- Bản án bị hủy vì chưa điều tra rõ các yếu tố cấu thành tội phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[1] Phiên tòa phúc thẩm đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai; cấp phúc thẩm có triệu tập bị hại là bà Nguyễn Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Ngọc T để làm rõ một số tình tiết trong vụ án, nhưng bà H vắng mặt không lý do, còn ông T bị nhiễm Covid-19 nên xin vắng mặt; do đó, Hội đồng quyết định tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án theo đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.
[2] Nguyễn Ngọc T là nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng V – Thành phố T; Nguyễn Ngọc T và Nguyễn Tất T là anh em họ hàng với nhau và cùng trú tại khối phố H, phường H, thành phố T, tỉnh Quảng Nam. Tháng 5/2017 T cần tiền nên gặp và nói dối T là mình cần tiền phục vụ kinh doanh xây dựng công trình, T tin lời T và muốn giúp T nên nói cho T là biết bà H chỉ cho vay “đáo hạn Ngân hàng” nên muốn vay được tiền phải nói dối vay để đáo hạn tại Ngân hàng T làm việc. Ngày 20/5/2017, T và T đến gặp bà H tại nhà bà H, cùng nói dối bà H là mượn tiền để T là người làm hồ sơ đáo hạn khoản vay của T tại Ngân hàng T làm việc, sẽ trả cho bà H trong thời hạn 10 ngày. Bà H tin nên giao cho T 900.000.000 đồng, đồng thời lập GIẤY MƯỢN TIỀN ngày 20/5/2017, yêu cầu T ký, ghi họ tên Nguyễn Tất T vào mục Người viết giấy mượn tiền, yêu cầu T ký, ghi họ tên Nguyễn Ngọc T vào mục Người bảo lĩnh, Giấy bà H giữ và cung cấp (bút lục 40). T khai, sau khi mượn được tiền, đã đưa toàn bộ 900 triệu đồng cho em gái là Nguyễn Thị Ái V để trả nợ, V đã bỏ đi khỏi nơi cư trú không rõ địa chỉ từ tháng 5/2017.
[3] Khi đến hạn trả tiền, bà H liên tục gọi điện hối thúc T và T trả tiền, nhưng T và T tiếp tục nói dối bà H là đang làm thủ tục đáo hạn Ngân hàng nên chưa trả tiền được. Khoảng 02 tháng sau, T và T thừa nhận với bà H không sử dụng số tiền mượn vào việc đáo hạn Ngân hàng mà nói vậy để bà H tin cho mượn tiền. Ngày 10/7/2017, T viết Giấy hẹn trả nợ cam kết đến ngày 17/7/2017 trả 500 triệu đồng, còn lại 400 triệu đồng sẽ trả dứt điểm vào ngày 25/7/2017; cuối Giấy, T viết “Tôi là Nguyễn Ngọc T…cam kết sẽ đốc thúc ông T trả nợ cho cô H theo đúng thời gian T cam kết, nếu ông T không trả Tôi sẽ có trách nhiệm trả nợ cô H”, bà H là người giữ Giấy và xuất trình (bl 41). Ngày 22/7/2017, T cho T mượn 480.000.000 đồng trả bà H. Ngày 20/8/2021, T trả bà Nguyễn Thị H 10.000.000 đồng (bl 223). Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/11/2021 T trả bà H 5.000.000 đồng, ngày 20/12/2021 T trả bà H 4.000.000 đồng, ngày 30/01/2022 T trả bà H 4.000.000 đồng,
[4] Theo quy định tại Bộ luật hình sự thì Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm, Khách thể của tội phạm cụ thể là quan hệ xã hội cụ thể được luật hình sự bảo vệ; trong vụ án này khách thể của tội phạm (nếu bị xâm phạm) là quyền sở hữu tài sản của bà Nguyễn Thị H. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy với các chứng cứ, tình tiết nêu trên thì bà H sẽ không cho T mượn tiền: (i) nếu T không phải là Nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng V – Thành phố T và đã từng nhiều lần môi giới để bà H đưa tiền cho T để T thực hiện việc“đáo hạn” cho nhiều người tại Ngân hàng V – Thành phố T, đổi lại bà H ngoài việc nhận lại tiền cho mượn, còn được hưởng lãi cao; (ii) nếu T không cùng đi với T và cùng nói dối bà H mượn tiền để T thực hiện việc“đáo hạn khoản tiền T vay” tại Ngân hàng V – Thành phố T (nơi T công tác). Như vậy, lý do bà H giao 900 triệu để T thực hiện “đáo hạn khoản tiền T vay Ngân hàng” là vì bà H hoàn toàn tin T và bà H còn buộc T viết cam kết bảo lãnh nếu T không trả thì T trả thay vào GIẤY MƯỢN TIỀN ngày 20/5/2017 và bà H giữ giấy. Do đó, cần điều tra làm rõ khi giao 900 triệu đồng bà H có nảy sinh suy nghĩ sợ không lấy lại được tiền hay không? nếu có nảy sinh suy nghĩ này thì lý do bà H vẫn giao tiền? khi T, T vi phạm thời hạn trả tiền thì bà H suy nghĩ như thế nào khi yêu cầu T và T viết Giấy hẹn trả nợ ngày 10/7/2017 mà không gửi ngay Đơn tố giác tội phạm đến Công an? làm rõ điều kiện kinh tế của gia đình T, của cha, mẹ, anh, chị, em ruột của T và hỏi bà H có biết vấn đề này không? hỏi bà H việc sau khi xét xử sơ thẩm, bà H nhận thêm 3 lần tiền do T trả, vậy số tiền còn lại bà H dự tính sẽ yêu cầu ai trả? và cũng cần điều tra làm rõ bà H cho “mượn tiền” hay cho “vay tiền” vì Giấy ghi là cho“mượn tiền” và nếu là cho “vay tiền” thì lãi suất là bao nhiêu? Chỉ trên cơ sở điều tra làm rõ những tình tiết, chứng cứ nêu trên mới đủ cơ sở kết luận Khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của bà H có bị xâm phạm hay không, từ đó mới đủ cơ sở kết luận có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm trong vụ án này hay không.
Do việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm;
[Nguồn: Bản án phúc thẩm số 46/2022/HS-PT Ngày 07/3/2022 của TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG]
Xem thêm các chia sẻ tài liệu pháp luật của chúng tôi tại các địa chỉ:
📣 Website: www.fdvn.vn hoặc www.fdvnlawfirm.vn
♥️ Fanpage and Group:
https://www.facebook.com/fdvnlawfirm
https://www.facebook.com/lawyersindanang
https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat
https://www.facebook.com/groups/saymengheluat
https://www.facebook.com/groups/legalforeignersinvietnam
🎵 Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
🎵 FDVN trên Tik Tok: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
☎️ Kênh Telegram FDVN: https://t.me/luatsufdvn
Xem file đính kèm toàn văn Bản án: Bản án phúc thẩm số 46/2022/HS-PT