Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / [NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] Bản án bị hủy vì chưa thu thập chứng cứ hồ sơ tài liệu về quá trình sử dụng và cấp Giấy CNQSDĐ

[NGHIÊN CỨU LUẬT MỖI NGÀY] Bản án bị hủy vì chưa thu thập chứng cứ hồ sơ tài liệu về quá trình sử dụng và cấp Giấy CNQSDĐ

17. Bản án bị hủy vì chưa thu thập chứng cứ hồ sơ tài liệu về quá trình sử dụng và cấp Giấy CNQSDĐ

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ nhất vào ngày 16/03/2022, nhưng phải hoãn phiên tòa vì Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà Ngô Ngọc L (người kháng cáo) có đơn xin hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ hai vào ngày hôm nay, 12/04/2022. Những đương sự có mặt gồm có: người kháng cáo là Ngô Ngọc L, do ông Ngô Minh Đ đại diện; ông Trần Văn M, bà Ngô Thị Minh K và ông Trần Chí D, cùng do ông Trần Chí D đại diện; bà Ngô Thị Minh T, ông Ngô Minh T; ông Ngô Minh H, bà Ngô Châu M và ông Ngô Minh Đ, cùng do ông Ngô Minh Đ làm đại diện. Những đương sự vắng mặt do họ có yêu cầu xét xử vắng mặt: Ủy ban nhân dân huyện M C N, tỉnh Bến Tre; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre.

Xét thấy, Tòa án cấp phúc thẩm đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn có người không kháng cáo, vắng mặt. Do đó, việc xét xử được tiến hành theo luật định.

[2] Về nội dung giải quyết vụ án:

[2.1] Về mối quan hệ nhân thân của các đương sự:

Vợ-chồng ông Ngô Hữu Nghĩa-bà Nguyễn Thị Ánh (đều đã chết) là cha- mẹ của ông Ngô Khắc Thiệu. Ông Ngô Khắc Thiệu (chết vào năm 1977) và bà Lê Thị Hảo (chết vào năm 2005) là vợ-chồng, có hai người con, kể tên như sau:

– Ông Ngô Minh Triết (chết vào năm 1980), có người vợ là bà Bùi Thị Quyền (chết vào năm 2006). Ông Ngô Minh Triết-bà Bùi Thị Quyền có những người con sau đây: bà Ngô Thị Minh K; bà Ngô Châu M; ông Ngô Minh T; ông Ngô Minh H; ông Ngô Minh Đ; ông Ngô Minh Đ; bà Ngô Thị Minh T;

– Bà Ngô Ngọc L.

[2.2] Về nội dung giải quyết vụ án:

[2.2.1] Về nguồn gốc tạo lập phần đất tranh chấp:

Theo các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai thừa nhận của các bên đương sự tranh chấp, thì nguồn gốc tạo lập thửa đất số 262 (diện tích 73,6 m2) và thửa đất số 277 (diện tích 3.603,4 m2), tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre, như sau:

-Trước ngày 30/04/1975, ông Ngô Hữu Nghĩa là điền chủ, có nhiều ruộng đất tại Bến Tre, mà trong đó, có thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre nói trên. Sau khi ông Ngô Hữu Nghĩa mất, thì bà Nguyễn Thị Ánh (là người vợ) lập “Tờ phá hương hỏa và thuận phân” vào ngày 06/05/1959 (có sự thị chứng của Hội đồng xã Bình Khánh, tổng Minh Quới, quận Mỏ Cày) để phân chia ruộng đất cho con, cháu trong gia đình. Cũng theo “Tờ phá hương hỏa và thuận phân” vào ngày 06/05/1959, bà Nguyễn Thị Ánh chia cho ông Ngô Khắc Thiệu nhiều ruộng đất (để làm đất hương hỏa, mồ mả và cho riêng một phần đất khác), trong đó có thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre.

Nguồn gốc tạo lập (của thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre) như đã phân tích nói trên, cũng được Tòa án cấp sơ thẩm thừa nhận là đúng (từ dòng thứ 09 đến dòng thứ 18, trên xuống-trang số 10-bản án sơ thẩm).

Như vậy, về nguồn gốc tạo lập, thì đã có đủ căn cứ pháp lý xác định rằng thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre, do vợ-chồng ông Ngô Hữu Nghĩa tạo lập, để lại cho ông Ngô Khắc Thiệu theo “Tờ phá hương hỏa và thuận phân” vào ngày 06/05/1959.

[2.2.2] Về trách nhiệm chứng minh và cách đánh giá chứng cứ:

Mặc dù thừa nhận nguồn gốc tạo lập hai thửa đất tranh chấp như đã phân tích nói trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng toàn bộ số ruộng đất mà ông Ngô Khắc Thiệu được hưởng (từ sự phân chia của ông Ngô Hữu Nghĩa-bà Nguyễn Thị Ánh) đã bị chính quyền tại miền Nam trước ngày 30/04/1975 “Truất hữu” (thuật ngữ pháp lý “Truất hữu” được hiểu là hành vi của Nhà nước khi tước đoạt quyền sở hữu tài sản của ai đó/hoặc là hành vi của Nhà nước cưỡng bách, buộc chuyển quyền sở hữu tài sản của ai đó, cho người khác).

Bằng chứng mà Tòa án cấp sơ thẩm nêu ra (để đưa đến lập luận nói trên) là “Giấy ủy quyền” do ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo lập vào ngày 01/09/1971 và “Tờ ủy quyền” do ông Ngô Khắc Thiệu lập vào ngày 15/03/1975 (hai văn bản này đều được chính quyền địa phương xác nhận).

Cũng theo lập luận của Tòa án cấp sơ thẩm, bởi vì phía nguyên đơn bà Ngô Ngọc L không chứng minh được rằng thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre, là tài sản còn lại của ông Ngô Khắc Thiệu không bị “Truất hữu”, nên Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Lập luận nói trên của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng về trách nhiệm dẫn chứng và không đúng về cách đánh giá chứng cứ; lý do như sau:

-Về đánh giá chứng cứ: mặc dù tại “Giấy ủy quyền” lập vào ngày 01/09/1971 và “Tờ ủy quyền” lập vào ngày 15/03/1975, ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo có đề cập đến việc ruộng đất (của ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo) bị truất hữu (đồng thời, ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo ủy quyền cho hai người con, là ông Ngô Minh Triết, bà Ngô Ngọc L, làm thủ tục để nhận bồi thường), nhưng hai văn bản này hoàn toàn không xác định cụ thể rằng số ruộng đất bị truất hữu là số ruộng đất tại nơi nào, có bao gồm thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre, hay không? Như vậy, nếu căn cứ vào “Giấy ủy quyền” lập vào ngày 01/09/1971 và “Tờ ủy quyền” lập vào ngày 15/03/1975 để cho rằng thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre, là tài sản của ông Ngô Khắc Thiệu đã bị truất hữu, thì cách đánh giá chứng cứ như vậy, là không đúng pháp luật;

-Về trách nhiệm chứng minh: sự kiện “Thửa đất số 262 và thửa 277, cùng tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre, là tài sản của ông Ngô Khắc Thiệu đã bị truất hữu” là do phía bị đơn (ông Trần Văn M, bà Ngô Thị Minh K và ông Trần Chí D) nêu ra. Vì vậy, về trách nhiệm chứng minh, phía bị đơn phải đưa ra các bằng chứng để chứng minh rằng sự kiện đó, là đúng, là có thật; phía nguyên đơn (bà Ngô Ngọc L) không có trách nhiệm phải chứng minh điều này (xem Điều 6; Điều 91 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 về trách nhiệm chứng minh). Trong bối cảnh đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm đặt gánh nặng dẫn chứng lên vai phía nguyên đơn, là áp dụng pháp luật không đúng về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng Dân sự (xem từ dòng thứ 19 đến dòng thứ 24, trên xuống-trang số 10-bản án sơ thẩm).

[2.2.3] Về việc thu thập chứng cứ:

Về mặt pháp lý, hiện nay, thửa đất số 262 (diện tích 73,6 m2) và thửa đất số 277 (diện tích 3.603,4 m2), tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại ấp Ph T, xã A Đ, huyện M C N, tỉnh Bến Tre đều do ông Trần Chí D đứng tên chủ sử dụng theo chứng nhận quyền sử dụng đất số CL937273 ngày 19/12/2017 (thửa số 262) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CL937272 ngày 19/12/2017 (thửa số 277) do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cấp.

Nguồn gốc xuất phát của hai thửa đất nói trên là từ một thửa đất số 1813, tờ bản đồ số 4, diện tích là 3.520 m2 do bà Ngô Thị Minh K đứng tên chủ sử dụng, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K665266 ngày 28/03/1997 do Ủy ban nhân dân huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cấp lần đầu.

Đến năm 2013, bà Ngô Thị Minh K bắt đầu làm các thủ tục hành chính để tách thửa đất số 1813, tờ bản đồ số 4, thành hai thửa đất khác nhau. Đến năm 2014, Ủy ban nhân dân huyện M C N đã chấp nhận yêu cầu tách thửa đất của bà Ngô Thị Minh K, cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai thửa đất mới, số 262 và số 277, cho ông Trần Văn M-bà Ngô Thị Minh K (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR766002 và số BR766003 cùng ngày 28/08/2014). Sau đó, vào ngày 17/11/2017, ông Trần Văn M-bà Ngô Thị Minh K lập hợp đồng, tặng-cho hai thửa đất số 262; số 277 cho ông Trần Chí D (hợp đồng công chứng tại Văn phòng Công chứng Lê Hùng Dũng, huyện Ch Th, tỉnh Bến Tre).

Như vậy, hai thửa đất số 262; số 277, tờ bản đồ số 24, có nguồn gốc từ thửa đất số 1813, tờ bản đồ số 4, tách ra; thửa đất này (thửa đất số 1813) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào năm 1997 cho bà Ngô Thị Minh K. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ để làm rõ những vấn đề sau đây:

-Theo sự thừa nhận của phía bị đơn, vào năm 1976, vợ-chồng ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo cùng với vợ-chồng ông Ngô Minh Triết-bà Bùi Thị Quyền đã kêu gọi gia đình ông Trần Văn M-bà Ngô Thị Minh K về cư trú và quản lý hai thửa đất số 262; số 277. Sau đó, gia đình ông Trần Văn M-bà Ngô Thị Minh K kê khai, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hai thửa đất số 262; số 277, lần đầu vào năm 1997. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ để xác định rằng hai thửa đất số 262; số 277 không phải đất hoang do ông Trần Văn M-bà Ngô Thị Minh K khai phá mà có; việc gia đình ông Trần Văn M-bà Ngô Thị Minh K chiếm hữu, sử dụng đất vào năm 1976 là do đồng ý của vợ-chồng ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo và vợ-chồng ông Ngô Minh Triết-bà Bùi Thị Quyền. Ông Ngô Khắc Thiệu chết vào năm 1977; bà Lê Thị Hảo chết vào năm 2005.

Như vậy, khi bà Ngô Thị Minh K được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997, thì bà Lê Thị Hảo vẫn còn sống. Tòa án cấp sơ thẩm có thu thập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Ngô Thị Minh K nhưng toàn bộ hồ sơ này không thể hiện rõ căn cứ pháp lý của việc xác lập quyền sử dụng đất của bà Ngô Thị Minh K (xác lập do mua-bán, do tặng-cho, do thừa kế hay do sự kiện pháp lý nào khác? Việc xác lập quyền sử dụng đất có sự đồng ý của bà Lê Thị Hảo hay không?).

-Ruộng đất là bất động sản. Vì vậy, sự chiếm hữu, sử dụng trong thực tế là một bằng chứng quan trọng nhưng không phải là bằng chứng duy nhất về quyền sở hữu (hoặc sử dụng). Mặc dù phía bị đơn có bằng chứng là sự chiếm hữu, sử dụng đất (và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng bằng chứng này phải được xem xét trong mối tương quan với những bằng chứng khác; lý do như sau: việc phía bị đơn chiếm hữu, sử dụng hai thửa đất số 262; số 277 từ năm 1976, là do sự đồng ý của ông Ngô Khắc Thiệu-bà Lê Thị Hảo (như đã phân tích ở phần trên). Vì vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1976 cho đến năm 1997 (trước thời điểm bà Ngô Thị Minh K được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), Tòa án cần phải thu thập chứng cứ để làm rõ ai là người kê khai, đăng ký đất; ai là người đóng thuế đất hàng năm, để làm căn cứ xác định tính hợp pháp của việc xác lập quyền sử dụng đất sau này của bà Ngô Thị Minh K.

Trong khi chưa thu thập chứng cứ để làm rõ những vấn đề nói trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Ngọc L, là chưa có căn cứ pháp luật.

[3] Với những tình tiết của vụ án và bằng chứng được xem xét, phân tích ở phần trên, thì có căn cứ kết luận rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án và đánh giá chưa đúng về những chứng cứ đã có.

Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án.

[Nguồn: Bản án phúc thẩm số 211/2022/DS-PT Ngày 12/4/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH]

Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:

📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn

♥️ Fanpage and Group:

https://www.facebook.com/fdvnlawfirm

https://www.facebook.com/lawyersindanang

https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat

https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam

🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Xem file đính kèm toàn văn Bản án: Bản án phúc thẩm số 211/2022/DS-PT

Bài viết liên quan