Tôi là Nguyễn Thị T.T hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tôi có làm tại một công ty kế toán theo hợp đồng xác định thời hạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hiện nay do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên tôi xin phép nghỉ để đi xuất khẩu lao động. Vì công ty không chấp nhận lý do xin nghỉ của tôi nên phía công ty không trả bằng gốc cho tôi, tiền lương tháng cuối thì nói sẽ xem xét sau. Vậy mong Quý Công ty Luật FDVN (FDVN) có thể cho tôi biết phía công ty giữ bằng chính như vậy với tôi có đúng pháp luật hay không? Tôi xin nghỉ với lý do nêu trên thì có được chấp nhận không? Nếu trái pháp luật thì công ty có thể bị xử lý như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Căn cứ vào Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2020 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết hợp đồng lao động với người lao động như sau:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người sử dụng lao động không được giữ bản chính bằng của Quý Khách, hành vi đó là trái với quy định của pháp luật.
Căn cứ vào điểm d Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 thì Quý Khách có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp “bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.
Đồng thời tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động nêu cụ thể như sau:
“2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:
- a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;
- b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;
- c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.”
Như vậy, lý do chấm dứt hợp đồng lao động của Quý Khách là đúng với các quy định của pháp luật hiện nay. Do đó, Quý Khách có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Mặt khác tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
- Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”
Như vậy, công ty có trách nhiệm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động phải thanh toán đầy đủ nợ lương cũng như trả lại các giấy tờ cho Quý Khách.
[2]. Xử phạt đối với hành vi giữ bằng của người lao động
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về vi phạm về giao kết hợp đồng lao động như sau:
“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
- b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
- b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN