Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY]  Bản án bị hủy vì xác định không đúng về đồng phạm và tội danh trong các tội về chức vụ

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY]  Bản án bị hủy vì xác định không đúng về đồng phạm và tội danh trong các tội về chức vụ

13. Bản án bị hủy vì xác định không đúng về đồng phạm và tội danh trong các tội về chức vụ

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Trung tâm K (viết tắt là Trung tâm) trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu được thành lập theo Quyết định số 1263/QĐ-CT, ngày 18/11/2003 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, có chức năng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc, lập bản đồ… là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Giám đốc Trung tâm là Bùi Quang A do Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bạc Liêu bổ nhiệm.

Nguồn thu của Trung tâm từ việc tổ chức và cá nhân đặt hàng, giao hoặc tự ký hợp đồng đo đạc bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư, các dịch vụ khác. Các công trình này được phân thành: (1) Công trình đo vẽ, lập bản đồ và hồ sơ địa chính các xã, phường theo hợp đồng giao việc của các cơ quan nhà nước, các hợp đồng này có giá trị lớn nên thường được gọi là “Công trình chính quy”; (2) Hợp đồng để đo vẽ, lập hồ sơ địa chính với cá nhân, tổ chức với giá trị từng công trình nhỏ hơn nên thường gọi là “Công trình nhỏ lẻ”. Tất cả các công trình này sau khi nhận được bằng quyết định giao việc hoặc ký hợp đồng với chủ đầu tư. Sau khi ký hợp đồng, Giám đốc Trung tâm ký “Biên bản thỏa thuận về việc giao nhận nhiệm vụ” để giao cho 03 đội đo đạc do bị cáo Lê Trung K1, Ngô Văn T1, Bùi Mạnh H trực tiếp tổ chức thực hiện. Nguồn thu của các công trình sẽ được phân chia theo tỷ lệ: 30% số tiền thu (không tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập chịu thuế tính trước) được Trung tâm giữ lại để chi cho bộ phận hành chính và 70% còn lại được chi cho các đội đo đạc (người trực tiếp làm ra sản phẩm). Trong quá trình thực hiện công việc, Đội trưởng có quyền thay mặt đội tạm ứng tiền để giải quyết tiền lương cho nhân viên và các chi phí khác phục vụ công trình nhưng không được vượt quá 70% giá trị được hưởng.

[2] Từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2014 Trung tâm đã nhận 295 công trình nhỏ lẻ với tổng giá trị là 7.667.837.524đ và 04 công trình chính quy có giá trị 27.389.235.258đ. Trong đó Bùi Quang A (giám đốc Trung tâm) đã ký “Biên bản thỏa thuận về việc giao nhận nhiệm vụ” cho các Đội như sau:

– Đội 1 do Lê Trung K1 làm Đội trưởng, được giao

+ 99 công trình nhỏ lẻ, đã hoàn thành và Trung tâm thanh lý với chủ đầu tư 99/99 công trình (có 57 công trình đã được duyệt thanh toán và 42 công trình hoàn thành nhưng chưa được thanh toán)

+ Công trình chính quy Phường X1, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu. Ngày 24/5/2013, Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu và Đội 1 đã đối chiếu bàn giao khối lượng công việc với giá trị 3.923.731.065đ. Ngày 25/01/2017, Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu thanh toán với Trung tâm hoàn tạm ứng 3.923.731.065đ.

+ Công trình chính quy xã H12, huyện V16. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã thanh toán hoàn tạm ứng 07 lần, giá trị công việc 3.920.887.123đ .

–  Đội 5 do Ngô Văn T1 làm đội trưởng, được giao:

+ 78 công trình nhỏ lẻ, đã hoàn thành và Trung tâm thanh lý với chủ đầu tư 78/78 công trình (có 34 công trình đã được duyệt thanh toán và 44 công trình hoàn thành nhưng chưa được thanh toán)

+Công trình chính quy xã H6, huyện V16. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã chuyển cho Trung tâm tạm ứng 06 lần giá trị 2.594.684.710đ. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã thanh toán với Trung tâm (thanh toán theo giai đoạn) 2.594.684.701đ.

  • Đội 7 do Bùi Mạnh H làm đội trưởng, được giao:

+ 118 công trình nhỏ lẻ, đã hoàn thành và Trung tâm thanh lý với chủ đầu tư 118/118 công trình (có 67 công trình đã được duyệt thanh toán và 51 công trình hoàn thành nhưng chưa được thanh toán).

+ Công trình chính quy Phường X7, thành phố B. Ngày 24/5/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm và Đội 7 đã đối chiếu bàn giao khối lượng công việc với giá trị 2.572.811.807đ. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã thanh toán (thanh toán theo giai đoạn), giảm tạm ứng cho Trung tâm 2.572.811.807đ.

[3] Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định:

[3.1] Quá trình thực hiện công việc được giao các bị cáo Bùi Mạnh H, Lê Trung K1, Ngô Văn T1 đã có các hành vi: (i) Tạm ứng gần hết số tiền giá trị công trình của đội được hưởng (vượt quá tỷ lệ 70%), sau khi ứng được tiền các bị cáo chi cho công việc và nhân viên rất ít, số còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân, (ii) Khi các công trình hoàn thành và lập hồ sơ thanh toán với Trung tâm để giảm trừ tạm ứng, các bị cáo đã lừa dối nhân viên, yêu cầu họ ký tên vào danh sách phân phối tiền lương để thanh toán với Trung tâm (thực chất số tiền nhân viên nhận được ít hơn số tiền trong danh sách). Tổng số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt của Trung tâm là 7.864.426.271đ.

Trong các công trình được giao cho 03 đội, có công trình đã hoàn thành thủ tục thanh toán với Trung tâm, công trình đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán, nên cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã tách số tiền các bị cáo đã tạm ứng thành 02 phần:

– Đối với các công trình đã hoàn thành, đã được thanh toán: Theo Điều 2 quy chế làm việc thì Đội trưởng phải ghi nhật ký công trình, chấm công thể hiện công việc đã làm hoặc công trình đã thực hiện, làm thang điểm chấm công và cơ sở để trả công lao động. Tuy nhiên, các bị cáo đã không ghi nhật ký, không chấm công khi thực hiện công việc. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã áp dụng cách tính bình quân (giá trị tổng số công việc/tổng số nhân viên) để xác định số tiền mà mỗi nhân viên được hưởng. Theo đó, so sánh đối chiếu với số tiền mà các bị cáo đã thực chi cho nhân viên để xác định số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt, phần tiền chi thiếu cho nhân viên chính là số tiền các bị cáo chiếm đoạt. Với hành vi như trên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định các bị cáo phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, người bị hại là nhân viên trong các đội do các bị cáo làm đội trưởng.

– Đối với các công trình đã hoàn thành, nhưng chưa được thanh toán: Số tiền còn lại sau khi lấy số tiền tạm ứng – số tiền được duyệt thanh toán (đối với các công trình đã được thanh toán) chính là số tiền tạm ứng cho các công trình chưa được thanh toán. Lấy số tiền này – số tiền các bị cáo được tạm ứng (70% giá trị công trình) chính là số tiền các bị cáo chiếm đoạt. Tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền này là các bị cáo chiếm đoạt của Trung tâm, nên hành vi này là phạm tội “Tham ô tài sản”, người bị hại là Trung tâm.

[3.2] Đối với Bùi Quang A: Bị cáo là giám đốc điều hành Trung tâm nhưng đã duyệt cho 03 bị cáo H, T1, K1 tạm ứng với số tiền lớn, chứng từ không rõ ràng, tạo điều kiện cho các bị cáo chiếm đoạt tiền của Trung tâm. Từ nhận định đó Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo A tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

[3.3] Nội dung các kháng cáo và quyết định kháng nghị:

Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo đều kháng cáo kêu oan và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm với các nội dung chính như sau:

– Các cơ quan tiến hành Tố tụng cấp sơ thẩm xác định chưa chính xác tội phạm mà các bị cáo H, T1, K1 đã thực hiện gây bất lợi cho các bị cáo.

– Đối với bị cáo A ngoài hành vi phạm tội đã bị xét xử, còn có hành vi vi phạm pháp luật đã đuọc phát hiện nhưng chưa được tiến hành điều tra xử lý.

– Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội đối với Phan Thùy L10 và Trương Lê Q4.

[4] Nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm:

[4.1] Theo quy chế làm việc của Trung tâm K thì sau khi nhận hợp đồng, Giám đốc Trung tâm sẽ ký “Biên bản thỏa thuận về việc giao nhận nhiệm vụ” với 03 đội thực hiện. Nguồn thu từ các công trình sẽ được phân chia theo tỷ lệ 30% số tiền thu (không tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập chịu thuế tính trước) được Trung tâm giữ lại để chi cho bộ phận hành chính và 70% còn lại được chi cho các đội (người làm ra sản phẩm). Khi nhận nhiệm vụ, Đội trưởng có quyền thay mặt đội tạm ứng tiền để thực hiện công trình.

Thứ nhất, đối với các công trình hoàn thành, đã thanh toán:

– Theo nội dung trên thì các đội nhận thực hiện công trình theo hình thức giao khoán công việc. Trong 70% giá trị của công trình mà đội trưởng ứng từ Trung tâm bao gồm cả chi phí để phục vụ công trình và tiền lương nhân viên cho công trình đó cùng với các khoản thưởng (nếu có). Vậy, số tiền để chi lương thưởng cho nhân viên phải là số tiền còn lại (của 70% giá trị công trình – Chi phí thực tế thực hiện công trình). Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa làm rõ chi phí này ở mỗi công trình, mà xác định số tiền được duyệt thanh toán chính là số tiền chi lương cho nhân viên, từ đó kết luận các bị cáo chiếm đoạt tài sản (tiền lương nhân viên) là chưa cụ thể và chính xác.

– Mặt khác, theo quy chế làm việc thì tiền lương nhân viên được tính dựa trên công lao động (tăng ca, ngoài giờ và khoán việc). Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo và bị hại (nhân viên của đội) đều xác định sản phẩm làm ra không chia đều cho cả đội được hưởng, mà chia theo sự thỏa thuận trong đội thông qua công sức từng người, từng bộ phận. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng do các bị cáo không ghi nhật ký công trình, không chấm công nên áp dụng biện pháp bình quân để tính lương nhân viên.

Xét thấy, ngoài căn cứ vào nhật ký công trình và bảng chấm công của các bị cáo, thì vẫn có cơ sở để xác định ngày công lao động đó là chính lời khai của nhân viên (người trực tiếp thực hiện công việc). Hơn nữa, trong số tiền lương đã chi thì các bị cáo chi mỗi nhân viên với số tiền khác nhau. Điều này chứng tỏ mặc dù không lập bảng nhật ký công trình, không chấm công nhưng bằng việc chi lương trên thực tế, các bị cáo đã có sự phân hóa công lao động. Do đó, việc cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng phương pháp tính bình quân khi xác định tiền lương là ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người bị hại (nhân viên trong đội).

Thứ hai, đối với các công trình hoàn thành, chưa thanh toán:

Căn cứ vào giá trị công trình thể hiện trên hợp đồng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định 70% số tiền đội được hưởng. Từ đó, so sánh với số tiền tạm ứng để xác định số tiền các bị cáo đã tạm ứng vượt mức cho phép và cho rằng đó là số tiền chiếm đoạt. Xét thấy, việc các bị cáo tạm ứng vượt mức quy định (70%) là hành vi cố ý làm trái với chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng việc chứng minh các bị cáo có chiếm đoạt toàn bộ số tiền này hay không thì cần phải căn cứ vào kết quả quyết toán công trình, và số tiền tạm ứng vượt (nếu có) có được khấu trừ cho khoản tạm ứng của công trình đang thi công khác không. Trong trường hợp không có chứng từ quyết toán tạm ứng do lỗi các bị cáo không lập chứng từ thu chi thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải giám định giá trị các công trình đã hoàn thành để xác định giá trị công trình. Từ có mới có căn cứ để chứng minh các bị cáo có chiếm đoạt tiền hay không và số tiền đã chiếm đoạt là bao nhiêu. Tương tự như vậy đối với các công trình không ứng vượt để xác định các bị cáo đã chiếm đoạt tiền lương của các nhân viên trong đội sản suất?

[4.2] Căn cứ các Hợp đồng Lao động thì các bị cáo Bùi Mạnh H, Lê Trung K1, Ngô Văn T1 và nhân viên trong đội làm việc thông qua hợp đồng lao động với Trung tâm. Mặc dù, các bị cáo được quyền chấm công và chi trả lương cho nhân viên theo ngày công lao động, nhưng đây là nhiệm vụ công việc được quy định trong quy chế làm việc. Việc chi thanh toán lương cho các bị cáo và nhân viên trong đội phải được Giám đốc Trung tâm phê duyệt. Người chi trả lương cho nhân viên là Trung tâm theo hợp đồng lao động. Các bị cáo chỉ giữ vai trò là trung gian chuyển lương từ Trung tâm đến nhân viên. Do vậy, việc các bị cáo không chi trả lương cho nhân viên đúng theo số tiền được duyệt là hành vi cố ý làm trái với chức năng, nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt tiền của Trung tâm, chứ không phải là chiếm đoạt tiền của nhân viên trong đội. Nếu không được nhận đủ số lương thì nhân viên có quyền yêu cầu Trung tâm (người sử dụng lao động) thực hiện việc chi trả đúng theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ các chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và lời khai của các bị cáo, nhân viên trong đội và các nhân chứng kế toán thì, ngoài khoản lương theo hợp đồng các nhân viên trong đội sản xuất và bị cáo còn được huởng lương do tăng năng suất và tiết kiệm chi phí thi công nằm trong khoản tiền 70% mà các bị cáo ứng từ trung tâm để thi công công trình.

Vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định các bị cáo có chiếm đoạt số tiền lương của nhân viên trong đội là lương theo hợp đồng lao động hay là lương thu nhập (nằm trong khoản tạm ứng 70%) do việc vượt kế hoạch trong thi công công trình. Trong trường hợp các bị cáo chiếm đoạt tiền lương theo hợp đồng ký kết thì xác định bị hại là pháp nhân (Trung tâm) và nhân viên trong đội là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trường hợp các bị cáo chiếm đoạt tiền lương thu nhập (nằm trong khoản tạm ứng 70%) do việc vượt kế hoạt trong thi công Công trình thì xác định các nhân viên trong đội sản suất là bị hại không sai.

[4.3] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo K1, H, T1:

Các bị cáo cùng thực hiện hành vi sai là tạm ứng tiền thi công công trình chưa đúng với quy định của trung tâm cụ thể là: Việc tạm ứng vượt số tiền thi công theo quy định là 70%; Không thanh toán quyết toán các công trình đã hoàn thành mà tiếp tục tạm ứng các công trình khác; Trong quá trình chi tiêu tiền tạm ứng không chấm công, ghi nhật ký công trình và lưu giữ các hóa đơn chứng từ mua vật tư thi công Công trình. Hậu quả không trả lương thưởng đầy đủ cho các nhân viên trong đội sản suất; Không quyết toán được các khoản tạm ứng theo quy định (70%) và không trả được khoản tiền ứng vượt của Trung tâm. Với hành vi và hậu quả nên trên các bị cáo K1, T1, H đã bị cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm quy kết về hành vi chiếm đoạt tài sản. Riêng bị cáo A thì cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng không chứng minh được việc bị cáo có được chia tiền chiếm đoạt nên đã truy tố xét xử bị cáo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

[4.3.1] Xét tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là 02 tội trong cùng nhóm tội chức vụ và có dấu hiệu đặc trưng khi thực hiện hành vi phạm tội là lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản, nhưng khác biệt cơ bản là: Dấu hiệu đặc trưng của tội “Tham ô tài sản” là các bị cáo chiếm đoạt tài sản của pháp nhân; còn tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là chiếm đoạt tài sản của cả cá nhân và pháp nhân.

Như đã phân tích tại phần [4.1] thì việc xác định các bị cáo có ứng vượt hay không và ứng vượt có chi phí hết vào công trình hay không, khoản ứng vượt có được khấu trừ vào các công trình khác là có ý nghĩa vô cùng quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” của các bị cáo.

[4.3.2] Đối với bị cáo Bùi Quang A: Trong quá trình lãnh đạo, điều hành Trung tâm, bị cáo A duyệt cho Lê Trung K1, Ngô Văn T1, Bùi Mạnh H tạm ứng với số tiền rất lớn. Trong đó, có những khoản tạm ứng không ghi rõ nội dung, mục đích tạm ứng mà ghi chung chung “Công trình nhỏ lẻ”, không kiểm tra quản lý và yêu cầu thanh toán mà liên tiếp duyệt tạm ứng là vi phạm quy định của luật Kế toán, Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC, ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

Trong quá trình điều tra, các bị cáo Bùi Mạnh H, Lê Trung K1, Ngô Văn T1 đã từng xác định: Trên phiếu ứng thì còn nợ tiền tạm ứng công trình (cả chính quy và nhỏ lẻ) nhưng số tiền nợ tạm ứng các bị cáo không sử dụng cho mục đích cá nhân hay cho các công trình mà giao lại cho bị cáo Bùi Quang A. Các sổ sách theo dõi thu chi cá nhân liên quan đến tiền tạm ứng công trình đã giao nộp đủ cho Cơ quan điều tra. Cụ thể: Bị cáo K1 đưa 52 lần 3.503.750.000đ, H đưa 33 lần 3.501.000.000đ, T1 đưa 30 lần 815.000.000đ. Phần lời khai này tuy bị cáo A không thừa nhận nhưng lời khai người làm chứng là kế toán trung tâm xác nhận có một số lần nhận tiền từ các bị cáo gửi cho bị cáo A nhưng không hỏi các bị cáo về nội dung đây là tiền gì.

Từ khi mở phiên tòa sơ thẩm lần 1 cho đến nay, các bị cáo thay đổi lời khai cho rằng có một số công trình đã hoàn thành, nhưng Trung tâm chưa quyết toán nên còn “treo nợ” chứ thực tế không đưa tiền cho bị cáo A. Xét thấy, quá trình tố tụng vụ án trong thời gian dài, trong điều kiện các bị cáo T1, K1, H đều tại ngoại và có thay đổi lời khai ban đầu gây ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ có khả năng thông cung giữa các bị cáo khi xem xét, sử dụng lời khai mới của các bị cáo K1, T1, H để loại trừ tính đồng phạm của bị cáo A.

Mặt khác, với vai trò là giám đốc Trung tâm bị cáo A ký duyệt tạm ứng khi chứng từ không đầy đủ, tạo điều kiện cho các bị cáo còn lại tiếp tục tạm ứng số tiền vượt mức cho phép rất nhiều lần. Việc làm này là để tạo điều kiện cho các bị cáo T1, K1, H thực hiện trót lọt hành vi vi phạm pháp luật được lặp đi lặp lại nhiều lần (Dấu hiệu đồng phạm giúp sức). Do vậy, lời khai ban đầu của các bị cáo T1, H, K1 là phù hợp với thực tế khách quan, bên cạnh đó còn có lời khai người làm chứng xác định về việc các bị cáo T1, H, K1 có gửi tiền nhờ đưa giùm cho bị cáo A. Từ những phân tích trên cho thấy, việc cơ quan tiến hành tố tụng truy tố xét xử bị cáo A phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng với tính chất hành vi phạm tội mà bị cáo A đã thực hiện.

[4.3.3] Đối với hành vi của kế toán Phan Thùy L10 và Trương Lê Q4:

– Phan Thùy L10 là người trực tiếp lập phiếu thu 00713, 00714 và hạch toán giảm tạm ứng của bị cáo Lê Trung K1 (giảm 2.069.418.157đ) và bị cáo Bùi Mạnh H (giảm 1.356.977.472đ) dựa trên “Danh sách thu nhập tạm tính” không có nhân viên Trung tâm ký tên nhận tiền. Phan Thùy L10 trình bày do giám đốc Trung tâm chỉ đạo giảm trừ tạm ứng cho bị cáo Lê Trung K1 và bị cáo Bùi Mạnh H nhưng do chứng từ thanh toán không có nhân viên ký tên, Phan Thùy L10 không dám giảm trừ tạm ứng vì sợ mất tài sản của Trung tâm nên đồng thời giảm tạm ứng tài khoản 312 (tạm ứng) nhưng chuyển theo dõi sang tài khoản 643 (chi phí trả trước).

– Trương Lê Q4 là người trực tiếp kiểm tra và đề xuất thanh toán 57 công trình, giá trị 1.760.098.813đ, nhưng không có chứng từ quy định (danh sách phân phối tiền lương, giấy đi đường, hóa đơn…). Trong đó, bị cáo Lê Trung K1 được thanh toán 23 công trình, giá trị 614.542.578đ; bị cáo Ngô Văn T1 được thanh toán 19 công trình giá trị 699.531.370đ; bị cáo Bùi Mạnh H được thanh toán 15 công trình giá trị 446.024.865đ.

Quá trình điều tra chứng minh, Phan Thùy L10 và Trương Lê Q4 không có câu kết hay giúp sức cho các bị cáo Bùi Mạnh H, Lê Trung K1, Ngô Văn T1 chiếm đoạt tiền của Trung tâm và cũng không được hưởng lợi từ việc làm vi phạm, nên không có căn cứ xử lý với vai trò đồng phạm với các bị cáo H, K1. Tuy nhiên, Phan Thùy L10 và Trương Lê Q4 am hiểu quy định nghiệp vụ về kế toán, tài chính, nhưng lại cố ý thực hiện không đúng quy định của luật Kế toán tạo điều kiện cho các bị cáo còn lại thực hiện hành vi. Do đó, nếu có đủ căn cứ chứng minh các bị cáo còn lại thực hiện hành vi phạm tội để chiếm đoạt tài sản, thì hành vi của Phan Thùy L10 và Trương Lê Q4 có dấu hiệu phạm tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng Phan Thùy L10, Trương Lê Q4 có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, thời điểm phát hiện, xem xét xử lý đối với L10 và Q4, thì Bộ luật Hình sự 1999 hết hiệu luật thi hành. Còn Bộ luật Hình sự 2015 tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” không còn quy định. Đối chiếu với những vi phạm của Phan Thùy L10 và Trương Lê Q4 tại Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Quy phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” thì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính về sai phạm trong lĩnh vực kế toán đối với L10 và Q4 là không phù hợp.

[4.4] Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo Bùi Mạnh H, Lê Trung K1, Ngô Văn T1 về tội phạm chức vụ và tuyên buộc các bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền chiếm đoạt, nhưng không điều tra về tài sản để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản (nếu có), phong tỏa tài khoản (nếu có) để đảm bảo cho việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là giải quyết vụ án chưa triệt để theo quy định pháp luật.

[5] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã có những sai sót về tố tụng gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Những sai sót nêu trên của cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể sửa chữa khắc phục. Một phần nhận định trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với nhận định trên của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của các bị cáo, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 06/2021/HSST ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu; Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu để giải quyết lại từ giai đoạn điều tra để điều tra lại vụ án theo quy định pháp luật.

[6] Do bản án sơ thẩm bị hủy để giải quyết lại nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

 [Nguồn: Bản án phúc thẩm số 258/2022/HS-PT Ngày 27/4/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]

Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:

📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn

♥️ Fanpage and Group:

https://www.facebook.com/fdvnlawfirm

https://www.facebook.com/lawyersindanang

https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat

https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam

🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Xem file đính kèm toàn văn Bản án: Bản án phúc thẩm số 258/2022/HS-PT

 

Bài viết liên quan