) về thực chất đây là một trong số các thủ đoạn của bị cáo nhằm chiếm đoạt tiền của Agribank Sìn Hồ. Bởi lẽ, với mục đích chiếm đoạt tài sản của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ trong một thời gian rất dài từ năm 2011 đến năm 2016, trên cương vị là người đứng đầu của Agribank Sìn Hồ và sau đó là trưởng phòng kinh doanh của Agibank Lai Châu, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sự ảnh hưởng sẵn có của bản thân để thực hiện các thủ đoạn như: lập các hồ sơ vay vốn giả (đứng tên người thân của bị cáo, đứng tên các tổ chức là Hợp tác xã, Công ty), lập hồ sơ vay vốn sai phạm lấy chính tên của bị cáo để lấy tiền của ngân hàng ra sử dụng mục đích cá nhân và đến nay không có khả năng hoàn trả. Việc các luật sư bào chữa cho bị cáo S đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại nhằm xác định lại tội danh đối với bị cáo S là không có căn cứ, bởi lẽ, với các tài liệu chứng cứ được thu thập một cách khách quan, đúng trình tự tố tụng và qua tranh tụng tại phiên tòa đã đủ căn cứ buộc tội và quyết định hình phạt đối với bị cáo. Bị cáo Trần Văn S đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhưng đã làm trái các nguyên tắc, chế độ về quản lý tài sản do mình quản lý (bị cáo lập các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm đứng tên của bản thân) để chiếm đoạt tài sản của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm vào sự hoạt động đúng đắn và chế độ sở hữu về tài sản của Nhà nước, bị cáo thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
[2.1.2] Đối với Đặng Tiến C:
Trong quá trình kinh doanh, do có mối quan hệ quen biết với Trần Văn S và Lò Văn X là những người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản tại Agribank Sìn Hồ nên C đã rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy S, X trong việc chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lập hồ sơ vay vốn giả để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Được sự thông đồng của các nhân viên ngân hàng, C cung cấp thông tin giả về người vay, tài sản vay… để nhân viên ngân hàng đã lập hồ sơ vay vốn giả, sau đó thông qua hoạt động giải ngân, C đã chiếm đoạt được tài sản của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ tổng số tiền là 27.000.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt được tiền từ các hồ sơ vay vốn giả C sử dụng vào mục đích cá nhân như cho vay mượn, mua nhà, đất, trả nợ, thi công công trình và hiện nay không có khả năng khắc phục. Bị cáo C là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm sự hoạt động đúng đắn và chế độ sở hữu về tài sản của Nhà nước.
[2.1.3]. Đối với Lò Văn X:
Bị cáo Lò Văn X là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái nguyên tắc, chế độ về quản lý tài sản do mình có trách nhiệm quản lý, dưới sự chỉ đạo của S, sự rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy của S và C, bị cáo đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền thiết lập các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm giúp Trần Văn S, Đặng Tiến C chiếm đoạt của ngân hàng là 35.015.000.000 đồng (trong đó, liên quan đến hồ sơ vay vốn giả, vay vốn sai phạm của S là 14.415.000.000 đồng, liên quan đến hồ sơ vay vốn giả của C là 20.600.000.000 đồng). Hành vi của bị cáo đã tạo điều kiện quan trọng cho S, C chiếm đoạt tiền của ngân hàng, mặc dù X không được bàn bạc, không biết mục đích chiếm đoạt của S, C, không được hưởng lợi ích vật chất nhưng bị cáo biết rõ việc S, C vay tiền ngân hàng bằng các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm nhưng vẫn chỉ đạo nhân viên dưới quyền thiết lập hồ sơ vay vốn, ký vào các hồ sơ vay vốn là việc bị cáo tiếp nhận ý chí phạm tội của S, C. Hành vi của bị cáo X là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của và chế độ sở hữu tài sản của Nhà nước.
[2.1.4]. Đối với Khoàng Thị Nh:
Bị cáo Khoàng Thị Nh là cán bộ tín dụng, là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã làm trái nguyên tắc, chế độ quản lý tài sản do mình được phân công thực hiện, dưới sự chỉ đạo của S, bị cáo đã lập, ký vào các hồ sơ vay vốn sai phạm để giúp S chiếm đoạt của Agribank Sìn Hồ số tiền là 870.000.000 đồng. Khi S rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy bị cáo Nh đã lập và ký vào hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm giúp cho S chiếm đoạt tiền của ngân hàng, mặc dù bị cáo không được bàn bạc, không biết mục đích chiếm đoạt của S, không được hưởng lợi ích vật chất, bị cáo biết rõ việc S rút tiền từ ngân hàng ra thông qua các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm nhưng vẫn thực hiện việc lập, ký vào hồ sơ vay vốn là việc bị cáo tiếp nhận ý chí phạm tội của S. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sự hoạt động đúng đắn và chế độ sở hữu về tài sản của Nhà nước.
[2.1.5]. Đối với Nguyễn Văn Nh1:
Bị cáo Nguyễn Văn Nh1 là cán bộ tín dụng, là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã làm trái nguyên tắc, chế độ quản lý tài sản do mình được phân công thực hiện, dưới sự chỉ đạo của S, bị cáo đã lập, ký vào các hồ sơ vay vốn sai phạm để giúp S chiếm đoạt của Agribank Sìn Hồ số tiền là 1.255.000.000 đồng, trong đó, S đã tất toán 105.000.000 đồng, hiện còn 1.150.000.000 đồng. Khi S rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy, bị cáo Nh1 đã lập và ký vào hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn trái quy định, giải ngân trái quy định để giúp cho S chiếm đoạt tiền của ngân hàng, mặc dù bị cáo Nh1 không được bàn bạc, không biết mục đích chiếm đoạt của S, không được hưởng lợi ích vật chất, bị cáo biết rõ việc S rút tiền từ ngân hàng ra thông qua các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn trái quy định nhưng vẫn thực hiện việc lập, ký vào hồ sơ sai phạm là việc bị cáo tiếp nhận ý chí phạm tội của S. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sự hoạt động đúng đắn và chế độ sở hữu về tài sản của Nhà nước.
[2.2]. Nhóm các bị cáo bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”:
Các bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2, Phan Quang Ngh1 mặc dù không được bàn bạc, không biết Trần Văn S và các đồng phạm sử dụng thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn giả, lập hồ sơ vay vốn sai phạm để chiếm đoạt tiền ngân hàng, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy trình cho vay, chế độ kế toán… trong các tổ chức tín dụng, quá trình thực hiện nhiệm vụ các bị cáo Ngh1, Th2 cùng các đồng phạm khác đã thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động giải ngân nên đã giúp sức cho Trần Văn S, Đặng Tiến C dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ.
[2.2.1]. Đối với Nguyễn Thị Phương Th2:
Bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2 là thủ quỹ thực hiện 01 giao dịch và hạch toán giải ngân 08 bút toán đối với khoản vay phát sinh từ hợp đồng vay vốn giả, vay vốn sai phạm gây thiệt hại cho Agribank Sìn Hồ, bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, tuy nhiên bị cáo không thực hiện đầy đủ các thao tác, quy trình nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm trong việc đối chiếu giấy tờ có liên quan, giao dịch khi không có khách hàng, chi tiền mặt sai quy định giúp cho Trần Văn S, Đặng Tiến C chiếm đoạt của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ số tiền 8.721.500.000 đồng. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động tín dụng.
[2.2.2]. Đối với Phan Quang Ngh1:
Bị cáo Phan Quang Ngh1 là Trưởng phòng Kế toán – Ngân quỹ của Agribank Sìn Hồ, là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, quá trình thực hiện nhiệm vụ với vai trò là kiểm soát viên trên phần mềm IPCAS, bị cáo đã thực hiện hạch toán giải ngân 35 bút toán đối với các khoản vay phát sinh từ hợp đồng vay vốn giả, vay vốn sai phạm, bị cáo không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ, chứng từ giao dịch với nội dung giao dịch viên nhập trên máy tính dẫn đến hậu quả là S, C dễ dàng chiếm đoạt được tài sản của Agribank Sìn Hồ số tiền 52.010.000.000 đồng. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào tính đúng đắn trong hoạt động tín dụng.
Như vậy, các bị cáo Trần Văn S, Đặng Tiến C, Lò Văn X, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái các nguyên tắc, chế độ về quản lý tài sản do mình quản lý (lập các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm đứng tên của bản thân); cung cấp những thông tin giả cho nhân viên ngân hàng để lập các hồ sơ vay vốn giả… để chiếm đoạt tài sản của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ. Các bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2, Phan Quang Ngh1 không thực hiện đầy đủ các thao tác, quy trình nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm trong việc đối chiếu giấy tờ có liên quan, giao dịch khi không có khách hàng, chi tiền mặt sai quy định; không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ, chứng từ giao dịch với nội dung giao dịch viên nhập trên máy tính dẫn đến hậu quả là S, C dễ dàng chiếm đoạt được tài sản của Agribank Việt Nam.
Hành vi nêu trên của các bị cáo được chứng minh bằng lời khai của chính các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các chứng cứ khác đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, do đó có cơ sở kết luận: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn S, Đặng Tiến C, Lò Văn X, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 về tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999; các bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2, Phan Quang Ngh1 về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan như nội dung kháng cáo của các bị cáo S, X cũng như quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Do đó, quan điểm của các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không Trần Văn S, Đặng Tiến C, Lò Văn X, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 không phạm tội “Tham ô tài sản” mà phạm tội khác cũng như ý kiến của các luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại là không có căn cứ chấp nhận.
[3] Về khung hình phạt áp dụng: Các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn, nhận thức được hành vi của mình là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện và không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đã chiếm đoạt tài sản và gây ra thiệt hại cho Nhà nước. Trong đó, tổng số tiền S chiếm đoạt và giúp C chiếm đoạt của ngân hàng là 48.635.000.000 đồng; Tổng số tiền C chiếm đoạt của ngân hàng là 27.000.000.000 đồng; Tổng số tiền X giúp Trần Văn S, Đặng Tiến C chiếm đoạt của ngân hàng là 35.015.000.000 đồng (trong đó, liên quan đến hồ sơ vay vốn giả, vay vốn sai phạm của S là 14.415.000.000 đồng, liên quan đến hồ sơ vay vốn giả của C là 20.600.000.000 đồng); Số tiền Khoàng Thị Nh giúp Trần Văn S chiếm đoạt của ngân hàng là 870.000.000 đồng. Số tiền Nguyễn Văn Nh1 giúp Trần Văn S chiếm đoạt của ngân hàng là 1.255.000.000 đồng, trong đó, S đã tất toán 105.000.000 đồng, hiện còn 1.150.000.000 đồng. Hành vi thiếu trách nhiệm của các Nguyễn Thị Phương Th2 gây thiệt hại cho Nhà nước 8.721.500.000 đồng; Hành vi thiếu trách nhiệm của Phan Quang Ngh1 gây thiệt hại cho Nhà nước 852.010.000.000 đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999 đối với các bị cáo Trần Văn S, Đặng Tiến C, Lò Văn X, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1; áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999 đối với các bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2, Phan Quang Ngh1 là có căn cứ, đúng pháp luật.
[5] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đúng, đầy đủ cho các bị cáo, cụ thể:
Các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, ngoài lần phạm tội này ra, các bị cáo đã luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân.
Bị cáo Trần Văn S phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 25 triệu đồng, có thành tích xuất sắc trong công tác, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bố mẹ bị cáo có công với đất nước được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p, s khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Lò Văn X phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 20 triệu đồng, bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, người bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy đinh tại điểm b, p, s khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Đặng Tiến C phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Nguyễn Văn Nh1 phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 90 triệu đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thân nhân bị cáo có công với đất nước, người bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, bị cáo thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của bị cáo S, bản thân bị cáo chỉ là cán bộ kiêm nhiệm, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Khoàng Thị Nh phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 10 triệu đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thân nhân bị cáo có công với đất nước, người bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Phan Quang Ngh1 phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 20 triệu đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự thú về hành vi phạm tội, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong việc khám phá tội phạm, người bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p, o, q khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2 phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 20 triệu đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, người bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
[6] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội vai trò của các bị cáo và hình phạt:
[6.1] Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan, tổ chức trong công tác tín dụng và xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, gây dư luận xấu trên địa bàn tỉnh Lai Châu nên cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo nhằm mục đích cải tạo, giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.
[6.2] Bị cáo Trần Văn S và Đặng Tiến C có vai trò người tổ chức, là người chủ mưu, cầm đầu, khởi xướng việc phạm tội; rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy các bị cáo khác thực hiện tội phạm và trực tiếp chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo Lò Văn X, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 có vai trò người giúp sức, là người tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm. Trên cơ sở sự chỉ đạo, điều khiển của Trần Văn S và Đặng Tiến C, các bị cáo Lò Văn X, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 cùng các bị cáo khác đã lập hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm, ký thẩm định khoản vay, kiểm soát khoản vay, phê duyệt cho vay và giải ngân tạo điều kiện cho Trần Văn S và Đặng Tiến C chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam.
Trong nhóm các bị cáo thực hiện tội phạm “Tham ô tài sản” với vai trò người giúp sức, Lò Văn X có vai trò giúp sức tích cực nhất, trên cương vị là Phó Giám đốc và sau này là Giám đốc Agribank Sìn Hồ bị cáo đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Trần Văn S và Đặng Tiến C chiếm đoạt được tài sản. Các bị cáo Nguyễn Văn Nh1, Khoàng Thị Nh giúp cho Trần Văn S chiếm đoạt được tài sản với số tiền ít hơn so với các bị cáo trên.
Tuy nhiên, Lò Văn X (thời điểm làm Phó Giám đốc), Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1 và các bị cáo khác đều là cấp dưới, là người làm công hưởng lương, nể nang, chấp hành theo sự chỉ đạo của cấp trên một cách tuyệt đối mà không nhận thức được đầy đủ hành vi phạm tội của bản thân. Các bị cáo trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đã quá tin tưởng vào sự trung thực, khách quan, công tâm của bộ phận kinh doanh thuộc Agribank Sìn Hồ nên không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để Trần Văn S, Đặng Tiến C lợi dụng sơ hở, dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, do quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát sâu sát của ngân hàng cấp trên đối với Agribank Sìn Hồ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Trần Văn S và Đặng Tiến C chiếm đoạt được tài sản của Agribank Sìn Hồ với số tiền đặc biệt lớn và hành vi của các bị cáo diễn ra trong một thời gian dài. Các bị cáo phạm tội lần đầu, không được bàn bạc, không biết mục đích chiếm đoạt của S, không được hưởng lợi ích vật chất, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nên theo Nghị quyết số 41 của Quốc Hội, khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015, các bị cáo được áp dụng điểm có lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 như Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là có căn cứ. Khi quyết định mức hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt các bị cáo mức án như đã tuyên tại bản án sơ thẩm là có căn cứ, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
[7] Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy:
[7.1] Đối với các bị cáo Trần Văn S, Lò Văn X kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh nhưng như đã phân tích ở trên, thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, do đó không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xem xét lại tội danh của các bị cáo cũng như quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Về hình phạt đối với bị cáo Trần Văn S, Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo S là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, khởi xướng việc phạm tội, rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy các bị cáo khác thực hiện tội phạm và trực tiếp chiếm đoạt tài sản của Agribak Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ, bị cáo thực hiện tội phạm trong thời gian dài. Tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt và giúp C chiếm đoạt của ngân hàng là 48.635.000.000 đồng, hậu quả của tội phạm là đặc biệt nghiêm trọng, tài sản bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn hiện chưa thu hồi được, số tiền bị cáo và các bị cáo khác đã bồi thường khắc phục là quá nhỏ so với số tiền đã chiếm đoạt. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trần Văn S mức án tử hình là phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
Bị cáo Lò Văn X giúp Trần Văn S, Đặng Tiến C chiếm đoạt của ngân hàng tổng cộng 35.015.000.000 đồng, xét hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, tài sản bị chiếm đoạt đặc biệt lớn và hiện chưa thu hồi được, bị cáo có vai trò giúp sức tích cực nhất, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và xử phạt bị cáo X mức án 16 năm tù là phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
[7.2] Xét kháng cáo của bị cáo Đặng Văn C, Hội đồng xét xử thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo từ đề nghị xem xét lại tội danh sang xin giảm hình phạt. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án tù chung thân về tội “Tham ô tài sản” là có phần nghiêm khắc. Tại cấp phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả được 1,7 tỷ đồng, bị cáo còn tự nguyện đề nghị được phát mãi toàn bộ tài sản mà cơ quan điều tra đã kê biên để khắc phục hậu quả cho Agribank Sìn Hồ, đồng thời bị cáo đề nghị được mở phong tỏa tài khoản của bị cáo cũng như tài khoản của Công ty TNHH Đức C để bị cáo dùng toàn bộ số tiền có trong tài khoản khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Do đó, có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, xử bị cáo mức án tù có thời hạn thể hiện sự khoan hồng của pháp luật để bị cáo yên tâm cải tạo, tiếp tục khắc phục hậu quả. Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo C hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là không có căn cứ chấp nhận.
[7.3] Xét kháng cáo của bị cáo Khoàng Thị Nh, Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo làm việc theo sự chỉ đạo của cấp trên, bị cáo phạm tội lần đầu và có vai trò giúp sức không đáng kể trong vụ án đồng phạm, tại cấp sơ thẩm bị cáo đã bồi thường được 10 triệu đồng, gia đình bị cáo có công với cách mạng, người bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử bị cáo 03 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự là có căn cứ, tuy nhiên xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo tiếp tục thể hiện thái độ khai báo thành khẩn; đã bồi thường toàn bộ số tiền mà bản án sơ thẩm quyết định; quá trình đưa vụ án ra xét xử bị cáo mang thai, hiện nay bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; chồng bị cáo làm việc tại khu vực biên giới, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Do đó, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo cũng như ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo, giảm một phần hình phạt để bị cáo yên tâm cải tạo trở thành người có ích cho xã hội.
[7.4] Xét kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Nh1, Phan Quang Ngh1, Nguyễn Thị Phương Th2, Hội đồng xét xử thấy: Các bị cáo là nhân viên ngân hàng làm việc theo chỉ đạo của lãnh đạo, các bị cáo phạm tội với vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, được người bị hại xin giảm hình phạt cho các bị cáo, hoàn cảnh gia đình khó khăn; thân nhân có công với cách mạng.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Nh1: Bản thân bị cáo không đảm nhiệm công việc mà do bị cáo S chỉ đạo làm thay công việc của Lò Anh T4, bị cáo không được hưởng lợi; đã tự nguyện bồi thường thiệt hại 90 triệu đồng. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm bị cáo có thêm các tình tiết giảm nhẹ mới: bị cáo tiếp tục thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo hiện đang có công việc làm ổn định, được Công ty cổ phần an ninh Đèo Cả là cơ quan nơi bị cáo làm việc cam kết bảo lãnh nhân sự, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm nói chung, do đó có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nh1 cũng như quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo.
Bị cáo Phan Quang Ngh1 đã tự nguyện đến cơ quan điều tra tự thú về hành vi phạm tội, tích cực giúp đỡ Cơ quan công an điều tra vụ án; bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả 20 triệu đồng. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm bị cáo có thêm các tình tiết giảm nhẹ mới: quá trình công tác bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc được Agribank Việt Nam tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở; bố bị cáo được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, bị cáo tích cực ủng hộ phòng chống covid 19 (có xác nhận của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu), bị cáo tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Bị cáo Nguyễn Thị Phương Th2 trong quá trình công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả 20 triệu đồng; bị cáo tích cực tham gia hiến máu tình nguyện; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có 02 con nhỏ, trong đó có 01 con sức khỏe yếu bị bệnh thoát vị màng não vùng chẩm; bị cáo tích cực ủng hộ phòng chống covid 19 (có xác nhận của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu), bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm nói chung.
[8] Xét kháng cáo của Công ty thủy Sản An Gi2, Hội đồng xét xử thấy: Căn cứ lời khai của bị cáo Trần Văn S, lời khai của Vũ Văn K2 trong giai đoạn điều tra, ý kiến của đại diện Công ty thủy sản An Gi2 và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định việc Trần Văn S lập hồ sơ vay vốn giả, sau đó chuyển khoản số tiền vay vào tài khoản Công ty TNHH Quang Chiến và từ tài khoản Công ty TNHH Quang Chiến, S lại chuyển tiếp vào tài khoản của Công ty thủy sản An Gi2 với tổng số tiền 29.299.428.680 đồng. Đây là số tiền Trần Văn S chiếm đoạt của Agribank Việt Nam tại Agribank Sìn Hồ để thanh toán tiền mua cá cho Công ty TNHH Quang Chiến là số tiền do phạm S tội mà có. Hợp đồng tín dụng giữa Công ty Quang Chiến và Công ty thủy sản An Gi2 được đảm bảo thanh toán bằng các hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn sai phạm, do vậy đây là những hợp đồng tín dụng vô hiệu. Theo quy định của pháp luật dân sự phải áp dụng biện pháp hoàn nguyên (khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại tài sản). Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty thủy sản An Gi2 phải hoàn trả lại cho Agribank Việt Nam số tiền 29.299.428.680 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật; do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Công ty thủy Sản An Gi2 về nội dung này cũng như quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty thủy sản An Gi2.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[9] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo Trần Văn S, Lò Văn X phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; Các bị cáo Đặng Tiến C, Khoàng Thị Nh, Nguyễn Văn Nh1, Nguyễn Thị Phương Th2, Phan Quang Ngh1 kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
[10] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[Nguồn: Bản án phúc thẩm số 271/2022/DS-PT Ngày 13/4/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Bản án: Bản án phúc thẩm số 271/2022/DS-PT