12. Bản án chia thừa kế theo nhóm nguyên đơn bị đơn được chấp nhận vì các nguyên bị đơn không kháng cáo
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tham dự phiên tòa, Hồi đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
[1.1]. Tại phiên tòa hôm nay, toàn bộ các đương sự đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do. Theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự, tiến hành xét xử vắng mặt họ theo quy định của pháp luật.
[1.2] Về thẩm quyền, vụ án trải qua quá trình thụ lý, tố tụng, các cấp xét xử, cụ thể: Ngày 01/9/2008, Tòa án nhân dân quận H thụ lý đơn khởi kiện của các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế nhà số 6B H, Toà án nhân dân quận H đã thụ lý vụ án với yêu cầu này. Ngày 12/3/2009, Tòa án nhân dân quận H ra Quyết định chuyển vụ án số 03/2009/QĐCVA-DSST đến Tòa án nhân dân thành phố H giải quyết theo thẩm quyền; Ngày 04/6/2009 các nguyên đơn có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện, ngày 09/6/2009 Tòa án nhân dân thành phố H đã ra Quyết định đình chỉ số 18/2009/QĐST-DS. Ngày 04/4/2010, các nguyên đơn tiếp tục có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, ngày 03/11/2010, Tòa án nhân dân quận H thụ lý vụ án số 26/2010/TLST-DS; Ngày 21/5/2011, Tòa án nhân dân quận quận H ra quyết định chuyển vụ án số 03/2011/QĐST-DS chuyển vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố H vì lý do: chị Nguyễn Thị Hồng Y và Nguyễn Thị Hồng A đã xuất cảnh ngày 21/11/2010. Ngày 04/10/2011, Tòa án nhân dân thành phố H thụ lý vụ án theo thẩm quyền và cũng đã làm thủ tục ủy thác (2 lần) lấy lời khai của chị Hồng Y và Hồng A nhưng do địa chỉ không rõ nên không có kết quả ủy thác. Việc giải quyết vụ án, xem xét yêu cầu của các đương sự không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, trong đó có đương sự chị Nguyễn Thị Hồng Y và Nguyễn Thị Hồng A, mặt khác Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện ủy thác tư pháp ra nước ngoài để lấy lời khai của các đương sự này theo đúng quy định của pháp luật, nên việc thụ lý, chuyển vụ án, đình chỉ vụ án, thụ lý lại như nêu trên của các cấp Tòa án là có căn cứ, đúng quy định.
[1.3]. Về thời điểm, địa điểm mở thừa kế: Cụ Nguyễn Mạnh Q- chết ngày 26/11/1996 là thời điểm mở thừa kế của cụ Q; cụ Lê Thị Đ – chết ngày 28/9/2000 là thời điểm mở thừa kế của cụ Đắc, địa điểm mở thừa kế tại số 6B H, phường H, quận H, thành phố H như Tòa án cấp sơ thẩm xác định là đúng quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015.
[1.4]. Về thời hiệu mở thừa kế: Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu mở thừa kế là 30 năm từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu mở thừa kế của cụ Q từ 26/11/1996 và thời hiệu mở thừa kế của cụ Đtừ ngày 28/9/2000 đến ngày 28/9/2010 là còn trong hạn luật định như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định là có căn cứ.
[2] Về nội dung:
Tòa án cấp phúc thẩm đồng tình với Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xác định về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế, các khối di sản, giá trị khối di sản, hàng thừa kế của cụ Q và cụ Đắc, giá trị phần tài sản làm thêm của các gia đình, việc tính công sức, cụ thể:
[2.1] Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đ và cụ Q là các con 2 cụ, gồm:
(1). Ông Nguyễn Mạnh T1, ông T1 chết nên vợ con ông kế thừa quyền là bà T và 03 con là anh Q, chị L, anh T (do anh Q đại diện).
(2). Ông Nguyễn Mạnh M, đã chết, vợ ông Q đã chết; nên 09 con của ông bà thừa kế là: chị N, chị H, chị T, chị H, anh T (anh T chết – vợ con anh T kế thừa), chị Hồng A, chị Hồng Y, chị T, anh C (do chị T đại diện).
(3). Ông Nguyễn Mạnh H – đã chết nên vợ và các con thừa kế là bà Nguyễn Thị H1 và 03 con là Nguyễn Quốc T, Nguyễn Trung Tr, Nguyễn Thị Thu H (do chị Hà đại diện).
(4). Bà Nguyễn Thị H1, đã chết năm 1997 có chồng là Nguyễn T (đã chết năm 2008), có con là Nguyễn Thị Thùy H (đã chết năm 1999) nên chồng và các con của chị H kế thừa là anh B cùng hai con là G và T; (do cháu Giang đại diện).
(5). Ông Nguyễn Mạnh T. (6). Bà Nguyễn Thị H.
(7). Ông Nguyễn Mạnh T2 (đã chết năm 2004) nên vợ con ông T2 kế thừa là bà Thạch Thị T1 và 03 con là Nguyễn Đăng Kh, Nguyễn Mạnh T, Nguyễn Thị Mai Q (do bà T1 đại diện).
(8). Bà Nguyễn Thị M.
[2.2] Khối tài sản nhà đất ở xóm 3, xã N, G, hiện do vợ con ông Nguyễn Mạnh T2, bà Nguyễn Thị T đang quản lý, sử dụng. Khối tài sản này các đương sự nhất trí không có tranh chấp, không yêu cầu mà để lại làm nơi thờ cúng. Còn khối tài sản ở số 6B H các bên có sự tranh chấp thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định tài sản này của cụ Đ và cụ Q để lại có công sức quản lý duy trì của các con ông M và các con bà T, nên trích công sức này cho người có công tương đương 1 kỷ phần thừa kế trong đó mỗi bên hưởng ½ kỷ phần.
Cụ thể di sản của cụ Q là 20.590.059.140đ được chia làm 9 phần: mỗi kỷ phần thừa kế là 1/9 =2.287.784.348,88 đ.
Như vậy:
Ông T được hưởng 1 kỷ phần = 2.287.784.348,88 đ.
Bà H được hưởng 1 kỷ phần = 2.287.784.348,88 đ.
Bà M được hưởng 1 kỷ phần = 2.287.784.348,88 đ.
Các con bà T ông T1 (do anh Q đại diện) được hưởng 1 kỷ phần = 2.287.784.348,88đ và công quản lý duy trì (1/2 kỷ phần thừa kế) 1.143.892.174,44đ. Cộng =3.431.676.523,32đ.
Các con ông M , bà Đ là chị Nguyễn Thị N, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị T, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị Hồng T, người kế thừa quyền của anh Nguyễn Mạnh T (chết năm 2013) là vợ Ngô Thanh H và con trai là Nguyễn Mạnh Q, anh Nguyễn Mạnh C, chị Nguyễn Thị Hống Y, chị Nguyễn Thị Hồng A (do chị T đại diện) được hưởng1 kỷ phần =2.287.784.348,88 đ và công quản lý duy trì (1/2 kỷ phần thừa kế) 1.143.892.174,44đ. =3.431.676.523,32đ.
Người kế thừa quyền của ông Nguyễn Mạnh T2 (ông T2 chết) là bà Thạch Thị T1 vµ các anh chị: Nguyễn Đăng Kh, Nguyễn Đăng T, chị Nguyễn Thị Mai Q được hưởng 1 kỷ phần =2.287.784.348,88 đ.
Người kế thừa quyền của bà Nguyễn Thị H1 là anh Nguyễn Xuân B, cháu Nguyễn Hương G, cháu Nguyễn Hương T được hưởng 1 kỷ phần = 2.287.784.348,88 đ.
Người kế thừa quyền của ông Nguyễn Mạnh H (ông H chết) là bà Nguyễn Thị H1, anh Nguyễn Quốc T, anh Nguyễn Trung Tr, chị Nguyễn Thị Thu H được hưởng 1 kỷ phần = 2.287.784.348,88 đ.
[2.3] Do thửa đất có diện tích nhỏ nên Tòa án cấp sơ thẩm đã giao cho 03 nguyên đơn và họ có trách nhiệm thanh toán chênh lệch cho các thừa kế khác bằng tiền là phù hợp. Cụ thể: các nguyên đơn đồng sở hữu nhà đất tại địa chỉ số 6B phố H có trị giá:
+ Quyền sử dụng 57m2 đất = 20.510.000.000đ.
+ Nhà cấp 4 cũ= 80.059.140đ.
+Phần tài sản làm thêm của gia đình anh Q là: 12m2 gác xép 5.508.000đ, nhà 3 tầng 116.806.200đ, sân 2.937.600đ = 125.251.800đ.
+ Phần tài sản làm thêm của các con ông M là 9,3m2 gác xép 4.268.700đ. Tổng cộng = 20.719.579.640đ. Trong đó, kỷ phần thừa kế của 3 nguyên đơn là (2.287.784.348,88 đ x 3) = 6.863.353.046,64. Các nguyên đơn phải thanh toán chênh lệch cho 5 kỷ phần thừa kế khác là (2.287.784.348,88 đ x5) = 11.438.921.744,44đ; Thanh toán công sức cho bà T và các con ông T1 (do anh Q đại diện) là 1.143.892.174,44đ và các con ông M (do chị Thuận đại diện) là 1.143.892.174,44đ; Thanh toán trị giá tài sản làm thêm của gia đình bà T và các con ông T1 (do anh Q đại diện) là 125.251.800đ và các con ông M (do chị Thuận đại diện) là 4.268.700đ.
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định việc xác định về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế, các khối di sản, giá trị khối di sản, hàng thừa kế của cụ Q và cụ Đắc, giá trị phần tài sản làm thêm của các gia đình, việc tính công sức, cách chia khối di sản, xác định từng kỷ phần như nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
[3] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại H:
[3.1] Đối với việc chia di sản thừa kế, tại đơn khởi kiện, nhóm đồng nguyên đơn đã yêu cầu chia di sản thừa kế do bố mẹ để lại tại nhà đất số 6B H, H, H (BL 42-48). Trong quá trình giải quyết vụ án, các đồng nguyên đơn đều yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản tại 6B phố H, cụ thể phân chia cho từng cá nhân hoặc cho từng nhóm, riêng 03 nguyên đơn có thể kết hợp với một phần thừa kế thành một nhóm 4/8 phần thừa kế (BL 105). Đối với các bị đơn; nhóm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật; cơ bản các đương sự đều yêu cầu vì nhà đất ở 6B H nhỏ hẹp, đề nghị Tòa án nên giao cho một bên sở hữu toàn bộ và thanh toán theo giá trị mỗi kỷ phần thừa kế cho các thừa kế khác.
Tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự quy định “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội”. Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ về nguyên tắc tự do thỏa thuận của các đương sự “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định rõ và giải quyết vụ án có căn cứ như đã xác định trên cơ sở từng đề nghị, yêu cầu của các đương sự; đã định giá tài sản là di sản thừa kế, tính toán các giá trị tài sản mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tạo lập thêm, xác định rõ công sức quản lý duy trì di sản của các con ông Nguyễn Mạnh M và các con bà Nguyễn Thị T. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định, tính toán rõ ràng giá trị của mỗi kỷ phần thừa kế để chia thừa kế theo pháp luật. Những người được hưởng thừa kế thuộc cùng hàng thừa kế thứ nhất đối với từng kỷ phần có trường hợp là cá nhân, có trường hợp là nhóm cá nhân (do người được thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã chết, các cá nhân này là những người kế thừa). Mặc dù, các đương sự này không có yêu cầu đề nghị ai là người nhận phần di sản, tuy nhiên các cá nhân trong các nhóm cùng được hưởng kỷ phần thừa kế đều có quan hệ huyết thống với nhau, đều trong cùng gia đình, không có sự mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, các đương sự cũng chỉ có yêu cầu Tòa án tính toán chính xác đến giá trị từng kỷ phần để thanh toán chênh lệch cho nhau, không có yêu cầu tiếp tục tính toán chi tiết giá trị trong từng kỷ phần để chia cho từng cá nhân trong nhóm đương sự. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chia giá trị từng kỷ phần thừa kế theo nhóm các đương sự là có căn cứ, phù hợp với nguyên tắc giải quyết trong tranh chấp dân sự theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên và phù hợp với thực tế yêu cầu các đương sự, thể hiện sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự đều đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, không có kháng cáo; nếu các đương sự có yêu cầu xác định giá trị tài sản trong từng kỷ phần đối với từng cá nhân thì có quyền khởi kiện trong một vụ án khác.
[3.2] Mặt khác, như đã phân tích về việc chia thừa kế nêu trên, thì từng cá nhân trong các nhóm đương sự đều có quyền lợi đối với từng kỷ phần thừa kế, quyền lợi này là như nhau; do đó, theo khoản 1, 2 Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới thì Tòa án cấp sơ thẩm buộc các đương sự trong một nhóm phải có trách nhiệm liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là có căn cứ, không ảnh hưởng đến việc thi hành án, cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bất cứ thành viên nào đóng toàn bộ án phí và nếu một thành viên đứng ra đóng toàn bộ án phí thì họ có quyền yêu cầu các thành viên còn lại phải hoàn trả lại phần án phí mà họ đã đóng thay.
[3.3] Về áp dụng pháp luật:
Tại Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định về điều khoản chuyển tiếp “…Đối với những vụ việc đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc theo thủ tục phúc thẩm trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 nhưng sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 Tòa án mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm thì các quyết định về án phí, lệ phí Tòa án được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; trường hợp theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 mà đương sự, người bị kết án phải chịu án phí, lệ phí Tòa án nhưng theo quy định của Nghị quyết này thì đương sự, người bị kết án không phải chịu hoặc được miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án thì áp dụng quy định của Nghị quyết này…”.
Vụ án được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết từ năm 2011 đến ngày 09/7/2018 mới được đưa ra xét xử sơ thẩm và có đương sự là “Người cao tuổi” thuộc trường hợp xem xét được miễn án phí, tuy nhiên theo Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án thì Người cao tuổi không thuộc trường hợp được xem xét miễn, giảm toàn bộ hay một phần án phí, lệ phí Tòa án quy định tại Điều 11, 14 của Pháp lệnh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH quy định: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”. Như vậy, nếu đương sự không có đơn đề nghị thì Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đương sự phải chịu án phí là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3.4] Về nội dung kháng nghị đề nghị xem xét lại việc Tòa án cấp sơ thẩm tính công sức quản lý, duy tu di sản cho gia đình bà T và gia đình ông M , mỗi gia đình được hưởng ½ kỷ phần (1.143.892.174,44 đồng) nên cần phải buộc đương sự chịu án phí đối với phần giá trị được hưởng, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
Tại khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau: “…Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế…”. Giá trị di sản của cụ Q, cụ Đlà 20.590.059.140đ được chia làm 9 phần, mỗi kỷ phần thừa kế là 1/9 =2.287.784.348,88đ. Như vậy, các đương sự, nhóm đương sự được hưởng giá trị tài sản trong khối di sản thừa kế là 2.287.784.348,88 đ; giá trị công sức quản lý, duy tu di sản không nằm trong giá trị khối di sản của cụ Đắc, cụ Q. Do đó, theo quy định trên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc các đương sự, nhóm đương sự phải chịu án phí sơ thẩm được tính trên giá trị mỗi kỷ phần mà họ được hưởng (2.287.784.348,88đ) là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tổng hợp các phân tích trên và nhận định tại các mục [3.1], [3.2], [3.3], [3.4], Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, không có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại H, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố H.
[4] Về án phí: Do vụ án chỉ có kháng nghị, nên các đương sự không phải chịu án phí.
[Nguồn: Bản án phúc thẩm số 133/2022/DS-PT Ngày 12/5/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Bản án: Bản án phúc thẩm số 133/2022/DS-PT