- Bản án công nhận quan hệ nhận con nuôi thực tế và tuyên bố giao dịch giả tạo
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Anh T3 trong hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Về sự vắng mặt của các đương sự: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt; Văn phòng Công chứng Đồng Khởi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa. Căn cứ vào khoản 1, 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre và Văn phòng Công chứng Đồng Khởi.
[2] Xét kháng cáo của anh Nguyễn Anh T3:
[2.1] Đối với yêu cầu kháng cáo về quan hệ con nuôi giữa ông Trần Văn N với chị Trần Thị Tường V:
Căn cứ lời khai của bà T2, chị V và anh T3, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cho thấy: ông N, bà T2 lập gia đình từ năm 1968 nhưng không có con chung, nên ông N đã nhận chị Trần Thị Tường V (sinh năm 1981) là cháu làm con nuôi và nuôi dưỡng chị V từ khi chị được 02 tuổi (năm 1983) cho đến khi trưởng thành là có thật, sự việc được các đương sự trong vụ án thừa nhận. Năm 1998, ông N có đến Ủy ban nhân dân xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm để thực hiện thủ tục nhận chị V làm con nuôi. Chứng cứ mà chị V cung cấp là “Giấy giao nhận việc nuôi con nuôi” có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Sơn Phú ngày 02/4/1998, tại mục tên đứa trẻ là Trần Thị Tường V, tại mục người giao là Trần Văn Hoàng và người nhận là Trần Văn N. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Anh T3 thừa nhận chị Trần Thị Tường V được ông N, bà T2 nhận nuôi từ khi chị V được 02 tuổi và chị V đã sống với ông N, bà T2 từ khi nhận nuôi là có thật, nhưng khi nhận nuôi không có làm giấy tờ gì. Bên cạnh đó, bị đơn là bà Lê Thị T2 thừa nhận chị V là con nuôi của bà và ông N. Do đó, có căn cứ để xác định chị Trần Thị Tường V là con nuôi của ông Trần Văn N và bà Lê Thị T2.
Xét lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của anh T3 cho rằng, ông N là anh em cùng cha, khác mẹ với ông nội chị V, nên chị V là cháu ruột của ông N; ngoài ra năm 1998, ông N có đến Ủy ban nhân dân xã Sơn Phú để làm thủ tục nhận chị V làm con nuôi nhưng lúc này chị V đã trên 15 tuổi nên việc nhận chị V làm con nuôi là không đúng với quy định pháp luật. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Tại thời điểm ông N, bà T2 nhận chị V làm con nuôi vào năm 1983, Điều 24 Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 đang có hiệu lực thi hành có quy định “Việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính…công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”; tại khoản 1 Mục A chương III Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 quy định về việc giải quyết tranh chấp thừa kế và điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36 nhưng trước khi Luật này được ban hành (Luật HNGĐ 1986) thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, những hoạt động xấu xa, bất hợp pháp)”.
Mặt khác, việc người đại diện theo ủy quyền của anh T3 cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận việc nuôi con nuôi là vi phạm Điều 13 Luật nuôi con nuôi, Hội đồng xét xử cho rằng luật này ban hành năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, trong khi chị V được nhận làm con nuôi từ năm 1983 nên không có căn cứ để áp dụng luật này. Tại biên bản làm việc ngày 06/3/2017 anh T3 cũng thừa nhận khi ông N còn sống thì chị V có gửi tiền về cho ông N, bà T2 nhưng gửi không thường xuyên liên tục, khi ông N chết thì chị V có gửi tiền về cho bà T2 tổ chức đám tang, cúng giỗ ông N nhưng đến khoảng tháng 11/2016 thì có tranh chấp nên chị V không gửi tiền về nữa.
Hội đồng xét xử nhận thấy, đây là trường hợp nuôi con nuôi thực tế. Bởi lẽ ông N là người nhận con nuôi và chị V là người được nhận làm con nuôi đã có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con. Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi giữa ông N với chị V tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân xã Sơn Phú không thực hiện được là do khi đi đăng ký thì chị V đã quá tuổi quy định nên chỉ có thể thực hiện việc giao nhận con nuôi có Ủy ban chứng kiến. Việc nuôi con nuôi thực tế như trường hợp của ông N với chị V là một hiện tượng xã hội đã tồn tại nhiều năm qua, vì nhiều lý do về trình độ am hiểu pháp luật cũng như điều kiện về kinh tế mà nhiều người không biết, không thể thực hiện được thủ tục nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã có điều khoản chuyển tiếp về việc công nhận nuôi con nuôi thực tế để giải quyết những trường hợp này, theo đó mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi như trong vụ án này giữa cần được pháp luật công nhận vì thực tế việc nhận và nuôi con nuôi đã diễn ra từ năm 1983.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định chị Trần Thị Tường V là con nuôi hợp pháp cúa ông Trần Văn N, bà Lê Thị T2, do đó khi ông N chết, bà T2 và chị V là người thừa kế thuộc hàng thứ nhất, chị có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế do ông N để lại. Vì vậy, yêu cầu kháng cáo này của anh T3 là không có căn cứ nên không chấp nhận.
[2.2] Đối với yêu cầu kháng cáo anh T3 là bên thứ ba ngay tình, nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà T2 với anh T3 là hợp pháp:
Như đã nhận định ở trên, năm 2012 ông N chết không để lại di chúc, ông N không có con ruột, cha mẹ ông N đã chết nên hàng thừa kế thứ nhất của ông N được xác định là chị Trần Thị Tường V và bà Lê Thị T2. Tuy nhiên, tại văn bản khai nhận di sản thừa kế số 0088/VBKN chỉ có một mình bà T2 ký tên mà không có ý kiến của chị V là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chị V. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định văn bản khai nhận di sản nói trên được lập tại Văn phòng Công chứng Đồng Khởi không có ý kiến của chị V là không phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, yêu cầu của chị V về việc hủy văn bản khai nhận di sản thừa kế số 0088/VBKN do Văn phòng Công chứng Đồng Khởi công chứng ngày 11/12/2013 vì thực hiện không đúng thủ tục do pháp luật quy định là có căn cứ. Vì vậy, việc bà Lê Thị T2 ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thửa đất số 106 tờ bản đồ số 11 với diện tích 449,9m2 ngày 09/01/2014 với anh Nguyễn Anh T3 là vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật.
Mặt khác, việc bà T2 chuyển nhượng cho anh T3 phần đất có diện tích 449,9m2 với giá 100.000.000 đồng, trong khi đó năm 2016 Nhà nước thu hồi một phần thửa đất có diện tích là 85,2m2 để mở rộng đường Nguyễn Huệ thì anh T3 đã nhận số tiền bồi thường phần đất bị giải tỏa là 398.736.000 đồng. Như vậy, giá trị thực tế của thửa đất và giá chuyển nhượng trong hợp đồng có sự chênh lệch rất lớn. Tại phiên tòa, anh T3 cho rằng giá cả chuyển nhượng thực tế là 500.000.000 đồng nhưng hai bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng là 100.000.000 đồng và anh T3 đã giao đủ cho bà T2 số tiền 500.000.000 đồng nhưng anh T3 không có chứng cứ gì để chứng minh. Người đại diện theo ủy quyền của bà T2 không thừa nhận lời trình bày của anh T3 và cho rằng anh T3 không giao cho bà T2 số tiền 500.000.000 đồng.
Ngày 20/9/2019 bà Lê Thị T2 làm “Đơn xác nhận” với nội dung: “…Nay tôi làm đơn này để Nguyễn Anh T3 xác nhận cho tôi phần đất phía sau từ bờ kinh – chiều ngang 11,25m và chiều dài 40m, tổng cộng 449,9m2…Tôi Lê Thị T2 làm đơn này mong Nguyễn Anh T3 thực hiện đúng lời hứa và sang tên cho tôi phần đất trên để tôi được bán dưỡng già…”. Ngày 27/9/2019 anh Nguyễn Anh T3 làm “Giấy xác nhận” với nội dung: “…Vợ chồng tôi đồng ý cho bà Lê Thị T2 nguyên phần đất phía sau nhà có chiều ngang 11,25m, chiều dài 40m, tổng cộng 449,9m2 để cho bà T2 toàn quyền sử dụng phần đất này dưỡng già. Nếu bà T2 có nhu cầu sang tên thì vợ chồng tôi có trách nhiệm sang tên cho bà T2…”. Như vậy, lời trình bày của bà T2 phù hợp với nội dung của các giấy xác nhận nêu trên.
Do đó, có căn cứ để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/01/2014 giữa bà Lê Thị T2 và anh Nguyễn Anh T3 là không có thực mà là giao dịch giả tạo. Đồng thời, việc khai nhận văn bản di sản thừa kế của bà T2 vi phạm Luật Công chứng. Căn cứ vào Điều 123, 123 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/01/2014 giữa bà T2 và anh T3 là vô hiệu như đã nhận định trên, anh T3 không thuộc trường hợp là bên thứ ba ngay tình, vì theo quy định tại Khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự 2005, thì bên thứ ba ngay tình chỉ trong trường hợp mua tài sản do thông qua đấu giá hoặc từ bản án có hiệu lực pháp luật.
[2.3] Xét yêu cầu kháng cáo về việc không hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BO 944347 do Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre cấp cho ông Nguyễn Anh T3 ngày 12/02/2014:
Như đã nhận định ở các phần trên, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/01/2014 giữa bà Lê Thị T2 và anh Nguyễn Anh T3 bị vô hiệu. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ điểm d, khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai” là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ anh Nguyễn Anh T3 sang bà Lê Thị T2 là có cơ sở, đúng pháp luật.
[3] Do Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị vô hiệu và căn cứ vào “đơn xác nhận” ngày 20/9/2019 và “giấy xác nhận” ngày 27/9/2019, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà T2 về việc buộc anh Nguyễn Anh T3 và chị Lê Thị Thùy D trả lại cho bà Lê Thị T2 phần đất có diện tích là 364,6m2 thuộc thửa 106 tờ bản đồ số 11 phường Phú Khương là có căn cứ. Theo kết quả định giá tài sản ngày 25/5/2020 thì trên đất có các tài sản sau: Nhà chính do vợ chồng anh T3, chị D xây dựng vào năm 2017 có giá trị là 357.652.800 đồng; nhà phụ có giá trị 8.415.360 đồng; mái che phía sau có giá trị 6.782.400 đồng. Tổng giá trị tài sản trên đất là 372.850.000 đồng.
Tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn cùng với anh T3 đồng ý và không khiếu nại về kết quả định giá, không yêu cầu thẩm định giá lại. Do đó, việc anh T3 kháng cáo cho rằng định giá phần xây dựng căn nhà quá thấp là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Đối với việc bà T2 yêu cầu anh Nguyễn Anh T3 và chị Lê Thị Thúy Diễm liên đới trả lại cho bà Nguyễn Thị Tứ số tiền 73.000.000 đồng. Chúng cứ bà T2 cung cấp là “Giấy nhận tiền” đề ngày 01/10/2019 với nội dung: “…Tôi tên Lê Thị T2. Hôm nay 1-10-2019 tôi nhận của Nguyễn Anh T3 10.000.000đ, là tôi nhận tất cả tổng cộng 27.000.000đ là Nguyễn Anh T3 còn nợ lại tôi 73.000.000đ. Đây là số tiền tôi cho Nguyễn Anh T3 mượn 100.000.000đ…”.
Hội đồng xét xử nhận thấy đây là quan hệ pháp luật liên quan đến hợp đồng vay tài sản, không liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thừa kế, hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất, hủy giấy chứng nhận QSDĐ trong vụ án này. Cho nên Tòa án cấp sơ thẩm đưa việc vay tiền này vào thụ lý và chấp nhận yêu cầu của bà T2 buộc anh T3 trả 73.000.000 đồng là không đúng quy định pháp luật. Cho nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh T3, hủy phần quyết định liên quan đến khỏan vay nói trên. Trường hợp nếu bà T2 có yêu cầu thì khởi kiện vụ án Tranh chấp hợp đồng vay nợ nói trên với anh T3.
[5] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[6] Về chi phí thu thập chứng cứ ở lần xét xử sơ thẩm thứ nhất và lần thứ hai tổng cộng là 14.108.000 đồng, do phía nguyên đơn có ông Trần Thạch T người đại diện theo ủy quyền đã tạm ứng xong nên bà Lê Thị T2 có trách nhiệm trả lại cho chị Trần Thị Tường V ½ số tiền chi phí thu thập chứng cứ, tương đương là số tiền 7.054.000 đồng.
[7] Về án phí:
[7.1] Về án phí dân sự sơ thẩm:
– Bà Lê Thị T2 được miễn nộp tiền án phí sơ thẩm do bà T2 là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
– Chị Trần Thị Tường V phải chịu án phí là 79.739.000 đồng nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.875.000 đồng theo biên lai thu số 0003596 ngày 28/11/2016 và 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0005035 ngày 26/6/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre, chị Trần Thị Tường V còn phải nộp tiếp số tiền 75.864.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu tám trăm sáu mươi bốn ngàn đồng).
– Anh Nguyễn Anh T3 và chị Lê Thị Thùy D phải chịu án phí không có giá ngạch đối với yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là
300.000 đồng và yêu cầu hủy văn bản khai nhận di sản thừa kế là 300.000 đồng. Anh Nguyễn Anh T3 không phải chịu án phí có giá ngạch là 3.650.000 đồng.
[7.2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên anh Nguyễn Anh T3 không phải chịu án phí phúc thẩm.
[Nguồn: Bản án PT số 149/2022/DS-PT Ngày 21/3/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Bản án: Bản án PT số 149/2022/DS-PT